Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ra khơi

Tác giả: 
Lm Vinh Sơn

 

 

Chúa Nhật V Thường Niên C

 

RA KHƠI

 

Is 6,1-2a.3-8; 1Cr 15,1-11; Lc 5,1-11

 

 

 

Thánh Gioan Vianney, lúc còn là chủng sinh, học rất chậm. Ngày kia, một giáo sư thần học, thừa lệnh Đức Giám mục đến khảo sát Vianney xem có đủ khả năng học vấn để tiến tới chức linh mục chăng ?. Tuy đã cố hết sức học hành, Vianney vẫn không thể trả lời được câu nào cho trôi chảy.

 

 Nổi nóng, vị giáo sư đập bàn nói: “Vianney, anh dốt đặc như con lừa ! Với một con lừa như anh, Giáo hội hy vọng làm nên trò trống gì “?

 

Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời: “Thưa cha, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương hàm con lừa mà đánh bại 3000 quân Philitinh. Vậy với cả con lừa này, Thiên Chúa không làm được việc gì sao?”

 

Con người dốt đặc - Gioan Vianey  khi đặt mình vào tay Chúa, trở nên con người thu phục người khác về với Chúa như Chúa đã làm cho Phêrô khi ông tín thác: Vâng Lời thầy con thả lưới…

 

 Vâng, Phêrô và các môn đệ theo lệnh Chúa, ra khơi thả lưới…lưới đầy cá

 

Các Tông đồ ra khơi trong sứ mạng chài lưới người như Đức Kitô đã nói. Ra Khơi, Các ông đã bỏ mọi sự để đi theo Ngài để mang những con người cho Chúa Kitô

 

Thật thế, các môn đệ mệt mỏi vật lộn với biển khơi tha lưới trong một đêm thức trắng, nhưng thất bại chua cay : không một con cá.Tâm trạng các ông, thất vọng và  chán nản. Chúa Giêsu lại bảo các ông lại ra khơi. Ra khơi, đi vào biển lúc này với các ông cả một sự cực hình vì vừa sống trong kinh nghiệm thất bại dù đã làm việc và thả lưới suốt đêm, nhưng vâng lời thầy , các ông vẫn ra khơi đi vào biển…

 

Biển  theo văn hóa Semit là nơi đáng sợ , theo chú giải của Noel Question Chúa Giêsu bảo ông Simon: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá". Ra chỗ nước sâu bản dịch chính xác hơn: "Ra chỗ nước trên vực thẳm "eis to bathos" của tiếng Hy Lạp. Từ tiếng Bathos có nghĩa là vực thẳm, mà có từ tiếng Pháp "bathiscaphe": nơi xuất phát quyền lực sự dữ, biển sâu là biểu tượng của các vực thẳm nội tâm, nơi ở của các quái vật trong hỏa ngục (x. St 7,17; Tv 74,13-24,2; Gr 38,16; Gn 2,2; Kh 9,l-3-20,3-13,1). Ra khơi, thực hành nghề đi biển, đối diện với hiểm nguy. Nhiều thủy thủ, thuyền trưởng “bị nuốt chửng, bi nhận chìm" trước cơn giận của biển cả!

 

Chúa gọi các mộn đệ ra khơi, tìm chổ sâu thả lưới, tức là phiêu lưu đi vào nơi sóng gió. Ngài muốn người môn đệ phải liều lĩnh đối diện với hiểm nguy. Đó là sẵn sàng ra đi như Chúa Giêsu nói : như chiên con vào giữa hang sói (x. Lc 10,3) . Ra đi cho cuộc sống mới, sứ mạng mới.

 

Ra khơi,  bỏ lại đất liền nơi có nhiều mối quen biết, an toàn, bao bọc, để mạo hiểm lênh đênh trên biển cả. Lên đường ra khơi là bỏ lại tất cả: gia đình, thuyền bè, chài lưới. Bỏ cả nghề nghiệp cũ đã thành thạo để bắt tay vào nghề mới còn chập chững. Bỏ nghề chài lưới cá để thành chài người.

 

Ra khơi là ra khỏi chính mình, ra khỏi những mặc cảm khiếm khuyết bất toàn, để sống con người mới cho sứ mạng mới như :

 

  • Isaia ban đầu đã  mặc cảm chính mình và kêu lên: vô phúc cho tôi, tôi chết mất vì lưỡi tôi nhơ bẩn. Miệng lưỡi của ông được tinh luyện bằng than hồng. Ông ra khỏi chính mình đáp trả khi Chúa bảo: "Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?" Ông mau mắn thưa: "Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6,1-2a,3-8).
  • Tông đồ Phaolô thì tự thú: Ngài vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ và không xứng đáng với danh hiệu ấy, vì đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa. Được biến đổi bởi ơn Chúa,  trở nên Tông đồ, nhiệt thành với sứ vụ tông đồ cho dân ngoại (x.1 Cr 15,7-11).
  • Phêrô đã sụp xuống và sợ hãi khi chứng kiến phép lạ tỏ tường, ông thưa: "Lạy Chúa xin hãy xa tôi, vì tôi là kẻ tội lỗi" (Lc 5,8) và Chúa đã kéo ông ra khỏi sự mặc cảm :  "Đừng sợ, các con sẽ là kẻ chinh phục người ta" (Lc 5,10). Đức Giêsu sẽ đánh dấu một khúc quanh quyết định cho cuộc đời của ông, trở  nên thuyền trưởng cho sứ vụ « chài lưới người ».

 

"Đừng sợ" kiểu nói thường đi theo sau mọi sự loan báo quan trọng trong Kinh thánh: như Giavê nói với Tổ phụ Apraham khi loan báo về người con chính dòng sẽ kế thừa của gia đình ông (x. St 15,1); Thiên thần truyền tin cho Giacaria về sự ra đời của Gioan con ông – Đấng tiền hô của Đấng Cứu Thế (x. Lc 1,13);  và Thiên Thần truyền tin cho Đức Maria, sẽ cưu mang Đấng Cứu Thế (x. Lc 1,30). Chúa nói « Đừng sợ » với Phêrô vì cuộc đời ông mở sang trang mới. Đổi hướng mới, đến một bến bờ khác.

 

Đức Kitô hôm nay vẫn đi dọc theo bờ biển của cuộc đời chúng ta, Ngài nói với tôi và bạn, những người đang lắng nghe lời Ngài giảng dạy: "Hãy ra khơi", ra khơi  tiến vào biển cả, đối diện với phong ba bảo tố. Ra Khơi  với tinh thần như các môn đệ năm xưa: “Bỏ lại mọi sự, họ đã theo Chúa” (Lc 5,11)

 

Ra khơi vào cuộc đời biển cả cuộc đời, nơi có bão tố gian nan mà con người phải đối diện, chúng ta mang những  tâm tình cam đảm vượt khó với niềm tin vào Thầy như Theodore Roosevelt chia sẻ  « chịu xây sát với nước mắt và mồ hôi, dũng cảm đấu tranh, lầm lỗi và gặp những trắc trở, biết hăng hái nhiệt tình, mạnh mẽ tin tưởng vào sự thành công của công việc nhưng lại bị thất bại. Như thế, chỗ đứng của họ không chung với những tâm hồn cô đơn và nhút nhát, nhưng với những tâm hồn biết cảm nghiệm được thất bại và chiến thắng." Như Phêrô cọ sát vói thất bại trong đêm trường thả lưới dù với tất cả sự cố gắng, nhưng chiến thắng trong ban ngày thả lưới, lười đầy cá vì ông đã làm theo ý Thầy :  "vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới"(Lc 5,5)

 

Thật thế, với tất cả niềm tin :

 

Vâng lời thầy, con quyết ra khơi,

Đi vào biển cả - giông tố nhiều

Tâm tư vững dạ con tung lưới

Cá tôm ngập tràn thuyền đời con.

 

 

   Lm. Vinh Sơn scj, Sài gòn 6/02/2016