Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thiên Chúa giàu lòng thương xót

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

THIÊN CHÚA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

 

Ngày 11/4/2015, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô ban hành Tông thư “Misericordiæ Vultus” (Khuôn Mặt Xót Thương), ấn định "NĂM THÁNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT". Năm Thánh sẽ khai mạc vào ngày kính Đức Mẹ Vô Nhiễm (8/12/2015) và bế mạc vào ngày kết thúc năm Phụng vụ (Lễ Chúa Giê-su Ki-tô Vua Vũ Trụ – 26/11/2016). Thật vô cùng ý nghĩa khi ĐTC khai mạc Năm Thánh vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, bởi chính Mẹ đã được Thiên Chúa tiền định từ trước vô cùng là Đấng cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và đồng hành cùng Người Con – hiện thân của Lòng Chúa Thương Xót – trong công trình cứu chuộc nhân loại. Bởi vậy cho nên Đức Mẹ chính là Mẹ của Lòng Thương Xót.Nói về Lòng Chúa Thương Xót thì không thể quên Thánh vịnh 136 kể lại lịch sử cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thánh vịnh có tất cả 26 câu, có một câu được lặp đi lặp lại sau mỗi câu như một điệp khúc ca ngợi Lòng Chúa Thương Xót, đó là câu “Vì đức từ bi của Ngài tồn tại đến muôn đời” (xc Tông thư Khuôn Mặt Xót Thương “Misericordiæ Vultus”, số 7). Điều này cho thấy Lòng Chúa Thương Xót trải dài từ công trình tạo dựng vũ trụ cho đến ngày cánh chung. Xin cùng tìm hiểu:

 

I. Xuất phát điểm và đích diểm của Lòng Thương Xót: 

 

Thiên Chúa đã biểu lộ Tình Thương vô biên khi sáng tạo vũ trụ và muôn loài, nhất là trong công trình tạo dựng con người. Thật vậy, nếu vũ trụ mà không có con người thì sẽ ra sao? Và ngay khi dựng nên người nam, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã bộc lộ khi Người cho rằng “không nên để người này sống một mình thì không tốt” và Người lấy một cái xương sườn người nam để dựng nên người nữ. Khi đã có nam có nữ, Thiên Chúa phán “hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất” (xc. St 1, 1-31; 2, 1-4). Vì con người được tự do nên đã sa ngã, xa lìa Thiên Chúa; nhưng vì “Thiên Chúa chậm giận và giàu tình thương” nên Người vẫn tỏ lòng từ bi nhân hậu và cũng từ đó Lòng Thương Xót của Thiên Chúa biểu lộ cách cụ thể nhất nơi chính Người Con chí ái – Đức Giê-su Ki-tô – vâng lời Chúa Cha xuống trần cứu độ nhân loại.

 

Thiên Chúa là Tình Yêu mà Tình Yêu vô biên của Người thể hiện cụ thể Lòng Thương Xót, nên có thể khẳng định: Thiên Chúa chính là xuất phát điểm của Lòng Thương Xót và đích điểm (mục đích chính) là cứu chuộc loài người khỏi sự chết đời đời. Khi Đức Giê-su Thiên Chúa xuống thế thi hành sứ vụ cao trọng đó, thì trong mọi trường hợp Người luôn khẳng đinh Người là “Alpha và Omega – Khởi nguyên và Tận cùng” (xc. Khải Huyền 1, 8;  21, 6; 22, 13). Thiên Chúa là Alpha và Omega, tất nhiên Lòng Thương Xót của Người cũng tuôn trào từ Khởi nguyên cho đến Tận cùng vũ trụ.

 

II. Trung tâm điểm của Lòng Thương Xót:   

 

Chỉ cần đọc kỹ Kinh Thánh cũng đủ hiểu Lòng Thương Xót của Thiên Chúa tuôn trào ngay từ thủa khai thiên lập địa. Sau khi Nguyên tổ loài người phạm tội xa lìa Thiên Chúa thì Lòng Thương Xót của Người đã tỏ hiện cụ thể nơi một dân tộc đươc tuyển chọn là It-ra-en. Tuy vậy, It-ra-en vẫn tiếp tục tỏ ra bất trung, vi phạm Giao ước và vì thế, để lay tỉnh họ, Thiên Chúa đã phải mạc khải cho các tiên tri, ngôn sứ, các vua... Các sách Cựu Ước để lại rất nhiều chứng từ về mặt này. Có thể nhắc lại những sự việc và bản văn quan trọng nhất: “Buổi đầu lịch sử có các thẩm phán, lời Sa-lô-môn cầu nguyện khi cung hiến Đền thờ, đoạn kết của ngôn sứ Mi-kha, những đoan hứa đầy khích lệ trong Isaia, lời khẩn nài của dân Do-thái bi lưu đày, lễ ký lại giao ước sau khi từ chốn lưu đày trở về.” (Tđ Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót “Dives In Misericordia”, số 4). Một nhân chứng sống động là ngôn sứ Isaia đã khẳng định: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Ðức Chúa.” (Is 61, 1-2).

 

Quả thật “Điều có ý nghĩa là các ngôn sứ, khi giảng dạy, vẫn nối kết lòng thương xót, mà họ thường nói tới vì những tội lỗi của dân, với hình ảnh tình thương nồng nàn của Thiên Chúa đối với dân. Chúa thương yêu dân It-ra-en bằng một tình thương tuyển chọn đặc biệt, giống như tình thương của một người chồng; và vì vậy Ngài tha thứ cho dân It-ra-en những tội lỗi và thậm chí những bất trung và phản bội của họ nữa. Nếu Ngài thấy được sự sám hối và sự trở lại đích thực, Ngài phục hồi dân Ngài trong ân sủng của Ngài. Trong lời các ngôn sứ giảng dạy, lòng thương xót có nghĩa là một sức mạnh đặc biệt của tình thương, mạnh hơn tội lỗi và sự bất trung của dân đã được chọn. 

 

Như vậy, bằng hành động cũng như bằng lời nói, Đức Chúa đã mạc khải lòng thương xót ngay từ khi Ngài chọn dân It-ra-en; và trải qua suốt lịch sử của họ, trong những nỗi bất hạnh cũng như trong nhận thức tội lỗi của họ, dân ấy đã không ngừng cậy trông nơi Thiên Chúa đầy lòng thương xót. Tất cả mọi sắc thái của tình thương đều được biểu lộ trong lòng thương xót của Chúa đối với dân Ngài: Ngài là Cha họ, bởi vì It-ra-en là con đầu lòng của Ngài; Ngài cũng là vị hôn phu của dân được ngôn sứ loan báo cho một tên mới: ruhama “được yêu thương”, vì sẽ được hưởng lòng thương xót.” (Thông điệp “Dives in Misericordia”, số 4),

 

Tuy nhiên, cao điểm nhất phải kể là thời kỳ Tân Ước mà Đức Giê-su Ki-tô là trung tâm điểm của Lòng Thương Xót. Mở đầu Tông thư “Misericordiæ Vultus – Khuôn Mặt Xót Thương” (số 1), ĐTC Phan-xi-cô đã nhấn mạnh điều này: “Chúa Giê-su Ki-tô là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha. Những lời này có thể tổng hợp sâu sắc mầu nhiệm của đức tin Ki-tô. Lòng Thương Xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Đức Giê-su, và đạt đến đỉnh cao nơi Ngài. Chúa Cha, “giàu lòng thương xót” (Ep 2, 4), sau khi đã mạc khải danh Ngài với Mô-sê như là “một Thiên Chúa nhân từ và đầy thương xót, chậm bất bình, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 6), đã không ngừng thể hiện, bằng nhiều cách khác nhau trong suốt lịch sử, bản tính Thiên Chúa của Ngài.”

 

Nói về “những điều Đức Giê-su đã làm, nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.” (Ga 21, 25). Trong một bài viết ngắn gọn, chỉ xin dựa vào Tông thư “Misericordiæ Vultus” (số 9-10) và Thông điệp “Dives in Misericordia” (số 5-6), trình bày về Lòng Thương Xót được Đức Ki-tô mạc khải qua những dụ ngôn (“Trong dụ ngôn về lòng thương xót, Chúa Giê-su tiết lộ bản tính của Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Ngài đã tha thứ kẻ sai phạm và vượt qua sự từ khước với lòng trắc ẩn và thương xót. Chúng ta biết rõ về những dụ ngôn này, đặc biệt là 3 dụ ngôn: con chiên lạc, đồng tiền bị mất, và người cha có hai người con trai (Lc 15, 1-32). Trong những dụ ngôn này, Thiên Chúa luôn được mô tả là tràn đầy niềm vui, đặc biệt là khi Ngài tha thứ. Nơi những dụ ngôn ấy, chúng ta tìm thấy cốt lõi của Tin Mừng và đức tin của chúng ta, vì lòng thương xót được trình bày như là một lực vượt qua tất cả mọi thứ, làm đầy trái tim với tình yêu và mang lại ủi an qua sự tha thứ.” – Tông thư “Misericordiæ Vultus”, số 9).

 

Đỉnh điểm của sự mạc khải ấy là mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh (“Lòng Thương Xót được mạc khải trong Thập Giá và sự Phục Sinh: Sứ điệp Cứu thế của Đức Ki-tô và hoạt động của Người giữa loài người được kết thúc với Thập Giá và sự Phục Sinh. Chúng ta cần phải đi sâu vào trong biến cố chung cục này là biến cố đặc biệt trong ngôn ngữ Công Đồng, được minh định như mysterium paschale, nếu chúng ta muốn diễn đạt tất cả chân lý về lòng thương xót như đã được mạc khải tất cả trong lịch sử của ơn cứu chuộc chúng ta. Ở điểm này, chúng ta cần lại gần với nội dung thông điệp Redemptor Hominis hơn nữa. Thật vậy, nếu thực tại việc cứu chuộc, trong chiều kích nhân loại, tỏ lộ sự cao quý khôn tả của con người, qui talem ac tantum meruit habere Redemptorem, thì đồng thời, chiều kích thần linh của sự cứu chuộc ấy tỏ lộ cho chúng ta thấy một cách nói được là cụ thể và “có tính lịch sử” hơn bề sâu của tình thương Thiên Chúa. Tình thương này không lùi bước trước sự hy sinh lạ lùng của Chúa Con để làm tròn sự trung thành của Đấng Tạo hóa và Chúa Cha đối với con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Ngài và đã được chọn ngay từ “khởi thủy” trong Chúa Con, để hưởng ân sủng và vinh quang.” – Thông điệp “Dives in Misericordia”, số 7).

 

III. Giáo hội với Lòng Thương Xót:

 

Sứ vụ nhất quán của Giáo hội là “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”, Tin Mừng đó không gì khác hơn là sự thể hiện Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cứu vớt nhân loại khỏi sự chết đời đời. Vì thế, toàn thể Giáo hội – cụ thể là các Đức Giáo hoàng – luôn tuyên xưng và công bố Lòng Thương Xót. Nổi bật nhất phải kể đến 3 văn kiện:

 

A- Thông điệp “Lòng Thương Xót Chúa” do chính Đức Giê-su Thiên Chúa ban cho Thánh nữ Faustina Kowalska (1905-1938): Mỗi lần hiện ra với Thánh nữ, Đức Giê-su thường đưa tay phải ra phía trước như ban phép lành, còn tay trái thì chỉ vào những vết thương Chúa đã chịu trong cuộc Khổ Nạn, rồi dừng lại thật lâu nơi Trái Tim Người. Từ Thánh Tâm Chúa phát xuất hai luồng ánh sáng (môt màu đỏ và một màu trắng) rực rỡ. Đức Giê-su đã giải thích rõ ý nghĩa về điều này: “Luồng ánh sáng trắng biểu thị Nước, dòng nước biến đổi các linh hồn thành công chính. Luồng ánh sáng đỏ biểu thị Máu ban sự sống cho các linh hồn.” (Nhật ký “Lòng Thương Xót Chúa trong linh hồn tôi”, trang 299). Sau khi cho Thánh nữ thị kiến Trái Tim Giàu Lòng Thương Xót, Chúa Giê-su đã yêu cầu:

 

- Phổ biến rộng rãi hình ảnh 2 luồng ánh sáng chiếu tỏa từ Trái Tim Người, để mọi người nhận biết và tôn thờ Lòng Thương Xót Chúa.

 

- Con hãy chuẩn bị thế giới cho lần đến sau cùng của Ta. (Nhật ký “Lòng Thương Xót Chúa nơi linh hồn tôi”, trang 429).

 

- Hãy nói cho thế gian biết về Lòng Thương Xót của Ta... Đó là một dấu chỉ cho thời tận cùng. Sau đó sẽ là Ngày của Công lý. Trong khi còn có thời gian, họ hãy cậy nhờ vào suối nước Lòng Thương Xót của Ta. (Nhật ký, trang 848).

 

- Hãy nói cho các linh hồn về Lòng Thương Xót lớn lao này của Ta, bởi vì ngày kinh hoàng, Ngày Công Lý của Ta đã gần kề. (Nhật ký, trang 849).

 

- Những ai từ chối bước qua cửa Lòng Thương Xót của Ta, thì phải bước qua cửa Công Lý của Ta. (Nhật ký, trang 1146).

 

- Ta kéo dài thời gian của Lòng Thương Xót vì lợi ích cho những tội nhân. Nhưng khốn thay cho họ, nếu họ không nhận ra thời gian thăm viếng này của Ta. (Nhật ký, trang 1160).

 

- Trước Ngày Công Lý, Ta gởi đến Ngày Của Lòng Thương Xót. (Nhật ký, trang 1588).

 

Nữ tu Faustina Kowalska được Thánh Gio-an Phao-lô II phong Chân phước vào ngày 18/4/1993, và chính thức phong Thánh ngày 30/4/2000. Trong lễ phong thánh, Thánh GH đã gọi Thánh nữ Maria Faustina là "món quà của Thiên Chúa ban cho thời đại chúng ta"; đồng thời ấn định lễ kính Lòng Chúa Thương Xót vào CN II/PS (đúng theo yêu cầu của Đức Giê-su khi hiện ra với Thánh nữ Faustina: “Ta muốn hình ảnh Ta phải được tôn kính trong ngày Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Phục Sinh.” – Nhật ký, tr. 1588).

 

B- Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót “Dives in Misericordia” do Thánh Gio-an Phao-lô II ban hành ngày 30/11/1980: Tóm tắt dàn ý của Thông điệp:

 

Chương IAI THẤY THẦY LÀ THẤY CHÚA CHA (Ga 14, 9).

 

* Mạc Khải Về Lòng Thương Xót; * Nhập Thể và Lòng Thương Xót (số 1-2).

 

Chương IISỨ ĐIỆP CỨU THẾ.

 

* Khi Đức Kitô Bắt Đầu Hoạt Động và Giảng Dạy (số 3).

 

Chương IIILÒNG THƯƠNG XÓT TRONG CỰU ƯỚC.

 

* Khái Niệm Lòng Thương Xót Trong Cựu Ước (số 4).

 

Chương IVDỤ NGÔN NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG.

 

* Tương tự; * Phẩm Giá Con Người Được Đặc Biệt Làm Nổi Rõ. (số 5-6)

 

Chương VMẦU NHIỆM PHỤC SINH.

 

* Lòng Thương Xót Được Mạc Khải Trong Thập Giá Và Sự Phục Sinh; * Tình Thương Mạnh Hơn Sự Chết, Mạnh Hơn Tội Lỗi; * Mẹ Của Lòng Thương Xót (số 7-9)

 

Chương VILÒNG THƯƠNG XÓT SUỐT ĐỜI NỌ ĐẾN ĐỜI KIA.

 

* Hình Ảnh Thế Hệ Chúng Ta; * Những Nguồn Lo Ngại; * Phải Chăng Sự Công Bằng Là Đủ? (số 10-12)

 

Chương VIILÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA TRONG SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI.

 

* Giáo Hội Tuyên Xưng Và Công Bố Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa; * Giáo Hội Cố Gắng Thực Thi Lòng Thương Xót (số 13-14)

 

Chương VIIILỜI CẦU NGUYỆN CỦA GIÁO HỘI HÔM NAY.

 

* Giáo Hội  Kêu Gọi Tới Lòng Thiên Chúa Thương Xót (số 15).

 

C- Tông thư Khuôn Mặt Xót Thương “Misericordiæ Vultus”: Tông thư được ĐGH Phan-xi-cô ban hành ngày thứ bảy 11/4/2015 (áp lễ kính Lòng Chúa Thương Xót – CN II/PS năm B). Tóm tắt dàn ý của Tông thư:

 

† Mở đầu: Lý do ban hành Tông thư (số 1-3).

 

Lý do chọn ngày khai mạc (8/12/2015: Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm) và bế mạc Năm Thánh (20/11/2016: Lễ Chúa Ki-tô Vua). (số 4-5)

“Thật là xứng hợp để Thiên Chúa thực thi lòng thương xót”, “Vì đức từ bi của Ngài tồn tại đến muôn đời” (số 6-7)

Cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh qua Chúa Giê-su. (số 8-9).

Giáo Hội với sứ vụ công bố Lòng Thương Xót. (số 10-23)

† Kết thúc Tông thư : Hướng đến Mẹ của Lòng Thương Xót. Phép lành Tòa Thánh (số 24-25).

 

Kết luận:

 

Tóm lại “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi mở tung cửa tâm hồn Ngài và lặp đi lặp lại rằng, Ngài yêu thương chúng ta và muốn chia sẻ tình yêu của Ngài với chúng ta”; vậy thì không lý gì người Ki-tô hữu – những thừa sai đắc lực của Giáo hội – lại không “cảm thấy nhu cầu cấp thiết để công bố lòng thương xót của Thiên Chúa. Cuộc sống của Giáo Hội chỉ chân thật và đáng tin cậy một khi Giáo Hội trở thành một sứ giả thuyết phục của lòng thương xót. Giáo Hội biết rằng nghĩa vụ chính yếu của mình, đặc biệt là tại một thời điểm đầy hy vọng lớn lao xen lẫn với những dấu chỉ rất mâu thuẫn, là giới thiệu với mọi người mầu nhiệm cao cả của lòng thương xót Chúa bằng cách chiêm ngưỡng thiên nhan Chúa Ki-tô.” (Tông thư “Misericordiæ Vultus”, số 25).

 

Hãy chạy đển với “Cửa Lòng Thương Xót” luôn rộng mở, để đón nhận ân sủng và canh tân tinh thần; đồng thời cũng phải biết mở cửa tâm hồn mình ra mà chia sẻ Lòng Thương Xót ấy cho anh em, nhất là những anh em đang gặp bất hạnh về mọi mặt trong cái xã hội đầy nhiễu nhương hiện nay. Cũng đừng quên hiệp ý cùng ĐTC vào những dịp thuận tiện (như Mùa Vọng, Mùa Chay trong Năm Thánh, và nói chung trong suốt cuộc đời người tín hữu), chân thành dành “24 giờ cho Chúa” dâng lời cầu nguyện “xin cho Giáo Hội có thể vang vọng những lời của Chúa vang lên mạnh mẽ và rõ ràng như một thông điệp và một dấu chỉ của sự tha thứ, sức mạnh, sự trợ giúp, và tình yêu. Xin cho Giáo Hội không bao giờ mệt mỏi mở rộng lòng thương xót, và luôn kiên nhẫn trao ban lòng từ bi và sự ủi an. Xin cho Giáo Hội trở thành tiếng nói của mỗi người nam nữ, và lặp lại cách tự tin không ngừng rằng: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu. Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.” (Tv 25: 6).” (Tông thư –nt- , số 25).

 

            Để thi hành sứ vụ cách tốt đẹp, xin hãy chạy đến với “Mẹ của Lòng Thương Xót. Cầu xin sự dịu ngọt trên thánh nhan Mẹ dõi theo chúng ta trong Năm Thánh này, để tất cả chúng ta có thể tái khám phá niềm vui về sự dịu dàng của Thiên Chúa. Không ai đã bước vào mầu nhiệm sâu xa của việc nhập thể như Đức Maria. Toàn bộ cuộc sống của Mẹ được hun đúc theo sự hiện diện của lòng thương xót đã hóa thành nhục thể. Mẹ của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh đã bước vào cung thánh của lòng thương xót Chúa vì Mẹ đã tham gia mật thiết trong mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Mẹ Maria minh chứng rằng lòng thương xót của Con Thiên Chúa không biết đến một giới hạn nào và mở rộng cho tất cả mọi người, không một ngoại lệ nào. Chúng ta hãy hướng về Mẹ trong lời kinh Salve Regina (1), một lời cầu nguyện luôn cổ kính và mới mẻ, để Mẹ không mệt mỏi ghé mắt xót thương nhìn đến chúng ta, và làm cho chúng ta xứng đáng để chiêm ngưỡng khuôn mặt của lòng thương xót, là Chúa Giê-su Con Mẹ.” (Tông thư -nt- , số 24).

 

            Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.

----------------------------------

 

Chú thích: (1)- Kinh “Salve Regina” chính là kinh “Lạy Nữ Vương” mà giáo dân VN thường đọc: “Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu E-và, ở chốn khách đầy kêu đến cùng Bà. Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương. Hỡi ơi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con đến sau khỏi đầy. Xin cho chúng con được thấy Ðức Chúa Giê-su, con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.”