Giậu đổ, bìm leo
“ Giậu đổ, bìm leo”
Người Việt có cụm từ “ ướt còn, cháy mất “ ý muốn nói rằng so với nỗi khó khăn vất vả vì thiên tai lũ lụt thì sự mất mát cơ cực của tai nạn hỏa hoạn còn lớn hơn vì cháy là trắng tay hoàn toàn, là mất rụi, không còn cơ hội tìm lại. Một tờ báo đã dùng cụm từ "giọt nước mắt sau đám cháy ở xóm nghèo" để nói lên những tổn thất nặng nề về tài sản của người dân. Thế nhưng trong vụ hỏa hoạn vào khoảng 15h chiều 1/12 tại một căn hộ trong khu dân cư trên đại lộ Võ Văn Kiệt ở Saigon, VN những nạn nhân không chỉ chảy nước mắt khóc than vì tài sản bị tiêu hủy bởi cơn hoành hoành của Thần Lửa mà còn xót xa vì sự vô cảm đến đáng sợ của con người.
Vô cảm là một thái độ dửng dưng trước một điều tốt cần phải làm, trước một sự việc cần mình đồng cảm hay giúp đỡ. Vô cảm là không biết đặt mình vào hoàn cảnh gặp nạn như người ta mà thấu hiểu, mà thông cảm và thương yêu giúp đỡ họ. Nhưng những người tham gia hôi của của các nạn nhân đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất ở đây còn tệ hơn cả sự vô cảm, gặp người bị nạn đã không giúp mà còn làm gia tăng thiệt hại họ đang gánh chịu bằng thái độ nhào vào hôi của. Điều đáng nói là họ không hề có chút xấu hổ, áy náy với hành động này. Họ chạy vào ôm tài sản của người khác rồi chạy biến mất với một thái độ “ tự nhiên” đến mức các nạn nhân còn nhầm tưởng mình đang được cứu giúp ( ? ) trong cơn hoạn nạn. Trên mạng còn chuyền nhau một bức ảnh một người phụ nữ đang quỳ lạy và than khóc một cách bất lực khi thấy tài sản của mình phần bị Bà Hỏa thiêu rụi, phần thì bị người khác vác chạy như thu được chiến lợi phẩm.
Điều đáng nói là đây không phải là trường hợp duy nhất. Có lẽ chúng ta chưa quên cảm giác xấu hổ, thất vọng và đau lòng khi đọc những bản tin về các vụ hôi của thật tàn nhẫn đối với những người gặp tai nạn giao thông. Vụ hôi dưa hấu xảy ra vào sáng ngày 14.4.2011 trên quốc lộ 1A, tỉnh Nghệ An . Vụ hôi bia khi chiếc xe tải mang chở hàng trăm thùng bia 333 đã đổ trên quốc lộ, cầu Bến Thủy…
Xã hội nào con người đó! Có câu” Ăn cắp quen tay”, một xã hội mà người công khai phạm điều răn thứ 7 của Đức Chuá Trời “chớ lấy của người” dưới ánh mặt trời không chút hổ thẹn dưới các hình thức như lót tay, hối lộ, đội giá hoá đơn khi mua sắm trang thiết bị cho công sở v..vv…, một xã hội mà tình trạng tham nhũng, ăn cắp của công, nạn lấy cắp hành lý nơi sân bay, thâm lạm công quỹ đang trở thành một nguy cơ, một hiện tượng phổ biến trong mọi tầng nấc … thì chắc chắn sẽ có lúc bài học công dân đạo đức rằng “nhặt của rơi phải trả lại cho người mất” chỉ còn là một tiếng vọng lạc loài.
Và câu chuyện như trên chỉ là một trong vô vàn những chuyện cướp ngày xảy ra trong xã hội hiện nay. Điều đáng nói ở đây là những hiện tượng tiêu cực này vẫn “ trơ gan cùng tuế nguyệt” bởi đa số quá trình điều tra lôi ra ánh sáng các vụ việc này đều tiến hành trong tình trạng không dân chủ, thiếu nghiêm minh. Và khi được đồng lõa, được dung túng thì tất nhiên cái xấu sẽ có cơ hội mọc lên như nấm dại sau cơn mưa. Lương tâm con người mất khả năng nhạy cảm với việc chiếm hữu sai trái những gì không thuộc về mình. Họ không còn thấy đó là một cái tội.
Rõ ràng thành phần tham gia hành động xấu xa đó không phải chỉ là những kẻ nghèo khổ hay thấp kém nhưng nó là những người dân bình thường, có khi là hàng xóm, người cùng khu phố của nhau cũng nên ? Họ hành động như thế mà không nghĩ chút gì cho người bị nạn vì của cải họ vác đi đó là mồ hôi, là tài sản mà nạn nhân đang tranh giành một cách vất vả và nguy hiểm từ cái lưỡi nóng hừng hực và đầy hung dữ của Bà Hỏa. Rõ ràng nó là vật có chủ và chủ của nó đang hiện diện chứ không phải của từ trên trời rơi xuống. Đây là không chỉ là hành vi hôi của của người bị nạn, mà là ăn cướp vì chủ nhân đang ở đó và họ hành động như vậy khác gì cướp ?
Tưởng cũng nên nhắc lại trong vụ sóng thần vào năm 2011 tại Nhật bản, lực lượng cứu nạn và người dân Nhật Bản đã giao nộp cho cảnh sát hàng chục triệu yen tiền mặt và hàng trăm két bạc mà họ tìm thấy giữa đống đổ nát ở vùng đông bắc nước này.Hàng chục đồn cảnh sát tại các tỉnh bị nạn cho biết mỗi ngày đều nhận được hàng trăm tài sản thất lạc mà người dân mang đến, trong đó tiền mặt chiếm 10%. Trong số đó, chín trạm cảnh sát ven biển cho biết từ ngày 12 đến 31-3, họ nhận được số tiền mặt lớn gấp 10 lần so với 15 trạm còn lại”
Trông ta mà nhớ đến người…Người dân Nhật dù có gặp hoạn nạn cũng không đi hôi của, không cướp bóc của nhau để tồn tại. Người ta vẫn gom được vài két sắt đựng tiền hoặc khi nhặt tờ tiền rơi vãi mà đều giao cho cảnh sát chờ người đến nhận, còn ở VN mình, rõ ràng những người tham gia hôi của trong tất cả các trường hợp trên đâu có nghèo đói vì vài trái dưa, dăm lon bia, thiếu cái tivi, laptop hay vài tờ tiền rơi …nhưng vẫn lợi dụng cảnh “ giậu đổ, bìm leo” trắng trợn ăn cướp của người khác trong khi họ gặp tai nạn...
Việt Nam đang đối mặt với một thách thức mới đó là hành vi leo thang xâm lấn chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc. Khi Tổ Quốc lâm nguy thì tất cả người dân trong một nước phải biết yêu thương, đoàn kết và hy sinh cho nhau. “ Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta”. Đúng như vậy. Tuy nhiên, truyền thống ấy không đương nhiên tồn tại trong tinh thần của dân tộc nhưng nó phải được gìn giữ, bảo vệ bằng chính đạo đức sống hàng ngày của mỗi người dân. Nếu trong cuộc sống đời thường, khi đất nước còn an bình mà người ta không thể tự kiềm chế bản thân để biết nghĩ đến lợi ích chung của toàn xã hội, không biết yêu thương người khác dù chưa đến nỗi phải hy sinh chính bản thân mình, thì chúng ta mong đợi gì những người có những hành vi nói trên hy sinh bản thân mình khi xã tắc lâm nguy ?
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: