Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bụt nhà không thiêng

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

BỤT CHÙA NHÀ KHÔNG THIÊNG               

(CN IV/TN-C)

 

Bài Tin Mừng hôm nay (CN IV/TN-C – Lc 4, 21-30) tiếp tục trình thuật về chủ đề “Đức Giê-su về thăm Na-da-ret”. Thánh sử Lu-ca viết: “Hôm ấy, tại hội đường Na-da-rét, sau khi đọc sách ngôn sứ Isaia, Đức Giê-su bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.” Nếu là người trần mắt thịt – dù cho có là vua chúa quan quyền đi chăng nữa – khi thấy thái độ của đám đông như vậy, thì chắc chắn mũi sẽ nở to và lòng thì vô cùng sung sướng, trí thì bay bổng tận mây xanh! Nhưng thật không ngờ Đức Giê-su Ki-tô lại “nói với họ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!" Vậy là sao?

 

Chuyện cũng đơn giản, vì ở đây người được nghe những lời tâng bốc ấy lại là Con-Thiên-Chúa-làm-người, nên Đức Giê-su đã quá hiểu cái kiểu tán thành và thán phục bằng “đầu môi chót lưỡi” (nhưng trong lòng thì lại nghĩ khác) của những người đồng hương. Họ đã từng cho rằng: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” (Mt 13, 53-56). Và vì thế, Người vạch trần ý nghĩ đen tối đó (Lc 4, 23). Cái kiểu tán thành và thán phục của những người đồng hương thật chẳng khác gì cảnh “Bề ngoài thơn thớt nói cười, Mà trong nham hiểm giết người không đao” (“Đoạn Trường Tân Thanh” – Nguyễn Du)! Vừa mới lẻo mép “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.” (Lc 4, 22); thì ngay sau đó “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành... Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.” (Lc 4, 28).

 

Nói về thái độ xem thường người đồng hương, Việt Nam cũng đã có những kinh nghiệm được đúc kết thành châm ngôn, tục ngữ: “Bụt chùa nhà không thiêng”, “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”. Hoá cho nên "Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin." (Mc 6, 5-6). Với những người dân làng bình thường không tin vào Đức Ki-tô thì còn có thể hiểu được, nhưng đến cả những người bệnh được chữa khỏi mà cũng không tin thì quả thật... hết biết! Và vì thế mới khiến cho một vị Thiên sai là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, phải "lấy làm lạ" và cuối cùng chua chát thốt lên: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi." (Mc 6, 4). Thế đấy!  

 

Cũng vì biết quá rõ tâm địa của họ, nên Đức Giê-su nói thẳng: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4, 24). Người còn chứng mình bằng cách nêu ra hình ảnh 2 vị ngôn sứ nổi tiếng thời Cựu Ước, đó là ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa ("Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi." – Lc 4, 25-27).

 

Quả thật, ngôn sứ bị rẻ rúng nơi quê hương mình như lời nhận xét của Đức Giê-su đã xảy ra từ thời Cựu Ước, đó là trường hợp ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Vị ngôn sứ này đã tự thuật: “Người phán với tôi: “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái It-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng: “Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này”. Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.” (Ed. 2, 2-5). Và sự tiên đoán của Đức Giê-su đã thực sự xảy ra.

 

Đám người đồng hương của Đức Ki-tô vừa mới thơn thớt lỗ miệng “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”, giờ đây khi nghe Người vạch trần cái “lòng chai dạ đá” của họ ra, thì ngay lập tức “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.” (Lc 4, 28-30). Đúng là trò “Lật mặt như trở bàn tay”. Thật không ngờ lời ngôn sứ Ê-dê-ki-en sau bao thế kỷ cũng lại ứng nghịêm ở ngay dân được chọn (“dân nội” đàng hoàng!). Như vậy thì rõ ràng không phải chỉ riêng dân làng Na-da-rét mới có cái nhìn sai lệch về Thiên Chúa thông qua những ngôn sứ được sai đến loan báo Tin Mừng; mà kể cả dân tộc Do-thái từ trước đó hàng mấy thế kỷ cũng nổi loạn chống lại Thiên Chúa vì cái thành kiến đè nặng trên lương tri họ ("Người phán với tôi: "Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá." – Ed 2, 3-4).

 

Ôi chao! Cứ tưởng đó chỉ là truyện cổ tích xảy ra cách đây hơn 20 thế kỷ, nào ngờ ở cái thời đại văn minh tiến bộ vượt bậc ngày nay vẫn còn không ít cảnh "Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá" vì cái thành kiến "made in Nazareth, made in Israel" sống nhởn nhơ trên khắp địa cầu. Thực thế, thế giới ngày nay không thiếu cảnh tráo trở, thay lòng đổi dạ một cách nhanh chóng, cũng bởi cái bản tính cố chấp hẹp hòi của con người đã định vị trong tư tưởng một cách nhìn lệch lạc, không đúng đắn, thiếu khách quan về con người, sự vật hay sự kiện.

 

Chính cái thành kiến ấy khiến con người nhìn một công trình bằng gỗ thì chỉ chú ý đến nước sơn choáng lộn bên ngoài, mà không cần biết đến chất lượng gỗ bên trong; họ đã quên mất rằng "tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Hơn thế nữa, khi nhìn anh em, họ chỉ chú ý đến vẻ đẹp tô son trét phấn, áo quần loè loẹt bên ngoài, mà quên mất rằng "cái nết đánh chết cái đẹp", quên mất rằng con người cũng chẳng khác một bông hoa "hữu xạ tự nhiên hương" (có chất thơm thì tự nhiên có hương thơm toả bay, còn nếu đã không có hương thơm thì cái sắc hoa bên ngoài cũng trở thành vô vị mà thôi). Cái hào nhoáng bên ngoài nhiều khi lại che giấu cái thối rữa tiềm ẩn bên trong, như cảnh “tốt mã dẻ cùi" (chim dẻ cùi có vẻ ngoài [bộ lông và cái đuôi] rất đẹp, nhưng lại hay ăn phân chó; thành ngữ này ngụ ý ám chỉ những kẻ “đẹp người, xấu nết”).

 

Ôi! Lạy Chúa! Nhiều khi nhìn lại mình, con cũng thấy không it lần con vướng phải cái thành kiến hẹp hòi, cố chấp nêu trên. Khi nhìn ra được những sai lầm, con rất muốn tẩy rửa tâm hồn cho sạch mọi vết nhơ của những thành kiến đã trở thành định kiến trong con, con rất muốn thay đổi được cách nhìn, cách suy nghĩ, nhận định thiển cận của con. Nhưng, lạy Chúa, con lại cũng biết rằng con người của con thật mỏng giòn yếu đuối, nhưng lại rất bảo thủ, khó lòng mà "xoay cái nhìn ra khỏi cái tôi" cố hữu được. Vì thế, cúi xin Chúa ban Thánh Linh khơi dậy lửa Mến trong lòng con, soi sáng và hướng dẫn con tẩy rửa con người mình trong Nước và Thánh Thần như Lời Chúa đã hứa năm xưa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.