Hơi thở của Thiên Chúa - Đấng ban sự sống
HƠI THỞ CỦA THIÊN CHÚA – ĐẤNG BAN SỰ SỐNG (CN CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG)
Trong đời sống tự nhiên, hơi thở là dấu hiệu tượng trưng cho sự sống. Còn thở là còn sống, hết thở là hết sống (trong dân gian có câu “trút hơi thở cuối cùng” để chỉ con người chấm dứt cuộc sống trần thế). Sự sống của loài người là do Thiên Chúa ban tặng ngay trong buổi đầu công trình tạo dựng (“ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” – St 2, 7); và khi muốn cứu sống con người, Thiên Chúa cũng “thổi hơi” cho những tử thi được hồi sinh (“ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Từ bốn phương trời, hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh." – Ed 37, 9). Không chỉ riêng con người, mà “Lời và Hơi Thở của Thiên Chúa là nguồn gốc của sự hiện hữu và sự sống mọi thụ tạo (x. Tv 33, 6; 104, 30; St 1, 2; 2, 7; Gv 3, 20-21; Xh 37, 10).” (Giáo lý HTCG, số 703). Bước sang Tân Ước thì chính Chúa Giê-su Phục Sinh cũng đã lặp lại hành động ấy khi Người xuất hiện giữa các môn đệ, thổi hơi vào các ông và phán: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22).
Trong cuộc tạo dựng đầu tiên, A-đam đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa để sống vai trò nguyên tổ của loài người. Việc Đức Ki-tô Phục sinh “thổi hơi” trên các môn đệ là cách diễn tả Người – trong vai trò A-đam Mới – thực hiện cuộc tạo dựng mới. Các môn đệ cộng đoàn Phục Sinh đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa để làm chứng về Chúa Giê-su Ki-tô. Điều đó cho thấy Thánh Thần là Linh Khí, là Hơi Thở của Thiên Chúa. Giáo lý HTCG (số 689) đã khẳng định: “Khi Chúa Cha cử Lời của Người đến với chúng ta, Người luôn luôn gởi đến "Hơi Thở" của Người nữa: một sứ mạng phối hợp trong đó Chúa Con và Chúa Thánh Thần phân biệt, nhưng không tách rời nhau. Chúa Ki-tô xuất hiện, Người là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình, nhưng chính Thánh Thần mạc khải Chúa Ki-tô cho chúng ta.”
Trước khi về trời, đã nhiều lần Đức Ki-tô nói là Người sẽ ban Ngôi Ba Thiên Chúa cho các môn đệ. Khi thì Người nói thẳng là Thánh Thần, khi thì Người nói là Đấng Bảo Trợ, là Thần Khí Sự Thật. Và sự thật đã ứng nghiệm: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần.” (Cv 2, 1-4). Có nhiều, rất nhiều sự kiện minh hoạ cho sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống, nhưng nổi bật nhất, đặc sắc nhất, kỳ diệu nhất là sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong Giáo Hội ở giai đoạn tiên khởi và cho đến hiện nay:
Ở giai đoạn tiên khởi, Chúa Thánh Thần đã ban lòng can đảm, sự khôn ngoan và nhất là khả năng ngôn ngữ có thể nói nhiều thứ tiếng khác ngoài tiếng bản địa của các Tông đồ. Đó là một mầu nhiệm được chính những người nghe làm chứng: "Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!" (Cv 2, 7-11). Cho đến hiện nay thì bất kỳ ai khi nhìn lại lịch sử Giáo Hội, cũng phải ngạc nhiên đến sửng sốt trước sự tồn tại bền vững và phát triển vượt bậc. Đó phải chăng là một món quà độc đáo, món quà vô giá mà Đức Ki-tô đã ban tặng các môn đệ, và nói chung là tất cả mọi tín hữu ("Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." – Ga 20, 22-23)?
Quả thật, món quà mà Đấng Cứu Thế ban tặng các môn đệ, rộng ra là toàn Giáo Hội, rất độc đáo, một món quà vô giá: Hơi Thở của Thiên Chúa – Đấng Ban Sự Sống. Loài người, cách riêng là Giáo hội sống còn, tồn tại và phát triển là nhờ Hơi Thở của Thiên Chúa, là Đức Thánh Linh. Rõ ràng Thánh Thần là Đấng Ban Sự Sống, là chính Sự Sống của Hội Thánh. Chính vì thế, Công Đồng Vatican II được coi là một Lễ Hiện Xuống mới, vì Công Đồng đã định hướng việc canh tân Giáo Hội, trên nền tảng Sự Sống sinh động, đem tinh thần đối thoại hiệp thông với Thiên Chúa và với hết mọi người, để cùng với Chúa Thánh Thần thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Món quà vô giá của Lòng Thương Xót Chúa là Thánh Thần; mà hoa trái của Thánh Thần là yêu thương phục vụ. Do đó những tư tưởng, lời nói và hành động mang tính chia rẽ, ghen tương, đố kỵ, thậm chí dèm pha, hạ bệ lẫn nhau, thù oán, giết hại nhau không bằng gươm giáo… đều là những thể hiện trái ngược với hoạt động của Thánh Thần.
Viết tới đây, kẻ viết bài này chợt giật mình nhớ đến Lời dạy của chính Người đã ban tặng món quà vô giá là Thánh Thần cho Giáo Hội: "Ai không đi với tôi, là chống lại tôi; và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán. Vì thế, tôi nói cho các ông hay: mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha. Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau." (Mt 12, 30-32). Con Người là Thiên Chúa Ngôi Hai, Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, cả hai đều tồn tại trong Ngôi Cha và là Thiên Chúa Ba Ngôi duy nhất; vậy mà “Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha” ư? Nhưng như thế nào mới là nói phạm đến Thánh Thần?
Một vấn nạn đưa kẻ viết bài này lâm vào thế “bí”. Đành phải cầu xin “ơn soi sáng” nơi Hơi Thở của Thiên Chúa, và tìm được lời giải trong Giáo Lý HTCG nơi PHẦN THỨ BA: ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN TRONG ĐỨC KI-TÔ – ĐOẠN THỨ NHẤT: ƠN GỌI LÀM NGƯỜI, SỐNG TRONG THÁNH THẦN – Mục 8: Tội lỗi (số 1846-1876). Khi phân tích về “MỨC ĐỘ NẶNG NHẸ CỦA TỘI LỖI: TỘI TRỌNG VÀ TỘI NHẸ”, Giáo lý HTCG (số 1864) dạy: "Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm thượng đến Thần Khí sẽ chẳng được tha" (x. Mt 12, 31; Mc 3, 29; Lc 12, 10 ). Lòng Thiên Chúa thương xót không có giới hạn, nhưng ai cố tình không hối cải và khước từ lòng Thiên Chúa thương xót thì cũng khước từ sự tha tội và ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban cho ( x. DV 46 ). Lòng chai dạ đá như thế có thể đưa tới chỗ không hối cải trong giờ sau hết và phải hư mất đời đời.” Căn cứ vào Lời dạy của Đức Ki-tô, đủ thấy vai trò của “Hơi Thở Thiên Chúa – Đấng Ban Sự Sống” quan trọng tới nhường nào.
Tóm lại, người Ki-tô hữu cần ý thức bản thân mình khi được dìm trong Nước Thánh Tẩy và được xức dầu trong bí tích Thêm Sức, chính là đã được Thiên Chúa thổi “Hơi Thở của Người” ban Sức Sống thần diệu để vững bước trên hành trình dương thế đầy gian nan hiểm trở. Vấn đề đặt ra là chúng ta có biết sống bằng hơi thở Thần Linh ấy hay không; và sống bằng cách nào. Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay (Ga 20, 19-23), Thánh sử Gio-an trình thuật khi Chúa Giê-su hiện ra với các môn đệ, cùng với việc thở hơi để trao ban Thần Khí, Người còn ban bình an cho các môn đệ. Như vậy, Chúa Thánh Thần còn là nguồn bình an mà Chúa Giê-su trao tặng cho mỗi người chúng ta. Khi lãnh nhận món quà đó, chúng ta cũng được mời gọi trở nên bình an cho những người chúng ta gặp gỡ, nhất là những người đang sống bên rìa ngoài cùng của xã hội.
Vâng, “Trong Năm Thánh này, chúng ta trông đợi những trải nghiệm của việc mở lòng mình ra với những người đang sống bên rìa ngoài cùng của xã hội: Chính cái xã hội hiện đại này tạo ra những vùng ngoại vi như thế. Trong Tin Mừng Thánh Lu-ca, chúng ta tìm thấy một yếu tố quan trọng khác giúp chúng ta sống Năm Thánh với đức tin. Thánh Lu-ca viết rằng Chúa Giê-su, vào ngày Sa-bát, đã trở lại Na-da-rét và, như thường lệ, Ngài bước vào hội đường. Người ta mời Ngài đọc Kinh Thánh và đưa ra lời bình luận. Đoạn văn được đọc trích từ Sách Tiên Tri Isaia, trong đó viết: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Ðức Chúa.” (Is 61, 1-2). Một “năm hồng ân của Ðức Chúa” hay “một năm thương xót”: đây là những gì Chúa đã công bố và đây là những gì giờ đây chúng ta muốn sống.” (Tông chiếu Dung Mạo Lòng Thương Xót “Misericordiae Vultus”, số 15-16). Ước được như vậy.
Ôi! Lạy Chúa Giêsu – hiện thân của Lòng Thương Xót! Con sung sướng lắm, con mãn nguyện lắm, vì không những được cùng với Ngài làm con cái Thiên Chúa Cha hằng hữu, mà còn được Ngài coi là bạn hữu. Nhưng con cũng sợ hãi vô cùng, vì con biết con không xứng đáng được Chúa ban cho ân sủng cao trọng dường ấy. Con sợ hãi lắm, vì con yếu đuối vô cùng, khó lòng mà làm theo Lời Chúa dạy. Vì lòng thương xót của Chúa, cúi xin Chúa thổi “Hơi Thở của Thiên Chúa” ban Sức Sống và lòng dũng cảm cho con, để con có đủ năng lực sống theo Lời Chúa dạy. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: