Muối và ánh sáng cho đời
MUỐI VÀ ÁNH SÁNG CHO ĐỜI (CN V/TN-A)
Bài Tin Mừng hôm nay (CN V/TN-A – Mt 5, 13-16) tiếp tục trình thuật “BÀI GIẢNG TRÊN NÚI”: Sau khi công bố Tám Mối Phúc Thật (Mt 5, 1-12), bằng những lời lẽ rất đơn sơ và những hình ảnh rất dung dị, Đức Giê-su dạy các môn đệ: "Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…” Thử tìm hiểu xem vì sao Đức Ki-tô lại dạy như vậy:
Muối là một vật thể, muối hiện hữu không cho chính nó mà là để làm mặn các vật thể khác, để ướp cho thực phẩm được tươi lâu, hoặc làm cho đồ ăn nấu nướng thêm đậm đà (nước mắm, nước tương đều rất cần muối). Ngoài tác dụng với thực phẩm, ngày xưa người ta thường dùng muối trộn với phân ủ, đem bón cho những nơi đồng ruộng bạc màu (đất không còn màu mỡ, trồng lúa, trồng cây không thể tươi tốt, sinh nhiều hoa trái), vì thế nên mới gọi là muối đất. Ngay trong những thứ phân hoá học ngày nay, cũng phải có muối. Không những thế, muối còn được dùng để trị bệnh: muối sát trùng (đắp vào chỗ trặc gân, bong gân), hoặc để giúp tiêu hóa, để lưu giữ và chuyển tải i-ốt, ngăn ngừa bệnh tật. Đọc trong Cựu Ước thấy tác dụng của muối cũng rất đa dạng và tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Có thể kể:
1- Muối mang ý nghĩa trừng phạt: “Khi mặt trời mọc lên trên mặt đất thì ông Lót vào Xô-a. ĐỨC CHÚA làm mưa diêm sinh và lửa từ ĐỨC CHÚA, từ trời, xuống Xơ-đôm và Gô-mô-ra. Người phá đổ các thành ấy và cả Vùng, cùng với toàn thể dân cư các thành ấy và cây cỏ trên đất. Bà vợ ông Lót ngoái lại đằng sau và hoá thành cột muối.” (St 19, 23-26). “Suốt ngày hôm ấy A-vi-me-léc tấn công thành. Ông đã chiếm được thành và tàn sát tất cả dân cư, rồi triệt hạ và rắc muối lên thành.” (Tl 9, 45); “mưa đá huỷ vườn nho, sương muối diệt cây vả.” (Tv 78, 47). “Gia nghiệp Chúa dành cho chư dân là cơn giận của Người, như xưa Người biến nước thành muối mặn.” (Hc 39, 23). "Cả miền đất chỉ là diêm sinh, muối và lửa, không ai gieo vãi, không chi nảy chồi, không cọng cỏ nào mọc lên, giống như cảnh tàn phá ở Xơ-đôm, Gô-mô-ra, Át-ma và Xơ-vô-gim, những thành mà ĐỨC CHÚA đã phá đổ trong cơn thịnh nộ và lôi đình của Người.” (Đnl 29, 22).
2- Muối tượng trưng sự trung tín trong giao ước: “Tất cả các phần trích dâng trong các của lễ thánh mà con cái Ít-ra-en dâng ĐỨC CHÚA, Ta đều ban cho ngươi cũng như cho con trai con gái ngươi, chiếu theo một quy luật vĩnh viễn. Đó là giao ước muối muôn đời tồn tại trước nhan ĐỨC CHÚA, cho ngươi và dòng dõi ngươi." (Ds 18, 19). “(Các) ngươi phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm (các) ngươi dâng tiến; (các) ngươi không được để lễ phẩm (các) ngươi thiếu muối của giao ước của Thiên Chúa (các) ngươi; (các) ngươi phải dâng muối cùng với mọi lễ tiến của (các) ngươi.” (Lv 2, 13). “Hỏi có ai ăn nhạt mà không cần muối? Liệu nước rau sam có được chút hương vị nào chăng?” (G 6, 6). “Người trong thành nói với ông Ê-li-sa: "Như ngài thấy đó, địa thế của thành thì tốt, nhưng nước thì độc và xứ sở bị nạn vô sinh." Ông Ê-li-sa bảo: "Lấy cho tôi một cái tô mới và bỏ muối vào đó." Họ đi lấy cho ông. Ông đi ra suối nước, đổ muối xuống và nói: "ĐỨC CHÚA phán thế này: Ta làm cho nước hoá lành, và nước này sẽ không còn gây chết chóc và nạn vô sinh nữa." Và nước hoá lành cho đến ngày nay, theo lời ông Ê-li-sa đã nói.” (2V 2, 19-22)
3- Muối là dấu chỉ việc thánh hiến: “Ngươi hãy lấy các thứ hương chất: tô hợp hương, hương loa, phong tử hương, các hương chất và nhũ hương nguyên chất; số lượng mỗi thứ sẽ đồng đều. Ngươi sẽ lấy các thứ hương chất đó chế thành hương để đốt: hợp chất các hương này sẽ là sản phẩm của thợ làm hương; hương đó sẽ là hương pha muối, nguyên chất, và là hương thánh. Đối với các ngươi, đó sẽ là một vật rất thánh. Các ngươi sẽ không được chế hương theo kiểu ấy mà dùng: đối với ngươi, đó sẽ là một vật thánh, dành riêng cho ĐỨC CHÚA.” (Xh 30, 34-37). “Ông đi ra suối nước, đổ muối xuống và nói: "ĐỨC CHÚA phán thế này: Ta làm cho nước hoá lành, và nước này sẽ không còn gây chết chóc và nạn vô sinh nữa." (2V 2, 21).
Cũng theo ý nghĩa đó, ngôn sứ Ê-dê-ki-en nói đến việc xát muối cho trẻ sơ sinh Do-thái là một nghi thức nhằm nói lên đứa trẻ được Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc (Ed 16, 4). Trong nghi thức làm phép nước thánh của Giáo Hội cũng có việc linh mục bỏ muối vào nước. Vị linh mục đọc lời nguyện: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin đoái thương nhận lời chúng con cầu khẩn mà thánh hóa muối này do chính Chúa dựng nên. Xưa kia Chúa đã truyền cho ngôn sứ Ê-li-a bỏ muối vào nước, để nước nên trong lành. Giờ đây, khi chúng con rảy nước đã pha muối nơi nào, xin Chúa xua đuổi ma quỷ ra khỏi nơi ấy, và sai Thánh Thần đến ngự trị, để Người gìn giữ chúng con luôn mãi.” (Sách Lễ Rô-ma, trang 1053).
Bản chất muối là vị mặn, nên muối không cần làm mặn cho mình, mà chỉ có thể làm mặn cho các vật thể khác. Như vậy, bản tính của muối là chia sẻ những gì mình có để làm cho các vật thể khác được mặn mà, tươi thắm, tốt đẹp hơn. Cũng vậy, ánh sáng tự thân không là một vật thể mà chỉ là sự chiếu toả từ một vật thể bị đốt cháy hoặc bị tác động bởi một va chạm đối kháng nguyên tử, phân tử, và từ đó, ánh sáng phát sinh. Như vậy, ánh sáng cũng không chiếu toả cho chính nó, mà là soi tỏ cho các vật thể khác, cho môi trường. Nói cách khác, bản chất ánh sáng là chiếu toả, soi sáng, giúp cho môi trường, cho các vật thể khác (kể cả con người) thể hiện mình ra, nghĩa là được nhận thấy (hiện hữu). Như vậy bản tính ánh sáng – cũng như muối – là giúp cho, làm cho các vật thể khác trở nên sáng sủa, tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, Đức Ki-tô còn dùng hình ảnh men trong bột (Mt 13, 33) để khuyên dạy các môn đệ. Cũng như muối và ánh sáng, men không hiện hữu cho chính nó, mà để giúp cho bột nở dậy men. Nói cách cụ thể, ở muối, men và ánh sáng, chỉ có CHO, không có NHẬN. mà nói đến cho và nhận là nói đến Tình Yêu. Chính vì thế, nên Đức Giê-su Ki-tô – Vua Tình Yêu – mong muốn các môn đệ của Người hãy trở nên như muối (với bản chất là làm cho đời thêm mặn mà trong Tình Yêu), như men (làm cho bột đời nở ra và thêm ý vị trong Tình Yêu), như ánh sáng (với bản chất là soi chiếu chân lý Tình Yêu cho trần gian đang ngụp lặn trong đêm đen tội lỗi). Người môn đệ muốn trở nên như muối, men và ánh sáng để “cho” kẻ khác, thì chính con người mình phải “có” trước đã, bởi người ta không thể cho cái mà mình không có (không có thì lấy gì mà cho?). Cũng bởi vì “cây mà tốt thì quả cũng tốt” (Mt 12, 33), “lòng có đầy miệng mới nói ra” (Mt 12, 34) được vậy.
Khi muối bị nhạt đi, ánh sáng bị lu mờ và men bị pha trộn tạp chất, thì tác dụng tốt đẹp không còn, thậm chí nhiều khi còn bị phản tác dụng nữa, như trường hợp Đức Ki-tô nói về men Pha-ri-sêu và Xa-đốc (Mt 16, 5-12). Khi Người nói với các môn đệ "Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pha-ri-sêu và Xa-đốc." (Mt 16, 6), các môn đệ lại cứ tưởng Người nói về men bột thực sự, cho đến khi bị quở trách, các ông mới hiểu là Người không bảo phải coi chừng men bánh, mà là phải coi chừng giáo lý Pha-ri-sêu và Xa-đốc. Một bằng chứng hiển nhiên là trong thời gian này, Sao-lô đã thấm nhuần men Pha-ri-sêu và men Xa-đốc, đang lùng giết những người theo Giê-su. Chỉ đến khi Chúa đã hoàn tất sứ vụ Cứu Độ (đã chết và chiến thắng sự chết, sống lại hiển vinh); qua biến cố Damas, Người mới làm cho Sao-lô-mù-nội-tâm trở nên một Phao-lô-sáng-mắt-sáng-lòng – một Tông đồ kiệt xuất của dân ngoại. Chính điều này cho thấy khi Đức Giê-su muốn môn đệ trở nên muối, men và ánh sáng, chính là Người muốn các môn đệ phải thấm nhuần chân lý Tin Mừng Cứu Độ từ chính Người Thầy của mình đã truyền dạy và thực hành.
Nói tóm lại, con người sống trong xã hội là sống cùng, sống với, sống cho và sống vì người khác. Không ai có thể tự phụ sống cho riêng mình mà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến người khác. Bằng lời nói hay hành động, tất cả mọi hành xử của cá nhân đều gây một ảnh hưởng nào đó với tha nhân. Riêng với người Ki-tô hữu, thì sự ảnh hưởng ấy càng quan trọng hơn. Cuộc sống chứng tá bằng “căn cước của Ki-tô hữu” chính là thực hiện vai trò làm “muối, men và ánh sáng” cho đời. Muốn làm muối, men và ánh sáng thì điều tiên quyết phải biết mình được “sống bởi đâu?”, nhiên hậu mới có thể “sống với ai” và “sống cho ai” được. Vâng, vì Thiên Chúa dựng nên tôi, ban sự sống cho tôi, nên tôi được “sống bởi” Thiên Chúa. Người còn thương "Con người ở một mình thì không tốt" (St 2, 18), nên cho tôi “sống với” người khác để có thể cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, ngõ hầu làm cho con cái Thiên Chúa được “đông đúc như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển” (St 22, 17). Trong khi đó, Đức Giê-su Thiên Chúa lại dạy tôi làm men, làm muối đất, làm ánh sáng cho trần gian, tức là tôi không thể chỉ “sống cho” riêng mình, mà còn phải “sống cho” người khác nữa. Tắt một lời, tôi phải biết rõ tôi “sống bởi đâu?”, “sống với ai?”, để từ đó tôi phải “sống cho” mọi người.
Lời khuyên chí tình chí nghĩa vẫn là: Hãy noi gương, học theo Thánh Tông đồ dân ngoại Phao-lô để đạt được kết quả: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Tất nhiên, chúng ta không phải là Sao-lô, không được như Sao-lô ở Damas, nên không thể thành Phao-lô được; nhưng nếu chúng ta vững tin vào Người Thầy Chí Thánh, kiên trì cầu nguyện và quyết tâm làm nhân chứng cho Tin Mừng Cứu Độ trong cuộc sống, thì chắc chắn chúng ta sẽ được Đức Giê-su đến và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Hiệp thông vào tâm tình biết ơn của Thánh Phao-lô, ý thức rằng ân sủng của Thiên Chúa chính là những “mưối men và ánh sáng” vẫn hằng chiếu dọi, ấp ủ và hoạt động trong đời chúng ta qua mọi biến cố lớn, nhỏ. Chúng ta cầu mong cho nhau luôn sống trong niềm vui vì đã và vẫn đang được gặp Chúa Ki-tô Phục Sinh mỗi ngày, được soi sáng và biến đổi bởi ánh sáng của Người, để những chọn lựa hằng ngày của chúng ta luôn làm tăng trưởng và kiến tạo sự hợp nhất của toàn thể Hội Thánh. Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: