Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

nhân chứng phi thường

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

NHÂN CHỨNG  PHI THƯỜNG         (CN II/TN-A)

 

Nói đến làm chứng là nói đến những phiên tòa xử án. Một phiên tòa xử án thường có 2 bên: một bên nguyên (người khởi kiện) và một bên bị (người bị kiện). Nếu khi xét xử chỉ căn cứ vào lời khai của hai bên thì khó lòng xử cho công minh, vì lời khai của họ luôn mang tính chủ quan, ai cũng cho mình là đúng, là phải, và đổ lỗi cho đối phương. Vì thế, để thật công minh, phải cần có người làm chứng (nhân chứng). Người làm chứng là người biết rõ được các tình tiết của vụ án và được triệu tập tham gia phiên tòa để giúp cho tòa án xác định sự thât khách quan của vụ án. Họ không có quyền hoặc lợi ích liên quan đến vụ án. Vì vậy, việc người làm chứng có mặt tại phiên tòa để khai báo có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn, khách quan vụ án. Làm chứng là thấy sao nói vậy, người làm chứng là người đứng ra xác nhận những điều mình đã chứng kiến.

 

Bài Tin Mừng hôm nay (CN II/TN-A – Ga 1, 29-34) trình thuật về chuyện Thánh Gio-an Tẩy Giả làm chứng về Đức Giê-su. Gio-an làm chứng về một Người mà có tới 2 lần thánh nhân xác định: “Tôi đã không biết Người” (Ga 1, 31.33). Không biết Người mà dám làm chứng về Người, cho đến lúc khẳng định về Người thì lại nói Người ấy là Con Chiên (“Đây Chiên Thiên Chúa” – Ga 1, 29); theo lẽ thường tình, thì quả là Gio-an đã bạo gan xúc phạm. Nếu chỉ xét theo nhãn quan trần tục thì Gio-an đã xúc phạm tới Người mà thánh nhân muốn làm chứng, dù cho đó có là Chiên của Thiên Chúa. Tuy nhiên, đây lại là thánh ý của Thiên Chúa, nên sau đó Gio-an thú nhận: “Người đến sau tôi nhưng trổi hơn tôi… tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1, 27-30).

 

Nói vấn đề là “thánh ý của Thiên Chúa”, cũng bởi vì: Thiên Chúa hiểu quá rõ về con người là những phàm nhân bất toàn nhưng lại chỉ công nhận những điều được “thực mục sở thị” (trông thấy nhãn tiền); vì thế nên Người muốn có một người phàm làm nhân chứng cho mầu nhiệm Con Thiên Chúa mặc xác phàm để cứu độ nhân loại đang đắm chìm trong tội lỗi. Người đó chính là Gio-an Tẩy Giả đã được tuyển chọn từ trong lòng mẹ (bà Ê-li-da-bet khi được Đức Maria thăm viếng “thì đứa con trong bụng – là Gio-an – đã nhảy lên vui sướng.” – Lc 1, 44). Khác hẳn với các nhân chứng trong các vụ án đời thường, ở đây, Gio-an làm chứng về thần linh, nên sự việc này không phải ai cũng làm được nếu không được hồng ân mạc khải. Nhưng vì sao thánh Gio-an Tiền Hô lại giới thiệu Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa”? Xin cùng tìm hiểu:

 

Lễ Vượt Qua trong Cựu Ước là ngày giết con chiên (được gọi là chiên Vượt Qua), mà “con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi… Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên.” (Xh 12, 5-7). Như vậy, trong lễ Vượt Qua, chiên tượng trưng cho sự giải thoát, sự vượt qua của dân Do-thái khỏi ách nô lệ Ai-cập; đó là “ngày phải sát tế chiên Vượt Qua”, để vượt qua được ngày “sát tế con đầu lòng Ai Cập” (“đó là lễ Vượt Qua mừng ĐỨC CHÚA.  Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập: vì Ta là ĐỨC CHÚA… Đó là lễ tế Vượt Qua mừng ĐỨC CHÚA, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Ít-ra-en tại Ai-cập, khi Người đánh phạt Ai-cập và cho các nhà chúng ta thoát nạn." (Xh 12, 11-12.27).

 

Vâng lệnh Chúa Cha xuống trần, “Chúa Ki-tô đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, nhất là nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Người; nhờ đó, Người đã chết để tiêu diệt sự chết của chúng ta và sống lại để khôi phục sự sống cho chúng ta.” (Niên lịch Phụng vụ “Normae de Anno et Calendario”, số 18). Rõ ràng Người đã là một con chiên được sát tế để giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi, đem lại sự sống vĩnh cửu cho loài người. Chính vì thế, để giới thiệu Người cho công chúng biết, Thánh Gio-an Tẩy Giả đã tuyên xưng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” (Ga 1, 29-30).

 

Những con chiên bị sát tế trong lễ Vượt Qua không biết được mình bị giết để có thể cứu dân It-ra-en thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập, nhưng Chiên Giê-su thì đã biết rõ từ khi lãnh nhận sứ vụ của Người từ Thiên Chúa Cha. Biết rõ và khắc khoải lo âu để hoàn tất ("Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!" – Lc 12, 50). Sự âu lo đó biểu hiện rất rõ trên núi Cây Dầu khi lễ Vượt Qua cận kề ("Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy." – Mt 26, 37-38). Không những chỉ xao xuyến buồn rầu, mà còn lo sợ không uống nổi chén đắng (đến độ đổ cả mồ hôi máu ra), nên mới cầu nguyện cùng Chúa Cha: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này" (Mt 26, 37). Đó là bản tính loài người, nhưng với bản tính Thiên Chúa, thì "Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha." (Mt 26, 42). Đức Ki-tô đã nói rõ hơn để nhắc nhở các môn đệ: "Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn." (Mt 26, 41). Tinh thần thì hăng say, năng nổ, nhưng thể xác lại yếu hèn rất dễ bị cám dỗ, đó phải chăng là đặc tính chung của loài người?

 

Cám dỗ thì bao giờ cũng là những ve vuốt nhẹ nhàng, những mời gọi hấp dẫn, những lời lẽ ngọt ngào, những bánh vẽ viễn tượng hoành tráng... đánh vào cảm tính con người, khiến tinh thần chao đảo, tính hăng say bị xói mòn; để từ đó, ru mình vào vòng hệ luỵ trần gian mà không tự biết. Phân tích, lý giải về tính xác thịt thì ai cũng làm được, thậm chí còn phân tích rất tỉ mỉ, lý giải rất phân mình, tưởng chừng như đã có quá nhiều kinh nghiệm từng trải để có thể vượt qua được cám dỗ; nhưng chỉ đến lúc đối diện với thực tế mới biết được ai là "gan cóc tía", ai là "miệng hùm gan sứa". Thực thế, cứ nhìn ngay vào những môn đệ ở liền bên với Đức Giê-su cũng đủ rõ.

 

Tiêu biểu hơn cả là thánh Phê-rô và cũng ở ngay trên núi Cây Dầu, trước khi Đức Giê-su cầu nguyện, Người đã tiên báo "Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác." (Mt 26, 31). Mới nghe vậy, Phê rô đã hùng hồn: "Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã." (Mt 26, 33). Không những thế, khi Đức Giê-su cảnh giác chính Phê-rô sẽ chối Thầy tới 3 lần trong một đêm, thi ngài đã khăng khăng: "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy". Mà cũng chẳng riêng gì Phê-rô đâu, vì "Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy" (Mt 26, 35). Cuối cùng, thực tế đã chứng minh tất cả đã xảy ra đúng như Lời Đức Ki-tô dạy. Thế đấy!

 

Âu đó chẳng qua cũng là lẽ thường tình, bởi "C’est la vie !" – Đời mà! Đời là thế, thế thời phải thế! Vâng, đời là thế, loài người là thế, vì trước đó, Phê-rô đã chẳng từng bị Thầy quở trách đấy sao? ("Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." – Mt 16, 23). Tư tưởng của anh là tư tưởng của loài người, mà loài người thì bao giờ chẳng thế. Hoá cho nên, nếu chỉ hùng hồn tuyên bố sẽ trung thành với đức tin đến cùng, thì đấy mới chỉ là những tuyên bồ suông, ai cũng có thể nói được. Chỉ đến khi đối diện với những thử thách nghiệt ngã, với cái chết, với nhục hình, mà vẫn can đảm thực hành đúng như lời mình đã tuyên bố, đã khẳng định, ấy mới thực sự là những môn đệ đích thực của Chiên Thiên Chúa Giê-su Ki-tô. Vâng, chỉ đến lúc gặp lửa rồi mới biết vàng thật hay vàng giả. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức" là vậy đó.

 

Tuy nhiên, cũng đừng vội nản lòng khi anh đã nhận ra thực sự tư tưởng của anh chỉ là tư tưởng của loài người. Đến như Thánh Phê-rô là người ở liền bên với Đức Giê-su, luôn được nghe những lời dạy bảo chí tình chí nghĩa, đã từng tuyên xưng Thầy mình là Thiên Chúa, mà còn bị quở trách như vậy, thì chúng ta là những người ở cách thời ấy tới 20 thế kỷ cũng không nên vì thế mà bi quan, rồi buông xuôi "mặc cho con tạo xoay vần". Cứ thử đặt một câu hỏi: "Vì sao Đức Ki-tô đã biết trước Phê-rô là như vậy, mà Người vẫn dùng ngài làm viên đá tảng xây dựng Hội Thánh của Người?". Ấy cũng bởi vì Người biết rõ loài người là như thế, duy chỉ có điều là sau những lỗi phạm sai sót, có biết nhìn lại mình mà ăn năn hối cải hay không. Chỉ có Thiên Chúa là toàn bích, không tì vết, không sai lỗi. Anh là loài người, anh đã sai ngày hôm nay, ngày mai anh vẫn có thể sai, ăn thua là anh có biết anh sai hay không, và khi đã biết là sai rồi, anh có biết sửa đổi hay không, hoặc giả lại cứ "cũng liều nhắm mắt đưa chân" để ngày càng lún sâu vào tội ác chất chồng, mà thôi. Sau khi thánh Phê-rô chối Chúa, thì ngày nào cũng vậy, cứ nghe tiếng gà gáy là lại nhớ đến tội xưa, ăn năn khóc lóc thảm thiết. Đấy, vấn đề là ở chỗ đó, thánh nhân biết rõ lỗi phạm của mình, không những biết ăn năn hối cải, mà còn trở nên như một tông đồ kiệt xuất toàn tâm toàn ý làm chứng nhân cho Tin Mừng Cứu Độ, sẵn sàng đối mặt với những bách hại chực chờ, để xứng đáng là người đứng đầu Giáo Hội tiên khởi.

 

Đức Giê-su là Chiên của Thiên Chúa và cũng bởi Người chính là  Thiên Chúa thật, nên Người cũng là vị Mục Tử nhân lành chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa (bao gồm tất cả mọi Ki-tô hữu) như Người đã từng khẳng định : "Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên... Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi." (Ga 10, 11...27-28). Đến những con chiên đầu đàn (là các Tông đồ tiên khởi) cũng học theo, bước theo, làm theo Lời dạy của Chiên Thiên Chúa Giê-su Ki-tô, nên tất nhiên đã có những mùa gặt bội thu là quy tụ được những đoàn chiên đầu tiên (xc. "Những cộng đoàn tín hữu đầu tiên" – Cv 2, 42-46. 4, 32-34...). Với những đàn chiên Ki-tô hữu ngày nay, mỗi con chiên sẽ nghĩ gì và làm gì để xứng đáng với hồng ân được làm chiên của Chiên Thiên Chúa Giê-su Ki-tô ?

 

Thiên Chúa đã tôn vinh Chiên Ki-tô: "Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất." (Is, 49, 6). Vậy thì tại sao những chiên Ki-tô hữu – cách riêng, đoàn chiên Việt Nam – không can đảm lên, ngẩng cao đầu làm một vì sao chiếu toả ánh sáng cho người khác như chính Người "là-ánh-sáng-muôn-dân" đã dạy: "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian" (Mt 5, 14). Mà muốn được như vậy, thì điều tiên quyết anh phải hiểu rằng Chiên Thiên Chúa Giê-su Ki-tô không chỉ là Chiên đơn thuần mà là Chiên Sát Tế. Vậy thì anh hãy nhìn vào tấm gương các Thánh Tử vì Đạo Việt Nam để hiểu rằng các ngài đã học theo, bước theo, làm theo Chiên Sát Tế Giê-su Ki-tô, như những con chiên đầu đàn, những đoàn chiên tiên khởi đã làm cách nay 2000, để có được 130.000 chiên sát tế VN (với 117 hiển thánh) đã hoàn tất sứ vụ cách đây 3 thế kỷ.

 

Viết đến đây, kẻ viết bài này chợt giật mình vì thấy mình cũng hùng hồn quá, lẻo mép quá! Chẳng hiểu đến khi trực diện với thử thách, có còn được như vậy? Vì thế, luôn tự nhắc nhở bản thân: Hãy vững lòng cậy trông và cầu nguyện, vì “bí quyết của thành công là cầu nguyện” (Thánh Tê-rê-sa Calcutta). Ôi! "Lạy Chúa! Xin cho con bước đi với Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời gian truân. Lạy Chúa! Xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang." ("Con đường Chúa đã đi" –Văn Chi). Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.