Đối Thoại Xã Hội: Truyền Thông Lòng Thương Xót
ĐỐI THOẠI XÃ HỘI:
TRUYỀN THÔNG LÒNG THƯƠNG XÓT
Các phương tiện truyền thông xã hội trong thời đại kỹ nghệ số hóa, đặc biệt là Internet, đã làm thay đổi bộ mặt thế giới và cách tư duy của con người. Những tác động của các phương tiện truyền thông mới đã tạo ra những biến đổi về văn hóa, xã hội sâu sắc ở khắp mọi nơi trên trái đất. Một không gian tương tác tối đa trong mọi mối quan hệ xã hội, những cách nhìn rộng mở và khoan dung với các quan điểm khác biệt, tốc độ xã hội hóa nhanh tới mức các khoảng cách không gian và thời gian trở nên tương đối, tất cả đã khiến các phương tiện truyền thông mới trở thành một công nghệ có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ xưa tới nay.
Với chủ đề Mục vụ tháng 5/2016 là: ĐỐI THOẠI XÃ HỘI: TRUYỀN THÔNG LÒNG THƯƠNG XÓT (xc “Gợi ý Mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót”), Hội Đồng GMVN đã sử dụng từ “Truyền thông” như là công cuộc “Truyền giáo” (Loan báo Tin Mừng) của Giáo Hội. Xin cùng tìm hiểu.
I.- Khái niệm về “Đối thoại” và “Truyền thông”:
1- Đối thoại: Trực tiếp (đối diện) nói chuyện (đàm thoại) giữa 2 đối tượng (người với người, hoặc người với thần linh) để tìm ra một điểm chung khi có những dị biệt, bất đồng hoặc đối kháng. Đối thoại nhằm dung hoà quan điểm, thống nhất ý kiến, tìm đến chân lý. Trước hết, ở cấp độ thuần tuý con người, đối thoại có nghĩa là truyền thông cho nhau nhằm đưa đến một mục đích chung hoặc nhắm tới sự hiệp thông liên nhân vị (giữa con người với nhau). Phạm trù đối thoại có thể từ cá thể (đối thoại giữa cái thiện và cái ác trong cùng một con người – “đối thoại cá vị”) tới cộng đoàn (đối thoại trong gia đình, đoàn thể, xã hội, quốc gia, quốc tế – “đối thoại cộng đồng”). Nền tảng đối thoại cũng có 2 chiều kích: Đối thoại xã hội (“Nhân đối nhân”: người với người) + Đối thoại tâm linh (“Nhân đối thần”: người với thần linh).
Tựu trung, theo tài liệu huấn giáo “Đối Thoại và Rao Truyền” (số 42), có 4 hình thức đối thoại:
a- Đối thoại trong đời sống: nỗ lực sống với tinh thần cởi mở và thân thiết, chia sẻ những nỗi vui buồn, những vấn nạn và lo âu của cuộc sống con người.
b- Đối thoại bằng hành động: hợp tác với nhau để đi đến công cuộc phát triển toàn diện và giải phóng hoàn toàn con người.
c- Đối thoại trong những trao đổi có tính cách thần học: các nhà chuyên môn tìm cách đào sâu kiến thức về các gia sản tôn giáo của nhau và thẩm định các giá trị siêu nhiên nơi các tôn giáo bạn.
d- Đối thoại bằng kinh nghiệm tôn giáo: đi sâu vào chính truyền thống tôn giáo của mình, chia sẻ những giá trị siêu nhiên phong phú của mình, chẳng hạn những giá trị liên quan đến cầu nguyện và chiêm niệm, đến đức tin và những con đường tìm đến Thiên Chúa hoặc Đấng Tuyệt Đối.
2- Truyền thông: Truyền thông (communication) là quá trình chia sẻ thông tin (từ La-tinh: commūnicāre, nghĩa là "chia sẻ"). Truyền thông là quá trình trao đổi thông tin có mục đích cụ thể giúp người nhận thông tin có thể cập nhật kiến thức mới, giúp họ thay đổi nhận thức và định hướng tốt hơn về 1 vấn đề cụ thể. Cũng như đối thoại, lãnh vực truyền thông đòi hỏi phải có hai đối tương: người gửi (người phát ngôn, ra lệnh hoặc thông truyền ý kiến); người nhận (người nghe và tiếp nhận thông tin). Truyền thông yêu cầu các bên giao tiếp chia sẻ một khu vực dành riêng cho thông tin được truyền tải. Quá trình giao tiếp được coi là hoàn thành khi người nhận hiểu thông điệp của người gửi. Một cách cụ thể, truyền thông thường được định nghĩa là "sự truyền đạt suy nghĩ, ý kiến hoặc thông tin qua lời nói, chữ viết, hoặc dấu hiệu".
Truyền thông có sức mạnh bắc những nhịp cầu nối giữa các cá nhân, các gia đình, các nhóm xã hội và các dân tộc với nhau. Những nhịp cầu đó thúc đẩy gặp gỡ và hoà nhập, làm cho xã hội được phong phú. Với Ki-tô Giáo thì Truyền thông chính là sứ vụ nhất quán của Giáo Hội, được gọi bằng nhiều cách khác nhau: Rao truyền Phúc Âm, Loan báo Tin Mừng, Truyền Giáo. Trong Sứ điệp “Truyền thông và Lòng Thương xót: Một cuộc gặp gỡ đem lại hoa trái”, ĐTC Phan-xi-cô viết: “Là con cái của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi truyền thông với mọi người, không trừ ai. Một cách đặc biệt, ngôn ngữ và hoạt động của Giáo hội đều nhằm thông truyền lòng thương xót, chạm đến trái tim con người và nâng đỡ họ trên con đường tiến về cuộc sống sung mãn mà Chúa Giê-su Ki-tô được Chúa Cha sai đến để mang sự sống ấy cho tất cả mọi người.”
II.- Tương quan giữa Đối thoại và Truyền thông:
Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng “Evangelii Gaudium” (số 250) đã khẳng định: “Đối thoại” có nghĩa là truyền thông cho nhau nhằm đưa đến một mục đích chung hoặc nhắm tới sự hiệp thông liên nhân vị. “Đối thoại” là một cuộc trò chuyện về đời sống con người hoặc đơn giản như, theo đề nghị của các Giám Mục Ấn Ðộ, là "một thái độ cởi mở đối với họ, chia sẻ những vui buồn của họ". Trong khi đó, “Truyền thông” (commūnicāre) cũng có nghĩa là chia sẻ. Như vậy, “Đối thoại” hay “Truyền thông” đều hàm ý “chia sẻ”, mà nói đến “chia sẻ” là nói đến Tình Yêu (chia vui sẻ buồn), nên có thể khẳng định: Đối thoại và Truyền thông gắn kết chặt chẽ với nhau, không loại trừ nhau, nhưng bổ túc cho nhau.
Đối thoại không áp đặt bất cứ điều gì, cũng không sử dụng những chiến lược mánh khoé để lôi kéo; nhưng là đối thoại với niềm vui và lòng đơn sơ về những gì mà các bên liên quan tin tưởng và cảm nghiệm. Đối với Ki-tô hữu, trong tất cả mọi cuộc đối thoại, dù là hướng ngoại (“đối thoại cộng đồng”) hay hướng nội (“đối thoại cá vị”), dù là với thế giới hữu hình (nhân đối nhân) hay vô hình (nhân đối thần), đều rất cần đặt trên nền tảng Đức Ái. Khi tham gia đối thoại (hay chỉ đơn thuần là truyền thông Tin Mừng cho tha nhân), cần lưu ý:
1- Đối thoại trong khiêm tốn: Mình có khiêm tốn tôn trọng người thì người mới tôn trọng mình. Tương kính (tôn trọng nhau) trong giao tiếp phải là “ưu tiên hàng đầu” khi đối thoại ("Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta" – Mt 7, 12). Chính Đức Giê-su Ki-tô đã dạy: “hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29). Chỉ có đối thoại trong khiêm tốn và hiền hậu mới đạt hiệu quả tối đa “trở nên mọi sự cho mọi người”.
2- Đối thoại trong bao dung: Lòng bao dung phát xuất từ đức bác ái. Cần biết đón nhận ý kiến (dù có đối lập với chủ kiến của mình) với tấm lòng bao dung, độ lượng. Nói như ĐTC Phan-xi-cô thì khi đối thoại “chúng ta trông đợi những trải nghiệm của việc mở lòng mình ra đón nhận Lòng Thương Xót, nhiên hậu mở lòng mình ra với mọi người, nhất là với những người đang sống bên rìa ngoài cùng của xã hội.” (Tông chiếu Dung Mạo Lòng Thương Xót “Misericordiae Vultus”, số 10-16).
3- Đối thoại là lắng nghe: Muốn người khác nghe theo mình, thì phải biết lắng nghe ý kiến của họ. Đó mới thật sự là đối thoại cách khiêm tốn, bao dung. Đối thoại luôn đặt con người trước 2 trạng huống: Tình và Lý. Từ 2 phía, phải đối thoại trong chân tình và với mục đích xây dựng. Về “Tình”, không khoả lấp, bao che cho những điều phi nhân nghĩa, phi nhân tính; về “Lý” không võ đoán trong nhận định, không chèn ép trong phán đoán. Lắng nghe không chỉ đơn giản là nghe. Nghe là tiếp nhận thông tin, còn lắng nghe là truyền thông, và đòi hỏi sự gần gũi. Lắng nghe giúp con người có thái độ đúng đắn, ra khỏi tình trạng thụ động của người nghe nhìn hay người tiêu thụ. Lắng nghe cũng có nghĩa là biết chia sẻ những thắc mắc và nghi ngờ, để rũ bỏ mọi đòi hỏi quyền lực và dùng khả năng và hiểu biết của mình mà phục vụ công ích. Đối thoại phải hướng về chân lý: Chân + Thiện + Mỹ. Nói khác hơn, đối thoại trong hiệp thông để đi tới hiệp nhất trong chân lý bất biến: Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót.
Văn kiện “Đối thoại và Rao truyền” của Giáo Hội (số 42-45) đã minh định rất rõ về vấn đề này: “Hai sinh hoạt nầy (Đối thoại và Rao truyền) được nhìn nhận như là những cách biểu lộ chân thật của một sứ mệnh truyền giáo duy nhất nơi Giáo hội đối với các dân tộc và mọi người. Rao truyền và đối thoại, mỗi sinh hoạt theo cương vị của mình, được xem là những thành tố cấu tạo và những hình thức chân thật của một sứ mệnh duy nhất về truyền bá Phúc âm nơi Giáo hội. Cả hai hướng về việc truyền đạt chân lý cứu độ. Thật vậy, hai yếu tố nầy phải luôn liên kết với nhau một cách mật thiết và đồng thời lại khác nhau, nên đừng lẫn lộn, khai thác và xem chúng như những sinh hoạt tương đương làm như có thể thay thế nhau được."
III.- Đối thoại xã hội: Truyền thông Lòng Thương Xót:
ĐTC Phan-xi-cô viết trong Sứ điệp Truyền thông năm 2016: “Tự bản chất, tình yêu là truyền thông, nó đưa đến chỗ mở lòng ra chứ không cô lập. Và nếu con tim và những cử chỉ của chúng ta được đánh động bởi đức ái, bởi tình yêu của Thiên Chúa, thì việc truyền thông của chúng ta sẽ mang lấy sức mạnh của Thiên Chúa.” Thiên Chúa là Tình Yêu mà Tình Yêu vô biên của Người thể hiện cụ thể Lòng Thương Xót. Nói cách cụ thể thì Thiên Chúa chính là xuất phát điểm của Lòng Thương Xót và đích điểm là cứu chuộc loài người khỏi sự chết đời đời.
Lòng Thương Xót là tâm điểm trong huấn giáo của Hội Thánh. Mọi trách nhiệm và dấn thân mà giáo huấn ấy kêu gọi đều xuất phát từ tình yêu, mà theo Lời dạy của Đức Giê-su – hiện thân Lòng Thương Xót – tình yêu này là bản tóm kết toàn bộ Lề Luật (“Mến Chúa yêu người” – Mt 22, 37-40). Lòng Thương Xót đem đến niềm hy vọng hiệp thông cá nhân với Thiên Chúa và với tha nhân; Lòng Thương Xót là nguyên lý bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, mọi sự đều được định hình bởi một tình yêu tự hủy, tự hiến, và đem mọi sự quy hướng về Lòng Chúa Thương Xót. Lòng Thương Xót là quà tặng vĩ đại nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại; và là hy vọng tuyệt vời cho mọi tín hữu.
Điều đó cho thấy, “Lòng Thương Xót là tâm điểm trong huấn giáo, là nền tảng của đời sống Giáo Hội. Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo Hội phải được bao bọc trong sự dịu dàng mà Giáo Hội đưa ra với các tín hữu; không có gì trong lời rao giảng của Giáo Hội và trong chứng tá của Giáo Hội với thế giới có thể thiếu vắng sự thương xót… Giáo Hội được ủy thác công bố lòng thương xót của Thiên Chúa, là trái tim đang đập của Tin Mừng, là điều phải tìm được cách thấm nhập trái tim và tâm trí của mỗi người. Hiền thê của Chúa Kitô phải rập khuôn hành vi của mình như Con Thiên Chúa, Đấng đã vươn ra với mọi người không coi ai là ngoại lệ.” (Tông Chiếu Dung Mạo Lòng Thương Xót “Misericordiae Vultus” số 10-12)
Như vậy, vì được Đức Ki-tô – hiện thân Lòng Thương Xót – thiết lập để mang lại phần rỗi cho hết mọi người, và do đó có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, “Giáo hội Công giáo nhận thấy mình cũng có bổn phận dùng cả phương tiện truyền thông xã hội để loan báo ơn cứu rỗi và dạy con người biết sử dụng chúng cách đúng đắn.” (Sắc lệnh về Truyền thông xã hội “Inter Mirifica”, số 4). Rõ ràng “Trong một thế giới chia rẽ, phân mảnh, phân cực, truyền thông với lòng thương xót có nghĩa là đóng góp vào sự gần gũi tốt lành, tự do và vững chắc giữa các con cái của Thiên Chúa và các anh chị em trong tình nhân loại.” (Sứ điệp truyền thông 2016).
Kết luân:
Tóm lại, trong Đối thoại Xã hội, thì “Truyền thông, dù ở đâu và bằng cách nào, cũng mở ra những chân trời rộng lớn hơn cho nhiều người. Đây là quà tặng của Thiên Chúa kèm theo một trách nhiệm lớn lao. Tôi muốn dùng từ “sự gần gũi” để nói về sức mạnh truyền thông này. Cuộc gặp gỡ giữa truyền thông và lòng thương xót sẽ mang lại hoa trái vì nó tạo nên được sự gần gũi để chăm sóc, an ủi, chữa lành, đồng hành và chung vui với nhau. Trong một thế giới vụn vỡ, phân mảnh và phân cực, truyền thông với lòng thương xót nghĩa là giúp kiến tạo sự gần gũi lành mạnh, tự do và huynh đệ giữa các con cái Thiên Chúa và mọi người anh chị em của chúng ta trong một gia đình nhân loại duy nhất. (Sứ điệp “Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội” 2016)
Vì thế, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, Giáo Hội mời gọi tín hữu lắng đọng tâm hồn, lắng nghe Lời Chúa mời gọi, sẵn sàng mang trong tâm tình hân hoan, với con tim đong đầy lòng thương xót để thể hiện từng cử chỉ hành vi khắc họa chân dung Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Từ đó, tận tâm nhiệt huyết hơn cho sứ mạng “đối thoại và thông truyền”, phản ánh chân lý để củng cố, chữa lành, đồng hành với thế giới trong vui mừng và hy vọng. Nói cách cụ thể, người Ki-tô hữu cần phải ý thức trách nhiệm “Loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”, luộn sẵn sàng “Truyền thông Lòng Thương Xót” trong môi trường sống từ gia đình (Giáo hội tại gia, xã hội thu nhỏ), tới cộng đồng dân sinh, ở mọi nơi trong mọi lúc. Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết: