Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vượt qua thử thách

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

VƯỢT QUA THỬ THÁCH (Đêm CANH THỨC VƯỢT QUA – C)

 

Những quy luật tổng quát về Năm Phụng vụ và niên lịch “Normae de Anno et Calendario” (số 18) đã khẳng định: “Tam nhật Vượt Qua nhằm tưởng niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa, sáng chói lên như tột đỉnh của năm Phụng vụ.” Đêm cuối của Tam Nhật Vượt Qua là đêm Canh Thức Vượt Qua (cũng gọi là Vọng Phục Sinh). Sách “Những Ngày Lễ Công Giáo” cho biết: Theo truyền thống xa xưa, đêm nay là đêm Chúa truyền phải giữ, và cử hành Canh Thức Vượt Qua để kính nhớ Đêm Thánh Chúa Phục Sinh. Trong lễ Canh Thức này, Phụng vụ Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Vượt Qua trong các bí tích khai tâm Ki-tô hữu. Toàn thể truyền thống Ki-tô giáo luôn nhìn nhận buổi canh thức này mang tính chất trông đợi cuộc quang lâm cánh chung của Chúa Giê-su.

 

Một trong những khía cạnh độc đáo của Canh Thức Vượt Qua là khái quát lại những kỳ công trong lịch sử cứu độ. Những kỳ công này được trình thuật trong 7 bài đọc được chọn từ sách Luật và Ngôn Sứ trong Cựu Ước (St 1,1–2,2 – hay St 1,1.26-31a ; St 22,1-18 ; Xh 14,15–15,1a ; Is 54,5-14 ; Is 55,1-11 ; Br 3,9-15.32–4, 4 ; Ed 36,16-17a.18-28 ), và hai bài đọc trích từ Tân Ước, được chọn từ thư các tông đồ và Tin Mừng (Rm 6, 3-11 ; Lc 24,1-12). Như thế, việc suy niệm trong đêm Canh Thức thật ý nghĩa: Bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ (Lc 24, 27. 44-45), cho đến khi “Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.” (Lc 24, 7). Các tín hữu được khuyến khích tập trung suy niệm một cách kỹ càng và phải sử dụng tất cả các bài đọc. Chỉ trong những hoàn cảnh mục vụ đòi buộc, có thể bớt số bài đọc Cựu ước. Trường hợp gấp rút, phải đọc ít nhất ba bài Cựu Ứớc, nhưng không được bỏ bài trích sách Xuất Hành (Xh 14,15–15, 1a); bởi các bài Cựu ước này có ý nghĩa tượng trưng và báo trước những thực tại trong Ki-tô giáo.

 

Trong những bài đọc Cựu Ước, bài đọc 3 (Xh 14,15–15,1a) trình thuật việc It-ra-en ra khỏi Ai-cập, vượt qua Biển Đỏ, chiếm một địa vị quan trọng, vì việc It-ra-en được cứu thoát chính là biến cố tiên báo việc cứu độ nhân loại trong Đức Giê-su Ki-tô. Tuy nhiên, Phụng vụ Lời Chúa chỉ đạt tới đỉnh điểm trong bài Tin Mừng trình thuật sự sống lại của Đức Ki-tô (bài đọc 9: Lc 24, 1-12). Trước đó, ở bài đọc 8 (Rm 6, 3-11), Thánh Phao-lô cho biết: mỗi tín hữu được dìm vào nước thanh tẩy là được dìm vào trong cái chết của Đức Ki-tô để cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Điều này lý giải tại sao Giáo hội ấn định Phụng vụ Thánh Tẩy và bi tích Thánh Thể  trong Canh Thức Vượt Qua cần phải làm sao cho đạt ý nghĩa trọn vẹn, bởi đây chính là các bí tích khai tâm – trung tâm điểm của đời sống Ki-tô hữu.

 

Lễ Vượt Qua đã được ấn định từ thời Cựu Ước (Xh 12, 1-28; 14, 1-31), đó là “ngày phải sát tế chiên Vượt Qua” (“con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi… Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên.” – Xh 12, 5-7); để vượt qua được ngày “sát tế con đầu lòng Ai Cập” (“Đó là lễ tế Vượt Qua mừng ĐỨC CHÚA, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Ít-ra-en tại Ai-cập, khi Người đánh phạt Ai-cập và cho các nhà chúng ta thoát nạn." – Xh 12, 27). Lễ Vượt Qua trong Cựu Ước là ngày giết con chiên được gọi là “chiên Vượt Qua”; nhưng lễ Vượt Qua mà Đức Ki-tô cùng các môn đệ chuẩn bị dọn tiệc kỷ niệm, lại đánh dấu ngày chuẩn bị sát tế chính Chiên Thiên Chúa – là Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa – vì tội lỗi loài người, và cũng chính Người sẽ vượt qua sự chết để tiêu diệt sự chết và sống lại để đem lại sự sống cho nhân loại (“Chúa Ki-tô đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, nhất là nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Người; nhờ đó, Người đã chết để tiêu diệt sự chết của chúng ta và sống lại để khôi phục sự sống cho chúng ta." – AC, số 18).

 

Với bản tính Thiên Chúa thì cuộc vượt qua của Đức Ki-tô không có gì là khó khăn, nhưng với bản tính loài người thì không phải là chuyện dễ dàng. Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, nhưng với bản chất con người bình thường như mọi người trên thế gian, thì Người cũng đổ cả mồ hôi máu ra nơi vườn Ghết-sê-ma-ni khi nghĩ đến cuộc khổ nạn mà Người phải vượt qua, thậm chí Người còn cầu xin cùng Chúa Cha cho khỏi phải chịu sự thương khó ấy (“Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy." Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này" – Mt 26, 37-39). Tuy nhiên, với bản tính Thiên Chúa thì Người lại thưa “Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha." – Mt 26, 39).

 

Xin đơn cử một ví dụ nhỏ: Trên đường đi gặp một con sông chắn ngang trước mặt, muốn vượt qua nó thì phải làm sao? Tiên vàn thì phải có được quyết tâm, có được can đảm, dũng khí. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, mà còn cần phải rèn luyện được kỹ năng (bơi lội, cách thức chống chọi với sóng gió…), rồi còn phải trang bị cho mình những phương tiện (bè mảng, ghe thuyền). Rèn luyện kỹ năng thì có thể tự mình làm được, nhưng cũng cần phải có người chỉ bảo hướng dẫn, kết quả mới khả quan; đến như những phương tiện thì chắc chắn phải cậy dựa vào tha nhân mới có được. Tóm lại, dù có đầy đủ quyết tâm và dũng khí (chủ thể), nhưng vẫn rất cần phải có sự trợ giúp từ bên ngoài (khách thể). Vượt qua một chướng ngại vật thiên nhiên còn như thế, huống hồ là vượt qua được những thử thách của siêu nhiên. Vấn đề đặt ra với người Ki-tô hữu khi bước vào Tuần Thánh, chuẩn bị cử hành Tam Nhật Vượt Qua, không chỉ là tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su Ki-tô và ăn mừng Lễ Phục Sinh đánh dấu mầu nhiệm Vượt Qua vinh hiển của Người, mà còn là làm sao vượt qua được những thử thách trên hành trình dương thế, ngõ hầu tiến về được quê Trời vui hưởng hạnh phúc đời đời.

 

Mỗi năm chỉ có một Mùa Chay 40 đêm ngày hãm mình ép xác, ăn năn sám hối. Mỗi Mùa Chay cũng lại chỉ có một lần cử hành Tam Nhật Vượt Qua. Ngoài ý nghĩa trọng đại của đêm Canh Thức Vượt Qua như đã dẫn ở đầu bài viết, tôi cứ muốn nghĩ thêm rằng tôi phải thực hành (không chỉ là cử hành) cho kỳ được công cuộc vượt qua được Mùa Chay của bản thân tôi, của cuộc đời tôi. Và nhất là làm thế nào để mỗi năm thêm một lần tôi ghi dấu được cuộc vượt qua bằng một cái mốc thời gian trong cuộc đời. Tôi phải sống làm sao cho đúng với ý nghĩa “sống là chấp nhận vượt qua, vượt qua mọi cám dỗ ngọt ngào, mọi đam mê thấp kém, vượt qua mọi gian lao nguy hiểm, mọi thử thách nghiệt ngã – vượt qua được chính mình”. Cuộc sống của tôi không chỉ là mỗi năm một lần cử hành Tam Nhật Vượt Qua, mà phải là thực hành liên lỉ cuộc “bách-niên-vượt-qua”, cho tới ngày tới được cùng đích của cuộc đời. Ở đó, chính Người-đã-chết-cho-tôi, đã Vượt-Qua-sự-chết-vì-tôi, sẽ dang rộng vòng tay đón nhận tôi để tôi được cùng-sống-lại-với-Người.

 

Tóm lại, “Chóp đỉnh của Mùa Chay Thánh là Thánh Lễ Chúa Phục Sinh, mừng Chúa Giêsu được Chúa Cha cho Sống Lại từ cõi chết nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa Kitô Phục Sinh mở ra cho loài người chúng ta một “Kỷ Nguyên Mới”, Kỷ Nguyên của sự Sống Lại và Sự Sống Mới trong Thần Khí, Đấng là “Tác Nhân Chính” của công việc Loan Báo Tin Mừng. Ngài sẽ mang đến, cho mọi người, Niềm Vui lớn lao của Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa, được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Chúng ta hãy đứng thẳng và ngẩng cao đầu để đón nhận Niềm Vui đó của Tin Mừng, đón nhận Tình Yêu của Thiên Chúa.” Thư Muc vụ Mùa Chay và Mùa Phục Sinh 2016 của Đức TGM Phao-lô Bùi Văn Đọc, số 5)

 

Để sống đúng tinh thần vượt qua mọi thử thách trong đời sống,  người Ki-tô hữu rất cần thiết phải vượt qua được chính mình, cũng tức là “ vượt thắng sự tha hóa hiện sinh của bản thân” như lời dạy của ĐTC Phan-xi-cô trong sứ điệp Mùa Chay 2016: “Do đó, đối với tất cả chúng ta, Mùa Chay trong Năm Thánh này là thời gian thuận tiện để ta vượt thắng sự tha hóa hiện sinh của ta bằng cách lắng nghe lời Thiên Chúa và thực hành các việc thương người… Chúng ta đừng phung phí Mùa Chay này, nó thuận lợi để ta hoán cải xiết bao! Ta xin cho được điều này nhờ lời cầu bầu đầy tình mẫu tử của Nữ Trinh Maria, đấng, nhờ gặp được sự cao cả của lòng thương xót nơi Thiên Chúa, một lòng thương xót được hậu hĩnh ban xuống cho ngài, đã là người thứ nhất thừa nhận sự đớn hèn của mình (xem Lc 1, 48) và tự gọi mình là nữ tỳ hèn mọn của Chúa (x. Lc 1, 38).” Ước được như vậy.

 

JM. Lam Thy ĐVD.