Thành công, thất bại trong việc sống đạo
THÀNH CÔNG - THẤT BẠI TRONG VIỆC SỐNG ĐẠO
Thánh lễ xong tớ thay áo áo chùng thâm và chuẩn bị ăn tối, bất ngờ tiếng chuông báo bấm.
Tớ ra, một chàng trai xin Xưng tội, Em cho biết đã không xưng tội nhiều năm và vừa rồi bị đánh động mạnh sau bài giảng.
Bài giảng gì mà làm Em lay động ?
Bài giảng Chúa Nhật Thứ nhất Mùa Chay, Chúa Giêsu kêu mời “Nước Trời đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Tớ khởi đầu bài chia sẻ Bạn trẻ bằng câu hỏi: Có thất bại không?. Các Bạn trả lời khá to: Có
Tớ minh họa một số gương thành nhân và thành công nhờ có ‘thất bại’.
Kết luận: “Không có phát minh nào lại không nếm mùi thất bại, không đại gia chân chính nào lại không nếm cảnh thăng trầm, thậm chí tang thương tưởng chừng như phá sản; không có thành công nào lại không gặp thất bại…Thất bại như những tố chất để thành công… chính vì thế mới câu Thất bại là mẹ thành công”.
Tôi hỏi lại: Vậy có thất bại không?
Các Bạn trẻ im lặng, không một tiếng trả lời.
Tớ lại quả quyết có thất bại…
Thất bại đúng nghĩa đấy là khi ta té mà nằm im, không chịu đứng dậy; hoặc không té song đứng yên, ru ngủ trong chiến thắng đã thuộc vào quá khứ mốc meo, không chịu tiến lên, không chịu thay đổi, không chịu học hỏi.
Trong đời sống Đức tin, phạm tội là chuyện bình thường, ngã là truyện bình thường, nhưng vấn đề ở chỗ ta có chịu đứng lên sau những lần vấp ngã ấy không, có chịu đứng lên giao hòa với Chúa – với anh chị em để làm lại cuộc đời không?
Nếu ta phạm tội- té ngã rồi nằm chết dí luôn, hay ở lì trong tội, không cố gắng cải sửa… thì đúng ta đang thất bại (và không phải đợi đến đời sau ngay đời này ta đã nếm cảnh hỏa ngục vì bất an, vì thiếu vắng Chúa Tình yêu).
Trái lại, sau những vấp té, kể cả những trọng tội, ta lại đứng dậy nhờ tín thác vào lòng Thương xót của Chúa, thì tội ấy được gọi là tội hồng phúc (điều mà Giáo hội hoan ca trong đêm Vọng Phục sinh), bởi điều ấy giúp ta ngày gần Chúa hơn, cảm nếm Thương yêu hơn; đồng thời thấy rõ phận mình mong manh yếu đuối, đúng như Chúa Giêsu nói “không có Thầy Anh em không làm gì được’.
Không có Thánh nhân nào lại không có quá khứ đen, không có tội nhân nào lại thiếu tương lai trước mặt.
Bài chia sẻ dẫn chứng tội cụ thể của hai vị Tông đồ: Giuda và Phêrô, một người bán Chúa, một người phản bội Chúa- chối bỏ Đức tin- không phải một mà là 3 lần.
Cả hai đều phạm những trọng tội nguy hiểm đến ơn Cứu độ, thế sao một người để ô danh muôn thủa, người kia lại nên đại Thánh?.
Giám mục Giuda khi phạm trọng tội, ma quỷ liền cám dỗ ông tội to lắm, lớn hơn cả Lòng Thương xót của Chúa, tội không thể tha được… Hậu quả: ông chán nản tuyệt vọng, rồi treo cổ tự tử.
Trái lại, Phêrô dẫu phạm trọng tội chối bỏ Đức tin, đồng thời ông nhận ra Lòng Thương xót của Chúa luôn cao lớn hơn tội mình phạm, tội mình phạm chẳng là gì so với Tình yêu lân tuất của Chúa. Phêrô nhận ra, dù mình bất tài, tội lỗi song Chúa vẫn không chê, vẫn trọng dùng trong công trình Rao giảng Tin Mừng…
Và cả đời Thánh nhân sau này hoàn toàn tận hiến cho Tin Mừng Cứu độ như cách phần nào đáp trả trước Tình yêu bao dung của Chúa dành cho mình.
Kết luận: Mình phạm tội, Sám hối- Xưng tội mà vẫn mặc cảm tự ty, nghi ngờ lòng Thương xót của Chúa, cuộc sống vẫn chán nản, bế tắc, lo lắng, mất hy vọng… Đấy là ta đang rơi vào cơn cám dỗ như Giuda; Trái lại “sám hối và tin vào Tin Mừng”, sau khi nhận ơn tha thứ của Chúa đời mình có dấu hiệu biến đổi, lạc quan hơn, hy vọng hơn, sống tốt hơn…
Tự xét: Bài chia sẻ cũng bình thường…
Thế mà có người được đánh động và quyết tâm trở về với Chúa…
Rõ ràng đây là công việc- kết quả của Chúa Thánh Thần.
Như một món quà cụ thể Chúa trao cho kẻ hèn mọn.
Xin tạ ơn Chúa Thánh Thần.
Lm.Đaminh Hương Quất
- Tổng Hơp: