Đối thoại liên tôn
ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
Theo “Ý cầu nguyện của Đức Giáo hoàng cho năm 2016”, tháng Giêng (01/2016) được ấn định:
† Ý chung: Cầu cho việc đối thoại chân thành giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau, mang lại các kết quả hoà bình và công lý.
† Ý truyền giáo: Cầu cho các Ki-tô hữu, có thể vượt qua những chia rẽ, nhờ các phương thế đối thoại, tình bác ái huynh đệ và ân ban của Chúa Thánh Thần.
Việc đối thoại giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau quen gọi là “Đối thoại liên tôn”. Thử tìm hiểu xem vì sao cần phải có đối thoại liên tôn?
1. Đối thoại liên tôn là gì?
Đối thoại là trực tiếp nói chuyện với một người hoặc một tập thể trong cùng không gian, môi trường, cùng chung ý thức hệ, tôn giáo; hoặc ở nơi khác, môi trường khác, khác ý thức hệ, khác niềm tin tôn giáo … Đối thoại liên tôn là một sự trao đổi hai chiều, giữa hai bên có những quan điểm khác nhau, niềm tin khác nhau, gia tài văn hóa và tôn giáo khác nhau. Đối thoại liên tôn phát xuất từ ước muốn đi tìm chân thiện mỹ, một cách nhìn mới về thế giới và con người. Điều kiện phải có để đối thoại là hai bên đến với nhau trong tinh thần cởi mở, sẵn sàng đánh giá cao những khác biệt và đa dạng.
Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn đã giải thích: “Từ ngữ đối thoại có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Trước hết, ở cấp độ thuần tuý con người, nó có nghĩa là truyền thông cho nhau nhằm đưa đến một mục đích chung hoặc, ở một cấp độ sâu xa hơn, nó nhằm nói đến một sự hiệp thông liên nhân vị (giữa con người với nhau). Thứ đến, từ ngữ đối thoại có thể sử dụng theo nghĩa một thái độ cung kính và thân thiện, thấm nhập hoặc cần thấm nhập tất cả các sinh hoạt cấu tạo nên sứ mệnh truyền bá Phúc Âm của Giáo hội. Đúng hơn có thể gọi là "tinh thần đối thoại". Nghĩa thứ ba nằm trong một bối cảnh của thực trạng đa nguyên tôn giáo, từ ngữ đối thoại có nghĩa là "toàn bộ những tương quan liên tôn, tích cực và xây dựng, với những người và những cộng đồng của các tín ngưỡng dị biệt, nhằm tìm cách quen biết nhau và làm phong phú cho nhau" (DM 3), trong sự tuân phục chân lý và tôn trọng tự do của mỗi người. Nó vừa hàm ngụ việc làm chứng vừa là nỗ lực đào sâu những xác tín tôn giáo liên hệ. Tài liệu nầy sử dụng từ ngữ đối thoại theo nghĩa thứ ba nầy, như là một trong những yếu tố cấu thành toàn bộ sứ mệnh truyền bá Phúc Âm của Giáo hội.” (xc “Đối Thoại và Rao Truyền”, số 9 – nguồn:
2. Vì sao cần phải có đối thoại liên tôn?
Lý do chính thúc đẩy đối thoại liên tôn là sự khác biệt giữa các tôn giáo. Những khác biệt ấy là những khác biệt trong nhận thức, trong niềm tin, thậm chí cả trong vai trò của mình khi thể hiện niềm tin đó (Ki-tô giáo gọi đó là “sứ vụ Truyền giáo”). Mỗi tôn giáo đều cho rằng mình giới thiệu chân lý hay dẫn đưa tín đồ tới chân lý. Sự khác biệt đó là điều tất yếu. Tuy nhiên, các tôn giáo vẫn gặp nhau ở một điểm chung nhất: đó là niềm tin vào một Đấng Tạo Hóa (“Xưa nay, nơi nhiều dân tộc khác nhau người ta nhận biết một cảm thức về quyền lực tiềm ẩn vận động vô hình trong vòng chuyển biến của sự vật và qua các biến cố lịch sử nhân loại; đôi khi người ta cũng nhìn nhận Đấng Tối Cao hay Đấng Từ Phụ. Cảm thức và sự nhìn nhận này thấm vào đời sống nhân loại với ý nghĩa tôn giáo sâu xa.” – Tuyên Ngôn về Liên Lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo Ngoài Ki-tô Giáo “Nostra Aetate”, số 2).
Mục đích chính của tôn giáo là mưu cầu hạnh phúc cho con người. Tình trạng dân số thế giới gia tăng đáng sợ, trong khi đó thì cuộc sống dân cư ngày nay có quá nhiều đau khổ gây ra bởi chiến tranh, khủng bố, kỳ thị, áp bức, bóc lột, buôn bán nô lệ… Vì thế, phần lớn các tôn giáo đều có mục tiêu xoa dịu các đau khổ của con người, cố gắng giảm bớt đau khổ, bằng cách thúc đẩy phát triển toàn diện nhân sinh, cổ võ công bằng xã hội và giải phóng con người. Tuy nhiên, khổ đau vẫn tồn tại, có khi lại trầm trọng hơn; cho thấy không phải mọi tôn giáo đều thành công. Các vấn đề của thế giới thì quá nhiều đối với hoạt động riêng lẻ của từng tôn giáo. Sự hợp tác làm việc chung rất là cần thiết, và đó chính là việc “Đối thoại liên tôn”.
Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô – biểu tượng của đối thoại liên tôn – đã viết trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng “Evangelii Gaudium” (số 250): “Một thái độ cởi mở trong chân lý và tình yêu phải biểu thị đặc tính của cuộc đối thoại với các tín hữu của các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo, bất chấp những trở ngại khác nhau và những khó khăn, đặc biệt là với những người theo chủ nghĩa cơ bản quá khích ở cả hai bên. Cuộc đối thoại liên tôn này là một điều kiện cần thiết cho hòa bình thế giới, và do đó là một nhiệm vụ đối với các Ki-tô hữu, cũng như đối với các cộng đồng tôn giáo khác. Cuộc đối thoại này, trên hết, là một cuộc trò chuyện về đời sống con người hoặc đơn giản như, theo đề nghị của các Giám Mục Ấn Ðộ, là "một thái độ cởi mở đối với họ, chia sẻ những vui buồn của họ".
3. Đối thoại liên tôn cách nào?
Trong văn kiện “Đối Thoại và Rao Truyền” (số 42), Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại liên tôn cho biết: “Có nhiều hình thức đối thoại liên tôn khác nhau. Nên nhắc lại ở đây các hình thức đã được nói đến trong tài liệu năm 1984 của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại liên tôn (DM 28-35). Bốn hình thức được nêu lên trong bản văn ấy, không phải có ý sắp xếp theo thứ tự ưu tiên:
a- Đối thoại trong đời sống: nỗ lực sống với tinh thần cởi mở và thân thiết, chia sẻ những nỗi vui buồn, những vấn nạn và lo âu của cuộc sống con người.
b- Đối thoại bằng hành động: hợp tác với nhau để đi đến công cuộc phát triển toàn diện và giải phóng hoàn toàn con người.
c- Đối thoại trong những trao đổi có tính cách thần học: các nhà chuyên môn tìm cách đào sâu kiến thức về các gia sản tôn giáo của nhau và thẩm định các giá trị siêu nhiên nơi các tôn giáo bạn.
d- Đối thoại bằng kinh nghiệm tôn giáo: đi sâu vào chính truyền thống tôn giáo của mình, chia sẻ những giá trị siêu nhiên phong phú của mình, chẳng hạn những giá trị liên quan đến cầu nguyện và chiêm niệm, đến đức tin và những con đường tìm đến Thiên Chúa hoặc đấng Tuyệt đối.”
Với 4 hình thức đối thoai như trên, điều tiên quyết của đối thoại là phải biết lắng nghe, tiếp theo là đối thoại trong khiêm tốn, trong bao dung. Đối thoại không phải là tranh luận để phân biệt phải trái, hơn thua, để rồi đi đến tình trạng coi tôn giáo của mình là độc tôn. Đối thoại cũng không phải là phê phán, chỉ trích, để rồi đào sâu thêm hố chia rẽ, ngăn cách. Mục đích chính của đối thoai phải là nhắm đến việc mưu cầu hạnh phúc cho con người, bởi con người là hình ảnh của Thiên Chúa (“Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” – St 1, 27). Cũng bởi vì “Giáo Hội Công Giáo không phủ nhận những gì chân thực và thánh thiện nơi các tôn giáo. Giáo Hội thành thực kính trọng những cách thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết, mặc dầu có nhiều khía cạnh khác biệt với những điều Giáo Hội chủ trương và duy trì, nhưng những tôn giáo đó cũng thường phản chiếu một tia sáng chân lý chiếu soi mọi người.” (Tuyên ngôn “Nostra Aetate”, số 2).
Phải công nhận một điều Công đồng chung Va-ti-ca-nô II đã thể hiện đặc biệt về suy tư, đối thoại và cầu nguyện để đổi mới cái nhìn của Giáo hội Công Giáo về chính mình và thế giới. Đó là một sự tìm hiểu các dấu chỉ thời đại để nhắm đến một sự canh tân, theo hai chiều hướng: Trung thành với truyền thống Giáo hội và trung thành với lịch sử con người nam nữ thời nay. Vì thế, “Sự việc đó còn có nghĩa rằng, khi đi vào công cuộc đối thoại với các tín đồ các truyền thống tôn giáo khác với một tâm tình cởi mở, Ki-tô hữu có thể ôn tồn khích lệ họ suy tư về nội dung niềm tin riêng của chính họ. Nhưng chính Ki-tô hữu đến phiên mình cũng phải chấp nhận ý thức lại đức tin của mình. Thật thế, mặc dù có mạc khải toàn mãn của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Ki-tô, phương thức hiểu tôn giáo của mình và lối sống đó của Ki-tô hữu đôi lúc có thể cần phải được tinh lọc.” (“Đối thoại và Rao truyền”, số 32)
Kết luận:
Tóm lại, “Một thái độ cởi mở trong chân lý và tình yêu phải biểu thị đặc tính của cuộc đối thoại với các tín hữu của các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo, bất chấp những trở ngại khác nhau và những khó khăn, đặc biệt là với những người theo chủ nghĩa cơ bản quá khích ở cả hai bên. Cuộc đối thoại liên tôn này là một điều kiện cần thiết cho hòa bình thế giới, và do đó là một nhiệm vụ đối với các Ki-tô hữu, cũng như đối với các cộng đồng tôn giáo khác. Cuộc đối thoại này, trên hết, là một cuộc trò chuyện về đời sống con người hoặc đơn giản như, theo đề nghị của các Giám Mục Ấn Ðộ, là "một thái độ cởi mở đối với họ, chia sẻ những vui buồn của họ". (Tông huấn “Evangelii Gaudium”, số 250).
Tất nhiên, mục đích duy nhất nhắm tới phải là mưu cầu hạnh phúc cho con người, không phân biệt màu da, sắc tộc, tín ngưỡng. Người Ki-tô hữu cần học chấp nhận những người khác theo những cách làm người, suy nghĩ và diễn tả khác nhau của họ. Nói cách cụ thể, để sống tinh thần đối thoại liên tôn, người Ki-tô hữu hãy mở rộng con tim, sẵn sàng chấp nhận những người khác theo những cách làm người, suy nghĩ và diễn tả khác nhau của họ. Từ đó thể hiện ra hành động bằng cách sống cụ thể đời sống hiệp thông trong Tình Yêu của Đấng Giàu Lòng Thương Xót – Đức Giê-su Ki-tô.
Trong buổi tiếp kiến chung nhân kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn về Đối Thoại Liên Tôn “Nostra Aetate”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã kêu gọi: “Anh chị em thân mến, về tương lai cuộc đối thoại liên tôn, điều đầu tiên mà chúng ta phải làm là cầu nguyện. Nếu không có Chúa, không gì có thể; với Chúa, tất cả đều trở nên có thể! Ước gì kinh nguyện của chúng ta hoàn toàn tuân theo thánh ý Chúa, Đấng mong muốn rằng tất cả mọi người nhìn nhận nhau là anh chị em với nhau và sống với nhau như vậy, họp thành một đại gia đình nhân loại trong sự hòa hợp những khác biệt”. (nguồn RV).
Xin cùng hiệp ý với ĐTC, dâng lời cầu nguyện cùng Thiên Chúa – qua lời cầu bầu của Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót – cho tất cả những Ki-tô hữu thừa sai trong Giáo hội, cách riêng trong Giáo hội địa phương (Giáo phận, Giáo xứ), hoàn thành tốt sứ vụ trọng đại Loan báo Tin Mừng trong hoạt động Đối thoại Liên Tôn (xc “Đối Thoại và Rao Truyền” -nt- ). Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết: