Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Xin thêm lòng tin

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

XIN THÊM LÒNG TIN               

  (CN XXVII/TN-C)

 

 

 

Bài Tin Mừng hôm nay (CN.XXVII/TN-C – Lc 17, 5-10) trình thuật: “Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con" (Lc 17, 5). Lòng tin là gì và quan trọng tới mức độ nào mà các Tông đồ phải xin Thầy mình như vậy? Lòng tin xuất phát từ chủ thể khi nhìn nhận một vấn đề, một sự kiện hay một nhân vật. Theo từ nguyên thì lòng tin có nghĩa là: Có ý nghĩ cho là rất có thể sẽ như vậy, là đúng sự thật, là có thật, là thành thật, tử tế; từ đó đặt hoàn toàn hi vọng vào người nào hay cái gì đó. Trong nhãn giới xã hội học, lòng tin (hay sự tin cậy) vào người khác là một hiện tượng xã hội + tâm lý + văn hóa tổng hợp, và tâm thế này được coi là một trong những điều kiện căn bản để có thể duy trì đời sống tập thể.

 

Gia đình và cộng đồng xã hội (khu xóm, thôn ấp, làng xã, phường khóm…) là những tập thể mà người ta thường coi là điển hình cho mối quan hệ tin cậy giữa con người với nhau. Cuộc sống xã hội không thể ổn định và bền vững nếu mỗi cá nhân chỉ hành xử theo những tính toán thuần túy dựa trên lợi ích cá nhân. Trong phạm vi một tổ chức hay phạm vi xã hội nói chung, người ta không thể quản lý một cách có hiệu quả bằng sự hoài nghi và lại càng không thể bằng sự sợ hãi, né tránh, mà trước hết phải bằng lòng tin vào người khác, nhất là trong môi trường xã hội hiện đại. Nguồn gốc của sự tin cậy trong xã hội không phải xuất phát từ thiện ý (lòng tốt) chủ quan của từng cá nhân, mà là xuất phát chủ yếu từ các định chế xã hội. Nói cách khác, sự tin cậy tồn tại trên nền tảng của các qui ước và các chuẩn mực xã hội trong khuôn khổ của những định chế xã hội nhất định.

 

Trong xã hội cổ đại, người ta tin nhau vì cùng là thành viên của một định chế xã hội nào đó, như làng xã, dòng tộc hay cộng đồng tôn giáo. Mỗi thành viên yên tâm rằng các thành viên khác (trong cùng một cộng đồng) sẽ cư xử với mình phù hợp với những qui tắc và chuẩn mực mà cả cộng đồng cùng chia sẻ. Cách đây trên 2500 năm, một nhà hiền triết bậc thầy là Đức Khổng Tử (Trung Quốc) đã dạy môn đệ: "Nhân vô tín bất lập  " (người không có niềm tin – lòng tin –  thì không đứng được ở đời). Còn Tấn Văn Công, vua nhà Tấn – chư hầu của nhà Chu bên Trung Quốc, vào thời Xuân Thu (khoảng năm 770-476 trước Công nguyên) – thì nói:  "Tín vì quốc chi bảo   " (trung tín là báu vật của quốc gia).

 

Thời hiện đại, ngoài những mối liên hệ trực tiếp trong gia đình hay giữa bạn bè thân thiết với nhau, người ta còn có những mối liên hệ giao tiếp rộng rãi hơn ngoài xã hội (trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội). Ngoài phạm vi gia đình và những nhóm xã hội nhỏ, cơ sở xã hội của sự tin cậy giữa các cá nhân với nhau trong đời sống xã hội lúc này phần lớn không còn dựa trên phong tục và tình cảm như trong xã hội cổ truyền, mà dựa trên luật pháp và lý tính. (nguồn: Từ điển Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia org).

 

Với Ki-tô giáo thì xã hội loài người có hồn và xác được Thiên Chúa Tình Yêu dựng nên, như vậy thì tất cả mọi sự từ tinh thần (hồn) tới thế chất (xác) đều đo Thiên Chúa ban tặng, nên phải hiểu lòng tin là một ân huệ Chúa ban. Một cách cụ thể thì phải hiểu ở đây là lòng tin của con người đặt vào thần linh, nghĩa là chính Thiên Chúa mới là đối tượng của lòng tin. Không có đức tin, không cậy dựa vào Thiên Chúa, chúng ta không thể làm được gì, đúng như Đức Giê-su đã dạy: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Nhưng nếu tin vào Thiên Chúa, ta sẽ có năng lực để làm được tất cả mọi sự, như thánh Phao-lô đã từng cảm nghiệm: “Tôi có thể làm được tất cả nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4, 13). Ầy cũng bởi vì lúc đó, năng lực mà tôi sử dụng không phải đến từ bản thân bất toàn của tôi, mà đến từ Thiên Chúa, nguồn của mọi sức mạnh trong vũ trụ, là Đấng Toàn Năng “không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37).

 

Rõ ràng là nếu con người không có đủ năng lực, chính là vì họ chưa có đức tin đích thực. Vấn đề căn bản vẫn là ở chủ thể người tin, chớ không phải ở nơi đối tượng của lòng tin. Thật vậy, nếu tôi thật sự tin anh và hy vọng anh sẽ đem đến cho tôi những điều tốt đẹp, tôi sẽ sẵn sàng đến với anh để cầu mong anh giúp đỡ. Nói cách khác, khi tôi đã hoàn toàn tin tưởng vào anh, tôi sẽ sẵn sàng hợp tác với anh để biến những điều tốt đẹp mà tôi cầu mong đó sẽ trở thành hiện thực. Đối với Thiên Chúa thì cũng vậy thôi, bởi “Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Người” (Thánh Au-gus-ti-nô). Có lẽ cũng vì thế nên Đức Giê-su đã không trả lời thẳng vào lời cầu xin của các môn đệ, mà Người chỉ nêu bật sức mạnh của lòng tin, để các môn đệ tự trang bị và củng cố đức tin của  mình.

 

Đức Giê-su đã lấy đức tin so sánh với hình ảnh một hạt cải nhỏ bé, để có thể ra lệnh cho một cây dâu to lớn di chuyển. Mới nghe qua thì thấy có vẻ vô lý, vì cái lòng tin nhỏ bé như vậy thì làm sao có thể đứng vững được, chớ đừng nói là có thể ra lệnh cho cây dâu di chuyển. Tuy nhiên, suy cho kỹ Lời dạy bởi một Người Thầy chuyên dùng dụ ngôn, sẽ thấy là Người muốn củng cố lòng tin cho các môn đệ, cho nên Người mới dùng một hình ảnh cụ thể là hạt cải nhỏ bé mà có thể ra lệnh cho một cây dâu to lớn, cốt ý để nói lên sức mạnh của lòng tin, của đức tin. Câu này có thể diễn nôm: “Nếu anh em thực sự tin vào Thầy, tin vào quyền năng tối thượng của Thiên Chúa, thì bất cứ việc gì dù to lớn tới đâu chăng nữa (“di sơn đảo hải” – dời non lấp biển, chẳng hạn), anh em vẫn có thể làm được”.

 

Mấu chốt vấn đề vẫn chỉ là điểm nhấn: Đức tin. Mà nói về đức tin là phải nghĩ đến mạc khải, vì “Nhờ mạc khải, "do tình yêu vô biên, Thiên Chúa vô hình ngỏ lời với con người như với bạn hữu. Người đối thoại với họ, để mời gọi cho họ hiệp thông với Người" ( x. DV 2). Đức tin là lời đáp trả thích đáng của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa.” (Giáo lý HTCG sớ 142), Một vài sự kiện trong Kinh Thánh đáng suy gẫm: “Kẻ chú tâm vào lời Chúa dạy sẽ gặp chuyện tốt lành, người đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA thật hạnh phúc dường bao.” (Cn 16, 20); “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA, và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân.” (Gr 17, 7); Khi về Na-da-rét, Đức Giê-su không làm được nhiều phép lạ nào, chỉ vì dân đồng hương với Người “không tin” (Mt 13, 58). Khi chữa lành bệnh cho ai, Đức Giê-su không nói rằng Người đã chữa lành bệnh cho họ, mà là “Đức tin của con đã chữa lành con” (Mt 9,22; Mc 5,34; Lc 8,48; Lc 17,19). Đức Maria được bà Ê-li-da-bet khen: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45), và chính Mẹ cũng được tôn xưng là “Mẹ đức tin”. Nhân vật nổi bật nhất về vấn đề đức tin vẫn chỉ có thể là Thánh Phê-rô.

 

Cùng với các môn đệ khác, Phê-rô đi theo Đức Ki-tô chỉ vì đã tin Người có thể giúp thánh nhân “lưới người như lưới cá”. Được sống liền bên với Người Thầy mà mình tin tưởng, được nghe dạy và nhất là được chứng kiến biết bao nhiêu phép lạ Người đã làm, vậy mà khi thì tuyên xưng “Thầy là Đấng Mê-si-a, Con Thiên Chúa hằng sống”, khi lại tưởng Thầy là ma (khi thấy Thầy đi trên mặt biển, nhất là khi Thầy đã Phục Sinh hiện ra với các Tông đồ). Vừa mới khẳng định chắc nịch: “Dù có phải chết, con cũng không chối Thầy”, ấy vậy mà chỉ một đứa tớ gái nhà Cai-pha gạn hỏi, đã chối Thầy không chỉ một lần mà tới 3 lần trong một đêm: “Tôi thề là không biết Người ấy”. Nếu đức tin của Phê-rô đã kiên định thì có thể xảy ra trường hợp tréo cẳng ngỗng như vậy không?

 

Câu chuỵên đi trên mặt biển đã minh hoạ về đức tin của con người bộc trực Phê-rô: Khi thấy Đức Giê-su đi trên mặt biển, ông tin rằng ông cũng có thể đi trên mặt biển đến với Người, và với niềm tin ấy, ông đã đi trên mặt nước không khác gì đi trên mặt đất. Nhưng khi thấy gió thổi mạnh thì ông đâm ra lo sợ, nghi ngờ, đức tin của ông bị chao đảo; vì thế ông bị chìm xuống và la lên cầu cứu: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” (Mt 14, 22-33). Rõ ràng việc Phê-rô đi được trên mặt nước hay bị chìm xuống là do đức tin của ông có mạnh mẽ hay không. Trường hợp này có thể nói: ông đi trên đức tin của ông, hay đức tin của ông chính là mặt đất nâng đỡ bước chân ông đi, cũng như nâng đỡ toàn bộ cuộc đời ông. Quả thật, khi có một đức tin vững vàng, thì đời sống nội tâm luôn luôn an bình hạnh phúc, bất chấp nghịch cảnh; nhưng khi đức tin bị chao đảo, thì đời sống cũng bị chao đảo theo.

 

Phân tích những sự kiện Kinh Thánh nêu trên, thấy nổi bật một chân lý: Để thành tựu được một phép lạ, phải có hai yếu tố quan trọng: Quyền năng của Thiên Chúa và lòng tin của con người. Thiếu một trong hai thì phép lạ không thể thành tựu được (một minh hoạ sống động là câu chuỵên “Đức Giê-su về thăm Na-da-ret”, nhưng những người đồng hương và cả thân nhân của Người vì không tin nên “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó” (Mc 6, 5). Tuy nhiên, quyền năng của Thiên Chúa thì bao giờ cũng có, lúc nào cũng sẵn sàng tác động, không bao giờ thay đổi hay mất đi, nên yếu tố hiển nhiên ấy không cần bàn cãi. Vấn đề còn lại chỉ là lòng tin của con người. Phép lạ hay điều con người cầu xin Thiên Chúa có xảy ra hay không, hoàn toàn do con người có thật sự tin vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa hay không.

 

Là con người, Ki-tô hữu chúng ta nhiều khi hoang mang lo sợ trước viễn cảnh tương lai vĩnh cửu và không ý thức mình đang trên con đường được Thiên Chúa cứu độ. Từ chỗ mất niềm tin ấy, chúng ta có thể dần dần đi tới tình trạng buông xuôi, phó mặc cho số phận đẩy đưa, không còn sống theo những điều Chúa và Giáo hội dẫn dắt nữa. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay thắp lại ánh sáng đức tin và niềm hy vọng vào ơn cứu độ Đức Ki-tô đem đến cho chúng ta. Mà cũng “Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa” (Rm 5, 2). Quả thật “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11, 1). Hãy nhìn vào đích điểm của hành trình đức tin là niềm vui được cứu độ và sống “kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su” như thánh Phao-lô dạy. Đó chính là điều giúp ta nhận chân được ý nghĩa đích thực của cuộc sống trần gian và vững lòng tiến bước trong tinh thần hoan hỷ vì ngày Chúa quang lâm đã gần kề.

 

Tiếp theo lời dạy về niềm tin, Đức Giê-su lại đưa ra hình ảnh một người đầy tớ trung tín. Làm xong việc ông chủ trao phó đã không hợm hĩnh như kiểu anh chàng Pha-ri-sêu cầu nguỵên trong Đền Thờ ("Dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế" – Lc 18, 11-12), mà biết thưa với chủ “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi." Bài học rút ra là đừng khoe khoang, chớ hợm hĩnh, mà hãy khiêm tốn phục vụ, bởi "Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên" (Mt 23, 11-12). Tốt hơn cả là hãy làm, đừng nói suông kiểu những ông kinh sư thích ngồi trên toà ông Mô-sê (Mt 23, 1-6) và nhất là đừng bao giờ “làm láo báo cáo hay”.. Cũng bởi vì "Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta" (2Tm 1, 13-14).

 

Tóm lại, bài học rút ra được khi suy niệm bài Tin Mừng hôm nay phải là: Đừng hãnh diện cho rằng mình đã có một đức tin vững mạnh, mà hãy nhìn lại mình để thấy được sự bất toàn của bản thân mà cầu xin: "Lạy Chúa! Xin thêm lòng tin cho chúng con." Ôi! Lạy Chúa! Chúng con chỉ biết huênh hoang khoe thành tích này, việc tốt nọ, mà không biết rằng những thành tích ấy, những việc làm ấy, nếu không được Thần Khí Chúa soi sáng và thúc đẩy, thì rốt lại cũng chỉ là con số không. Chúng con biết rằng chúng con luôn hão huyền tự đắc cho rằng mình được làm con cái Thiên Chúa, được làm bạn hữu của Con Thiên Chúa, thì chắc chắn lòng tin sẽ vững mạnh. Đó quả thực là điều không tưởng! Vâng, lạy Chúa, xin ban Thần Khí cho chúng con, "xin thêm lòng tin cho chúng con", để chúng con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.