Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Công ích và hòa bình trong xã hội: Khởi đầu cho LTX

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

CÔNG ÍCH VÀ HÒA BÌNH TRONG XÃ HỘI: KHỞI ĐẦU CHO LÒNG THƯƠNG XÓT

 

Chủ đề Mục vụ cho tháng 6/2016 là: CÔNG ÍCH VÀ HÒA BÌNH TRONG XÃ HỘI: KHỞI ĐẦU CHO LÒNG THƯƠNG XÓT (xc “Gợi ý Mục vụ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót”). Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho loài người và nói chung các loài thụ tạo đã có từ khởi nguyên (xc. “Nguồn gốc vũ trụ và nhân loại” – Sáng Thế Ký, chương 1 và 2). Thử tìm hiểu xem vì sao công ích và hòa bình trong xã hội lại là bước khởi đầu cho Lòng Thương Xót?

 

I.- Công ích là gì? 

 

Theo từ nguyên thì “công ích” chỉ có nghĩa là những lợi ích chung của cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, dựa vào lý giải của Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (số 1905-1928) và văn kiện Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo (số 164-170), có thể minh định về công ích: Công ích là "toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay những phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn". Công ích gồm ba yếu tố cơ bản:

 

1- Tôn trọng và thăng tiến các quyền cơ bản của con người;

2- Phát triển các lợi ích tinh thần và vật chất của xã hội;

3- Kiến tạo hòa bình và an ninh cho tập thể và các thành viên.

 

Công ích xuất phát từ chính phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của hết mọi người. Công ích không chỉ đơn giản là tổng số các thiện ích riêng của mỗi người trong một thực thể xã hội. Dù là thuộc về mọi người và mỗi người, công ích vẫn là và mãi mãi là ích lợi “chung”, vì nó không thể phân chia được và vì khi cùng chung như thế người ta mới có thể có được nó, mới phát triển và bảo vệ được hiệu quả của nó, với tầm nhìn hướng về tương lai. Một xã hội mong muốn và có ý định tiếp tục phục vụ con người ở mọi cấp độ là một xã hội phải lấy công ích – tức là ích lợi của hết mọi người và của con người toàn diện – làm mục tiêu tiên quyết của mình. Con người không thể tìm được sự phát triển mỹ mãn nơi chính bản thân mình, nếu bỏ qua sự kiện là con người hiện hữu “với” người khác và “vì” người khác.

 

Những yêu cầu của công ích tuỳ thuộc vào những điều kiện xã hội của mỗi giai đoạn lịch sử và có liên hệ chặt chẽ với việc tôn trọng và thăng tiến con người toàn diện, cũng như các quyền căn bản của con người. Bởi đó, công ích có liên quan tới mọi thành phần trong xã hội, không ai được miễn cộng tác vào việc thực hiện và phát huy công ích, tuỳ theo khả năng của mỗi người. Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội “Gaudium et Spes” (số 26) đã khẳng đỊnh: “Sự lệ thuộc nhau mỗi ngày một chặt chẽ hơn và dần dần lan rộng trên toàn thể thế giới, vì thế công ích – tức là toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay những phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn – ngày nay mỗi lúc một nới rộng tầm phổ quát hơn và do đó bao hàm những quyền lợi và nghĩa vụ của toàn thể nhân loại. Bất cứ tập thể nào cũng phải tôn trọng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các tập thể khác, hơn thế nữa, phải tôn trọng công ích của toàn thể gia đình nhân loại.”

 

II.- Công ích và hòa bình xã hội:   

 

Sau khi đã giải thích về Công ích một cách chi tiết và thật cụ thể (số 1905-1908), Giáo lý HTCG (số 1909-1910) tiếp tục khẳng định: “Sau hết, công ích còn phải kiến tạo hòa bình, bảo tồn một trật tự đúng đắn được lâu bền và ổn định. Điều này giả thiết rằng quyền bính phải bảo đảm an ninh cho xã hội và cho các thành viên của xã hội bằng những phương thế liêm chính. Công ích đặt nền tảng cho quyền tự vệ chính đáng của cá nhân và tập thể.” Ngay trong những “đặc tính của công ích” thì đặc tính thứ 3 là “Kiến tạo hòa bình và an ninh cho tập thể và các thành viên”. Khi vấn đề đặt ra là “công ích còn phải kiến tạo hòa bình” thì cũng có nghĩa là giữa công ích và hòa bình có một mối tương quan chặt chẽ, không thể tách rời.

 

Thông thường, người ta chỉ hiểu “hòa bình” là không có chiến tranh, nhưng Hiến chế Mục vụ “Gaudium et Spes” (số 78) có cái nhìn rộng hơn: “Hòa bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ được giản lược vào sự quân bình hóa giữa các lực lượng đối phương, cũng không phát xuất do một nền cai trị độc tài, nhưng theo đúng định nghĩa thì hòa bình là "công trình của công bằng" (Is 32, 7). Hòa bình là kết quả của một trật tự đã được chính Thiên Chúa, Ðấng Sáng Lập, ghi khắc vào xã hội loài người và phải nhờ những người luôn luôn khao khát một nền công bằng hoàn hảo hơn thể hiện ra trong hành động. Thật thế, mặc dù tự bản chất công ích của nhân loại dĩ nhiên phải được định luật đời đời qui định, tuy nhiên trong những đòi hỏi cụ thể của nó, công ích vẫn phải chịu những thay đổi không ngừng với diễn biến của thời gian. Do đó, hòa bình không bao giờ đạt được một lần là xong, nhưng phải xây dựng mãi mãi.”

 

Nói đến công ích và hòa bình xã hội thì không thể quên những cơ cấu và các tổ chức của các dân tộc đã có những biến đổi sâu rộng. Những biến đổi này chính là kết quả của tiến bộ về văn hóa, khoa học, kinh tế và xã hội, nó ảnh hưởng nhiều đến đời sống của cộng đoàn chính trị, nhất là trong những vấn đề liên quan tới quyền lợi và bổn phận của mọi người trong việc hành xử quyền tự do công dân và theo đuổi công ích, cũng như trong vấn đề điều hòa những mối tương quan giữa các công dân với nhau cũng như với chính quyền. “Vì thế, cộng đoàn chính trị chỉ hiện hữu là vì công ích. Công ích nói đây bao gồm tất cả những điều kiện của đời sống xã hội; nhờ những điều kiện này, cá nhân, gia đình và đoàn thể có thể triển nở cách trọn vẹn và dễ dàng hơn. Chính công ích là lý do tồn tại, ý nghĩa và là căn bản pháp lý cho cộng đoàn chính trị.” (Hiến chế “Gaudium et Spes”, số 74).

 

Công ích và hòa bình trong xã hội là như vậy, xã hội chỉ thật sự tồn tại và phát triển khi cộng đoàn chính trị hành xử quyền bính của mình một cách tốt đẹp, và đó chính là việc thực thi công lý. Trong khi đó, “Chính công ích là lý do tồn tại, ý nghĩa và là căn bản pháp lý cho cộng đoàn chính trị” (ibid); như vậy thi “công lý” và “công ích” có quan hệ hỗ tương khăng khít với nhau “tuy hai mà một”. Nói cách khác, “công lý là quyền bính được hành xử hợp pháp khi mưu cầu công ích cho xã hội và đạt tới mục đích ấy bằng những phương thế luân lý cho phép.” (GL/HTCG, số 1921). Như vậy thì phải nói “công ích và hòa bình trong xã hội” chính là điểm mấu chốt của vấn đề hằng được lặp đi lặp lại trong các Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới, đó là vấn đề “Công lý và Hòa bình”.

 

Vào ngày 4/10/1965, trong diễn văn lịch sử đọc trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của tổ chức này, Đức Chân Phước Giáo hoàng Phao-lô VI đã long trọng nhắc lại sứ vụ khó khăn, nhưng đó là sứ mệnh cao quý nhất của Liên Hiệp Quốc: “Hành động để nối kết các quốc gia, để liên kết nước này với nước khác, là nhịp cầu, là mạng lưới tương giao giữa các dân tộc, là kiến tạo tình huynh đệ không phải chỉ cho một số, mà cho tất cả các dân tộc”. Ngài tha thiết kêu gọi: “Đừng bao giờ có chiến tranh! Hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh các dân tộc và của toàn thể nhân loại”. Để biểu lộ quyết tâm của Giáo Hội đối với vấn đề công lý và hòa bình, năm 1967 Đức Phao-lô VI thiết lập Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”. Kể từ năm 1968, ngài thiết lập thêm ngày “Hoà bình Thế giới”. Hằng năm theo thông lệ, vào ngày 01/01, các vị Giáo hoàng công bố một sứ điệp hòa bình với một chủ đề rõ ràng.

 

Không thể có một cá nhân nào được thanh thản nếu cuộc sống của họ không dựa trên sự thật và không được xây dựng trên công lý và hòa bình. Trong Thông điệp Hòa bình trên thế giới “Pacem in Terris”, Thánh GH Gio-an XXIII đã xác quyết: “Không thể có hòa bình nếu không có công lý”. Nghĩa là chỉ có một nền hòa bình vĩnh cửu khi công bằng xã hội được tôn trọng. Chỉ có hòa bình đích thực khi không còn cảnh người bóc lột người. Lý tưởng về hoà bình không thể nào có được trên trần gian này, nếu đời sống ấm no của con người chưa được đảm bảo. Giáo huấn của Giáo hội liên lục kêu gọi mọi người kết hợp với những người yêu chuộng hòa bình để thiết lập hòa bình, xây dựng một xã hội ngày càng thái bình thịnh trị, như Thánh Kinh đã nói: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.” (Is 2, 4).

           

III.- Công ích và hòa bình trong xã hội: Khởi đầu cho Lòng Thương Xót: 

 

            Con người càng ngày càng ý thức hơn về phẩm giá cao trọng vốn có của mình, bởi vì con người vượt trên mọi loài thụ tạo và vì những quyền lợi cũng như bổn phận của con người là phổ quát và bất khả xâm phạm. Vậy cần phải cho con người được tất cả những gì thiết yếu mà con người phải có để thực sự sống đời sống con người, như của ăn, áo quần, chỗ ở, quyền tự do chọn lựa bậc sống và quyền lập gia đình, quyền được giáo dục, quyền làm việc, quyền bảo tồn danh thơm tiếng tốt, quyền được kính trọng, quyền thông tin xứng hợp, quyền hành động theo tiêu chuẩn chính thực của lương tâm mình, quyền bảo vệ đời sống tư và quyền tự do chính đáng cả trong phạm vi tôn giáo nữa.

 

Rõ ràng “Trật tự xã hội và tiến bộ của nó phải luôn luôn nhằm ích lợi của các nhân vị. Bởi vậy, bất cứ tập thể nào cũng phải tôn trọng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các tập thể khác, hơn thế nữa, phải tôn trọng công ích của toàn thể gia đình nhân loại. Trật tự này phải phát triển mỗi ngày một hơn, phải đặt nền tảng trên chân lý, xây dựng trong công bình, nuôi sống nhờ tình yêu; phải dần dần tìm được trong tự do sự quân bình mỗi ngày mỗi hợp với nhân bản hơn.” (Hiến chế “Gaudium et Spes”, số  26).

 

Sách Sáng Thế Ký (chương 1 và 2) đã trình thuật: Cùng lúc với công cuộc sáng tạo vũ trụ và vạn vật, Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Người ban phúc lành cho họ, và phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất." Song song với việc tạo dựng, Thiên Chúa còn ban lương thực để nuôi sống con người và duy trì cộng đồng xã hội cho đến ngày cánh chung (Thiên Chúa phán: "Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực.”).

 

Tất cả đã nêu bật một định luật bất biến: Vì Tình Yêu, Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và loài người. Nói cách cụ thể thì khi sáng tạo vũ trụ và vạn vật, Thiên Chúa đã bày tỏ Lòng Thương Xót luôn hướng về tập thể, cộng đồng, tức là lo cho công ích và hòa bình của xã hội loài người. Chính vì công ích và hòa bình của nhân loại là khởi nguyên Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nên khi con người đem hết tâm lực ra để mưu cầu lợi ích chung cho cộng đồng xã hội chính là đã thể hiện lòng thương xót cách cụ thể vậy.

 

Kết luận:

 

Tóm lại, chính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là xuất phát điểm của công ích và hòa bình xã hội. Mối quan hệ giữa công lý (tức “công ích và hòa bình”) với Lòng Thương Xót. “không phải là hai thực tại mâu thuẫn, nhưng là hai chiều kích của một thực tại duy nhất mở ra dần dần cho đến khi đạt đến đỉnh điểm trong sự viên mãn của tình yêu. Lòng Thương Xót không mâu thuẫn với công lý nhưng trái lại thể hiện đường lối Chúa vươn đến các tội nhân, cho anh ta một cơ hội mới để nhìn vào chính mình, hoán cải, và tin tưởng.” (Tông chiếu Misericordiae Vultus”, số 20-21).

 

Khi đề cập đến vấn đề “Hoà bình trong dấu chỉ của Năm Thánh Lòng Thương Xót”, ĐTC Phan-xi-cô viết trong Sứ điệp Ngày Quốc Tế Hòa Binh 2016 (số 8): “Trong tinh thần của Năm Thánh  Lòng Thương Xót, mỗi người được mời gọi nhận ra sự thờ ơ được biểu lộ trong cuộc sống của mình như thế nào, và lựa chọn một dấn thân cụ thể để góp phần cải tiến thực tại trong đó mình đang sống, bắt đầu từ gia đình mình, từ xóm giềng của mình hay từ môi trường làm việc. Cả các quốc gia cũng được mời gọi có các cử chỉ cụ thể, có các hành động can đảm đối với các người giòn mỏng nhất của xã hội, như các tù nhân, người di cư, người thất nghiệp và người đau yếu.”

 

Người Ki-tô hữu cần nhận chân vấn đề “Công lý của Thiên Chúa là tình thương của Ngài ban cho tất cả mọi người như một ân sủng tuôn tràn từ cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su Ki-tô. Như thế, Thánh Giá của Đức Ki-tô là phán định của Thiên Chúa trên tất cả chúng ta và trên toàn thế giới, vì qua đó Ngài đã ban cho chúng ta sự chắc chắn của tình yêu và cuộc sống mới.” (Tông chiếu Misericordiae Vultus”, số 20-21). Từ đó kiên trì đem hết tâm lực ra phục vụ cho công ích và hòa binh xã hội, bởi đó chính là “khởi đầu cho sứ vụ rao truyền Lòng Thương Xót”. Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.