Vua chân lý
VUA CHÂN LÝ
(CN XXXIV/TN-C – ĐỨC KI-TÔ – VUA VŨ TRỤ)
Nói đến vua thì không thể không liên tường đến những ông vua phong kiến, đó là những ông vua thường để lại những ấn tượng không được đẹp (nào cung tần mỹ nữ nhung nhúc, nào cung đình sơn son thếp vàng choáng lộn, nào ngai vàng ỷ ngọc chói lọi; rồi thì hét ra lửa, mửa ra khói, chỉ một cái phất tay khó chịu là ít ra cũng một sinh mạng đi tong, mà gầm lên một tiếng thì … ôi chao, không dám kể nữa!). Dám viết ra những lời lẽ này, có lẽ cũng là nhờ đang sống trong thế kỷ XXI, chớ cứ giả thử như đang sống vào “hồi xửa hồi xưa” thì coi chừng cái chỗ đội nón không còn. Vâng, quả thực thời đại phong kiến thì một ông vua là một cái gì không nên nhắc tới, nói tới, kẻo mắc tội “khi quân, phạm thượng” là toi đời.
Thực tình thì kẻ viết bài này đang muốn nói tới một ông vua sống trong thời đại phong kiến và cũng rất trẻ – một ông vua lạ lùng – lạ lùng đến không thể tưởng tượng nổi. Đó chính là ông vua Giê-su. Vua Giê-su đến thế gian đã được tiên báo từ hơn 5 thế kỷ trước Công nguyên (thời kỳ Israel bị lưu đầy: 587-538), qua ngôn sứ Isaia: “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel.” (Is 7, 14); “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình.” (Is 9, 5). Đến khi Người chào đời tại Bê-lem, thì có 3 nhà đạo sĩ chiêm tinh gia ở phương Đông, đã nương theo vì sao dẫn lối tìm đến Giê-ru-sa-lem hỏi thăm: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2, 1-2). Đức Vua giáng trần trong một đêm đông giá lạnh không phải tại nơi cung điện nguy nga, mà tại một hang bò lừa ở một vùng quê hẻo lánh, nghèo nàn; không bạc vàng, không nhung lụa, không lò sưởi, mà được đặt trên máng cỏ, và sưởi ấm bằng hơi thở bò, lừa. Thế đó!
Khi Đức Vua trưởng thành, Người đã hành xử vương quyền bằng cách “không ngựa xe đưa rước, không võng gấm lọng vàng, không tiền hô hậu ủng” đến với những người nghèo hèn, bệnh tật, tội lỗi. Người thu nhận môn đệ nơi những giai cấp thấp cổ bé miệng (chài lưới, nông phu, lao động…), hoặc bị xã hội lên án là tội lỗi (người thu thuế). Cũng chính trong khi Người thu nhận môn đệ thì những người được thu nhận đã nhận ra đó chính là Đức Vua mà họ hằng mong đợi (Ông Na-tha-na-en hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi?" Đức Giê-su trả lời: "Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi." Ông Na-tha-na-en nói: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!" Đức Giê-su đáp: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa." Người lại nói : "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người." – Ga 1, 48-51).
Ngay đến cả Tổng trấn Phi-la-tô khi xét hỏi, cũng gọi Người là vua (“Ông Phi-la-tô cho gọi Đức Giê-su và nói với Người: "Ông có phải là vua dân Do-thái không?" Đức Giê-su trả lời : "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này." Ông Phi-la-tô liền hỏi : "Vậy ông là vua sao?" Đức Giê-su đáp : "Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi." – Ga 18, 33-37). Và rồi cái bản án tử treo trên đầu Người ("Người này là Giê-su, vua dân Do-thái" – Mt 27, 37) được viết ra với ý mỉa mai, nhưng không ai ngờ rằng đó cũng lại là một “sấm ngôn” (“Bản đề án tử vừa mỉa mai nhưng cũng vừa là một lời sấm” – xc “Kinh Thánh Trọn Bộ”, trang 2404 – phần chú thich Ga 19, số 19). Rõ ràng người Do-thái đã đóng đinh chính vị vua của họ – vị vua mà đến Tổng trấn Phi-la-tô (quan xử án) cũng không tìm ra được một lỗi lầm nhỏ nào!
Lạ lắm! Kẻ viết bài này chưa hề được đọc (chớ đừng nói là được thấy) một ông vua lại quỳ xuống rửa chân cho môn đệ, đầy tớ của mình, rồi còn nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15, 15). Và những Lời Người giảng dậy thì toàn là khuyên bảo ăn ngay ở lành, thật thà công chính, khiêm nhường bác ái, thậm chí còn dậy người ta yêu thương cả kẻ thù (Mt 5, 43-44). Người không chỉ dậy bằng Lời, mà bằng hành động, bằng việc làm, bằng chính cả sinh mạng của Người khi bị treo trên thập giá cho đến chết để đền thay tội lỗi loài người. Trước khi chết treo trên thập tự, Người còn cầu xin Chúa Cha tha cho kẻ đã đóng đinh mình: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lc 23, 34).
Không bút mục nào có thể ghi lại cho hết được những điều mà Đức Vua Giê-su đã nói, đã dạy và đã làm, thật đúng như lời Gio-an Thánh sử: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.” (Ga 21, 24-25). Đúng là một ông vua lạ lùng, quá lạ lùng, mở ra một trang sử “không tiền khoáng hậu”: Chỉ cần 3 ngày là xây xong một đền thờ Giê-ru-sa-lem mà dân Do-thái phải làm trong 46 năm. Và quả thật không sai, sau khi tử nạn, chỉ mới đến ngày thứ ba, Người đã khánh thành một Giê-ru-sa-lem mới trên Vương quốc Thiên đình. Từ Vương quốc đó, Người đã kéo mọi người lên sống một cuộc sống chan hoà Tình Yêu. Trong Vương quốc ấy, không còn chỗ cho thờ ơ lãnh đạm, đố kỵ bon chen, nhỏ nhen ích kỷ, chia rẽ hận thù. Lãnh đạo Vương quốc ấy là một vị Vương giả rất đỗi lạ lùng, lạ lùng đến không thể tưởng tượng nổi, và đó chính là Vua Tình Yêu Giê-su Ki-tô.
Quả là một ông vua lạ đời, nếu không muốn nói là ngược đời! Không cần nói đến những lời tiên tri của các ngôn sứ, kể cả 3 vua phương Đông đến bái lạy (khi Đức Giê-su mới sinh tại Bê-lem) cũng xưng tụng Người là vua; mà chỉ cần nói tới thời gian Người đã trưởng thành cũng đủ thấy Đức Giê-su quả lả ngược đời: Khi làm phép lạ cho bánh hoá ra nhiều, dân chúng hân hoan phấn khởi, muốn tôn Người làm vua thì Người không muốn. Người phản đối bằng cách lánh mặt (“Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.” – Ga 6, 15). Cũng như hôm vinh quang vào thành Giê-ru-sa-lem, dân chúng hân hoan, cởi áo lót đường, cầm cành lá phất cao đón chào (“Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!” – Lc 19, 38). Hôm ấy mà Chúa xưng vương thì quá thuận lợi, vậy mà Người lại phản đối bằng cách cỡi con lừa bé nhỏ, yếu ớt.
Nhưng khi là phận tội đồ đứng trước mặt quan án, bị dân chúng khinh khi chối bỏ, thì Người lại hiên ngang nhận mình là vua (Khi nghe Phi-la-tô hỏi “Vậy ông là vua sao? Đức Giê-su trả lời: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này." – Ga 18, 35-36). Sau đó, trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su đã hứa với cac môn đệ: “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự toà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en." (Lc 22, 28-30). Nói đến vương quốc thì người đứng đầu vương quốc ấy tất nhiên là vua rồi. Chẳng phải vô tình, nhưng là cố ý khi đối diện với quyền lực, đối diện với sự hận thù và đối diện với cái chết, Đức Vua Giê-su muốn tỏ mình ra (xưng vương) trong hoàn cảnh này để làm chứng cho sự thật. Quả thật Đức Ki-tô “là Thiên Chúa thật và là người thật”, đã “làm chứng cho sự thật” bằng chính sinh mạng của mình để cứu độ nhân loại; vậy nên Người chính là “Vua Sự Thật – Vua Chân Lý”.
Cũng bởi vì “Khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ.” (Pl 2, 10), nên vào ngày 11/12/1925, Đức Giáo hoàng Pi-ô XI đã chính thức thiết lập Lễ mừng kính “CHÚA KI-TÔ VUA”. Sau đó, tại Công Đồng Va-ti-ca-nô II, khi canh tân Phụng vụ, Giáo Hội đưa thêm vào một ý nghĩa mới: “ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ, VUA VŨ TRỤ” (Giáo Hội thừa nhận đặc tính vũ trụ và cánh chung được thể hiện cụ thể và đầy đủ nhất nơi mầu nhiệm Giê-su Ki-tô, vì thế nên Lễ này được đặt vào đúng vị trí của nó: Chúa nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ, thay vì như trước đó, Đức Pi-ô XI để vào CN trước ngày Lễ Các Thánh 1/11).
Tóm lại, khi xác tín Đức Giê-su Thiên Chúa là “Vua Sự Thật” chính là đã nói đến một “chân lý” bất biến: “Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.” (Pl 2, 6-9). Danh hiệu đó chính là VUA CHÂN LÝ vậy. Ấy cũng bởi vì theo từ nguyên, “Chân lý là một sự thật của loài người luôn luôn đúng và tồn tại mãi mãi theo thời gian, giúp con người thoát khổ và bất tử khi áp dụng thực hành nó. Chân lý là sản phẩm của quá trình nhận thức về thế giới của con người.” Các tôn giáo (cách riêng Ki-tô giáo) đã đưa ra khái niệm siêu hình về “Chân lý tối thượng” (hay chân lý tối cao, chân lý toàn thể, chân lý của mọi chân lý), là muốn nói đến chân lý thần thánh và thiêng liêng, thuộc tính cao quý của Đấng tối cao toàn năng, Đấng thực hiện mọi phán xét thiêng liêng, toàn thể về sự sống và cái chết.
Ôi! Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Vua Chân Lý – Vua Vũ Trụ! Xin ban Thánh Linh soi sáng cho chúng con để chúng con không đui mù trước những thảm cảnh nơi trần thế, khỏi câm điếc trước những bất công đày đoạ con người, và nhất là xin cho chúng con được mở rộng trái tim hèn yếu của chúng con, hằng ngày kín múc Tình Yêu chan chứa nơi Ngài, để chúng con biết đến với anh em của chúng con bằng cách san sẻ nguồn Tình Yêu vô tận đó. Ôi! Lạy Đức Vua Tình Yêu! Xin cho chúng con luôn được sống trong cuộc sống “vui với người vui và khóc với kẻ u sầu”. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: