Lòng Thương Xót và "Món nợ sinh thái"
LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ “MÓN NỢ SINH THÁI”
Nói đến “món nợ sinh thái” thì không thể quên Thông điệp về Môi sinh “Laudato Sí – Chúc tụng Chúa” do Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô ban hành ngày 18/6/2015. Sau đó, vào ngày 10/8/2015, ĐTC long trọng công bố thiết lập “Ngày Thế Giới cầu nguyện cho việc bảo vệ thiên nhiên như công trình tạo dựng của Thiên Chúa” sẽ được cử hành vào ngày 01/9 hằng năm. Đó là lý do giải thích tại sao Hội Đồng Giám mục VN ấn định chủ đề Phụng vụ tháng 9/2016 là: “Lòng thương xót hay tha thứ và ‘món nợ sinh thái’ không được dung tha”. Xin cùng tìm hiểu:
I.- Môi sinh là gì?
Môi sinh (môi trường sinh thái) là môi trường sống của sinh vật. “Môi sinh học” đã cho biết những khái niệm về môi sinh như sau:
1- Tất cả sinh vật và môi trường sống của chúng có phản ứng hỗ tương và ảnh hưởng nhau qua nhiều cách (các loài động vật, thực vật cùng trong một môi trường có tác động qua lại và phản ứng hỗ tương).
2- Môi sinh vốn là một phức thể tổng hợp nhiều nhân tố có quan hệ hỗ tương và năng động (nghĩa là thay đổi theo thời gian và không gian), có chức năng như một cái sàng chọn lọc các sinh vật cho sự phát triển, qua rất nhiều hình thái. Sự hình thành môi trường sinh thái trở nên nhân tố quyết định ở các giai đoạn phát triển của chu kỳ sự sống của các loài.
3- Không phải chỉ có môi sinh ảnh hưởng đến đời sống của các sinh vật, mà các sinh vật cũng bổ sung cho môi sinh như là kết quả của sự phát triển, phân tán, tái sản sinh, chết, hủy hoại v.v.. của các sinh vật. Như vậy, môi sinh gây nên sự đổi thay do các hoạt động của các loài sinh vật.
4- Môi sinh và các sinh vật năng động mở đường phát triển cho nhiều loại sinh vật khác qua một quá trình được gọi là kế thừa. Quá trình ấy tiếp tục cho đến sự phát triển của cộng đồng như hiện tại tự nó có thể tự điều chỉnh cân bằng với môi sinh. Giai đoạn cuối này của cộng đồng được gọi là đỉnh cao của phát triển.
Đối với nhân loại thì môi trường sinh thái là toàn bộ các điều kiện tự nhiên, nhân tạo bao quanh, tác động tới đời sống, sự tồn tại, phát triển của con người. Như vậy, môi trường sinh thái là một mạng lưới chỉnh thể có mối liên quan chặt chẽ với nhau giữa 2 yếu tố: * Yếu tố tự nhiên: đất, nước, không khí và các cơ thể sống (động thực vật) trong phạm vi toàn cầu. * Yếu tố xã hội: các tổ chức dân sự trong đời sống cộng đoàn, các thể chế chính trị…
Giáo hội Công Giáo đã sử dụng thuật ngữ “sinh thái con người” bắt đầu từ Thánh GH Gio-an Phao-lô II. Thuật ngữ này thể hiện vai trò trung tâm của nhân loại trong môi trường sinh thái. Thánh Phan-xi-cô Assisi là tác giả “Bài ca vạn vật” có nội dung ngợi khen các công trình tạo dựng của Thiên Chúa; trong đó có lời cầu nguyện “Laudato sí, mí Signore” (Lạy Chúa của con, con chúc tụng Chúa). Lời nguyện này nhắc nhở mọi người rằng trái đất là “căn nhà chung của chúng ta”. Do đó, ngày 29/9/1979, Thánh GH Gio-an Phao-lô II công bố: “Thánh Phan-xi-cô Assissi là Bổn mạng các nhà môi sinh học”. Với Đức GH đương kim thì khi đắc cử Giáo hoàng đã nhận thánh hiệu là Phan-xi-cô, và khi ban hành Thông điệp về môi sinh thì ngài lấy tên là “Laudato sí” (Chúc tụng Chúa), ngõ hầu tiếp nối công trình Thánh Phan-xi-cô Assisi với quan niệm sống là “sống với, sống chung chan hòa giữa con người và mọi tạo vật”.
II.- Món nợ sinh thái:
1- Nguyên nhân phát sinh “món nợ sinh thái”: Khoa “Môi sinh học” đã lý giải về “Món nợ sinh thái”: Khảo sát khoa học cho biết năm 2014, thời điểm nhân loại tiêu hết nguồn vốn thiên nhiên của 365 ngày được xác định là ngày 19/8, tức là nhân loại rơi vào tình trạng “nợ nần sinh thái” trong 134 ngày còn lại (tính từ 19/8 tới 31/12). Chỉ trong vòng hơn 7 tháng, loài người đã tiêu thụ hết khả năng tái tạo thiên nhiên của Trái đất trong cả năm 2014! Ngày đánh dấu thời điểm thế giới đã sử dụng hết tài nguyên mà Trái đất có thể đáp ứng cho cả năm, được gọi là: “Earth Overshoot Day”. Ngược dòng thời gian, người ta thấy thời điểm tiêu hết vốn tài nguyên của nhân loại cứ bị đẩy lùi hàng năm khiến cho món nợ sinh thái của loài người cứ ngày càng chồng chất thêm (Năm 1975, thì đến tận ngày 29/11 nhân loại mới tiêu hết nguồn tài nguyên cho phép; nhưng vào năm 2000 ngày đó lại rơi vào ngày 5/10, năm 2010 thì nó đến vào ngày 7/9, năm 2013 được xác định là ngày 28/8, và năm 2014 là ngày 19/8 -nt-).
Có thể lý giải cho thực trạng “Earth Overshoot Day” bị đẩy lên sớm dần là vì dân số thế giới tăng mạnh (gần 4 tỷ người vào những năm 1970, trong khi đến năm 2014 dân số thế giới là 7,2 tỷ người). Tất cả các nhu cầu cho con người đều tăng, trong đó đặc biệt có nhu cầu năng lượng tăng rõ nét: Mỗi năm toàn cầu tiêu thụ tới 40% vật liệu (các loại) khai thác trực tiếp từ thiên nhiên để xây dựng các công trình (đường giao thông, nhà máy, nhà cửa, cầu cống…). Các công trình xây dựng ấy lại tiêu thụ từ 36% - 45% nguồn năng lượng của mỗi quốc gia. Chỉ riêng nước cho hoạt động xây dựng trên toàn cầu đã chiếm 1/6 nguồn cung cấp nước sạch. Trong khi đó, các thành phố phát triển quá mức, tiêu thụ một lượng hàng hoá khổng lồ: Năng lượng, lương thực thực phẩm và nước… Rồi các thành phố lại đưa các loại rác, nước thải, khí ô nhiễm ra bên ngoài thành phố. Cả hai quá trình này đều phá vỡ sự cân bằng sinh thái – từ khu vực đô thị đến mức độ quốc gia và toàn cầu.
Sự phát triển đó đã “góp phần” làm nhiệt độ trái đất khắc nghiệt hơn, hậu quả lượng khí thải nhà kính cũng tăng theo. Chu trình này như một vòng luẩn quẩn của con người trong cuộc chiến với chính các hậu quả do nó gây ra. Theo tính toán của Global Footprint Network, Trái đất phải tăng gấp 1,5 lần khả năng tái tạo tự nhiên mới đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của con người cho tới thời điểm năm 2016. Và nếu cứ giữ nhịp độ tiêu thụ như hiện nay thì từ nay đến năm 2050, loài người sẽ phải cần có “hai Trái đất” mới đáp ứng được nhu cầu về tài nguyên.
2- Thế giới loài người với “món nợ sinh thái”: Món nợ môi sinh đã làm nhức nhối các nhà lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo quốc gia, các khoa học gia và nói chung là toàn thể nhân loại. Giáo Hội Công Giáo cũng đã tổ chức nhiều Thượng Hội đồng bàn thảo về vấn đề môi sinh. Trong các văn kiện của Giáo hội về môi sinh, tiêu biểu nhất có thể nói là Thông điệp “Laudato Sí” do ĐTC Phan-xi-cô ban hành ngày 18/6/2015. Toàn bộ Thông điệp (gồm 6 chương, 246 số) đều lý giải về môi sinh (từ nguồn gốc đến hậu quả), Riêng Chương III (từ số 101 đến số 136) nói về vấn đề “căn cội sự khủng hoảng môi sinh do con người gây ra”: Điểm nòng cốt trước tiên của chương III là những suy tư về “kỹ thuật”: với lòng biết ơn, nhìn nhận những đóng góp của kỹ thuật để cải tiến các điều kiện sống cho con người (số 102-103); tuy nhiên, kỹ thuật ”mang lại một sự thống trị lớn lao trên toàn thể nhân loại và thế giới cho những người nắm giữ kiến thức kỹ thuật và nhất là quyền lực kinh tế để khai thác nó” (số 104). Chính chủ trương thống trị bằng kỹ thuật đưa tới sự phá hủy thiên nhiên và khai thác bóc lột con người và các dân tộc yếu thế hơn (số 109).
Trong thời đại tân tiến ngày nay hình thành một chủ trương quy hướng vào con người thái quá (số 116): con người không còn nhìn nhận vị thế đúng đắn của mình trong thế giới tự nhiên, mà chỉ qui hướng mọi sự về mình và quyền lực của mình. Từ đó nảy sinh chủ trương ”sử dụng rồi vứt bỏ” biện minh cho mọi thứ gạt bỏ, dù là môi trường hay con người; đối xử với tha nhân và thiên nhiên như những đồ vật và dẫn tới vô số những hình thức thống trị. Đó là thứ chủ trương dẫn tới sự khai thác trẻ em, bỏ rơi người già, biến những người khác thành nô lệ, thực hành việc buôn người, buôn bán nội tạng con người, và nạo phá thai nhi… Đó cũng chính là chủ trương của nhiều tổ chức bất lương mafia, những kẻ buôn bán ma túy, buôn bán da thú vật v.v… (số 123).
Bằng cách nhìn thực tế ấy, Thông điệp cứu xét hai vấn đề nghiêm trọng đối với thế giới ngày nay. Trước tiên là phục hồi giá trị đich thực của lao công: ”Trong bất kỳ sự áp dụng nền môi sinh học toàn diện nào, không loại trừ con người, điều tối cần thiết là phải nhìn nhận giá trị lao công” (số 124), và khẳng định rằng ”từ khước không đầu tư vào con người, để được lợi nhuận ngay tức khắc, đó thực là một lối kinh doanh tệ hại nhất cho xã hội” (số 128). Vấn đề thứ hai liên quan đến những giới hạn của tiến bộ khoa học, cụ thể là những thực phẩm biến thái hệ di truyền, gọi tắt là OGM (số 132-136), đây là ”một vấn đề phức tạp” (số 135). Mặc dù ”tại một số vùng, việc sử dụng loại thực phẩm này đã làm tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết một số vấn đề, nhưng người ta gặp những khó khăn lớn không thể coi thường”, bắt đầu từ sự ”tập trung đất đai canh tác vào tay một thiểu số người” (số 134).
ĐGH Phan-xi-cô đặc biệt nghĩ đến các nhà sản xuất nhỏ và các công nhân ở miền quê, sự đa dạng sinh học, các hệ thống môi sinh (ecosistemi). Vì thế cần ”có một cuộc thảo luận khoa học và xã hội theo tinh thần trách nhiệm và có tính chất rộng rãi, có thể cứu xét tất cả thông tin hiện có và gọi đích danh sự vật” từ ”những đường hướng nghiên cứu độc lập và liên ngành.” (số 135).
III.- Lòng thương xót hay tha thứ và “món nợ sinh thái” không được dung tha:
1- Trách nhiệm con người đối với “món nợ sinh thái”: Cũng vì “món nợ sinh thái” là món nợ chung của toàn thế giới, nó thật khủng khiếp nên con người không được dung tha; hay nói cách khác là không thể từ nan trách nhiệm bảo vệ môi sinh. Bảo vệ môi sinh tức là bảo vệ chính mạng sống của mình. Chính từ nền tảng căn bản đó, Thông điệp “Laudato Sí” đặt thẳng vấn đề với thế giới là con người mới chính là chủ thể chịu trách nhiệm về “món nợ sinh thái” và có trách nhiệm phải tận tâm tận lực đóng góp công sức và trí tuệ của mình vào công cuộc bảo vệ môi sinh.
Bao quát toàn bộ Thông điệp, sẽ thấy lộ trình biện giải vấn đề: Thông điệp nêu rõ căn cội của các vấn đề (chương III) trong thời đại kỹ thuật làm chủ và trong thái độ co cụm thái quá của con người. Chủ trương của Thông điệp (ch. IV) là một “nền môi sinh học toàn diện, bao gồm rõ rệt các chiều kích nhân bản và xã hội, gắn chặt với vấn đề môi trường”. Trong viễn tượng ấy, ĐGH Phan-xi-cô đề nghị khởi sự một cuộc đối thoại chân thành trên mọi bình diện của đời sống xã hội, kinh tế và chính trị, cuộc đối thoại này cơ cấu hóa các tiến trình quyết định minh bạch; ĐTC nhắc nhở rằng không dự phóng nào có thể hữu hiệu nếu không được linh hoạt nhờ một lương tâm được huấn luyện và có tinh thần trách nhiệm (ch. V). Ngoài ra, ĐGH còn đề nghị những điểm để tăng trưởng nhận thức trong chiều hướng này trên bình diện giáo dục, tu đức, Giáo hội, chính trị và thần học (ch. VI).
Cụ thể hơn, ĐGH đặt vấn đề “Môi sinh học toàn diện” như một mô hình công lý: một nền môi sinh học ”hội nhập chỗ đứng đặc biệt của con người trong thế giới này và tương quan của con người với thực tại xung quanh” (số 15). Thực vậy, “chúng ta không thể coi thiên nhiên như cái gì tách biệt khỏi chúng ta hay như một cái khung cho đời sống chúng ta” (số 139). Điều này có giá trị vì chúng ta sống trong các lãnh vực khác nhau về kinh tế và chính trị, trong các nền văn hóa khác nhau, đặc biệt trong những nền văn hóa bị đe dọa nhất, và thậm chí trong mọi thời điểm đời sống thường nhật của chúng ta. Viễn tượng toàn diện cũng đòi có một nền môi sinh học về các cơ chế: ”Nếu mọi sự đếu có liên hệ với nhau, thì tình trạng sức khỏe của các cơ chế trong một xã hội cũng có những ảnh hưởng đối với môi trường và tới chất lượng đời sống con người: ”Những gì làm thương tổn tình liên đới và tình thân hữu của dân chúng cũng đều gây hại cho môi trường” (số 142).
2- Lòng thương xót hay tha thứ và “món nợ sinh thái” không được dung tha: ĐGH viết trong Thông điệp: ”Chúng ta đến trần thế này để làm gì? Chúng ta hoạt động và tranh đấu với mục đích nào? Tại sao trái đất lại cần chúng ta? Nếu chúng ta không đặt những câu hỏi căn bản ấy, thì tôi không tin rằng những quan tâm của chúng ta về môi trường có thể có những hiệu quả quan trọng. Nhân loại còn có khả năng cộng tác để xây dựng một căn nhà chung.” (số 13).
Từ căn bản ấy, đồng thời được một số chủ đề hướng dẫn, được cứu xét dưới những viễn tượng khác nhau, Thông điệp thể hiện một sự nhất thống vững mạnh: “Nền môi sinh học toàn diện ”không thể tách rời khỏi ý niệm công ích” (số 156), nhưng phải hiểu một cách cụ thể: trong bối cảnh ngày nay, trong đó ”có bao nhiêu bất công và ngày càng có nhiều những người bị gạt bỏ, thiếu các nhân quyền căn bản”, sự dấn thân cho công ích có nghĩa là thực hiện những chọn lựa liên đới trên căn bản “sư chọn lựa ưu tiên dành cho những người nghèo nhất” (số 158). Đó cũng là cách thức tốt nhất để để lại một thế giới lâu bền cho các thế hệ mai sau, không phải qua những lời tuyên bố, nhưng qua sự dấn thân săn sóc người nghèo ngày nay, như Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nhấn mạnh: ”ngoài sự liên đới chân thành giữa các thế hệ, còn cần tái khẳng định nhu cầu cấp thiết về luân lý cần có sự liên đới được canh tân giữa các thế hệ” (số 162).
Kết luận:
Tóm lại, cần phải ý thức được vấn đề tất cả mọi Ki-tô hữu đều có trách nhiệm với “món nợ môi sinh” như ĐTC đã khẳng định: ”Trong tư cách là Ki-tô hữu, chúng ta muốn góp phần khắc phục cuộc khủng hoảng về môi trường mà nhân loại đang trải qua. Vì thế, trước tiên chúng ta phải kín múc từ gia sản tinh thần phong phú của chúng ta những động lực nuôi dưỡng lòng hăng say chăm sóc thiên nhiên, luôn nhớ rằng, đối với những người tin nơi Chúa Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người vì chúng ta, ”Tinh thần không tách rời khỏi thân xác, khỏi thiên nhiên hoặc các thực tại của thế giới này, nhưng tinh thần sống với và trong các thực tại ấy, hiệp thông với tất cả những gì xung quanh” (Tđ “Laudato sí”, số 216). Vì thế cuộc khủng hoảng môi trường mời gọi chúng ta hoán cải sâu xa về tinh thần. ”Các tín hữu Ki-tô được kêu gọi ”hoán cải về môi sinh” bao gồm việc làm nổi bật tất cả những hệ lụy do việc gặp gỡ với Chúa Giê-su trong tương quan với thế giới bao quanh ta.” (ibid, số 217). Rõ ràng “Món nợ sinh thái” là món nợ “không được dung tha” đối với con người nói chung, và cách riêng đối với tất cả Ki-tô hữu trong Hội Thánh Chúa.
Nói cách cụ thể thì vấn đề ”hoán cải về môi sinh” cũng chính là một bổn phận trong sứ vụ nhất quán của Giáo hội: sứ vụ Truyền Giáo (“Chiếu tỏa Lòng Thương Xót ra môi trường xã hội”). Cũng bởi vì “Giáo Hội được ủy thác công bố lòng thương xót của Thiên Chúa, là trái tim đang đập của Tin Mừng, là điều phải tìm được cách thấm nhập trái tim và tâm trí của mỗi người. Hiền thê của Chúa Kitô phải rặp khuôn hành vi của mình như Con Thiên Chúa, Đấng đã vươn ra với mọi người không coi ai là ngoại lệ.” (Tông chiếu “Misericordiae Vultus”, số 12). Để đạt hiệu quả chỉ có thể cậy nhờ vào Đấng Giàu Lòng Thương Xót xin ban Thánh Linh soi sáng hướng dẫn và nhất là thêm sức mạnh để có đủ dũng khí đối đầu với những khó khăn thách đố.
Ôi! Lạy Chúa! “Xin Chúa ban sức mạnh để chúng con chăm sóc bảo vệ sự sống và vẻ đẹp, xin Chúa ban hòa bình để chúng con sống với nhau như anh chị em và không làm hại một ai, xin Chúa giúp chúng con giúp đỡ những người bị bỏ rơi và quên lãng trên trái đất này, xin chúa lành cuộc sống chúng con để chúng con bảo vệ thế giới chứ không bóc lột nó, xin Chúa đánh đông tâm hồn những người chỉ tìm lợi lộc mà gây hại cho những người nghèo và trái đất. Sau cùng xin Chúa dạy chúng con khám phá giá trị của mọi sự, chiêm ngắm và nhìn nhận rằng chúng con có liên hệ sâu xa với tất cả các loại thụ tạo trên con đường tiến về ánh sáng vĩnh cửu của Cha. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời của ĐTC Phan-xi-cô cầu nguyện cho sự chăm sóc thiên nhiên ngày 01/9/2015).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: