Đoàn chiên non hiến tế
ĐOÀN CHIÊN NON HIẾN TẾ
(CÁC THÁNH ANH HÀI TỬ ĐẠO - 28/12)
Lễ các Thánh Anh Hài đã có một lịch sử cổ kính trong Giáo hội. Lễ này đã được Giáo hội cử hành ngay từ cuối thế kỷ III. Thậm chí còn có giả thuyết cho rằng ngay từ thế kỷ I, trong Giáo hội đã có những người tin rằng trong số 144.000 người hưởng vinh phúc Thiên đàng mà Thánh sử Gio-an trình thuật trong sách Khải Huyền (“Tôi thấy: Kìa Con Chiên đứng trên núi Si-on; cùng với Con Chiên có một trăm bốn mươi bốn ngàn người, mang danh của Con Chiên và của Cha Con Chiên ghi trên trán.” – Kh 14, 1), chắc chắn có các Thánh Anh Hài Tử Đạo. Vì thế, các tín hữu trong Giáo hội tiên khởi (kể cả các giáo sĩ) đã bày tỏ lòng kính nhớ các vị anh hài đã chết thay cho Chúa Ki-tô trong cuộc thảm sát khủng khiếp của hung thần Hê-rô-đê. Từ đó, mở ra lễ mừng kính các Thánh Tử vì Đạo, mà các vị tử vì Đạo Chúa đầu tiên không ai khác hơn là các Thánh Anh Hài.
Thật vậy, “Truyền thống cử hành các ngày lễ mừng kính các Thánh Tử vì Đạo đã tồn tại trước khi có ngày Lễ Giáng Sinh đầu tiên trong Phụng vụ. Ngày nay, ba trong số những ngày lễ ấy được đặt vào liền sau Lễ Giáng Sinh. Các vị tử đạo được mừng trong mùa Giáng Sinh này tiêu biểu cho ba hình thức tuẫn giáo vốn thường được ghi nhận trong những thế kỷ bị bách hại: Có những người vui lòng chịu chết (như Thánh Stê-pha-nô – lễ ngày 26/12); có những người khác cũng vui lòng chịu chết, nhưng không bị xử tử (như Thánh Gio-an tác giả sách Tin Mừng – lễ ngày 27/12); và có những người khác nữa bị xử tử không phải do mình chọn lựa (như các Thánh Anh Hài – lễ ngày 28/12).” (xc “Đôi Nét về Mùa Giáng Sinh” – Lm. Lê Công Đức tổng hợp, theo Catholic Customs & Traditions của Greg Dues, do Twenty-Third Publications xuất bản. – nguồn: Thanhlinh.net).
Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 2, 13-18) chỉ trình thuật 2 sự kiện: “Đức Giê-su trốn sang Ai cập và các Anh hài bị giết”. Để rõ hơn vì sao Đức Giê-su phải trốn sang Ai cập và các Anh hài bị giết, cần phải đọc cả chương 2 (Mt 2, 1-18). Đó là diễn tiến câu chuyện 3 nhà chiêm tinh Phương Đông được mạc khải mầu nhiệm Giáng Sinh, nương theo vì sao dẫn đường tới Giê-ru-sa-lem, và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” Nghe tin ấy, Hê-rô-đê bối rối và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Hê-rô-đê liền triệu tập các thượng tế và kinh sư để hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu, và được họ trả lời: “Tại Bê-lem miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt It-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”
Hê-rô-đê là một ông vua độc ác, lúc nào cũng tham quyền cố vị, chỉ lo sợ bị lật đổ khỏi ngai vàng không còn “hét ra lửa, mửa ra khói” được nữa. Tính cách ác độc của Hê-rô-đê đã được các sử gia cùng thời ghi chép lại: "Chính Hê-rô-đê tự tay bóp cổ bà vợ mình cho đến chết và ra lệnh giết 2 đứa con ruột của mình, cũng như ra lệnh giết các thân nhân của quần thần..." Vì thế, khi nghe tin “Đức Vua dân Do-thái mới sinh”, hung thần bí mật vời các chiêm tinh gia hỏi căn kẽ về ngày giờ ngôi sao xuất hiện và phái các ông đi Bê-lem với lời dặn ra vẻ thành kính: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, về báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.”
Mục đích của hung thần chỉ là để tiêu diệt Hài Nhi; nhưng Hê-rô-đê làm sao qua mặt được Thiên Chúa, nên Người mới sai sứ thần báo mộng cho các chiêm tinh gia tìm lối khác mà về xứ mình. Đồng thời, Người còn sai sứ thần báo mộng cho ông Giu-se đem Hài Nhi trốn sang Ai-cập (Mt 2, 1-15). Cũng vì Hê-rô-đê bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, nên đùng đùng nổi giận, sai người đi giết tất cả các con trẻ từ 2 tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông ta đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Trình thuật tới đây, thánh sử Mat-thêu còn viện dẫn chứng liệu sự kiện này đã được tiên báo từ ngôn sứ Giê-rê-mi-a (“Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã nói: Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi.” – Mt 2, 17-18).
Hài Nhi Giê-su thoát khỏi tay hung thần Hê-rô-đê lần này, nhưng 33 năm sau thì lại bị vô số những Hê-rô-đê khác xử tử trong một vụ án khốc liệt có một không hai (xc “Vụ Án Độc Nhất Vô Song” của cùng tác giả – nguồn: Thanhlinh.net). Có một điều rất lạ lùng khó hiểu là trong vụ án này, Hê-rô-đê lại đổi khác so với tâm tính độc ác trước đây (“Vua Hê-rô-đê thấy Đức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ.” – Lc 23, 8). Đến khi hung thần hỏi Đức Giê-su nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả, thì “vua Hê-rô-đê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Phi-la-tô.” – Lc 23, 9-12). Còn những Hê-rô-đê khác (là những thượng tế, kinh sư, luật sĩ, kể cả đám đông dân chúng It-ra-en…) đều nhất quyết: “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá” (Ga 19, 15). Vậy đó!
Từ một hung thần Hê-rô-đê đẻ ra biết bao nhiêu Hê-rô-đê khác chỉ trong một thời gian ngắn (33 năm). Điều này chứng tỏ bản chất con người luôn bị những hấp lực của quyền thế, danh vọng, của cải vật chất lôi cuốn, cám dỗ, khiến sa chân vào vũng bùn tội lỗi. Hóa cho nên không lạ khi thấy thời đại ngày nay có cả hàng triệu triệu Hê-rô-đê “thảm sát hài nhi” bằng cách vứt bỏ trẻ sơ sinh trong thùng rác, nơi vệ đường, bên bìa rừng... Và còn biết bao nhiêu thai nhi bị tàn sát mỗi ngày trên hành tinh (nạo phá thai), ấy là chưa kể nạn hủy diệt trứng, tinh trùng v.v… và v.v… Hê-rô-đê ngày xưa đã giết các hài nhi Bê-lem để bảo vệ vương quyền của mình. Còn những Hêrôđê-thời-đại ngày nay, thì sao? Có thật nhiều lý do để biện minh cho việc giết người đó: vì lỡ lằm, để bảo vệ danh dự, chức vụ, công việc ... hay để khỏi tốn kém trong việc nuôi dạy sau này. Có khi còn vì bào thai hay hài nhi bệnh hoạn hay dị tật!
Không một lý do nào có thể biện minh cho hành vi tội ác đó. Khi tạo dựng con người Thiên Chúa đã phán: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.” (St 1, 28). Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền định đoạt về sự sống con người. Còn phần Ki-tô hữu chúng ta, chúng ta hãy sẵn sàng cộng tác với Thiên Chúa và tham gia với những người thiện chí để bảo vệ sự sống con người ngay từ khi thụ thai cho đến cái chết tự nhiên.
Tóm lại, để mừng kính lễ các Thánh Anh Hài Tử Đạo trong tuần Bát nhật Giáng sinh hôm nay, người Ki-tô hữu hãy chiêm niệm Lòng Chúa Thương Xót thông qua mầu nhiệm Giáng Sinh:
* Tôn kính và thờ lạy Hài Nhi hiện thân của Lòng Chúa Thương Xót: Dán mắt vào Hài Nhi Giê-su đang nằm trong máng cỏ nơi Hang đá Bê-lem, để cảm nghiệm được Hài Nhi mới sinh này chính là Đấng ban sự sống và ơn cứu rỗi cho mọi người.
* Chiêm niệm các Thánh Anh Hài Tử Đạo là những đấng đã chết thay cho Hài Nhi Giê-su. Các ngài là đoàn chiên non hiến tế – lễ vật đầu mùa của Thiên Chúa, là hoa quả thể hiện Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trước ngai tòa Chúa, các ngài vui chơi thỏa thích với ngành lá chiến thắng và vòng hoa vinh quang. Từ đó, song song với việc tôn kính các ngài, hãy cầu xin các ngài cầu bầu cùng Thiên Chúa ban Lòng Thương Xót cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
* Để thêm lòng tôn kính các Thánh Anh Hài đã dùng chính cái chết của mình mà làm chứng cho Tin Mừng Lòng Thương Xót giáng trần cứu nhân độ thế; hãy tiếp tục suy xét về những dấu chỉ Hêrôđê-thời-đại ngày nay, từ đó lấy cả cuộc đời mình mà minh chứng cho Lòng Chúa Thương Xót tuôn đổ ơn Cứu Độ qua mầu nhiệm Giáng Sinh + Tử Nạn + Phục Sinh. Đồng thời sẵn sàng tham gia cộng tác với mọi người thiện chí để bảo vệ sự sống con người ngay từ khi bắt đầu thụ thai cho đến thời kỳ sinh nở và nuôi dạy con em tới tuổi trưởng thành. Xin hãy tôn trọng, yêu thương và quan tâm chăm sóc trẻ em, vì "Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai, Giáo Hội tương lai”. Ước được như vậy.
Ôi! “Lạy Chúa, các thánh Anh Hài chưa biết dùng lời nói để tuyên xưng đức tin, nhưng đã được Chúa ban tặng vinh quang nhờ Con Chúa giáng sinh làm người. Trong ngày Hội Thánh tưởng niệm các vị tử đạo đầu tiên của Kitô giáo, xin cho tiệc thánh chúng con vừa chia sẻ đem lại cho chúng con ơn thánh dồi dào để chúng con can đảm làm chứng Chúa cho anh em. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện hiệp lễ, lễ Các Thánh Anh Hài Tử Đạo”)
JM. Lam Thy ĐVD.
]
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: