Hãy có lòng thương xót
HÃY CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT
(CN X/TN-C)
Trong Tin Mừng Nhất Lãm, chỉ có Tin Mừng theo thánh Lu-ca nói nhiều đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với kẻ tội lỗi, những người cùng khốn trong xã hội và cả những người dân ngoại. ĐTC Phan-xi-cô đã xác nhận điều này trong Tông chiếu Dung Mạo Lòng Thương Xót “Misericordiae Viltus” (số 13): “Chúng ta muốn sống Năm Thánh này, trong ánh sáng Lời Chúa: Hãy có lòng xót thương như Chúa Cha. Vị Thánh sử nhắc nhở chúng ta về giáo huấn của Chúa Giê-su, Đấng đã phán: “Hãy thương xót như Cha các ngươi có lòng thương xót” (Lc 6:36). Đó là một chương trình sống vừa đòi hỏi vừa phong phú với niềm vui và bình an. Lệnh truyền của Chúa Giê-su hướng đến bất cứ ai sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Ngài (x. Lc 6, 27).”
Điển hình như câu chuyện “Chúa Giê-su cho con trai bà góa thành Na-in sống lại” là trình thuật duy nhất chỉ có thánh sử Lu-ca ghi lại (CN X/TN-C – Lc 7, 11-17): Bà góa thành Na-in này nằm trong số những người cùng khốn được Chúa chạnh lòng thương. Không chạnh lòng thương sao được khi nhìn thấy một bà mẹ khóc vật vã, lảo đảo đi bên cạnh xác đứa con trai duy nhất! Mất chồng, bà ký thác tất cả đời mình vào tương lai của đứa con trai này; nhưng thần chết đã cướp mất nó, để lại cho bà một thiếu vắng không có gì bù đắp được. Trước hoàn cảnh bi thương đó, mặc dù bà mẹ không cầu xin, nhưng “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: "Bà đừng khóc nữa!" Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: "Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!" Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người". Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.” (Lc 7, 13-17).
Phải chân nhận rằng ngay từ khi bắt đầu khai mạc sứ vụ, Đức Giê-su đã chứng tỏ Người không những chỉ lo cho phần rỗi (tâm linh) của con người, mà Người còn lo cho cả phần xác của họ nữa: Tương tự như phép lạ cho con trai bà goá ở Na-in được sống lại, Chúa Giê-su đã truyền cho La-da-rô (em của Mac-ta và Maria) chết chôn trong mồ đã 4 ngày được sống lại; nhờ đó, cả gia đình được chan hoà niềm vui (Ga 11, 32-43). Hoặc như phép lạ hóa nước thành rượu tại “Tiệc cưới Ca-na” (Ga 2, 1-12), và rất nhiều phép lạ khác Đức Giê-su đã thực hiện như cho người mù được xem thấy, người điếc được nghe, người què đi được, người phong hủi được sạch, người câm được nói, người đói được ăn...
Tất cả những biện giải trên minh hoạ cho Lời dạy của Đức Ki-tô: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt 4, 4). Nghĩa là con người sống trên đời cần cả cơm bánh (nuôi dưỡng thể xác) và Lời Chúa (dưỡng nuôi tâm hồn). Và vì thế, song song với việc lo cho thể xác những người đi theo, Đức Giê-su còn lo cả về đời sống tâm linh của họ nữa. Người không muốn đem lại cho người đời một niềm vui chóng qua, một thứ hạnh phúc mau tàn; nhưng là một thứ hạnh phúc vững bền đặt trên nền tảng tình yêu ("Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em." – Ga 13, 34). Như vậy, đem lại niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu cho những người chung quanh là một quan tâm hàng đầu của Chúa Giê-su. Vì thế, Người đã thiết lập bí tích Thánh Thể làm lương thực trường tồn cho mọi tín hữu, cho Giáo hội lữ hành đang trên đường tiến về quê Trời vĩnh cửu.
Đức Giê-su Ki-tô đã vì tình yêu mà chữa lành thân xác cho những kẻ đui mù câm điếc, phong hủi què quặt, kể cả những thân xác không còn sinh khí (đã chết). Song song với việc chữa lành thân xác cho con người, Người vẫn tiến hành sứ vụ chữa lành chứng bệnh đui mù câm điểc, phong hủi què quặt về đường tâm linh và nhất là sự chết trong tội lỗi của nhân loại. Ấy cũng bởi vì Người chính là Thiên Chúa Tình Yêu – hiện thân của Lòng Thương Xót – vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người, dùng chính thân mình làm của lễ toàn thiêu tiêu diệt sự chết, giải thoát con người khỏi vòng nô lệ tội lỗi, đem lại sự sống vĩnh cửu cho nhân loại. Lời Đức Ki-tô gọi con của bà goá ở thành Na-in “Hãy trỗi dậy”, cũng là Lời Chúa gọi từng mỗi người Ki-tô hữu hôm nay.
Vâng, người Ki-tô hữu hôm nay đã được cùng chết với Đức Ki-tô và cùng được trỗi dậy với Người “nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.” (Cl 3, 1-4). Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới bằng chính cuộc sống thực hành Lời Chúa nơi hạ giới, ấy mới là những kẻ khôn ngoan. Một cách cụ thể là chúng ta cũng được mời gọi cộng tác với Người để vun đắp niềm vui và hạnh phúc cho những người đang sống quanh ta bằng quyết tâm sống theo luật yêu thương của Người, để nhờ đó, gia đình, thôn xóm và đất nước chúng ta được hạnh phúc an vui.
Tóm lại, Đấng Ban Sự Sống đến trần gian ban cho nhân loại không chỉ sự sống mau qua (như trường hợp con trai bà goá ờ thành Na-in, trường hợp anh La-da-rô hoặc những phép lạ hoá bánh ra nhiều, phép lạ chữa cho những người đui, què, câm, điếc được khỏi…), mà nhất là còn ban cho nhân loại sự sống đời đời. Người luôn kêu gọi con người “Hãy trỗi dậy” từ cõi chết, để được chung hưởng hồng ân Phục Sinh nơi Cõi Phúc Trường Sinh. Nào, xin mời “Hãy trỗi dậy hỡi ai ngủ mê. Hãy trỗi dậy từ cõi chết, Chúa sẽ chiếu ngời ánh quang vinh trên đầu ngươi. TK: Ðã bao năm qua gian trần miệt mài sống trong vòng u tối. Giờ được Chúa dẫn vào nguồn sống, ta hãy bước theo đường quang vinh.” (TCCĐ “Hãy trỗi dậy”). Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: