Màu Nhiệm Tình Yêu Hiệp Nhất
MẦU NHIỆM TÌNH YÊU HIỆP NHẤT (CN VIII/TN-C – LỄ CHÚA BA NGÔI)
Kẻ viết bài này vẫn nhớ ngay từ hồi còn nhỏ được cha mẹ và các thầy dạy giáo lý hướng dẫn trước khi đọc kính, dâng lễ, ăn uống, phải làm dấu Thánh giá: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Còn trong Thánh lễ, vì dùng tiếng La-tinh nên khi vị chủ tế làm dấu Thánh giá thì không hiểu ngài đọc gì. Mãi tới sau Công đồng Va-ti-ca-nộ II, tiếng Việt được dùng trong Thánh lễ, mới nghe vị chủ tế làm dấu và xướng: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Tìm hiểu thì được biết: Trong bản Nghi thức Thánh lễ ban hành năm 1969 ấn định phần mở đầu Thánh lễ, Chủ tế làm dấu Thánh giá với công thức: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, lấy ý từ Lời truyền dạy của Ngôi Hai Thiên Chúa: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 19-20)
Tới sau năm 1992 thì lại thấy đọc “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (xc. Nghi thức Thánh lễ ban hành năm 1992). Là giáo dân, không thấy có vấn đề gì trong việc thay đổi đó, nhưng khoảng gần chục năm gần đây lai thấy đọc: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Thắc mắc tìm hiểu thì được biết Hội Đồng Giám Mục VN lại vừa ban hành bản Nghi thức Thánh lễ mới (ban hành năm 2006) ấn định như vậy. Lý do thay đổi được đưa ra là để tránh sự lầm lẫn về “Ba Chúa” (Trithéisme) có thể gây ra trong công thức của bản Nghi thức1992 tức là muốn nhấn mạnh đến sự kiện chỉ có Một Thiên Chúa với Ba Ngôi Vị “đồng một bản thể (consubstantialis) và uy quyền như nhau” đúng như Giáo hội tuyên xưng trong Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicéa (năm 325) và Công đồng Constantinopoli (năm 381).
Chỉ là nghi thức trong phần mở đầu Thánh lễ mà còn như vậy, huống hồ là đi sâu vào tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Quả thật mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm khó hiểu nhất, “hoàn toàn vượt khỏi trí khôn loài người” (Hiến chế Tín Lý về Mạc Khải “Dei Verbum”, số 6). Xin cùng suy niệm về mầu nhiệm vô cùng trọng đại nhưng thật khó hiểu này:
Bài Tin Mừng ngày Lễ Chúa Ba Ngôi (Ga 16, 12-15) tiếp tục trinh thuật việc Đức Giê-su nói lời cáo biệt các môn đệ trước khi bước vào cuộc Thương Khó. Ðây là một đoạn có thể coi như một chúc thư gồm những lời thắm thiết nhất, an ủi nhất Người để lại cho họ. Nhưng vì sao khi bắt đầu nói những lời thắm thiết ấy, Đức Giê-su lại nói: ”Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.” (Ga 16, 12)? Người còn nhiều điều phải nói với môn đệ, vậy “nhiều điều” ấy là gì? Đó phải chăng là tất cả những gì sẽ xảy ra trong cuộc Thương Khó (quân dữ bắt trói, nhạo báng, khạc nhổ, đánh đòn, đóng đinh treo Người trên thập giá cho đến chết)? Ngay đến thời buổi hiện tại, các tín hữu chiêm niệm những biến cố đã thực sự xảy ra đó mà còn kinh sợ, huống hồ là các Tông đồ tiên khởi; và vì thế, nên “bây giờ, anh em không có sức chịu nổi”. Cũng vì lý do đó, Đức Giê-su chuyển sang loan báo Tin Mừng khi Thần Khí Sự Thật (Thần Chân Lý) đến, sẽ giúp các môn đệ thấu hiểu và có đủ dũng khi tiến bước theo Thầy. Chỉ với 3 câu văn ngắn gọn, Đức Giê-su đã cho biết công trình cứu độ nhân loại mà Người thực hiện luôn có sự hợp tác mật thiết của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó chính là lý do Phụng vụ Giáo hội đã trích đoạn Tin Mùng này vào Lễ Chúa Ba Ngôi.
Mầu nhiệm Ba Ngôi cho biết Thiên Chúa có Ba Ngôi riêng biệt: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng lại là một Thiên Chúa duy nhất, cùng một bản thể, cùng tự hữu (không bởi đâu sinh ra), cùng hằng hữu, cùng toàn năng, cùng là chân thiện mỹ, cùng là sự sống, cùng là tình yêu. Ba Ngôi riêng biệt mà lại cùng tồn tại, cùng hiện hữu trong một bản thể duy nhất, đó là Mầu Nhiệm khó hiểu nhất, vượt khỏi trí khôn loài người. Con người với sự bất toàn cố hữu thì quả thực là khó mà hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Khó nhưng không phải là không hiểu được nếu biết cầu nguyện cậy nhờ Thánh Linh soi sáng và dạy dỗ. Vâng, chính “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14, 26).
Hiến chế Tín Lý về Mạc Khải “Dei Verbum” (số 6) đã giải thích rõ ràng: “Thiên Chúa đã muốn dùng mạc khải để bày tỏ và thông ban chính mình Ngài cùng những ý định muôn đời của Ngài liên quan đến phần rỗi nhân loại, “nghĩa là cho họ được tham dự vào các ân thiêng hoàn toàn vượt khỏi trí khôn loài người”. Chính nhờ Thiên Chúa mạc khải mà “tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa tự nó vốn không vượt quá khả năng lý trí con người, trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, đều có thể biết được cách dễ dàng, chắc chắn mà không lẫn lộn sai lầm.” Người Ki-tô hữu tuy không dám nói “biết được cách dễ dàng”, nhưng nếu chuyên chăm cầu nguyện và chiêm niệm những điều “mắt thấy tai nghe” qua những dấu chỉ mạc khải, thì vẫn có thể hiểu được “mầu nhiệm khó hiểu” đó.
Trước hết, loài người – thông qua các thánh Tông đồ và dân tộc Ít-ra-en cách đây 2000 năm – đã được thực mục sở thị (trông thấy nhãn tiền), được gặp gỡ trò chuyện, ăn cùng mâm, ngồi chung chỗ với một trong Ba Ngôi là Ngôi Hai Thiên Chúa, một con người bằng xương bằng thịt với bản tính người-rất-người, người 100% (không kể bản tính Thiên Chúa). Chính Con Người ấy trong mọi sinh hoạt trên đời này đều luôn minh chứng cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều tồn tại trong Người: Khi chịu Phép Rửa tại sông Gio-đan (“và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” – Luca 3, 22); khi ăn uống thì dâng lời chúc tụng Cha trên trời; cả những khi cầu nguyện (“Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.” – Ga 12, 28)…
Đặc biệt hơn cả là khi dạy dỗ, trò chuyện, giao tiếp với các môn đệ, với mọi người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã chứng tỏ Ngôi Cha và Ngôi Ba luôn tồn tại trong Người: “Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." (Ga 20, 21-23) ; “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?" (Luca 11, 13); “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9); "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em."(Mt 28, 18-20)…
Nhiều lắm những dẫn chứng rất sinh động và thật cụ thể do chính các Thánh sử, các Thánh Tông đồ (là những con người “sống liền bên, ăn cùng mâm, ngồi chung chỗ, cùng trò chuyện, được dạy bảo” bởi chính Ngôi Hai Thiên Chúa), đã ghi lại trong Thánh Kinh lưu truyền cho hậu thế. Rõ ràng là cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều cùng tồn tại trong Ngôi Hai, một con người như tất cả những con người hiện diện trên trái đất này cách đây 2000 năm. Từ đó suy ra trong Ngôi Cha cũng có Ngôi Hai và Ngôi Ba, trong Ngôi Ba cũng tồn tại Ngôi Cha và Ngôi Con. Cả 3 Ngôi đều có ở trong nhau, tồn tại trong nhau, vì thế Ba Ngôi vẫn chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Nói 3 Ngôi ở trong nhau như một thân thể duy nhất, phải chăng là nói đến sự thông hiệp giữa Thiên Chúa Ba Ngôi, và từ cội nguồn mầu nhiệm đó, dòng suối hiệp thông tuôn tràn trên Giáo Hội phổ quát?
Quả đúng như Tông huấn “Ki-tô hữu giáo dân” (số 18) đã khẳng định: “Sự thông hiệp này, chính là mầu nhiệm của Giáo Hội như Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã dùng những lời của Thánh Cy-pri-a-nô để nhắc lại: "Giáo Hội phố quát xuất hiện như một dân tộc được hợp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánk Thần". Mầu nhiệm Giáo Hội hiệp thông này được nhắc nhở ở mỗi đầu Thánh Lễ khi vị chủ tế đón mời chúng ta bằng lời chào của Thánh Phao-lô Tông Đồ: ‘Nguyện xin ân sủng Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha và ơn Thông Hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em’ (2Cr. 13, 13)”. Và chính sự sống hiệp thông của Giáo Hội đã trở nên như một dấu chỉ về Ba Ngôi Thiên Chúa cho thế giới, đồng thời là một hấp lực thu hút mọi người tới niềm tin vào Chúa Giê-su Ki-tô qua Lời Người cầu nguỵên cùng Ngôi Cha: "Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.” (Ga 17, 20-21).
Dấu chỉ ấy, sự thu hút ấy chính là công cuộc truyền giáo, là sứ vụ loan báo Tin Mừng, như lời khẳng định của Thánh GH Gio-an Phao-lô II: “Như thế sự hiệp thông hướng về truyền giáo và chính sự hiệp thông là truyền giáo” (TH/KTHGD, số 18). Người Ki-tô hữu khi được tham dự vào 3 chức vụ của Đức Giê-su (ngôn sứ, tư tế, vương giả) là đã được ân thưởng sống trong mầu nhiệm hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa. Vậy thì trách nhiệm của mọi người, của mỗi người, tất yếu phải là thực thi Lời dạy của Ngôi Hai Thiên Chúa: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19).
Xin cầu chúc tất cả được luôn luôn và mãi mãi sống trong ơn thông hiệp mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Giáo Hội hiệp thông, để tất cả nên một trong sứ vụ truyền giáo, như chính Ngôi Lời đã truyền dạy: "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất." (Cv 1, 7-8).
Ôi! “Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã sai Con Một là Lời chân lý và sai Thánh Thần, Đấng thánh hóa muôn loài đến trần gian mạc khải cho chúng con biết mầu nhiệm cao vời của Chúa. Xin cho chúng con hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ một Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Con Cha, Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lể lễ Chúa Ba Ngôi).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: