Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Tác giả: 
Điền Phương Thảo

 

 

“ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng ...”

 

Một bác sĩ trẻ của bệnh viện Bình Dân đã lặng lẽ dúi phong bì cho bệnh nhân Huỳnh Thị Mười, sinh năm 1940 được chỉ định mổ cấp cứu do bị viêm phúc mạc nặng, mặc dù bệnh nhân đã quyết định xin về chờ chết vì nhà quá nghèo.

 

Trong bài viết đăng trên Báo Mới vào ngày 10-12-2015 của bác sĩ Phan Văn Hoàng, một đồng nghiệp của vị bác sĩ giàu lòng nhân ái nêu trên, còn tái hiện một hình ảnh khác cũng rất chân thực và đầy xúc cảm. Đó là cử chỉ tôn trọng bệnh nhân của một vị bác sĩ già cũng trong khoa Cấp Cứu Hồi Sức 2. Để thuyết phục người nhà của bệnh nhân Huỳnh Thị Mười đồng ý cho bệnh nhân được mổ, vị bác sĩ già này đã mời họ vào phòng cấp cứu, ở đó có sẵn vài chiếc ghế dành cho bác sĩ và điều dưỡng, tuy nhiên vị bác sĩ này đã bảo các em sinh viên đứng lên và dành ghế cho người nhà ngồi nghe ông giải thích thiệt hơn của việc mổ và nhất là trấn an người nhà bằng lời hứa sẽ vận động các tổ chức từ thiện, các ông sư, các bà xơ, góp tiền ủng hộ. Và vị bác sĩ trẻ sau khi tham dự buổi gặp gỡ đầy tình người này đã giúp bệnh nhân 3 triệu đồng để trả viện phí … Hay tin này, phóng viên Báo Mới đã đến gặp xin phỏng vấn. Tuy nhiên, vị bác sĩ trẻ này nhất mực từ chối từ chối cung cấp thông tin về mình và nói rằng, đó đơn thuần chỉ là hành động giúp đỡ bệnh nhân nghèo khó qua cơn nguy hiểm chứ không hề có mục đích làm vì chữ “Danh”.

 

“ Đừng để bệnh nhân không có tiền phải chết ”. Đó là động lực để lý giải hành động của cả hai vị bác sĩ : Một trẻ và một già của khoa Cấp Cứu Hồi Sức 2 bệnh viện Bình Dân. Với những biểu hiện tiêu cực như một thực trạng đau lòng trong ngành y tế hiện nay thì hành động nhân ái cách vô vị lợi của hai vị bác sĩ này chẳng khác nào một ánh lửa nhỏ nhoi. Nhưng tin rằng nó sẽ không cô đơn bởi lẽ sẽ có nhiều đốm sáng trong lương tâm của những người khác sẽ được bừng lên và lòng tốt của con người sẽ được nhân rộng nhờ sự lan truyền của nó.

 

Vào ngày 8 tháng 12 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxico đã chủ sự thánh lễ và lễ nghi mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót. Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc phụng vụ và Năm Thánh Lòng Thương Xót dưới ánh sáng các ơn Thiên Chúa ban cho Đức Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, cũng như dưới ánh sáng của Công Đồng Chung Vaticăng II kết thúc cách đây đúng 50 năm : “Năm Thánh ngoại thường này cũng là một món quà của ân sủng. Bước vào Cửa đó có nghĩa là khám phá ra sự sâu thẳm lòng thương xót của Thiên Chúa Cha tiếp đón tất cả mọi người và đến gặp gỡ từng người một. Đây sẽ là một Năm trong đó chúng ta lớn lên trong xác tín về lòng thương xót. Bước qua Cửa Thánh là sống tinh thần của Công Đồng Chung Vatican II là tinh thần của ngưởi Samaritano nhân lành. Tiếp nhận ơn thánh thương xót của Ngài trong cuộc sống chúng ta; và đến lượt mình trở thành là những người thực hành lòng thương xót  qua một con đường phúc âm đích thực” http://vi.radiovaticana.va/.

 

Theo đó các giáo phận tại Việt Nam cũng long trọng cử hành thánh lễ khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót. Cùng với các nghi thức mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót thật long trọng và sốt sắng các nhà thờ, điều Chúa muốn hơn cả đó là chúng ta hãy mở cửa lòng thương xót của chính tâm hồn mình. Vì những bộn bề lo toan của cuộc sống, vì muốn yên thân trong một xã hội quá nhiều chuyện bất an … cánh cửa lòng thương xót của chúng ta đã đóng im ỉm và giăng đầy những màng nhện của sự ích kỷ, vô cảm.  Chúng ta đã chịu khó sốt sắng tham dự các nghi thức mở cửa Lòng Thương Xót tại các nhà thờ, nhưng thiết nghĩ sẽ rất công phúc nếu chúng ta cũng mở cánh cửa Lòng Thương Xót của chính tâm hồn mình. Bởi lẽ để mở được nó, chúng ta phải thêm dầu bác ái vào các ổ khóa, các then chốt từ lâu đã rỉ sét bởi sự vô tâm và ích kỷ. Hãy bước qua cửa Thánh Lòng Thương Xót với tinh thần của người Samaritano nhân lành để làm sao cho ngày càng nhiều người nhận ra dung mạo đầy thương xót của Chúa. Làm sao ngày càng có nhiều người nhận được ơn thánh thương xót của Chúa bằng những thực hành đầy lòng thương xót của chúng ta đối với người khác. Điều này lại càng đặc biệt cần thiết giữa một xã hội mà lòng thương xót dường như đã trở thành xa xỉ .

 

Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay trước sự lên ngôi của chủ nghĩa thực dụng, đồng tiền là thước đo của mọi giá trị và nhất là bệnh vô cảm đang ăn mòn tâm hồn con người thì câu chuyện giàu tình người của hai vị bác sĩ của bệnh viện Bình Dân chẳng khác nào chuyện cổ tích giữa đời thường. Hai vị bác sĩ này không cần tuyên bố điều gì lớn lao, cũng chẳng làm gì to tát. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng chính lòng thương xót của họ đã cứu sống một phận người thoát khỏi cái chết vì sự nghèo túng. Một cách tự nhiên và sâu xa, chúng ta cũng hãy để đời sống của mình được thấm nhập các giá trị của Tin Mừng bằng cách sống tốt với mọi người với những chia sẻ và quan tâm. Hãy để mọi người khi tiếp xúc với chúng ta đều cảm nhận rằng họ đang bước vào cửa Thánh Lòng Thương Xót của Chúa. Đó là cái đích mà mỗi người Kito hữu chúng ta cần nhắm tới, đặc biệt là trong Năm Thánh ngoại thường này.

 

Điền Phương Thảo