Mong chờ gặp gỡ Chúa Ki-tô
MONG CHỜ GẶP GỠ CHÚA KITÔ
Hôm nay, chúng ta bước vào một năm phụng vụ mới, bắt đầu bằng Chúa Nhật Thứ nhất Mùa Vọng. Theo phụng vụ, Mùa Vọng là mùa chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh, kỷ niệm Chúa Kitô đến thế gian lần thứ nhất. Việc Chúa Kitô đến thế gian lần thứ nhất đã diễn ra khi Ngài trở thành con người. Đây là mầu nhiệm Nhập Thể của Ngài, được cử hành vào dịp Lễ Giáng Sinh. Sự xuất hiện này đáp lại lời hứa của Thiên Chúa dành cho dân Ngài. Thiên Chúa hứa sai Đấng Mêsia đến để cứu dân Israel cũng như mọi dân nước. Ngài đến để thiết lập hòa bình và công lý. Trong suốt Mùa Vọng, chúng ta sẽ nghe những lời loan báo về Đấng Mêsia được các ngôn sứ nhắc lại. Tiên tri Giêrêmia, trong bài đọc thứ nhất, đã nói một cách rõ ràng: “Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít; Ngài sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực. Trong những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ an cư lạc nghiệp. Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành: Chúa là sự công chính của chúng ta” (Gr 33: 15-16).
- Chuẩn bị gặp gỡ Chúa Kitô khi Ngài đến lần cuối cùng
Lần đến của Chúa Kitô, được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay, là lần đến cuối cùng của Ngài, không phải trong thân phận khó nghèo của một hài nhi yếu đuối, nhưng trong vinh quang, giữa mây trời: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 23:27). Ngôn ngữ được sử dụng ở đây hoàn toàn khác. Đó là ngôn ngữ thuộc thể loại khải huyền: kể về những thảm họa, chiến tranh, dịch bệnh, những dấu hiệu trên trời và dưới đất, những sự thật kinh hoàng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển” (Lc 23:25-26). Thực vậy, những dấu hiệu đó gợi lên những sự kiện có thật như đang diễn ra trước mắt chúng ta. Qua những hình ảnh kỳ vĩ và đáng sợ này, tác giả các bản văn Kinh Thánh mô tả sự qua đi của thế giới cũ và sự xuất hiện của một thế giới mới, một thế giới hoàn toàn được ngự trị bởi quyền năng của Thiên Chúa: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần…Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Lc 23:31,33). Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ mà mọi người được mời gọi dự phần: “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Titô 2:11) và: “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2:4).
Đây là điều Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21:28). Ngôn ngữ khải huyền này nhắc nhở con người điều họ cần phải lo lắng: có được cứu độ hay không. Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong các biến cố và trong những thay đổi của thế giới. Đó là một nhãn quan hạnh phúc mở ra trước mắt con người. Sự cứu rỗi này được thực hiện nhờ việc Con Thiên Chúa đến giữa loài người. Sự xuất hiện của Chúa Giêsu trong nhân loại chúng ta và sự trở lại vinh quang của Ngài vào ngày tận thế là hai mặt của một mầu nhiệm duy nhất. Thư gửi tín hữu Do Thái nói: “Chúa Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Hípri 13: 8). Tuy nhiên, việc Chúa Giêsu đã đến thế gian mang thân phận con người của chúng ta, chịu khổ hình, chết và phục sinh, chính là để cứu độ chúng ta, biến đổi con người của chúng ta thành một thọ tạo mới: “Chúa Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình…Cho nên, phàm ai ở trong Chúa Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 8: 15-17). Việc đó được thực hiện ngay từ bây giờ: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1: 15) và “Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11: 20) và cuộc tái lâm của Chúa Kitô sẽ làm cho công trình cứu chuộc của Thiên Chúa trở nên trọn vẹn: “Trên trời có những tiếng lớn nói rằng: Vương quyền trên thế gian nay đã thuộc về Thiên Chúa chúng ta và Đấng Kitô của Ngài; Ngài sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 11:15).
Hiện nay, nhờ phép thánh tẩy, mỗi người tín hữu đã được ban tặng sự sống mới từ Chúa Kitô tử nạn và phục sinh: “Anh em đã cùng được mai táng với Chúa Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Ngài, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Ngài trỗi dậy từ cõi chết. Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Chúa Kitô” (Cl 2:12-13). Tuy nhiên sự sống ấy mới chỉ là khởi đầu, còn phải chờ ngày trở nên hoàn hảo: “Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Chúa Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3:3). Trong ngày Chúa Kitô trở lại lần sau cùng, ơn cứu độ đến với nhân loại và tâm hồn của mỗi người cách viên mãn như thánh Gioan minh định: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Chúa Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Ngài, vì Ngài thế nào, chúng ta sẽ thấy Ngài như vậy” (1 Ga 3,2). Điểm đến trong tương lai của chúng ta đang được chuẩn bị ngay từ bây giờ trong cuộc sống hiện tại của chúng ta.
- Chuẩn bị gặp gỡ Chúa Kitô khi Ngài đến với từng người
Mùa Vọng cũng là thời gian mỗi người chuẩn bị gặp gỡ Chúa Kitô khi Ngài đến với từng người, khi mỗi người rời bỏ thế gian này, bước ra trình diện Ngài. Ngày “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21:27) “sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất” (Lc 21:35) như thế nào thì ngày “Ta đứng trước cửa và gõ” (Kh 3: 20) cũng sẽ “như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21:34). Để “đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21: 36) mỗi người không có cách nào khác ngoài “tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21: 36).
Để sẵn sàng đón tiếp Con Thiên Chúa, mỗi người cần phải canh phòng, suy niệm Lời Ngài, cầu nguyện liên lỉ, xin Lời Ngài soi sáng các biến cố. Sự tỉnh thức giúp chúng ta nhận ra những dấu chỉ về sự Hiện diện của Thiên Chúa trong mọi người, mọi biến cố chung quanh chúng ta và trong chính cõi lòng kín ẩn của chúng ta nữa. Nhờ đó chúng ta giữ vững được sự tin tưởng, niềm hy vọng và lòng mến dành cho Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta sẽ là những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô bằng cách thực hiện một cuộc hoán cải thực sự, một cuộc đổi mới trái tim, cuộc sống và hành động của chúng ta để sẵn sàng ra gặp Ngài. Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy đề phòng và từ bỏ mọi hành vi thấp hèn, đừng để mình bị nuốt chửng bởi những lo lắng của cuộc sống: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (Lc 21: 24).
Theo gương Chúa Giêsu, thánh Phaolô cũng khuyến khích các tín hữu Tesalônica và chỉ cho ra cho họ thái độ tỉnh thức cụ thể như thế nào: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm, mỗi người hãy biết lấy cho mình một người vợ để sống cách thánh thiện và trong danh dự, chứ không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại, là những người không biết Thiên Chúa. Về điểm này, đừng ai làm tổn thương hay lừa dối người anh em mình, vì Chúa là Đấng trừng phạt tất cả những cái đó, như chúng tôi đã từng báo trước và cảnh cáo anh em. Thật vậy, Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện. Vậy ai khinh thường những lời dạy trên, thì không phải khinh thường một người phàm, nhưng khinh thường Thiên Chúa; Đấng hằng ban cho anh em Thánh Thần của Ngài” (1 Tx 4:3-8).
Tỉnh thức chờ đợi Chúa Kitô trở lại không phải chuyện dễ dàng. Trong những ngày đầu của Giáo hội, mọi người bị thu hút bởi lời hứa Chúa Giêsu sẽ trở lại. Họ tập trung vào lời hứa ấy và mải miết đưa ra các suy đoán, đến nỗi bỏ bê mọi bổn phận thiết yếu hàng ngày của họ. Các bài đọc trong Mùa Vọng bảo chúng ta đừng lãng phí thời gian vào những lời tiên đoán. Mùa Vọng không dành cho sự suy đoán. Mùa Vọng kêu gọi chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng, không bị đè nặng và mất tập trung bởi những đa đoan của thế gian này, nhưng chúng ta không được bỏ bê các nhiệm vụ trần thế của mình vì lợi ích của mọi người, cần phải tiếp tục công việc sáng tạo do Thiên Chúa khởi xướng: “Hãy gắng giữ hoà khí, ai lo việc nấy và lao động bằng chính bàn tay của mình, như chính tôi đã truyền cho anh em. Như vậy, lối sống của anh em sẽ được người ngoài cảm phục, và anh em sẽ không cần nhờ đến ai” (1 Tx 4:11-12).
Thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu Tesalônica hãy trung thành và vững vàng trong đức tin và sống một đời sống tiết độ, phù hợp với ơn gọi của mình, từ bỏ tội lỗi và các việc làm tối tăm: “Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (1 Tx 5:4-6).
Nhưng trên hết, Thánh Phaolô cầu xin Chúa ban cho các tín hữu một tình yêu ngày càng mãnh liệt và tràn đầy: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy” (1 Tx 3: 12). Tình yêu đích thực biến đổi cuộc sống của các tín hữu và làm cho mọi nỗ lực của họ có kết quả: “Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Ngài” (1 Tx 3:13).
Phêrô Phạm Văn Trung
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: