Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Mục tử nhân lành

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

MỤC TỬ  NHÂN LÀNH (CN IV.PS-A CHÚA CHIÊN LÀNH)  

 

Bài Tin Mừng hôm nay (CN IV/TN-A – Ga 10, 1-10) trình thuật về dụ ngôn “Vị Mục Tử nhân lành”. Ngay ở câu mở đầu, Thánh Gio-an ghi lại Lời Đức Giê-su nói với cộng đồng người Do-thái: "Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử.” Nếu bình thường nghe nói tới cái cửa chuồng chiên, bất kỳ ai cũng chỉ nghĩ đó là một công cụ bảo vệ đàn chiên. Cửa chỉ mở ra khi muốn cho đàn chiên đi ăn cỏ ngoài đồng, nó sẽ được đóng lại khi chiên đã vào hết trong chuồng. Như vậy, khi suy niệm bài Tin Mừng, đa số hay chú ý đến vai trò chủ nhân của đàn chiên, đó là Đức Giê-su Ki-tô, vị Mục Tử Nhân Lành. Đức Ki-tô đã dùng dụ ngôn nói về ràn chiên và nhấn mạnh đến vai trò người chủ. Người chủ đích thực sẽ vào ràn chiên bằng cửa chính và chiên sẽ nghe lời ông chủ, bởi ông biết tên từng con chiên và chúng nhận biết tiếng của ông. Ngoài ra, những kẻ không theo cửa chính mà vào, lại trèo lối khác, thì đó chỉ có thể là kẻ trộm, kẻ cướp.

 

Nghe dụ ngôn này, đáng lẽ những người Do-thái phải hiểu rằng Đức Ki-tô muốn nói đến những kẻ tin theo Người giống như đàn chiên ngoan hiền và Người chính là Mục tử chăn dắt đàn chiên đó. Tiếc một điều là họ chẳng hiểu, khiến Đức Ki-tô phải nói rõ hơn: "Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào." (Ga 10, 7-10). Cũng vì thấy Đức Ki-tô khi thì nói đến người chủ của đàn chiên, bây giờ lại tự nhận mình là cửa ràn chiên, khiến cho bộ mặt của đám đông càng thêm ngơ ngác. Điều đó cho thấy họ vẫn chưa hiểu Người nói gì; nên cuối cùng, Đức Ki-tô phải nhấn mạnh: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10, 11).

 

Đức Ki-tô cho biết Người là vị Mục tử nhân lành thì điều đó là hiển nhiên, nhưng tại sao Người lại nói Người là cửa chuồng chiên? Chuồng chiên có cửa là để đón nhận và bảo vệ đàn chiên. Khi chiên đã vào hết trong ràn, thì cửa được đóng chặt để tránh sói dữ. Tránh được sói dữ nhưng khó tránh được con người nếu con người đó là kẻ trộm kẻ cướp, vì chúng sẽ đào tường khoét vách mà vào. Suy nghĩ sâu hơn một chút sẽ thấy khi Đức Ki-tô tự nhận Người là cửa chuồng chiên, thì cũng có nghĩa là Người kêu mời tất cả mọi người hãy đến cùng Người với một niềm tin và một tấm lòng trung thực công chính. Nói rõ hơn, khi đã qua cửa Giê-su mà vào thì chỉ có thể là những con chiên ngoan hiền biết nghe lời chủ. Cũng có thể có sói dữ lẫn lộn trong đoàn chiên (giống như cỏ lùng trong ruộng lúa), nhưng tất nhiên chúng không vào bằng cửa chính – cửa Giê-su Ki-tô – mà là trèo vào bằng cửa khác, đó chỉ có thể là kẻ trộm kẻ cướp mà thôi. Rõ ràng Đức Ki-tô vừa là xuất phát điểm, vừa là đích điểm cho hành trình của người Ki-tô hữu. Người là cửa để đón nhận và bảo vệ đoàn chiên, đồng thời Người cũng là vị Mục tử nhân lành chăn dắt đoàn chiên đó (“Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” – Ga 10, 9-10).

 

Đức Giê-su Ki-tô mời gọi tất cả mọi con chiên, không phân biệt chiên “nội” hay chiên “ngoại” như kiểu phân biệt của những kinh sư Do-thái thời  đó (“Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” – Ga 10, 16). Điều làm cho những con chiên Ki-tô hữu vui mừng hãnh diện nhất, là được chính Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật mời gọi hãy qua chính cửa Giê-su mà vào làm chiên con trong ràn chiên của Thiên Chúa. Còn đáng vui mừng hãnh diện hơn thế nữa khi được thấy không chỉ những tín hữu là con chiên của Thiên Chúa, mà chính vị Mục tử nhân lành chăn dắt mình cũng là một con chiên – Chiên Thiên Chúa – được sát tế để cứu chuộc tội lỗi cho đoàn chiên nhân thế ("Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” – Ga 1, 29). Như vậy, Thiên Chúa đã thương yêu con cái của mình, coi chúng như đoàn chiên ngoan ngoãn dễ thương, nên mới ban Con Một xuống thế để chăn dắt đoàn chiên đó, đồng thời hy sinh chính mạng sống mình làm "chiên sát tế" để đem lại ơn cứu rỗi cho chiên con.

 

Ngoài ra, khi nói về "cửa chuồng chiên" đón nhận những con chiên ngoan hiền vào trong "ràn chiên", Đức Ki-tô còn dạy cho người tín hữu biết về ý định của Người sẽ thành lập Giáo Hội (ràn chiên) để nuôi dưỡng những con chiên sẽ là những thành phần trung kiên của Giáo Hội tương lai. Ràn chiên Giáo Hội được xây trên Tảng Đá Phê-rô ("Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi" – Mt 16, 18) và cũng chính Phê-rô sẽ là Mục tử kế nghiệp Mục Tử nhân lành Giê-su Ki-tô trực tiếp chăm sóc những chiên con trong ràn chiên của Chúa. Ràn chiên Giáo Hội sẽ phát triển và trường tồn với những mục tử (giám mục, linh mục thừa tác vụ Linh Mục Thượng Phẩm Giê-su) chăn dắt đoàn chiên Ki-tô hữu.

 

Ý thức được vấn đề như vậy, người Ki-tô hữu hãy cầu xin cho mọi thành phần của Giáo Hội sống đúng và sống trọn vẹn vai trò của mình: Ai được chọn làm mục tử thì luôn luôn phải là người mục tử tốt theo gương Chúa Giê-su; và xin cho đoàn chiên luôn biết đoàn kết thương yêu nhau, cùng nghe theo tiếng nói đích thực của vị Mục Tử Nhân Lành Giê-su thông qua các mục tử trong ràn chiên Giáo Hội, để ai nấy đều "được sống và sống dồi dào" Tình Yêu của Chiên-Sát-Tế-Giêsu-Kitô. Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.