Người hành hương hy vọng
CN I MV (C)
Người hành hương hy vọng
“Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).
Mùa Vọng lại về với đời sống của mỗi người tín hữu công giáo chúng ta. Mùa Vọng là Mùa của HY VỌNG; mùa của đợi chờ. Mùa Vọng năm nay có khác biệt một chút, khi chuẩn bị cho Năm Thánh thường lệ 2025. Năm Thánh bắt đầu từ ngày Lễ Giáng Sinh 25 tháng tháng 12 năm 2024 và kết thúc vào ngày 6 tháng 1 năm 2026.
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết trong phần mở đầu của Sắc Chỉ công bố năm thánh thường lệ như sau: “Niềm hy vọng cũng là sứ điệp trọng tâm của năm thánh sắp tới mà theo truyền thống cổ xưa, Đức Giáo Hoàng công bố 25 năm một lần. Tôi nghĩ đến tất cả những người hành hương của niềm hy vọng sẽ đến Rô-ma để sống Năm Thánh và nghĩ đến tất cả những ai dù không thể đến được thành phố của hai Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô, nhưng cũng sẽ cử hành Năm Thánh tại các Giáo Hội địa phương của họ. Đối với mọi người, ước gì Năm Thánh là một thời điểm gặp gỡ Chúa Giê-su cách sống động và cá vị. Người là “Cánh cửa của ơn cứu độ”; “Là niềm hy vọng của chúng ta”; là Đấng mà Giáo Hội có nhiệm vụ phải loan báo luôn mãi, ở mọi nơi và cho tất cả mọi người”(Số 1a).
Chúng ta sẽ là “Những người hành hương hy vọng” trong Năm Thánh 2025. Chúng ta không chỉ hành hương đến những nơi này nơi kia, mà theo tôi, chúng ta đang là người hành hương về quê trời. Cuộc đời của người tín hữu công giáo chúng ta là về quê trời. Quê hương của chúng ta là Nước Trời chứ không ở đâu khác. Vậy thì chúng ta hy vọng cái gì đây? Chúng ta hãy đọc tiếp Sắc Chỉ của Đức Thánh Cha:
“Mọi người đều hy vọng. Niềm hy vọng nơi tâm hồn mỗi người như nỗi khát khao và chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến, dù chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao. Dù vậy, tính bấp bênh của tương lai lại gây ra những cảm xúc đôi khi trái ngược. Từ tin tưởng đến lo sợ; từ thanh thản đến chán nản; từ xác tín đến nghi ngờ. Chúng ta từng gặp những người chán nản, họ nhìn về tương lai với thái độ hoài nghi và bi quan, như thể chẳng điều gì có thể mang lại hạnh phúc cho họ. Mong sao Năm Thánh là cơ hội cho mỗi người nhen nhóm lại niềm hy vọng. Lời Chúa sẽ giúp chúng ta tìm ra những lý do cho niềm hy vọng ấy”(Số 1 b).
Ai trong chúng ta cũng đều có những hy vọng hết. Nào là chúng ta hy vọng có một cuộc sống thoải mái và an nhàn; nào là chúng ta hy vọng có việc làm ổn định; có thu nhập đủ để trang trải cuộc sống; nào là chúng ta hy vọng có được sự thành công trong công việc làm ăn; nào là chúng ta hy vọng có một tương lai tươi sáng; có một cuộc sống an bình; nào là chúng ta hy vọng có một đức tin vững chắc; một lòng cậy vững vàng; một lòng mến sâu sắc; ; nào là chúng ta hy vọng nên thánh nên thiện, được cứu độ; nào là chúng ta hy vọng có được niềm vui và hạnh phúc; được lên thiên đàng; nào là chúng ta hy vọng được khỏe mạnh; có bệnh thì cũng được gặp thầy gặp thuốc; nào là chúng ta hy vọng yêu và được yêu; vv....
Sống mà không có gì để hy vọng; sống không có niềm hy vọng thì cũng như đã chết rồi vậy. Quả thực, những người không muốn sống; những người tự tử là những người không có niềm hy vọng; họ không tìm ra được lý do gì để sống nên họ muốn chết đi cho rồi. Chính những niềm hy vọng là động lực giúp chúng ta sống và vươn lên; trưởng thành hơn; tốt lành hơn; thánh thiện hơn; hạnh phúc hơn.
Mùa Vọng hay Năm Thánh là cơ hội để chúng ta nhen nhúm lại những hy vọng, mà lâu quá nên sắp tàn lụi. Lời Chúa sẽ giúp chúng ta tìm lại được những niềm hy vọng đó. Lời Chúa hôm nay nói: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. Tỉnh Thức để chúng ta biết hy vọng; Cầu Nguyện để chúng ta có niềm hy vọng. Tỉnh Thức và Cầu Nguyện để chúng ta đạt được Ứớc Vọng.
Tỉnh thức để chúng ta biết đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa và cầu nguyện để mình bớt lo lắng sự đời. Việc chè chén say sưa không chỉ nhằm tới những đệ tử của lưu ly, mà còn nhắm tới những người ham mê tiền tài, của cải và danh vọng trần thế. Những người sáng say, chiều xỉn, tối nằm dài; họ chẳng biết gì; chẳng làm được gì; cũng chẳng suy tính gì, chỉ có say rồi xỉn, rồi ngủ như chết.
Còn những người say mê tiền tài, của cải và danh vọng thì cũng đâu có hơn gì, có khi còn tệ hơn các đệ tử của lưu ly nữa. Chính vì những ham mê tiền tài, của cải và danh vọng mà lòng họ ra nặng nề; đầu óc luôn phải suy tính kế này sách kia; đến nỗi đâm ra mù quáng, có thể dùng mọi thủ đoạn; dù bất chính, bất công và cả bất nghĩa nữa để có tiền của; có danh vọng. Những người này xem ra nguy hiểm và độc hại hơn. Vì họ có thể làm hại người khác. Cộng với sự lo lắng sự đời, làm cho họ quên mất quê trời của mình.
Câu truyện ngụ ngôn cuộc thi giữa thỏ và rùa cho chúng ta thấy rõ được điều đó. Con thỏ thì tự cao tự đại, cho mình là hay là giỏi, chạy nhanh, nên rảo chơi dông dài; xem hoa ngắm cảnh, đến nỗi quên cả việc về đích của mình. Còn rùa thì biết thân biết phận của mình, nên chăm chỉ, cố gắng đi về đích. Kết quả là rùa đã thắng thỏ.
Không phải là trên đường hành hương về quê trời, chúng ta không biết đến những niềm vui và hạnh phúc thế trần, những những niềm vui và hạnh phúc đó không làm chúng ta sao nhãng hành trình về quê trời. Do vậy mà chúng ta cần phải tỉnh thức, để đề phòng, đừng để lòng mình ham mê tiền tài, của cải và danh vọng đời này quá.
Tiếp đến là chúng ta phải cầu nguyện luôn. Không phải là cầu nguyện luôn luôn hay cầu nguyện liên tù tì, mà phải có giờ cầu nguyện trong ngày chứ không được bỏ. Cầu nguyện để để chúng ta biết dùng tiền tài, của cải đời này và những khả năng Chúa ban để mua lấy; để sắm lấy thiên đàng cho chính mình.
Tôi thiết nghĩ, dù đời người chỉ như hoa sớm nở tối tàn, những biết giữ gìn sức khỏe; ăn uống điều độ; làm việc ngủ nghỉ có giờ có giấc thì chúng ta cũng sống được cả một thế kỷ; 100 năm chứ không ít đâu. Nên chúng ta hãy dùng thời gian quí báu, bao lâu còn sống trên trần gian này, thì bấy lâu chúng ta phải cố gắng. Chúng ta cố gắng hoàn thành những gì mà chúng ta ước mơ; chúng ta cố gắng có được những gì mình mơ ước theo như Lời Chúa chỉ dạy, để những ước mơ đó luôn thánh thiện; để những mơ ước đó luôn tốt lành.
Dù chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao. Nhưng tin vào Chúa và thực hành Lời Chúa, chúng ta sẽ đi từ lo sợ đến tin tưởng; đi từ chán nản đến thanh thản; đi từ nghi ngờ đến xác tín chứ không ngược lại. Chúng ta sẽ là những người lạc quan và tin tưởng mà nhìn về tương lai, mọi sự đều có thể mang lại cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau.
Đức Giê-su Ki-tô là cánh cửa ơn cứu độ của chúng ta và Lời Chúa sẽ là phương thế giúp chúng ta lãnh ơn cứu độ. Đức Ki-tô Giê-su là niềm hy vọng của chúng ta và Lời Chúa sẽ là cách thế giúp chúng ta có được niềm hy vọng. Vậy chúng ta hãy TỈNH THỨC và CẦU NGUYỆN luôn nhé !!! TỈNH THỨC để chúng ta biết chúng ta hy vọng gì và CẦU NGUYỆN để chúng ta có được niềm hy vọng đó. Và khi chúng ta TỈNH THỨC và CẦU NGUYỆN, chúng ta sẽ đạt được ước nguyện của chính mình. Đó chính là mục đích của người hành hương hy vọng của chúng ta.
Lm. Bosco Dương Trung Tín
- Loại bài viết: