Cứ dấu chỉ này nhận ra Chúa Giê-su
Lễ Đêm Giáng Sinh 2015:
CỨ DẤU CHỈ NÀY NHẬN RA CHÚA GIÊSU (Lc 2, 1-14)
Cả thế giới đang hân hoan mừng Sinh nhật Chúa Giêsu lần thứ 2015. Ngày nay, Giáng sinh đã thành lễ hội quốc tế, niềm vui chung cho mọi người. Đối với người Kitô hữu, mừng đại lễ Giáng sinh không chỉ và không được dừng ở bên ngoài có tính lễ hội vui chơi ấy, mà quan trọng hơn là dịp để cùng với Mẹ Maria, thánh Giuse và toàn thể Giáo hội đi sâu vào Trái Tim Từ Bi Thiên Chúa làm người; cảm nếm tán tụng tri ân trước tình yêu kỳ diệu của Thiên Chúa khi ban tặng Con Một yêu dấu của Ngài cho nhân thế. Mừng Giáng sinh, niềm vui sẽ trọn vẹn nếu chúng ta biết mở lòng ra đón Chúa, để Vua Tình yêu ngự trị; và niềm vui ấy sẽ được triển nở, phong phú nếu ta biết đem Chúa Giêsu cho người khác, qua sự hiện diện của mình.
Màu nhiệm Nhập Thể- Giáng sinh, một sáng kiến độc đáo, táo bạo, một ân huê lớn lao của Chúa dành cho con người. Israel có nghĩ đến Đấng Messia cùng lắm chỉ là Đấng Emmanuel- Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Is 7,17) nhưng Biến cố Nhập Thể cho thấy Thiên Chúa không chỉ ở cùng mà còn nên một đồng hình đồng dạng như ta, trừ tội lỗi (Ga 1,14). Thiên tính mặc trọn vẹn nhân tính, và Ngài thực hiện việc Cứu độ trong bản tính nhân loại (x.MV 22b; CG, 641). “Chính trong nhân tính mà chúng ta thuộc về Chúa và Chúa thuộc về chúng ta; nhân loại được khởi sự mới mẻ trong Chúa và đạt đến cùng đích của mình”. (Đức Bênêđíchtô XVI)
Để nhận ra Hài Nhi Giêsu, Thiên Thần cho các Mục đồng dấu chỉ: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Ngài : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Ngôi sao lạ đã nên dấu chỉ cho Ba Vua đến Thờ lạy Chúa… Mỗi chúng ta phải là dấu chỉ để cho người khác, nhất là anh chị em lương dân nhận ra tin nhận Chúa Giêsu – Kitô. Thật ý nghĩa, Năm Thánh Lòng Chúa thương xót, Giáo phận Xuân Lộc mời gọi ta sống chủ đề: “Sống và Loan báo Lòng thương xót của Chúa”.
Ông bà ta nói: Con nhà tông không giống lông thì giống cánh, tức nơi mỗi người chúng ta có những nét đặc trưng, có những dấu chỉ bên ngoài cũng như bên trong cho biết về dòng tộc mình. Mỗi một dân tộc có những dấu chỉ đặc trưng, người ta có thể nhận ra ngay ta là ai.
Chúng ta thuộc về Gia đình Thiên Chúa, là con Thiên Chúa, được chiếm hữu kho tàng Tin Mừng Cứu độ vậy chúng ta phải có nét đặc trưng, có dấu chỉ đặc trưng, có hương thơm đặc trưng để người ta nhận ra Chúa Cứu Thế?
Và đâu là dấu chỉ đặc trưng, hương thơm độc đáo ?
Một trong những sứ điệp quan trọng nhất của Công đồng Vaticano II chính là lời mời gọi phổ quát nên thánh cho mọi Kitô hữu, trong các địa vị, bậc sống, môi trường sống của mình. Nên thánh chính là mỗi ngày mỗi nên giống Chúa Giêsu, mỗi ngày mỗi để Chúa Giêsu chiếm hữu, và như Gioan Tẩy giả: Mỗi ngày mỗi để cho Chúa Giêsu lớn lên, đối lại ngày ta càng nhỏ lại.
Cụ thể hơn, ta nên giống Chúa Giêsu nơi hang đá “một trẻ sơ sinh bọc tả, nằm trong máng cỏ”. Sinh ra trong cảnh khó nghèo, bài học đầu tiên Chúa muốn dạy ta làm con Chúa thì phải Sống tinh thần nghèo khó, khiêm tốn, yêu thương- tôn trọng người khác, nhất là những người kém may mắn. Sứ điệp bình an dưới thế mà Hài Đồng Giêsu đem đến chỉ với những ai thiện tâm, sống trong tư cách con cái Thiên Chúa mới vui hưởng trọn vẹn.
Theo Chúa Giêsu sống khó nghèo không phải kiểu khố rách áo ôm, sống bất chấp ngay mai. Tinh thần khó nghèo là không để tiền tài danh vọng làm chủ mình, không để gian tham làm mờ con mắt lương tâm, chà đạp đạo đức. Sống khó nghèo, ta xác lập quyền làm chủ tạo vật, biết sử dùng của cải vật chất để làm sáng danh Chúa, thêm tình hiệp thông yêu thương với anh em, để đời mình có thêm ý nghĩa. Thánh nữ Thánh Luxia, trinh nữ tử Đạo, có câu đáng để ta suy gẫm: “Dâng cho Chúa điều người ta không mang theo sau khi chết thì cũng không có gì là nhiều”, chẳng có gì là to tát.
Chúa Giêsu nói rõ hơn bản chất làm nên đấu chỉ đặc trưng của Kitô hữu: “Cứ dấu này người ta nhận ra anh em là Môn đệ Thầy, anh em hãy yêu thương nhau”. Và đến lượt chúng ta, mỗi chúng ta hãy đem Trái Tim của Con Thiên Chúa làm người ghép vào trong Trái Tim- trong lương tri mình, để đời sống của ta, qua lời nói và việc làm tuôn chảy Tình yêu Thiên Chúa; tỏa sáng hương thơm Tin Mừng yêu thương, Tin Mừng sự Thật, Tin Mừng Sự sống.
Bản chất của Đạo Thật chính là Tình yêu. Bản chất của Giáo hội là Truyền giáo. Như thế sống Truyền giáo là sống yêu thương theo khuôn mẫu Chúa Giêsu: Yêu như Chúa yêu. Hẳn nhiên, Tình yêu Kitô giáo không phải là thứ cảm tính mau qua, không phải thứ làm u mê tâm trí, theo kiểu nàng Mị Châu công chúa: Trái Tim lầm chỗ để trên đầu, kết cục chìm xuống biển sâu bi thảm.
Theo Đức Bênêđíctô XVI, Bác ái trong chân lý chính là chìa khóa cho sự phát triển nhân bản toàn diện (x,Thông điệp Bác ái trong Chân lý). Theo ngài: Không có chân lý tình yêu sẽ rơi vào chủ thuyết tình cảm; Chân lý giúp giải thoát tình yêu khỏi sự hạn hẹp của cảm tính. Hành động sẽ mù quán nếu không có sự hiểu biết và sự hiểu biết sẽ khô cằn, cứng nhắc nếu không có tình yêu (x.CV 3).
Sống bác ái trong chân lý tức sống bác ái trong Ánh sáng của Con Thiên Chúa bởi chính Người là Ánh sáng, bởi chính Người là Chân lý, bởi chính Người là Tình yêu Thiên Chúa làm người. Sống chứng tá Tình yêu, chúng ta đang đi vào cốt lõi của đời sống Kitô giáo. Theo Đức cha Giuse, Giám mục Phó Giáo phận Xuân Lộc: “Mục đích của cuộc đời và của các công việc của người đồ đệ Chúa, phải là làm chứng cho tình yêu của Chúa, là thắp lên ngọn Lửa Mến trong lòng mọi người”.
Đời sống Đạo sẽ vô nghĩa nếu không xuất phát từ Đức ái Kitô giáo (x 1Cr 13, 1-3), chính trong tình yêu này ta khám phá niềm vui, ý nghĩa, và động lực dấn thân, làm cả nhà sống và Loan báo Tin Mừng. Theo Đức Chân phước Gioan Phaolô II, nhà nhà Truyền giáo vĩ đại nhất trong thế kỷ XX chính là Mẹ Têrêxa Calcuta. Sự vĩ đại của Mẹ không phải nắm trong con người nhỏ thó, gầy yếu mà chính là tảo sáng được Trái Tim của Chúa Giêsu trong cuộc đời của Mẹ. Mẹ đã lập dòng Truyền giáo bằng Bác ái (Thừa sai Bác ái).
Mỗi năm tạp chí Times nổi hàng đầu của Mỹ bầu chọn một người nổi tiếng, thu hút công chúng và được công chúng mến mộ nhất trong năm làm ‘nhân vật trong năm”. Thật bất ngờ, ĐTC Phanxicô được bầu chọn nhân vật của năm 2013 (ngài là vị Giáo hoàng thứ ba được vinh dự “nhân vật của năm: sau khi Đức Gioan XXIII năm 1962 và Đức Gioan Phaolô II vào năm 1994). Gần nhất, tạp chí Tạp chí Forbes bầu Đức Phanxico là 1 trong 10 nhân vật quyền lức nhất thế giới năm 2015 (đứng thứ 4, trên cả Tập Cận Bình).
Ngài không phải là ca sĩ nổi tiếng, hay một cầu thủ kiệt xuất; hay tỉ phú lắm tiền; ngài cũng chẳng phải nhà văn hay nhà khoa học có công trình đoạt giải Nobel… Tất cả, như chúng ta thấy, sức hút của ngài, sức thu phục nhân tâm của ngài nơi ngài bởi ngài là dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu Cứu Thế: như Chúa Giêsu, ngài nổi bật khiêm nhường, phục vụ yêu thương, nhất là quan tâm đặc biệt đến những người nghèo khổ, kém may mắn trong cuộc sống. Hình ảnh mang ‘dấu chỉ’ Giêsu ấy càng được phát sáng trong những chuyến công du các nước châu Mỹ, châu Phi năm qua, đặc biệt ở Nước Mỹ, làm lẫn át cả hình ảnh chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình liền sau đó.
Thiên thần hôm nay công bố: "Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Ðavít”.
“Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi”. Rõ ràng, Chúa Giêsu Nhập thể và Giáng sinh không phải cho Chúa mà là cho ta. Theo chân Chúa Giêsu, chúng ta sống không phải cho mình mà là cho tha nhân. Như Chúa Giêsu và các thánh, ta chỉ thực sự có hạnh phúc khi biết sống cho người khác, làm cho người khác lớn lên.
Vinh danh Thiên Chúa trên trời/ bình an dưới thế cho người thiện tâm. Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, xin cho chúng con có lòng thiện tâm để nhận ra và tận hưởng sứ điệp Bình an của Chúa Giáng sinh, nhất là trong Năm thánh Lòng Chúa thương xót. Amen
Lm. Đaminh Hương Quất
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: