Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hôn nhân Ki-tô giáo là một bí tích

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

HÔN NHÂN KI-TÔ GIÁO LÀ MỘT BÍ TÍCH

 

Giáo luật đã quy định Hội Thánh Ki-tô giáo có bảy phép Bí Tích là: *1- Bí tích Rửa Tội (bí tích Thánh Tẩy, bí tích Tái Sinh); *2- Bí tích Thêm Sức; *3- Bí tích Mình Thánh Chúa (Bí tích Thánh Thể, bí tích Tạ Ơn); *4- Bí tích Giải Tội (bí tích Thống Hối, bí tích Hòa Giải); *5 - Bí tích Xức Dầu Thánh; *6- Bí tích Truyền Chức Thánh; *7- Bí tích Hôn Phối. Trong báy bí tích, thì ba bí tích khai tâm là: Bí tích Rửa Tội, Bí tích Thêm Sức, Bí tích Mình Thánh Chúa. Riêng bí tích Hôn Phối được coi là bí tích nền tảng, bới có bí tích Hôn Phối mới có nhân tố để lãnh nhận các bí tích khác. Theo Gợi ý Mục vụ năm 2017 của HĐGMVN, chủ đề Mục vụ tháng 4/2017 là: “Hôn nhân Ki-tô giáo là một bí tích”. Xin cùng tìm hiểu:

 

I.- Khái niệm về Bí tích:

 

Bí tích (sacramentum) là những dấu chỉ hữu hiệu đem lại ân sủng, được Chúa Giê-su thiết lập và trao lại cho Hội Thánh để ban sự sống thần linh cho người tín hữu. Một cách cụ thể, Bí tích là Ơn Chúa được ban qua các dấu chỉ hữu hình và có hiệu quả do chính Ngôi Lời thiết lập và ủy thác cho Giáo Hội cử hành trong Phụng vụ. Bí tích là “dấu chỉ phát sinh ân sủng”, song ân sủng của Thiên Chúa không phải là một cái gì đó ngoại tại được ban cho con người theo kiểu con người cho nhau cái này cái kia. Ân sủng của Thiên Chúa là chính Thiên Chúa đến trợ giúp, soi sáng con người hành động sao cho đúng với đường lối tốt lành của Người. Vì thế, bí tích chính là sự gặp gỡ Thiên Chúa qua một dấu chỉ hữu hiệu nào đó.

 

Một cử hành mang tính Phụng vụ bí tích bao gồm các yếu tố: Phải là những “dấu chỉ bề ngoài” khả giác (có thể nhận biết và cảm thụ được như: rảy nước, đặt tay, bôi dầu thánh, lời cầu…). Phải là những dấu chỉ hữu hiệu do Chúa Ki-tô thiết lập (“Nhờ Thánh Thần dẫn vào ‘chân lý vẹn toàn’, Hội Thánh dần dần nhận ra kho tàng quý báu đã nhận từ Đức Ki-tô và minh định việc phân phát kho tàng ấy như Hội Thánh đã làm với Quy điển Sách Thánh và tín điều, như người quản lý trung tín các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì thế, theo dòng thời gian, Hội Thánh đã nhận định trong số các cử hành phụng vụ, có 7 bí tích đúng nghĩa do Chúa Ki-tô thiết lập.” – Giáo lý HTCG, số 1117). Do đó, để cho dấu chỉ hữu hiệu hay sinh hiệu quả, bí tích nhất thiết phải do thừa tác viên hợp pháp của Hội Thánh cử hành đúng nghi thức phụng vụ.

 

II.- Hôn nhân Ki-tô giáo là một Bí tích:

 

Trong các nền văn hóa khác nhau, hôn nhân luôn được coi là việc thánh thiện. Vì thế, trước khi về chung sống với nhau, cô dâu chú rể thường xin Thần linh của mình chứng giám cho tình yêu và phù hộ cho cuộc sống chung giữa hai người qua một nghi lễ công khai và long trọng. Trong hầu hết các tôn giáo, hôn nhân được coi là hình thức sống chung hợp với ý Thượng Ðế. Với Ki-tô Giáo thi trong Cựu Ước, giao ước giữa Thiên Chúa với dân của Người thường được ví như một cuộc hôn nhân giữa hai người (Hs 1-3; Is 54; 62; Gr 2-3; 31; Ed 16; 23). Còn trong Tân Ước, hôn nhân được coi là hình ảnh sự kết hợp giữa Chúa Ki-tô và Giáo hội (Ep 5, 22-33). Chúa Ki-tô được ví như chàng rể của giao ước mới (Mc 2, 19). Còn Giáo hội được ví như nàng dâu, đã được Chúa Ki-tô yêu thương đến hy sinh cả mạng sống cho hiền thê (Ep 5, 25). Chính Chúa Giê-su cũng minh định công khai: Hôn nhân hợp với thánh ý của Thiên Chúa (Mt 19, 6).

 

Ðối với Giáo hội, hôn nhân không phải chỉ là một khế ước giữa người với người, mà còn là một Bí tích giữa Thiên Chúa và loài người. Bí tích là dấu chỉ bề ngoài do Chúa Giê-su đã lập, để thông truyền ơn phúc bên trong. Dấu thánh bề ngoài trong Bí tích Hôn Phối là: *1- Sự ưng thuận thành hôn của hai người và *2- Việc công khai hóa sự ưng thuận đó trước mặt đại diện Giáo hội và các chứng nhân. Hôn nhân chính là Bí tích Tình yêu do Chúa Giê-su thiết lập, khi Người thiết lập Giao Ước Mới như là dấu chỉ muôn đời của ân sủng. Ngoài ra, tự bản chất, không một Bí tích nào có liên hệ với thực tại tự nhiên cho bằng Bí tích Hôn Phối. Có thể nói, Thiên Chúa đã thiết lập khế ước hôn nhân ngay trong vườn Địa Đàng (Eden), giữa người nam và người nữ đầu tiên; nhưng Chúa Giê-su mới nâng hôn ước đó lên hàng Bí tích.

 

Có thể quy kết yếu tố cấu thành bí tích Hôn Phối:

 

Bí tích Hôn Phối là việc hai Ki-tô hữu, một nam một nữ, ưng thuận kết ước thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh.

 

Hôn nhân Công Giáo có hai đặc tính: một là “một vợ một chồng”, và hai là “bất khả phân ly”.

 

Hôn nhân Công Giáo có hai mục đích: một là “bổ túc cho nhau trong tình yêu vợ chồng”, hai là “sinh sản và giáo dục con cái”.

 

Nghi thức chính yếu làm nên bí tích Hôn phối là sự bày tỏ ưng thuận kết hôn của đôi bạn trước sự chứng hôn của Hội Thánh.

 

III.- Ân sủng của Bí tích Hôn Phối:

 

Hiến chế Tín lý về Giáo hội “Lumen Gentium” (số 11) giải thích: “Ân sủng đặc biệt của bí tích Hôn phối kiện toàn tình yêu vợ chồng, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly của họ. Nhờ ân sủng này, các đôi vợ chồng Ki-tô giáo biểu hiện và tham dự mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Ki-tô và Giáo hội, họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc giáo dục và đón nhận con cái, cũng vì đó, họ được những ơn riêng cho đấng bậc mình trong Dân Chúa.” Đức Ki-tô là nguồn mạch ân sủng đặc biệt này. Như xưa, Thiên Chúa đến gặp Dân Ngài bằng một giao ước yêu thương và trung thành, thì ngày nay, Đấng Cứu Thế, Bạn Trăm Năm của Hội Thánh cũng đến với đôi vợ chồng qua bí tích Hôn phối. Ngài ở lại với họ, ban cho họ sức mạnh để họ vác thập giá theo Ngài, để họ trỗi dậy mỗi khi sa ngã, để họ tha thứ cho nhau, mang gánh nặng cho nhau, “phục tùng nhau trong sự kính sợ Đức Ki-tô” (Ep 5, 21), và yêu thương nhau với một tình yêu siêu nhiên, tế nhị và phong phú.

 

Ðời sống hôn nhân có thể coi là ơn thiên triệu, vì trong hôn nhân hai người đều được Chúa kêu gọi cộng tác trực tiếp vào chương trình sáng tạo và cứu độ nhân loại. Vì thế, trong Bí tích dẫn vào đời sống hôn nhân, Chúa là nguồn gốc mọi ân sủng, sẽ thông ban cho hai người những ơn cần thiết để họ chu toàn sứ mệnh Người trao phó. Ngoài những ơn thánh hóa, giúp họ sống xứng đáng là con cái Chúa trong đời sống hôn nhân và trợ giúp họ "san sẻ gánh nặng cho nhau" (Gl 6, 2), nghiã là giúp họ chia sẻ vui buồn, hạnh phúc cũng như đau khổ, thành công cũng như thất bại, hy vọng cũng như thất vọng, an vui cũng như lo lắng... trong đời sống chung, Chúa còn ban cho họ một ơn cao trọng khác: Ðó là ơn được tham dự cách đặc biệt vào sự hiệp thông giữa Chúa Ki-tô và Giáo Hội (Ep 5, 21-33). Trong sự hiệp thông này, tình yêu của họ không còn là tình yêu giữa hai người, mà là tình yêu giữa ba người: Chúa hiện diện giữa họ. Tình yêu của họ không phải chỉ là tình tự nhiên mà còn là tình siêu nhiên: Yêu nhau như Chúa Ki-tô đã yêu Giáo Hội (Ep 5, 25). Qua Bí tích Hôn Phối, Chúa đã thánh hóa tình yêu của hai người dưới ba khiá cạnh sau đây:

 

1- Tình yêu và lòng trung thành của họ là hình ảnh tình yêu và lòng trung thành của Chúa đối với dân Người. Tình yêu của họ được hiệp thông với tình yêu Thiên Chúa.

 

2- Tình yêu đó giúp họ nên thánh trong đời sống hôn nhân và chu toàn sứ mệnh dưỡng dục con cái.

 

3- Tình yêu đó là hình ảnh của tiệc cưới Chiên Con, là hình ảnh hạnh phúc, an vui, là hình ảnh của tất cả các thực tại hoàn hảo nơi tình yêu Thiên Chúa.

 

Như thế, chắc chắn hạnh phúc của họ sẽ được bảo đảm, tương lai con cháu họ sẽ được bảo đảm. Sự bảo đảm này do chính Thiên Chúa thực hiện, vì lúc nào Chúa Ki-tô cũng ở bên họ: “Thầy sẽ ở lại với các con, mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28, 20).

 

IV.- Hiệu quả của bí tích Hôn phối:

 

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 1638) đã chỉ rõ: “Do hôn phối hữu hiệu, giữa vợ chồng phát sinh một mối dây ràng buộc vĩnh viễn và độc nhất tự bản chất. Ngoài ra, trong hôn phối Ki-tô giáo, do một bí tích riêng biệt, vợ chồng được củng cố và như thế được thánh hiến nhằm tới thiên chức và những trách nhiệm của bậc sống" (x. CIC 1134).” Bí tích Hôn phối đem lại hai hiệu quả:

 

a- Dây hôn phối ràng buộc đôi phối ngẫu phát sinh một định chế hôn nhân:  Sự ưng thuận tự do, qua đó đôi phối ngẫu tự trao hiến và tiếp nhận nhau, được chính Thiên Chúa đóng ấn. Từ hôn ước của họ phát sinh một định chế. Định chế này đã được chính Thiên Chúa ấn định và có giá trị trước mặt xã hội. Hôn ước được liên kết với giao ước Thiên Chúa ký kết với nhân loại: Tình yêu vợ chồng đích thực được hoà nhập trong tình yêu Thiên Chúa.

 

Dây hôn phối do chính Thiên Chúa liên kết, nên hôn nhân thành sự và hoàn hợp, giữa hai người đã được rửa tội, không bao giờ được tháo gỡ. Dây liên kết này là kết quả của việc hai người tự nguyện kết hôn và do sự hoàn hợp của hôn phối. Đây là một thực tại không thể đảo ngược, và trở thành một giao ước được Thiên Chúa trung tín bảo đảm. Hội Thánh không có quyền nói ngược lại sự an bài khôn ngoan của Thiên Chúa.

 

b- Ân sủng của bí tích Hôn phối kiện toàn tình yêu phu thê: Ân sủng đặc biệt của bí tích Hôn phối kiện toàn tình yêu vợ chồng, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly của họ. “Nhờ ân sủng này, họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái.”

 

Đức Ki-tô là nguồn mạch ân sủng đặc biệt này. Như xưa, Thiên Chúa đến gặp Dân Ngài bằng một giao ước yêu thương và trung thành, thì ngày nay, Đấng Cứu Thế, Bạn Trăm Năm của Hội Thánh cũng đến với đôi vợ chồng qua bí tích Hôn phối. Ngài ở lại với họ, ban cho họ sức mạnh để họ vác thập giá theo Ngài, để họ chỗi dậy mỗi khi sa ngã, để họ tha thứ cho nhau, mang gánh nặng cho nhau, “phục tùng nhau trong sự kính sợ Đức Ki-tô” (Ep 5, 21), và yêu thương nhau với một tình yêu siêu nhiên, tế nhị và phong phú. Trong khi họ vui hưởng tình yêu và cuộc sống gia đình, Ngài ban cho họ, ngay từ đời này, được nếm trước hạnh phúc Nước Trời.

 

Kết luận: 

 

Tóm lại, những đặc tính trong hôn nhân Ki-tô giáo được củng cố bền vững nhờ tính bí tích. Hiểu được như vậy, người Ki-tô hữu phải suy nghĩ, cầu nguyện và sống trọn vẹn ơn gọi hôn nhân gia đình của mình. Bởi vì tất cả sự thánh thiện, tất cả niềm vui và hạnh phúc của kiếp người nơi mỗi người đã được Thiên Chúa nhìn thấy qua giá trị của ơn gọi hôn nhân. Hôn nhân, đặc biệt hôn nhân Công Giáo, không chỉ là một định chế gia đình của xã hội, mà hơn thế nữa là ơn gọi cao cả mà Thiên Chúa mời gọi từng người để cùng bước vào; để không những thông ban cho họ tình yêu, mà còn trao cho họ sứ mạng tiếp tục ơn cứu độ, tiếp tục làm phong phú ơn cứu độ. Nhờ vào việc vợ chồng thương yêu nhau, họ sẽ làm phát sinh và triển nở tình yêu ấy qua những người con. Nhờ vào việc chu toàn nhiệm vụ giáo dục, các bậc cha mẹ đã chuẩn bị cho nhân lọai những công dân tốt và cho Giáo Hội những tín hữu đạo hạnh. Ngoài ra, gia đình còn là vườn ươm những ơn gọi khác nhau trong đó có ơn gọi tu hành sau này.

 

Chính là nhờ lãnh nhận bí tích Hôn phối, vợ chồng Ki-tô hữu được củng cố niềm tin để hiểu ra hồng ân thánh hiến con người và cuộc sống, ngõ hầu được lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá bậc sống của họ. Nhờ sức mạnh Thánh Linh của bí tích này, họ được thấm nhuần tinh thần Chúa Ki-tô để chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình họ, nhờ đó tất cả đời sống của họ được thấm nhuần đức Tin, Cậy, Mến và càng ngày họ càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của từng người và sự thánh hóa lẫn nhau, tạo nên một cộng đồng yêu thương, cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa. Tha thiết mong các bạn trẻ nhận thức sâu xa về bí tích Hôn nhân để khi lãnh nhận được hưởng trọn hảo ân sủng cao quý này. Ước được như vậy.

 

Ôi! Lạy Chúa! Khi tạo dựng loài người có nam có nữ, Chúa đã muốn cho cả hai nên một. Chúa dùng bí tích cao trọng thánh hoá tình nghĩa vợ chồng, để hôn nhân tượng trưng cho sự kết hợp nhiệm mầu giữa Ðức Kitô và Hội Thánh. Xin cho các tín hữu Chúa đây là anh (ông) X... và chị (bà) Y..., biết thực hiện trong cả đời sống ý nghĩa sâu xa của bí tích hôn nhân họ sắp cử hành. Đồng thời xin Chúa cho họ được trọn tình vẹn nghĩa với nhau và biết mở rộng lòng yêu thương mọi người để làm chứng cho tình yêu vô biên của Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen. (Lời nguyện nhập lễ Thánh lễ Hôn Phối).

 

JM. Lam Thy ĐVD.