Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tử đạo - Đức tin

Tác giả: 
Lm Vinh Sơn

 

 

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên –Kính Trọng thể Các thánh tử đạo Việt Nam

 

TỬ ĐẠO – ĐỨC TIN

Mt 10, 17-22

 

 “Tử Đạo” theo nguyên ngữ là “Martyr” có nghĩa là “làm chứng”, chết vì Chúa Kitô đạt được niềm hạnh phúc như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao” (Mt 5,10-12; Lc 6,22).

 

Suốt ba thế kỷ trong nhiều thời kỳ bách đạo khác nhau, Giáo Hội Việt Nam đã sinh ra trên 100.000 ngàn vị anh hùng tử đạo, trong số đó có 117 vị được phong thánh, một Vị Chân phước tử đạo đầu tiên cho Giáo hội Việt Nam là thầy giảng Anrê Phú Yên. Hiện nay cũng có mười vị được tôn kính như là bậc “Đáng kính” và 1.000 vị được đứng vào bậc “tôi tớ Chúa”. Các tín hữu còn sót lại trong các cuộc bách hại cũng bị nhà tan cửa nát, trốn tránh vào những nơi rừng thiêng nước độc để giữ niềm tin, như các giáo dân chạy vào vùng La Vang, Quảng Trị, giống như xưa các Kitô hữu tiên khởi đã phải trốn vào sinh sống các hang toại đạo được đào sâu trong lòng đất ở ngoại ô Rôma.

 

Các ngài thuộc đủ mọi thành phần Dân Chúa: Giám mục, linh mục, thầy giảng, chủng sinh, giáo lý viên, trùm họ, chánh trương và anh chị em tín hữu. Về xã hội các ngài cũng thuộc mọi thành phần: Quan trong triều đình, chánh tổng, quan án, lý trưởng… quân nhân các cấp bậc, thương gia, nông dân, ngư dân hay nội trợ… Địa vị và chức nghiệp của các ngài không hề là trở ngại hay là lý do phân cách các ngài trong sứ mệnh làm chứng cho Đức Tin vào Đức Kitô, tất cả vì lòng tin và yêu mến Thiên Chúa và Đức Kitô.

 

Chiêm ngưỡng cha ông tử đạo để thể hiện tình yêu với Chúa Kitô, chúng ta - con cháu Rồng - Tiên biểu lộ tử đạo qua cuộc sống hằng ngày dù rằng chúng ta còn bất toàn và yếu đuối. Các ngài cũng như chúng ta cũng từng có những yếu đuối sa ngã của con người, như Thánh Luca Phạm Trọng Thìn, khi làm Chánh Tổng đã có một thời gian dan díu tình cảm với cô Trung, người làng Trà Lũ; hay như thánh Mátthêu Lê Văn Gẫm, một thương gia giàu có, đã từng yếu lòng đèo bồng thêm một cô vợ bé… Nhưng sau khi vị Linh hướng hay gia đình khuyên bảo nhắc nhở, các ngài ý thức được sự yếu đuối sai sót của mình và hết lòng ăn năn hối cải, quyết tâm đổi mới lại cuộc đời, sống tình bác ái Tin mừng theo gương Chúa Giêsu, trở nên gương sáng cho người khác, hết sức phục vụ Giáo Hội. Là con người bất toàn, dù yếu đuối, nhưng khiêm tốn, phó thác Thiên Chúa đã ban ân sủng, các ngài trở nên mạnh mẽ, trung kiên, can đảm nhận cái chết để làm chứng cho Đức Kitô.

 

Dịp mừng kính các vị anh hùng tử đạo cha ông, là thời gian và cơ hội quý báu giúp chúng ta – thế hệ con cháu, dù thuộc bất cứ thành phần nào cũng có thể nhìn vào các ngài soi chiếu để duyệt lại lại đức tin của chúng ta như Giáo Hội mời gọi: Đức tin can đảm, Tin vào Chúa là tất cả, Đức tin sống động được thể hiện qua lời nói việc làm như thánh Giacôbê xác tín “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17). Khi duyệt lại đời sống đức tin chúng ta, gần gũi và sống động nhất theo gương của các vị tiền bối mà tiến bước. Nhìn đức tin dưới ba khía cạnh cần duyệt lại, các anh hùng tử đạo nói chung và các anh hùng tử đạo Việt Nam đã làm chứng đức tin khi đổ máu đào tuyên xưng Đức Kitô:

 

  • Các chứng nhân Tử đạo mạnh mẽ đồng nhất từ tâm can đến cách hành xử can đảm chấp nhận gian nan và đi vào cái chết vì Chúa Kitô như chính Chúa Kitô đã chết cho các ngài. Tử đạo là chết vì Chúa Kitô, trong đơn thuần và tinh khiết, trong sáng và huyền diệu, can trường và khiêm nhu...
  • Với anh hùng tử đạo, các ngài nhìn nhận Chúa Kitô là tất cả sự chọn lựa. Không có sức mạnh nào ngay cả cái chết có thể tách rời sự kết hợp lòng yêu mến Chúa, các ngài mặc tâm tình như Thánh Phaolô đã khẳng định: "Ai có thế tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”. Trong gian nguy nhưng sẽ chiến thắng như thánh Tông đồ đã xác tín: “Trong mọi thử thách, chúng ta sẽ toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta" Và Ngài kết luận: "Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô Chúa chúng ta" (Rm 8, 35-39).
  • Các anh hùng tử đạo đã tuyên xưng đức mạnh mẽ bằng cái chết , dù trước sức mạnh của bạo quyền trong các nhục hình: Xử trảm (chặt đầu), bị xử giảo (thắt cổ), bị tra tấn và chết rũ tù, bị thiêu sống, bị lăng trì (phân thây bằng sức mạnh của dã thú), bá đao (hay còn gọi là tùng xẻo, mỗi tiếng trống cắt một miếng thịt làm đủ một trăm nhát), không thể làm các Ngài tách ra khỏi niềm tin, xa cách tình yêu Thiên Chúa mà trái lại các ngài luôn thể hiện niềm xác tín và tình yêu vào Đấng mà các ngài tin thờ.

 

 Khi duyệt lại đời sống đức tin và "tái khám phá hành trình Đức Tin để luôn làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say mới của việc gặp gỡ Đức Kitô" đồng thời, "khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng Đức Tin trong sự toàn vẹn và với niềm xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng" (Tự sắc Porta Fidei, số 2 và 9),

 

Thật thế, chúng ta con cháu noi gương đức tin của cha ông - các anh hùng Tử Đạo sống theo lời dạy của Thánh Phaolô:

 

"Hãy bén rễ sâu trong Đức Kitô, xây dựng trên nền tảng Đức Kitô và được củng cố trong đức tin" (Cl 2, 7).

 

   Lm. Vinh Sơn