Kiến tạo lịch sử - Kiên trì
KIẾN TẠO LỊCH SỬ
“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết!”.
“911” - “Nine One One” - cách gọi tắt của người Mỹ mỗi khi họ tưởng nhớ ‘ngày tận thế’ 11/9/2001, ngày mà toà tháp đôi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York - biểu tượng phồn vinh của Hoa Kỳ - chìm trong khói và lửa, dẫn đến cái chết của 2.996 người.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay cho thấy mọi thứ có thể đổi dời như biến cố “911”, có thể trải qua ‘khoảnh khắc tận thế’ của nó; nhưng Thiên Chúa thì không. Ngài còn mãi! Chúa là Chủ của lịch sử “vật đổi sao dời” và Ngài kêu gọi chúng ta cùng Ngài ‘kiến tạo lịch sử’ đó.
Trước vẻ đẹp của một Giêrusalem tráng lệ, Chúa Giêsu nói, “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết!”. Như những người thưởng lãm vẻ đẹp của đền thờ, bạn và tôi có thể bị mê hoặc bởi những lấp lánh của ‘đền thờ các loại’. Vậy mà, đức tin, thời gian và kinh nghiệm dạy rằng, mọi thứ luôn đổi thay, kể cả các mối tương quan! Phải, các mối tương quan không bao giờ ‘tĩnh’, chúng luôn ‘dịch’; hoặc chặt chẽ hơn, hoặc đang ‘sờn mòn’ hay ‘rời ra’ ở các đường nối. Điều này cũng đúng cho mối tương quan của chúng ta với Chúa Kitô. Tất cả những việc chúng ta làm sẽ đưa chúng ta đi sâu vào trái tim Ngài hơn hoặc khiến chúng ta xa rời Ngài. “Chính mức độ tương quan của chúng ta với Chúa Kitô sẽ quyết định mức độ chúng ta cộng tác với Ngài trong việc ‘kiến tạo lịch sử’, một lịch sử cứu độ!”.
Cuộc phán xét cuối cùng - bài đọc một - là thời gian để chúng ta suy ngẫm về các mối tương quan của mình với Chúa và với nhau. “Những chiếc liềm sắc bén” không nhằm gây sợ hãi, nhưng giúp chúng ta chuẩn bị và trên hết, sẵn sàng. Khoảnh khắc tận thế của mỗi người có thể đến như trộm trong đêm; nhưng nếu sẵn sàng thì không có gì khiến chúng ta lo sợ, kể cả ngày “Chúa ngự đến xét xử trần gian” - Thánh Vịnh đáp ca.
“Sự tàn phá Giêrusalem được Chúa Giêsu báo trước không phải là ẩn dụ về sự kết thúc của lịch sử mà là mục đích của lịch sử. Và thái độ của Kitô hữu là gì? Không thể tiếp tục làm nô lệ cho sợ hãi và lo lắng; thay vào đó, họ được kêu gọi sống lịch sử, ‘kiến tạo lịch sử’, ngăn chặn sức mạnh huỷ diệt của cái ác với sự chắc chắn rằng, hành động tốt lành của Thiên Chúa luôn đi kèm với sự dịu dàng quan phòng và trấn an của Ngài. Đức tin khiến chúng ta bước đi với Chúa Giêsu trên những con đường quanh co của thế giới, với niềm xác tín, sức mạnh của Thánh Thần sẽ bẻ cong các thế lực của sự dữ, khuất phục chúng trước sức mạnh của tình yêu. Tình yêu thì cao cả hơn, mạnh mẽ hơn, vì đó là Thiên Chúa: Thiên Chúa là Tình Yêu!” - Phanxicô.
Anh Chị em,
“Sẽ có ngày bị tàn phá hết!”. Ở mức độ cá nhân và thực tế hơn, chúng ta có thể lo lắng về những đổi thay. Nhưng một lần nữa, hãy biết rằng, trở nên sợ hãi và lo lắng không có ích gì. Thay vào đó, chúng ta nên cố gắng sống trọn vẹn từng ngày và làm cho nó có ích cho bản thân và cho người khác bằng cách củng cố các mối tương quan, quan trọng nhất - với Chúa Kitô - và với người. Có như thế, chúng ta cộng tác với Thiên Chúa, xây dựng hoà bình, xây dựng thế giới và cùng Ngài ‘kiến tạo lịch sử’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, chớ gì lịch sử đời con khác nào lịch sử đời Chúa, một lịch sử cứu độ!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
************
KIÊN TRÌ
“Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình!”.
Eliza, 16 tuổi, kết hôn với một thợ may 20 tuổi; anh chưa từng đến trường! Với nhiều người, học vấn của anh là một thất bại; nhưng với Eliza thì không! Cô dạy anh đọc, viết và đánh vần. Những ngày đó thật khó khăn nhưng chồng cô tỏ ra là người học giỏi, học nhanh, đến nỗi nhiều năm sau, đắc cử tổng thống! Câu chuyện về tổng thống thứ 17 của Hoa Kỳ - Andrew Johnson và đệ nhất phu nhân Eliza - minh hoạ cho sức mạnh của sự kiên trì! “Bằng sự kiên trì, con ốc sên đã vào được tàu!” - C. H. Spurgeon.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật thú vị! ‘Câu chuyện dài’ “Con ốc sên vào được tàu” gợi hứng cho chúng ta dừng lại với ‘câu nói ngắn’ nhưng khá sâu sắc của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình!”.
Tại sao sự ‘kiên trì’ lại quan trọng đến thế? Tại sao sự cứu rỗi của mỗi người lại tuỳ thuộc vào việc thực hành nhân đức này? Môn đệ không trọng hơn Thầy, và nếu Chúa Giêsu là dấu chỉ và là kiểu mẫu ‘kiên trì’ của các mâu thuẫn, thì môn đệ Ngài, nhất thiết cũng phải nên như Thầy mình. Đó là những người hăng hái trong cuộc chiến chống lại oán hờn, kẻ thù tâm hồn - “Một cuộc chiến đẹp đẽ nhất vì bình an và tình yêu” - Josemaria Escriva. Vòng nguyệt quế nào cũng có giá của nó, đường dẫn tới thiên đàng không hề dễ. Đó là lý do tại sao không có ‘kiên trì’, nhân đức dũng cảm căn bản, thì những ý định tốt đẹp sẽ không có kết quả. ‘Kiên trì’ là một phần của dũng cảm!
Sự ‘kiên trì’, ở mức độ tối đa, thể hiện trên thập giá. Đây là lý do tại sao nó mang lại tự do bằng cách cho phép bạn và tôi - nên như Chúa Giêsu - hiến dâng chính mình thông qua tình yêu. Điều cứu chúng ta chính là tình yêu, không phải thập giá; chính sức mạnh của tình yêu mang lại cho mỗi người sự ‘kiên trì’ và vui vẻ chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa. Sức mạnh này, ngay từ đầu đã làm đảo lộn - như đã xảy ra trên thập giá của Chúa Kitô - ý chí tội nghiệp của con người! “Kiên trì cốt ở việc thanh thản chịu đựng những điều xấu xa đến từ người khác và chịu đựng mà không oán giận kẻ gây ra chúng!” - Grêgôriô Cả.
Anh Chị em,
“Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình!”. “Có quá nhiều hy vọng trong những lời này! Những thử thách và khó khăn là một phần của bức tranh lớn hơn: Thiên Chúa, Chúa của lịch sử, dẫn dắt tất cả đến sự viên mãn. Bất chấp sự hỗn loạn và thảm hoạ làm đảo lộn thế giới, kế hoạch nhân từ và thương xót của Thiên Chúa sẽ được thực hiện! Chủ nghĩa chiến thắng, ‘thắng nhanh’, không phải là Kitô giáo. Hành trình mỗi ngày trước sự hiện diện của Cha là con đường của Chúa Kitô. Bạn và tôi cũng hãy ‘kiên trì’ từng ngày đi trên con đường mang tên Ngài! Như vậy, kiên trì không phải là cam chịu; nhưng vượt xa cam chịu. Thậm chí nhiều hơn thế! Nó không liên quan gì đến thái độ khắc kỷ. ‘Kiên trì’ giúp hiểu rằng, thập giá - trước nỗi đau - thực chất là tình yêu!” - Phanxicô.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con thường thích ‘đánh nhanh, thắng nhanh’. Giúp con bền bỉ khiêm tốn như con ốc sên, để một ngày kia, con lần tới được con tàu “Thánh Thiện!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: