Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vua chân lý và phục vụ

Tác giả: 
Lm Vinh Sơn

Chúa Nhật XXXIV Thường Niên B – Lễ Chúa Kitô Vua

VUA CHÂN LÝ VÀ PHỤC VỤ

Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33b-37

 

Vào thời Trung cổ, Hoàng tử Alexis của nước Nga cũng như bao vua chúa khác sống trong cung điện nguy nga tráng lệ, trong khi dân chúng chung quanh phải sống trong những khu xóm nghèo nàn tồi tệ. Thế nhưng Alexis rất hiểu nổi cơ cực của thần dân và cảm thương họ. Ông bỏ ra mỗi ngày một tí thời giờ để thăm họ. Nhưng dù cố gắng đến đâu, Alexis vẫn không thu phục được lòng yêu mến của thần dân. Vì thế, sau mỗi lần thăm họ trở về, ông thấy lòng mình buồn rười rượi…

 

Ngày kia, có một người lạ mặt đi vào khu xóm, ăn mặc đơn sơ, anh tự xưng là bác sĩ, anh săn sóc những người già cả, bệnh tật. Đặc biệt, bác sĩ không lấy tiền thù lao, và còn phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân.

 

Bác sĩ ấy trở thành người của xóm nghèo, được mọi người yêu mến kính phục. Ngày ngày, anh dàn xếp những cuộc cãi vã, tranh giành, hòa giải những thù oán, và giúp đỡ họ sống đúng với phẩm giá con người.

 

Bác sĩ trẻ ấy chính là Hoàng tử Alexis, người đã bỏ cung điện giàu sang đến sống với thần dân nghèo khổ và trở nên bạn bè của họ, để yêu thương săn sóc và phục vụ họ.

 

Chúa Giêsu Kitô là Vua - Vua Vũ trụ, nhưng Ngài là vị vua của sự phục vụ, khiêm tốn và làm chứng cho sự thật, Không phải Vua cai trị theo quan niệm của trần gian. Vị Vua khiêm hạ trở nên một tội nhân bị Philato xét xử.

 

Vào thời Chúa Giêsu, La Mã cai trị một phần lớn thế giới bao gồm nước Ý, Pháp, Tây Ban ba, Anh và một phần nước Đức, Áo, Nam Tư, Rumani, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Xyri, Libăng, Palextin, Ai Cập, Li bi, Tuynidi, Angiêri, Ma -Rốc. Hoàng đế là Tibêriô, thừa kế Hoàng đế Augustô. Philatô là quan toàn quyền của đạo quân La Mã đang chiếm đóng Palestin. Các thầy  Thượng Tế bắt Chúa Giêsu đưa đến ông với mưu đồ để ông kết tội kích động dân chúng nổi loạn vì ông là toàn quyền của một đế quốc có nhiệm vụ chận đứng những vụ nổi loạn thường chớm nở trong dân Do Thái như đã có các sự việc trước đây:  treo lên thập giá người Dêlôtê ngoài cổng thành. Hàng ngàn người đã bị treo lên thập giá, để áp đặt quyền lực của La Mã.

 

Trước toà án, Philatô hỏi Đức Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do thái không”( Ga 18,33) câu hỏi có ý nghĩa là: có phải ông xưng vương xúi giục dân Do thái phản loạn chống lại Hoàng đế La mã không. Câu hỏi ông đặt ra cho có lệ, ông đã biết Ngài vô tội vì đó âm mưu chính trị hóa của giới lãnh đạo Do Thái muốn ghép Chúa Giêsu vào tội phản loạn để xử tử Ngài chỉ vì ghen ghét. Nhưng cũng chính câu hỏi này mà chúng ta được Thiên Chúa mạc khải một chân lý quan trọng: Đức Giêsu là Vua như Ngài đã xác nhận: "Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi" (Ga 18,37).

 

Nhưng Đức Giêsu giải tỏa mọi sự hiểu lầm về tước hiệu "Vua” mà Philatô và Dân Do thái suy nghĩ:

·         Vua theo nghĩa chính trị, theo kiểu La Mã: Người ta thống trị kẻ khác bằng sứ mạnh chinh phục, nô lệ hóa các dân bị cai trị.

·         Vua theo nghĩa Thiên sai, theo kiểu mong đợi của dân Do Thái: Một người thuộc dòng dõi Vua Đa-vít chính thức lên ngôi, và chiến thắng kẻ thù của Israel của Chúa bằng cách đè bẹp chúng,  đặc biệt là giải phóng ách thống trị của Đế quốc La Mã trên dân Do Thái.

 

Chúa Giêsu xác định Vua theo cách một ý nghĩa mới: Vua với vương quyền huyền bí, không ép buộc ai, không đè bẹp ai như Ngài đã ngỏ với thần dân như ngỏ với các môn đệ: Hãy theo tôi (x. Mt 4,18; 9,9), mời gọi trong sự đáp trả tự do như kiểu mời: Anh có muốn theo tôi không? "Các bạn cũng muốn bỏ đi hay sao?" (Ga 6,67).  Một vương quyền không thống trị theo kiểu trần gian mà là vị "Vua" bị "giao nộp" cho kẻ thù mà không kháng cự mà Ngôn sứ Isaia đã loan báo hình ảnh người Tôi tớ đau khổ (x. Is 49,1-6; 50,4-9a; 52,13 - 53,12). Một Vị vua không có “vệ binh" để bảo vệ mình. Một vương quốc không quân đội, không vũ khí như bao nhiêu vương quyền của trần gian. A. Marchadour diễn giải về nước của Ngài: "Nước Chúa vừa không phải như dân Do Thái trông đợi, cũng không như Philatô hình dung, cũng không như nước của loại người thống trị nhờ sức mạnh quân đội và nhờ cuộc chinh chiến mở rộng biên cương. Nước của Người đến từ nơi khác, đến từ "xứ sở" nơi Đức Giêsu "sinh ra”, và từ đó Người "đã đến thế gian”, vì Người đã hiện hữu từ muôn thuở. Nước ấy được thiết lập không nhờ sức mạnh, nhưng nhờ trình bày lời mặc khải. Những ai đến nhận Lời thì trở nên công dân của Vương quốc, không chỉ ở cuối đời, mà ngay lúc này" ("L'Evangile de Jean", Centurion, trang 227)

 

Ngài là vị Vua phổ quát cho tất cả, yêu thương mọi người, mọi con dân của Ngài. Vua để phục vụ cho thần dân được hạnh phúc như Ngài đã tuyên bố: “Con Người không đến để được phục vụ; Người đến để phục vụ và hiến mạng sống mình để cứu chuộc nhiều người” (Mc 10, 45).Vua nhân từ như người mục tử tốt lành yêu thương chăn dắt đoàn chiên, biết rõ từng con chiên một, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì lợi ích của chiên (x. Ga 10,11-16). Ngài hành xử như thế vì Ngài là Thiên Chúa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Trong thực tế, Ngài đã hy sinh chết trên thập giá để cứu nhân loại.

 

Sứ mạng của Ngài nơi trần gian là "làm chứng cho chân lý": "Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi"."(Ga 18,37). Từ "làm chứng" trong tiếng Hy lạp là "martyr": tử đạo. Ngài đã đổ máu mình ra để làm chứng chân lý, như Tin Mừng thứ tư đã xác quyết "Người Con duy nhất đầy ân sủng và chân lý" (Ga 1,14b). Chân lý về Thiên Chúa, Chân lý cho biết Thiên Chúa là ai: Thiên Chúa là tình thương, Thiên Chúa cứu độ, mà Đức Giêsu là Người mạc khải, Người đã đến trần gian để đề nghị cho con người ơn thông hiệp vào đời sống thần linh. Người làm chứng bằng hành động, đến mức đổ máu để đóng ấn cho việc làm chứng. Đức Giêsu không chỉ đến cứu dân tuyển chọn mà thôi, nhưng để cứu "bất cứ ai thuộc về chân lý”.

 

Ngài là vua được nâng lên khỏi đất, được ngự trên tòa là thập giá, Ngài thi hành quyền bính, Người lôi kéo người ta đến bằng đức tin và lòng yêu mến (x. Ga 12,32). Người không cai trị, nhưng chỉ mời gọi người ta tự nguyện đi theo người.

 

Chúng ta thuộc về Đức Kitô và vương quốc của Người. Hãy để đời sống chúng ta được thần khí Người cai trị và bằng những phương thế khiêm tốn nhưng con tim mở rộng làm phát triển nước của Người – một vương quốc của chân lý và sự sống, sự thánh thiện và ân sủng, chân lý, tình yêu và hòa bình. Đó cũng là những căn tính đòi hỏi các công dân vương của Đức Kitô.

Giêsu, lạy Chúa từ nhân,

Tâu Vua vinh hiển, thần dân kính mừng!

Duy Ngài là lẽ cậy trông,

Là trung tâm điểm của dòng thời gian.

Quyền uy thống trị vũ hoàn,

Chúng con tình nguyện làm dân con Ngài.

                                                 (Thánh Thi Kinh sáng lễ Chúa Kitô vua).

 

                               Lm Vinh Sơn, Sài Gòn 22/11/2015.