Hành Trình Của Đức Tin
HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN (CN III.PS-A)
Bài Tin Mừng hôm nay (CN III/PS-A – Lc 24, 13-35) trình thuật câu chuyện 2 môn đệ (trong đó có Cơ-lê-ô-pat) trở về quê là làng Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. Với tâm trạng buồn rầu, họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc đã xảy ra. Ngay khi đó, Đức Giê-su hiện ra với họ nhưng họ không nhận ra, và khi Người hỏi họ đang nói với nhau chuyện gì thì họ lập tức bày tỏ tâm trạng buồn chán thất vọng vì đã tới ngày thứ ba rồi mà niềm hy vọng của ho vẫn chưa được đáp ứng (“Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.” – Lc 24, 21).
Sau khi Đức Ki-tô tử nạn trên thập giá, thì có thể nói hai môn đệ trên đường Em-mau bộc lộ rõ nét nhất tâm trạng chung của các Tông đồ tiên khởi: chán chường, mỏi mệt, thất vọng não nề. Thế là hết, hết mọi hy vọng về một vương triều mới dưới sự lãnh đạo của Vua Giê-su. Tuy rằng các môn đệ khác còn theo người Mẹ mà Thầy mình đã trối trăng, tập trung tại một nơi để cầu nguyện; nhưng hai ông thì thật sự tuyệt vọng, chẳng còn lý do gì để lưu lại chốn kinh thành. Cứ xét theo tâm lý con người, thì hành vi rời Giê-ru-sa-lem cũng bình thường thôi, bởi ngay khi Thầy còn sống, được ở liền bên với Thầy, chứng kiến bao nhiêu việc làm và nhất là những phép lạ Thầy chữa bệnh cho bao nhiêu người, thậm chí còn cho cả kẻ đã chết rồi được sống lại nhãn tiền, mà vẫn còn bán tin bán nghi; huống hồ nay Thầy đã chết và chính mình mai táng trong mồ, thì làm sao còn nuôi được hy vọng như khi mới theo Thầy được?
Hành trình Em-mau nghe sao mà thê thảm! Còn đâu nữa ước vọng làm Tả Hữu Thừa tướng dưới quyền Vua Giê-su (Gia-cô-bê và Gio-an "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." – Mc 10, 37). Thôi thì đành “trở về quê cũ học cày cho xong” để rồi cứ “ngày ngày vác cuốc thăm đồng…”, ngày này sang ngày khác “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” (ca dao, tục ngữ VN). Lủi thủi trên đường, bỗng gặp một người khách lạ đồng hành và hỏi về những điều họ đang buồn rầu trao đổi với nhau. Thật là một dịp được cởi mở cõi lòng, họ kể hết về chuyện ông Giê-su Na-da-rét bị án tử hình rồi bộc lộ tâm trạng: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy." (Lc 24, 21-24)
Nghe vậy, ngay lập tức người khách lạ liền lên tiếng quở trách: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" (Lc 24, 25-26). Không những thế, mà người khách lạ lùng ấy còn: “Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả sách Thánh.” (Lc 24, 27). Phải chăng những lời dạy của vị khách là tiếng gọi của Tình yêu, bởi đã mở mắt cho 2 môn đệ thấy được lòng trí u mê, tăm tối của con người, nhất là cái niềm tin rất dễ bị chao đảo, khủng hoảng. Chậm tin, kém tin là đương nhiên, và vì thế, khi nghe được những lời khai thông ấy, họ như được mở lòng ra. Tới làng họ muốn đến (Em-mau), nhưng thấy vị khách còn muốn đi tiếp, họ liền khẩn khoản: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." (Lc 24, 29).
Thật sự chẳng ai ngờ được người khách đồng hành lại chính là người Thầy đã tử nạn trên thập giá. Thì ra Thầy vì Tình Yêu đã vâng lệnh Chúa Cha xuống trần để cứu độ loài người. Thầy luôn luôn và mãi mãi đồng hành, “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” mà họ không tự biết, vẫn còn bán tín bán nghi. Phải đợi đến lúc đồng bàn, Thầy lập lại động tác như trong bữa Tiệc Ly, thì "Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất." (Lc 24, 31). Thế đấy! Các môn đệ và nói chung là con người đã đón nhận biết bao nhiêu hồng ân xuất phát từ Tình Yêu của Thầy mà vẫn hững hờ, vô cảm. Hành động "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn" cũng chỉ là một nghĩa cử bình thường của tình nhân loại.
Tuy nhiên, nghĩa cử đó đã được đáp ứng: Hai môn đệ mời Thầy dùng cơm bánh đời thường thì Thầy lại mời họ dùng bánh bởi trời. Sự nhận về và cho đi giữa Thầy và các môn đệ thật quá đỗi lạ lùng, và đó chính là sự kỳ diệu của Tình Yêu. Con người ở thế kỷ XXI này cũng vậy thôi, đã nhận về rất nhiều, quá nhiều Máu và Nước Tình Yêu từ Trái Tim Thầy, từ lòng nhân hậu của Thiên Chúa, vậy mà vẫn còn và còn rất nhiều cảnh “Ngày xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách trọ các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các người đã chẳng thăm viếng…” (Mt 25, 42-43).
Cái hành trình Em-mau ấy hoá ra lại là một hành trình khởi đi từ nỗi thất vọng, chán nản ê chề, trở thành một hành trình tìm kiếm đức tin và kết thúc hết sức tốt đẹp, nên “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó”. Trở lại với nhóm Mười Một không phải chỉ là để kể cho nhau nghe những điều mình đã tai nghe mắt thấy, mà là để “tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 1, 1-4).
Kết quả là: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ” (Cv 1, 42-43). Vâng, và vì thế đối với các Ki-tô hữu thời đại ngày nay cũng đừng vội tự ti mặc cảm khi nhìn lại mình thấy mình đã buồn nản vì những thử thách nghiệt ngã để rồi tản mác khắp nơi, chẳng còn tin tưởng vào một điều gì nữa. Hãy “quay trở lại Giê-ru-sa-lem”, tề tựu nhau mà cầu nguyện – cầu nguyện với Mẹ Maria. Chắc chắn Chúa vẫn luôn đồng hành với chúng ta trên hành trình Em-mau, và Người sẽ cùng “quay trở lại Giê-ru-sa-lem” với chúng ta. Chắc chắn Thầy Chí Thánh sẽ ban cho “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 1, 4) như lòng mong ước.
Tóm lại, người Ki-tô hữu ngày hôm nay hãy bắt chước hai Tông Đồ trên đường Em-mau, coi đó là hành trình đức tin của chính bản thân mình. Nói cách cụ thể là hãy cầu xin Chúa "ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." (Lc 24, 29) và ban cho chúng con “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 1, 4), để chúng con có đủ dũng khí, sẵn sàng thi hành sứ vụ của mình như hai môn đệ trên đường Em-Mau thủa xưa, sẵn sàng mau mắn “quay trở lại quê hương đích thực là Giê-ru-sa-lem trên Thiên Quốc”. Muốn được toại nguyện, đừng quên chạy đến với Đức Maria, tha thiết khẩn cầu cùng Mẹ:
“ĐK: Trên con đường về quê mà vắng bóng Mẹ. Con biết cậy vào ai biết nương nhờ ai. Trên con đường về quê mà vắng bóng Mẹ. Con biết cậy vào ai biết nương nhờ ai? TK: Trời đêm vắng sao sương mờ. Đường xa thăm thẳm khuất bóng quê. Con băn khoăn đưa mắt trông tìm đây đó. Có ai bạn đường cùng đi khỏi lo. Mẹ ơi! Bóng đêm rợn rùng. Vực sâu đang gầm dưới lá rung. Con lao đao sắp ngã trên đường nguy khốn. Đoái thương con cùng Mẹ Đấng Chí Tôn.” (TCCĐ “Trên Con Đường Về Quê” – Nguyễn Sang).
JM.Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: