Ai là người thân cận
AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN?
(CN XV/TN-C)
Bài Tin Mừng hôm nay (CN XV/TN-C – Lc 10, 25-37) trình thuật câu chuyện một người thông luật hỏi thử Đức Giê-su xem điều răn nào trọng nhất trong Luật Mô-sê? Thay vì trả lời, Đức Giê-su lại hỏi ngược lại để chính người thông luật tự trả lời: "Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." (Lc 10, 28). Người thông luật đã nối kết một câu trong sách Ðệ Nhị Luật (“Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng, hết dạ, hết sức anh (em)” – Đnl 6, 5) với một câu trong sách Lê-vi (“Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” – Lv 19,18). Ông ta muốn chứng tỏ mình là người thông hiểu lề luật và biết tổng hợp để có những nguyên tắc sống đạo đầy đủ, khiến Ðức Giê-su tỏ ý khen ngợi và khuyến khích ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống." (Lc 10, 28).
Nhà thông luật ở đây chính là những kinh sư Pha-ri-sêu chuyên môn “thử” Đức Giê-su để tìm cách hại Người. Cứ tưởng được Đức Giê-su khen như thế thì “nhà thông luật” sẽ thôi không còn “thử hay gài bẫy” nữa, nhưng không ngờ ông ta lại “muốn chứng tỏ là mình có lý” để tiếp tục “thử” Đức Giê-su: "Nhưng ai là người thân cận của tôi?" Hỏi câu này, ông ta đã dựa theo lẽ thường tình thế sự vẫn quan niệm “người thân cận” là những người gần gũi, thân thiết như cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, họ hàng, bạn bè … (như trong từ “thân nhân”, “thân thích”, “thân bằng quyến thuộc”… vẫn thường dùng). Ngầm ý của ông ta là ông đã sửa câu trích trong sách Lê-vi (“Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” – Lv 19,18) thành câu “yêu mến người thân cận như chính mình" (Lc 10, 28) để cố ý gài bẫy Đức Giê-su; nhưng ý đồ đó vẫn không che giấu được trước Đấng thấu suốt mọi sự; vì thế Đức Giê-su phải kể dụ ngôn “Người Sa-ma-ri tốt lành” và từ dụ ngôn ấy, Người lại đặt câu hỏi để chính người thông luật tự tìm ra định nghĩa trả lời cho câu hỏi của mình.
Với du ngôn “Người Sa-ma-ri tốt lành” (Lc 10, 29-37) Đức Giê-su đã đưa vào câu chuyện 3 nhân vật: Hai người đầu (một vị Tư tế, một thày Lê-vi) là hai nhân vật thuộc nhóm “người thông luật”, tức là những người liên quan đến những hoạt động trong Đền Thờ. Nhân vật thứ ba (một người Sa-ma-ri) là một người Do-thái ly giáo, bị coi là ngoại bang, một thứ dân ngoại dơ bẩn, tội lỗi. Dụ ngôn trình thuật: Một người kia, trên con đường từ Giê-ru-sa-lem đến Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết nằm bên vệ đường. Vị Tư tế và thày Lê-vi trông thấy người này, nhưng đều “tránh qua bên kia mà đi” (Lc 10, 31-32). Nếu nói thầy Lê-vi, vị Tư tế, là những người luôn có mặt trong Đền Thờ, thì tất nhiên phải nắm vững Lề Luật, mà Lề Luật của Đức Chúa đều đã qui định trách nhiệm cần phải giúp đỡ nạn nhân; nhưng cả hai đều không dừng bước mà băng ngang qua đó với thái độ dửng dưng, lạnh lùng. Điều này cho thấy không phải những ai lui tới với Nhà Chúa, thông hiểu Lề Luật và biết được lòng thương xót của Chúa mà có thể yêu thương tha nhân.
Tuy nhiên, với người Sa-ma-ri – một con người bị khinh bỉ, coi là phường tội lỗi – khi trông thấy kẻ bị thưong tích đã không bỏ đi như hai người thông luật trước đó, mà "đã chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.” (Lc 10, 33-34). Ông "đã chạnh lòng thương", chứng tỏ tâm can của ông đã thương cảm; trái tim của ông đã rung động! Như vậy là trái tim của người Sa-ma-ri đã đập cùng một nhịp với chính con tim của Thiên Chúa (Mt 9, 36; 14, 14; 15, 32; Mc 6, 34). Thật vậy, phải có "lòng cảm thương" bao la nhân hậu mới "chạnh lòng thương" trước những nạn nhân của áp bức, nghèo khổ, cơ cực, lầm than, đói khát… "Lòng cảm thương" là đặc tính thiết yếu của Lòng Chúa Thương Xót. Nơi những cử chỉ và hành động của người Sa-ma-ri bộc lộ rõ ràng tác động từ bi nhân hậu của Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót trong suốt dòng lịch sử cứu độ.
Như vậy, “người thân cận” trong dụ ngôn của Đức Ki-tô không phải là họ hàng máu mủ ruột thịt, mà lại là một người xa lạ, một người bất chợt gặp trên đường đời. Nghe ra có vẻ nghịch lý, bất bình thường (một người chưa hề quen biết, bất chợt gặp trên đường mà lại được coi là “thân cận” ư?). Tuy nhiên, nếu suy cho cùng, thì sẽ thấy là mặc dù sống gần gũi nhau nhưng chưa chắc cha mẹ, vợ chồng, anh em bè bạn đã thật sự thân thiết với nhau, nếu chưa thật sự yêu thương nhau. Đến ngay như vợ chồng đầu gối tay ấp, cũng không thiếu những trường hợp “đồng sàng, dị mộng” (chung giường, khác mộng), huống hồ! Chính Chúa Giê-su cũng nói : "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi." (Mt 13, 57 ), “Kẻ thù của mình chính là người nhà.” (Mt 10, 36); và khi nói về cha mẹ, anh em, họ hàng, thì Người dạy: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi." (Mt 12, 48-50).
Đức Ki-tô rất hay dùng cách nói “tương phản” (nói trái với ý chính để làm nổi bật ý chính – Vd: "Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà.” – Mt 10, 34-36) ; “ám tỉ” (so sánh ngầm – Vd: "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men." – Mt 12, 33) ; “ẩn dụ” (ví ngầm – Vd: "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được." – Mt 13, 31-32). Và trong dụ ngôn “Người Sa-ma-ri tốt lành” cũng vậy, Đức Ki-tô muốn cho người nghe hiểu được chỉ có những người sống trong Tình Yêu mới thật sự là người thân cận với nhau. Nhiều lắm những Lời dạy chí tình chí nghĩa của Người Thầy chí thánh minh hoạ cho chân lý Tình Yêu.
Đông phương học xưa cũng từng truyền tụng “Tứ hải giai huynh đệ“ (Người trong bốn bể thật là anh em), “Ái nhân như ái thân“ (Yêu người như yêu chính bản thân mình). Vâng, chính Thánh Phao-lô cũng đã khẳng đinh trong thư gửi tín hữu Ga-lat: “hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.“ (Gl 5, 13-14). Như vậy, để được coi là thân cận, yêu thương, gần gũi, gắn bó với nhau, phải là những người sống với nhau bằng tình bác ái. Làm công việc tông đồ bác ái là làm những việc thể hiện được tình yêu bao la của Thiên Chúa, thể hiện được chính Đức Vua Tình Yêu – hiện thân của Lòng Thương Xót – đã hy sinh cả tính mạng cho người mình yêu. Đối tượng để thực thi bác ái không giới hạn trong phạm vi gia đình hay quốc gia, mà là tất cả những người cùng khổ, hoạn nạn, bệnh tật, nghèo đói trên thế giới.
Nói “hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” thì rất cần phải lưu ý: "Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà. Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người." (Rm 12, 9-18).
Khi giảng Giáo Lý về Lòng Thương Xót trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC Phan-xi-cô đã dạy: “Dụ ngôn “Người Sa-ma-ri Nhân Lành” là một tặng ân kỳ diệu cho tất cả chúng ta, và đồng thời cũng là một thứ dấn thân! Chúa Giê-su lập lại với từng người chúng ta những gì Ngài đã nói với Vị Tiến Sĩ Luật: "Hãy đi mà làm như thế" (câu 37). Tất cả chúng ta đều được kêu gọi theo đường lối của Người Samaritanô Nhân Lành, vị là hình ảnh của Chúa Ki-tô, ở chỗ, Chúa Giê-su đã cúi xuống trên chúng ta, biến Mình thành tôi tớ của chúng ta, nhờ đó Người đã cứu chúng ta, để chúng ta cũng có thể kính mến Người như Người đã yêu thương chúng ta cùng một cách thức như vậy.” (Bài Giáo lý 12: Về Dụ ngôn “Người Sa-ma-ri Nhân Lành”).
Tóm lại, người Ki-tô hữu có thể trở thành người thân cận của bất cứ ai gặp gỡ trong đời đang cần giúp đỡ, và tất nhiên sẽ là người thân cận như người Sa-ma-ri nhân lành nếu có lòng cảm thương nơi tâm can, luôn biết “chạnh lòng thương” với nỗi đau của tha nhân, tức là có khả năng chịu khổ với người khác. Để được như vậy thì cần phải biết “nhìn bằng con mắt của Chúa Giê-su và chia sẻ tâm trí của Người, thiên hướng con thảo của Người, vì họ chia sẻ tình yêu của Người, vốn là Thần Khí của Người.” (Thông điệp Ánh Sáng Đức Tin “Lumen Fidei”, số 21). Vâng, hãy nhìn bằng “con mắt của Chúa Giê-su” – Con Mắt Tình Yêu, Con Mắt của Lòng Thương Xót – như trong dụ ngôn “Người Sa-ma-ri tốt lành”, mọi việc sẽ sáng tỏ.
Đúng vậy, “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8). Ấy cũng bởi vì “Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.” (1Ga 4, 20-21). Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: