Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đồng hành truyền giáo với anh chị em di dân

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

ĐỒNG HÀNH TRUYỀN GIÁO  VỚI ANH CHỊ EM DI DÂN

 

Có thể nói năm 2015 – mà cao điểm là tháng 8 & 9 – thế giới như lên cơn sốt vì phong trào di dân. Cuộc khủng hoảng di cư tị nạn trầm trọng đã khiến ĐTC Phan-xi-cô phải thốt lên trong diễn văn trước lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ (ngày 24/9/2015): “Thế giới của chúng ta đang đối mặt với khủng hoảng tị nạn với một con số lớn lao nhất, kể từ sau Đệ nhị Thế Chiến”. Viết bài chia sẻ về “Đồng hành truyền giáo với anh chị em di dân”, kẻ viết bài này không sao quên được 2 câu chuyện gây ấn tượng rất mạnh:

 

1- Hình ảnh một em bé 3 tuổi người Syria chết thảm trên bãi biển Bodrum: Bản tin của hãng thông tấn AP (Associated Press) cho biết: Ngày 02/9/2015, một bức ảnh chụp cậu bé Aylan 3 tuổi chết trên bờ biển gần khu nghỉ dưỡng Bodrum (Thổ Nhĩ Kỳ) đã làm cả thế giới bàng hoàng, tấm ảnh đã lan truyền cực mạnh, trở thành hình ảnh đại diện cho những hành trình di cư tị nạn đầy khắc nghiệt. Gia đình của Aylan có 4 người (cha: Abdullah Kurdi, mẹ: Rihan, 2 người con trai: Galip 5 tuổi và Aylan 3 tuổi) đã cùng một số người khác lên 2 chiếc thuyền rời bỏ quê hương Syria đi tìm một miền đất mới. 2 chiếc thuyền bị đắm, 12 người chết thảm (trong đó có Rihan, Galip và Aylan, chỉ còn lại người cha Abdullah Kurdi). Người cha ấy đã gục đầu vào tường nhà xác ở thành phố Mugla, nấc lên nghẹn ngào: "Tôi cố gắng túm lấy vợ con nhưng không thể, họ lần lượt ra đi trong lòng biển khơi!"

 

 2- Một bé gái 5 tuổi đã vượt hàng rào an ninh để được gặp Đức Giáo hoàng: Cũng hãng thông tấn AP đưa tin: Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, ĐGH Phan-xi-cô tới thủ đô Washington DC (ngày 23/9/2015), thì có một bé gái đã vượt hàng rào an ninh và gửi cho ngài một bức thư cảm động về vấn đề di cư. Trong bức thư, cô bé viết: “Cháu muốn nói với ngài rằng trái tim cháu rất buồn. Cháu mong muốn ngài đề nghị với Tổng thống và Quốc hội hợp pháp hóa cha mẹ cháu vì lúc nào cháu cũng lo sợ rằng một ngày nào đó họ sẽ đưa cha mẹ cháu đi mất, rời xa cháu. Cháu tin rằng cháu có quyền được sống cùng cha mẹ, có quyền được hạnh phúc. Tất cả các di dân như cha cháu đề giúp ích cho đất nước này. Họ xứng đáng được sống đàng hoàng và được tôn trọng. Họ xứng đáng được hưởng lợi từ cải cách nhập cư."

 

Quả thật vấn đề di dân từ nhiều năm nay đã trở thành trào lưu càng lúc càng ồ ạt, nên Giáo hội đã nhiều lần triệu tập Đại hội “Mục vụ Di dân Thế giới” với mục đích là xem xét hiện tượng di dân, tìm cách giúp đỡ. Đại hội “Mục vụ Di dân Thế giới” khóa VII đã diễn ra từ 17 đến 21/11/2014, HĐ Giám Mục VN cũng được mời tham dự. Đó cũng là lý do khiến HĐGMVN nhắc nhở cộng đồng tín hữu: “Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến anh chị em di dân”. (xc Thư Mục Vụ năm 2014, số 4)

 

Và vì thế, “Gợi ý mục vụ cho năm Tân Phúc-Âm-hóa Giáo xứ” đã ấn định chủ đề mục vụ cho tháng 12/2015: Tân Phúc-Âm-hóa giáo xứ: Đồng hành truyền giáo cùng với anh chị em Di dân: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Xin cùng tìm hiểu:

 


I- Nguyên nhân phát sinh trào lưu di dân:

 

Trên bình diện toàn cầu, Đại hội “Mục vụ Di dân Thế giới” đã “Nhìn nhận trào lưu di dân đang diễn ra phức hợp, gồm những người tị nạn, di dân nội địa, di dân do biến đổi khí hậu v.v…, cũng như có những khó khăn khi phải phân định những khác biệt giữa các trào lưu này. Việc di dân tiếp tục là dấu chỉ của thời đại, trong đó càng phải lưu tâm coi trọng hơn nữa nhân vị và nhân phẩm con người.” (Bản Đúc kết Đại hội VII, số 1). Riêng ở Việt Nam thì “Từ hai thập niên qua, rất đông anh chị em, cách riêng các bạn trẻ Công giáo phải rời xa gia đình và làng quê để đi học và đi làm tại các thành phố lớn.” (Thư Mục Vụ 2014, số 4). Như vậy nguyên nhân phát sinh trào lưu di dân có thể kể ra:

 

* Chính trị: Chiến tranh cục bộ giữa 2 phe đối nghịch trong cùng một quốc gia hoặc 2 quốc gia kề cận nhau.

 

* Tôn giáo: Khủng bố, tàn sát lẫn nhau do đối kháng về ý thức hệ, hoặc quan điểm cực đoan: nhóm Al-Quaeda, nhóm Jemaah Islamiah, Abu Sayyaf, nhà nước Hồi giáo tự xưng IS…

 

* Kinh tế: Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến đào sâu cách biệt giữa giàu nghèo, tạo nên sức ép phải đi tìm kế sinh nhai tại khu vực thành thị hoặc sang các nước được cho là có thể sống thoải mái hơn với mức thu nhập cao.

 

* Khí hậu: Tình trạng thay đổi khí hậu do ô nhiễm tầng ozon, ô nhiễm môi trường, trái đất nóng dần lên làm chết người hàng loạt, khiến nhiều người phải tìm cách xin tị nạn ở các nơi khác.

 

* Đó là chưa kể nạn lừa đảo, buôn người, khiến biết bao sinh linh lâm cảnh nguy khốn, tìm cách trốn chạy…

 

Trào lưu di dân bùng phát không chỉ ở châu Âu (từ các nước Trung Đông, châu Phi: Syria, Iraq, Afghanistan, Nigeria, Sudan và Senegal… tràn về châu Âu). mà còn cả ở châu Á (chủ yếu là cộng đồng người Rohingya ở Myanmar và Bangladesh, tìm cách vượt biển tới Malaysia, Indonesia và Thái Lan). Vấn đề khủng hoảng di dân nóng bỏng đã khiến cả Liên minh Châu Âu “European Union” (khối EU); rồi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải họp tới họp lui bàn thảo kế sách giải quyết làm sao để vừa cứu trợ đắc lực những người thực sự là di dân (tị nạn vì trốn tránh chiến tranh cục bộ, khủng bố, áp bức bóc lột); đồng thời ngăn chặn được nạn buôn người thông qua hình thức hợp tác lao động, hôn nhân lừa đảo... Đến cả Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ sự lo ngại và nhiều lần triệu tập Đại Hội đồng, Thượng Hội đồng, tìm giải pháp thích ứng đồng thời kêu gọi các quốc gia liên đới cùng chung tay góp sức giải quyết nạn di dân. 

  

II- Những thách đố từ trào lưu di dân:

 

Cũng vì “việc di dân tiếp tục là dấu chỉ của thời đại, trong đó càng phải lưu tâm coi trọng hơn nữa nhân vị và nhân phẩm con người”, nên đã phát sinh nhiều thách đố về xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá và tôn giáo. Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 101 (năm 2015), ĐGH Phan-xi-cô đã nhấn mạnh: “Quả thật, vấn đề di dân phải làm cho mọi người quan tâm, không phải chỉ vì hiện tượng này đạt đến tầm cỡ rộng lớn, nhưng còn là vì “nó nêu lên nhiều vấn đề về xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá và tôn giáo và vì nó đặt ra cho các cộng đồng quốc gia và cho cộng động quốc tế những thách đố đầy kịch tính.” (Thông điệp “Caritas in Veritate”, số 62).”

 

Dựa trên bản Đúc kết Đại hội Mục vụ Di dân Thế giới lần VII và Thư Mục vụ 2014 của HĐGMVN, có thể kể đến một số thách đố:

 

1- Các cộng đoàn và tổ chức Giáo hội làm việc biệt lập: Hiện có một khuynh hướng đáng tiếc là các cộng đoàn và tổ chức Giáo hội làm việc biệt lập với nhau, như vậy sẽ tạo ra khoảng trống có thể khiến các quyền lợi của di dân dễ bị xâm hại và phát sinh những khó khăn trong việc sáng tạo các chương trình mục vụ thích hợp tại Giáo hội nơi đến (gồm có việc loan báo Tin Mừng, huấn luyện việc lãnh nhận các bí tích, Phúc âm hoá và nội tâm hoá các giá trị và khái niệm Ki-tô giáo). (Bàn Đúc kết, số 6)

 

2- Các chính sách đối với di dân có khuynh hướng cá vị hơn là tập thể: Các chính sách hiện nay đối với di dân có khuynh hướng nhấn mạnh đến chiều kích cá nhân của người di dân, tập trung vào khía cạnh việc làm hơn là chú ý đến gia đình của họ. Quả thật, chính sách quốc gia về người di dân thường là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình cảnh gia đình phân ly, đồng thời có thể dẫn đến sự đổ vỡ các mối quan hệ trong gia đình. (Bàn Đúc kết, số 8).

 

3- Hệ thống chính sách về người di dân không hoàn hảo: Vấn đề gia đình bị phân ly, do hệ thống chính sách về người di dân không hoàn hảo, là vấn đề đáng quan tâm nhất, quan trọng nhất của mục vụ di dân, đặc biệt đối với các quốc gia có đông đảo người tha hương (diaspora). (Bàn Đúc kết, số 10).

 

4- Khủng hoảng đức tin: Tình trạng di dân “không những tác động trên đời sống kinh tế và xã hội, nhưng cả trên đời sống và sinh hoạt đức tin. Nhiều giáo xứ tại nông thôn không còn đủ nhân lực cho những sinh hoạt của cộng đoàn. Ngược lại, nhiều giáo xứ nơi thành thị lại quá tải trong công tác mục vụ. Nhiều anh chị em di dân cảm thấy lạc lõng ngay trong đời sống đức tin.” (Thư Mục vụ 2014, số 4).

 

III- Cần đồng hành truyền giáo với anh chị em di dân:

 

Do những thách đố nêu trên, toàn thể Giáo hội – cách riêng các Giáo hội địa phương (Giáo phận, Giáo xứ) – cần ý thức vấn đề theo Sứ điệp “Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn” dẫn giải: “Trước sự toàn cầu hoá của hiện tượng di dân, phải đáp lại bằng sự toàn cầu hoá của đức ái và hợp tác, hầu làm cho các điều kiện của những người di dân được nhân đạo hơn.” Đồng thời đáp ứng lời khuyến nghị của Đai hội “Mục vụ Di dân Thế giới” khóa VII: “Vì thế xin anh chị em, cách riêng các linh mục, mở rộng vòng tay đón tiếp anh chị em di dân, tạo điều kiện cho họ tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ, để họ cảm nhận được mình là thành viên của gia đình giáo xứ. Như thế không những đời sống đức tin của họ được nâng đỡ, mà họ còn trở nên những nhân tố tích cực trong việc Phúc-âm-hóa.” (Nội dung khuyến nghị khá dài, xc chi tiết trong Bản Đúc kết Đại hội – mục III. KHUYẾN NGHỊ, từ số 1 tới số 14 – nguồn: Đài Vatican.net).

 

Như vậy thì vấn đề “Đồng hành truyền giáo cùng với anh chị em Di dân”, phải được coi là một sứ vụ được Thiên Chúa và Giáo hội trao phó (sứ vụ Truyền Giáo); từ đó người Ki-tô hữu đem hết tâm lực ra thực hành. Với phạm vi Giáo xứ – đặc biệt là các Giáo xứ có những di dân không cùng tín ngưỡng – thì vấn đề truyền giáo ở đây phải được hiểu là sống đời sống chứng nhân Ki-tô giáo một cách cụ thể. Tất nhiên sống đời sống chứng nhân Ki-tô giáo (tức là “sống trung thực đời sống đức tin bằng chứng tá bác ái”) không phải chuyện dễ. Tuy nhiên, vì “Đức tin hành động qua đức ái” (Gl 5, 6) trở thành một chuẩn mực mới giúp thông hiểu và hành động, làm thay đổi toàn thể cuộc sống con người (x. Rm 12, 2; Cl 3, 9-10; Ep 4, 20-29; 2 Cr 5, 17)” (Tông thư Cánh Cửa Đức Tin “Porta Fidei”, số 6); nên dù khó khăn tới đâu cũng phải thực hiện cho kỳ được. Cũng bởi vì “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Ga 2, 17).

 

Trong Lễ Cung Hiến Đền Thờ La-tê-ra-nô​ (CN XXXII/TN.A – 9/11/2014), ĐTC Phan-xi-cô đã giải thích rõ: “Giáo hội, ngay từ đầu được hạ sinh và truyền giáo trên thế giới, đã thật sự là một cộng đồng được thiết lập để tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Chuộc nhân trần, một đức tin hoạt động qua đức ái. Cả hai đi với nhau! Thậm chí cho đến ngày hôm nay đây, Giáo hội vẫn được kêu gọi ở trong thế giới này là một cộng đồng, được bắt nguồn từ Chúa Ki-tô nơi Phép Rửa, tuyên xưng đức tin vào Người một cách khiêm hạ và can trường, đồng thời làm chứng cho đức tin này bằng đức ái. Những yếu tố về cơ cấu, các thứ cấu trúc và những tổ chức về mục vụ cần phải làm sao được sắp xếp nhắm đến mục đích chính yếu này; cho đích điểm thiết yếu này đó là làm chứng cho đức tin qua đức ái. Đức ái thực sự là thể hiện của đức tin và đức tin cũng là ý nghĩa và nền tảng của đức ái!”

 

Để cụ thể hóa vấn đề, xin dẫn lời của HĐGMVN trong Thư Mục vụ 2015 (số 6) “Chúng tôi vẫn ghi nhớ lời giáo huấn của Đức Bê-nê-đic-tô XVI trong chuyến đi Ad Limina năm 2009 dạy chúng tôi phải “phát triển nền mục vụ thích hợp cho các người di dân trong nước, qua việc tăng cường sự hợp tác giữa các giáo phận gốc của họ và các giáo phận họ đến, và cung cấp cho họ những lời khuyên về mặt đạo đức và các chỉ dẫn thực hành.” Đặc biệt là lời mời gọi của HĐGMVN trong Thư Mục vụ 2014 (số 4): “Vì thế xin anh chị em, cách riêng các linh mục, mở rộng vòng tay đón tiếp anh chị em di dân, tạo điều kiện cho họ tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ, để họ cảm nhận được mình là thành viên của gia đình giáo xứ. Như thế không những đời sống đức tin của họ được nâng đỡ, mà họ còn trở nên những nhân tố tích cực trong việc Phúc-âm-hóa.”

 

Kết luận:

 

Tóm lại, để đồng hành truyền giáo với anh chị em di dân, từ mỗi thành viên đến các nhóm, các hội đoàn, các gia đình trong cộng đồng thừa sai Giáo xứ hãy đem hết tâm lực ra “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15), bằng cách đến với anh chị em di dân “chữa lành những vết thương, xoa dịu chúng với dầu an ủi, băng bó chúng với lòng thương xót và chữa lành chúng với tình liên đới và sự chăm sóc chu đáo. Chúng ta hãy mở to mắt và nhìn rõ sự đau khổ của thế giới, và những vết thương của những anh chị em chúng ta là những người đang bị từ chối phẩm giá của họ, và để cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta bắt buộc phải chú ý đến tiếng kêu muốn được giúp đỡ của họ!” (Tông thư Khuôn Mặt Xót Thương “Misericordiæ Vutus”, số 15).

 

Để đạt được ước nguyện, “Chúng ta hãy cậy nhờ vào tình Cha mà Đức Ki-tô mạc khải cho chúng ta bằng sứ mệnh Cứu thế của Người, Người đã đạt tới tuyệt đỉnh trong thánh giá, sự chết và sự sống lại của mình! Nhờ Đức Ki-tô, chúng ta hãy cậy trông vào Thiên Chúa, vì nhớ tới những lời trong kinh Magnificat của Đức Maria công bố lòng thương xót “suốt đời nọ đến đời kia”! Chúng ta hãy khẩn cầu Thiên Chúa thương xót cho thế hệ ngày nay! Ước gì khi cố gắng theo gương Đức Maria, Đấng mà trong Thiên Chúa đã làm Mẹ loài người, Giáo Hội nói lên trong lời cầu nguyện sự chăm lo của một người Mẹ, và cả tình thương tin tưởng của mình nữa, tình thương mà nơi đó nẩy sinh nhu cầu nồng nhiệt nhất của cầu nguyện.” (Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót “Dives in misericordia”, số 15).

 

Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.