Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sinh sản có trách nhiệm

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

SINH SẢN CÓ TRÁCH NHIỆM

 

Thông điệp Sự Sống Con Người “Humanæ Vitæ” (số 9) đã khẳng định: “Hôn nhân là một tình yêu phong nhiêu, nghĩa là nó không hoàn toàn bị hạn chế trong sự kết hợp hôn nhân, mà còn hướng về kế tiếp, là gây dựng thêm sinh mạng mới. Hôn nhân và tình yêu đôi bạn, tự bản chất, hướng về sinh sản và giáo dục con cái. Mà thực ra, con cái là món quà quý nhất của hôn nhân và đem lại hạnh phúc lớn cho cha mẹ chúng." Đó là lý do giải thích vì sao Hội Đồng GMVN chọn chủ đề mục vụ tháng 8/2017 là: “Phong nhiêu, cụ thể với đề tài sinh sản có trách nhiệm”. Để tìm hiểu sâu về vấn đề “Sinh sản có trách nhiệm” thiết tưởng cũng cần biết ý nghĩa của “phong nhiêu”.

 

I. Phong nhiêu là gì?

 

Theo từ nguyên, phong nhiêu có nghĩa: muôn màu muôn vẻ, dồi dào tươi tốt (phong: nhiều, phong phú, muôn màu muôn vẻ; nhiêu: màu mỡ, tốt tươi, phì nhiêu). Khi đôi bạn sống hiệp thông sâu xa và trọn vẹn, trong một niềm tin quảng đại và hiến dâng, họ mang trong tim một nỗi khát vọng là làm cho sự hiệp thông ấy trở nên hữu hình, mang nhịp đập hơi thở của tình yêu, đó chính là đứa con. Sự hiệp thông trong tình yêu của đôi bạn đã tạo ra sự sung mãn hài hòa, hạnh phúc: Đứa con là chính tình yêu của họ dành cho nhau, đó chính là hoa trái đầu tiên của tình yêu phong nhiêu được đơm hoa kết trái. Như thế, đôi bạn mới có thể thực sự lập nên một gia đình, một tổ ấm hoan lạc đón nhận sự sống và phục vụ sự sống. Tình yêu phong nhiêu ngay cả nơi những đôi bạn hiếm muộn, đón nhận những đứa con do người khác sinh ra mà mình nhận nuôi dưỡng như con cái của mình.

 

Sự phong nhiêu nơi cha mẹ đạt tới độ viên mãn khi họ trao ban sự sống cho con cái, họ hiến dâng chính mình để lo cho sự sống mới, họ hy sinh đời sống mình để lo cho con cái, họ giáo dục đức tin cho con cái và lo cho con cái sự sống đời đời. Lòng quảng đại của đôi bạn kéo theo sự hy sinh vô bờ bến, họ không chiếm hữu con cái cho riêng mình, mà luôn ý thức rằng trước khi đứa con này là con của mình, thì nó đã là con của Thiên Chúa. Điều đó gần như là một sự thánh hiến hiệp thông của đôi bạn, con cái là dấu chỉ cụ thể nhất của sự phong nhiêu của tình yêu vợ chồng, nhưng dấu chỉ đó được tạo ra không phải để thụ hưởng trong gia đình một cách hẹp hòi, ích kỷ, nhưng là để trao hiến cách vô điều kiện trong tự do, vốn thuộc về mọi tình yêu đích thực.

 

II. Hôn nhân và vấn đề truyền sinh:

 

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 2366) giải thích: “Truyền sinh là một ân huệ, một mục tiêu của hôn nhân, vì tình yêu vợ chồng tự nhiên hướng về việc sinh sản con cái. Con cái không phải một cái gì từ bên ngoài được ghép vào hôn nhân, mà là hoa quả và thành tựu của tình yêu vợ chồng, hiện diện ngay trong việc vợ chồng hiến thân cho nhau. Vì thế Hội Thánh "bảo vệ sự sống" (x. FC 30) dạy rằng: "mọi hành vi ân ái phải tự nó mở ngỏ cho việc truyền sinh" (x. HV 11). "Giáo lý này đã được Huấn Quyền trình bày nhiều lần, nền tảng của giáo lý này là sự liên kết bất khả phân ly giữa hai ý nghĩa của hành vi ân ái: kết hợp và truyền sinh. Đây là điều chính Thiên Chúa đã muốn và con người không được tách rời” (x. HV 12; x. Piô XI, enc. "Casti connubii").”

 

            Truyền sinh là một ân sủng được Thiên Chúa ban tặng cách nhưng không. Đồng thời, đó còn là lời mời gọi thông truyền sự sống, đôi vợ chồng tham dự vào quyền năng sáng tạo và tình phụ tử của Thiên Chúa. Trong khi thi hành bổn phận truyền sinh và giáo dục, đôi vợ chồng biết rằng mình cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa và trở thành những người diễn đạt tình yêu của Người. Do đó, họ sẽ chu toàn bổn phận trong tinh thần trách nhiệm của con người. Điều đó cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của việc truyền sinh, đó là một sứ mạng của Ki-tô hữu. Nói cách cụ thể, việc sinh sản phải được chu toàn trong trách nhiệm.

 

Hiến chế về Mục vụ “Gaudium et Spes” (số 50) cho biết: "Trong khi thi hành bổn phận truyền sinh và giáo dục (điều phải được coi là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng), đôi vợ chồng biết rằng mình cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa sáng tạo và như trở thành những người diễn đạt tình yêu của Người. Do đó, họ sẽ chu toàn bổn phận trong tinh thần trách nhiệm của một con người và của một Ki-tô hữu." Tôn trọng, tuân phục Thiên Chúa, đồng tâm hiệp lực với nhau, đôi bạn sẽ tạo được cho mình một phán đoán ngay thẳng: biết xét đến lợi ích riêng của họ cũng như của con cái đã sinh hay tiên liệu sẽ có, nhận định về các hoàn cảnh vật chất hay tinh thần của thời đại và bậc sống, sau hết biết nghĩ đến lợi ích của gia đình, của xã hội trần gian và của chính Giáo hội.

 

III. Sinh sản có trách nhiệm: 

 

Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản tính qui hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái. Con cái là ơn huệ cao quí nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Khi dựng nên nguyên tổ A-đam, Thiên Chúa đã phán: "Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó." (St 2, 18). Ngay “từ buổi đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ.” (Mt 19, 4), chính Người muốn thông ban cho con người hồng ân được cộng tác vào công việc tạo dựng của Người. Người đã chúc lành cho họ rồi nói: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống tri mặt đất.” (St 1, 28). Do đó, việc thể hiện đích thực tình yêu vợ chồng cũng như toàn thể tổ chức đời sống gia đình đều nhằm giúp đôi vợ chồng can đảm sẵn sàng cộng tác với tình yêu của Ðấng Tạo Hóa, mặc dù không loại bỏ các mục đích khác của hôn nhân. Nhờ đời sống lứa đôi, Thiên Chúa làm cho gia đình Người (Hội Thánh) ngày càng bành trướng và phong phú hơn.

 

Bổn phận truyền sinh và giáo dục phải được coi là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng. Tôn trọng, tuân phục Thiên Chúa, đồng tâm hiệp lực với nhau, họ sẽ tạo được cho mình một phán đoán ngay thẳng: biết xét đến lợi ích riêng của họ cũng như của con cái đã sinh hay tiên liệu sẽ có, nhận định về các hoàn cảnh vật chất hay tinh thần của thời đại và bậc sống; sau hết biết nghĩ đến lợi ích của gia đình, của xã hội trần gian và của chính Giáo hội. Sự phán đoán ấy, sau cùng chính đôi vợ chồng phải chọn lựa lấy trước mặt Thiên Chúa. Trong cách thế hành động, vợ chồng Ki-tô hữu hãy ý thức là mình không thể làm theo sở thích, nhưng phải luôn luôn tuân theo tiếng nói của một lương tâm phải được khuôn đúc theo luật Chúa, hãy vâng phục giáo huấn của Giáo hội, vì Giáo hội có thẩm quyền giải thích luật Chúa dưới ánh sáng Tin Mừng.

 

1- Con cái là ân huệ cao quý nhất của hôn nhân: Vì tình yêu, vợ chồng tự nhiên hướng về việc sinh sản con cái. Con cái là hoa quả và thành tựu của tình yêu vợ chồng, hiện diện ngay trong việc vợ chồng hiến thân cho nhau. Hội Thánh luôn dạy tín hữu rằng: Những hành vi của đôi vợ chồng dùng để kết hợp với nhau trong tình thân mật trong sạch hầu tạo thành và lưu truyền đời sống con người, là những "hành vi cao quí và chính đáng" (Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 49). Ðó là những hành vi hợp pháp, ngay cả trong trường hợp hai vợ chồng có thể đoán trước được là họ sẽ không có hiệu năng sinh sản, vì những lý do ngoài ý muốn của mình. Trong thực tế, kinh nghiệm cho thấy: không phải mỗi hành vi, mỗi giao kết của hôn nhân đều tạo ra được một mầm sống mới. Thiên Chúa khôn ngoan vô cùng đã thu xếp và thiết lập những định luật, những chu kỳ tự nhiên của mầm sống: Chính những chu kỳ ấy có sức giảm bớt số sinh. Tuy nhiên Giáo hội vẫn nhắc nhở loài người phải tuân hành các định luật tự nhiên và các lời giáo huấn của Giáo hội luôn luôn xác định rằng: Hành vi Hôn nhân phải hướng về việc lưu truyền đời sống. Điều đó cho thấy con cái là ân huệ cao quý nhất của hôn nhân.

 

2. Cần phải sinh con có trách nhiệm: Vì được mời gọi thông truyền sự sống, đôi vợ chồng tham dự vào quyền năng sáng tạo và tư cách làm cha làm mẹ cùng với Thiên Chúa (Ep 3, 14; Mt 23, 9). "Trong khi thi hành bổn phận truyền sinh và giáo dục (điều phải được coi là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng), đôi vợ chồng biết rằng mình cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa sáng tạo và như trở thành những người diễn đạt tình yêu của Người. Do đó, họ sẽ chu toàn bổn phận trong tinh thần trách nhiệm của một con người và của Ki-tô hữu" ( x. GS 50,2 ).” (Giáo lý HTCG, số 2367)

 

Giáo hội cũng nhấn mạnh rằng chính lương tâm trong sáng của đôi bạn là mực thước chỉ dạy họ quyết định về số con của mình. Nhờ vâng phục Thiên Chúa và đồng tâm hiệp lực với nhau, hai vợ chồng sẽ tạo được cho mình một phán đoán ngay thẳng. Sự phán đoán ấy, chính đôi vợ chồng phải suy nghĩ trước mặt Thiên Chúa. Khi hành động, các vợ chồng Ki-tô hữu luôn ý thức mình không thể làm theo sở thích, nhưng phải tuân theo tiếng nói của một lương tâm được khuôn đúc theo luật Chúa và giáo huấn của Hội Thánh. Có thể quy kết sự phán đoán của đôi bạn nhắm tới 3 mục tiêu:

 

a- biết xét đến lợi ích riêng của mình cũng như của con cái đã hoặc sẽ sinh ra,

b- biết nhận định về các hoàn cảnh vật chất và tinh thần,

c- biết nghĩ đến lợi ích của gia đình, xã hội và Hội Thánh.

 

3. Những tiêu chuẩn để quyết định sinh sản có trách nhiệm: Sinh sản có trách nhiệm là suy nghĩ kỹ lưỡng và phán đoán chín chắn trước khi quyết định sinh con. Đôi vợ chồng cần suy nghĩ và phán đoán dựa vào các tiêu chuẩn thực tế sau đây:

 

a. Vì lợi ích của chính vợ chồng: Mỗi đứa con chào đời phải củng cố thêm tình yêu và hạnh phúc của vợ chồng, vì đứa con là kết quả của tình yêu tự hiến của họ. Trước khi quyết định sinh con, vợ chồng phải lưu ý đến những yếu tố (sức khỏe của người mẹ, tâm lý, ước vọng tương lai...) hầu giúp mang lại hạnh phúc đích thực cho gia đình.

 

b. Vì lợi ích của con cái: Con cái là ân huệ tốt đẹp nhất của hôn nhân. Sinh một đứa con là tự ý chấp nhận tạo mọi điều kiện để nó có thể sống hạnh phúc, sống xứng đáng với ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa. Do đó, đôi bạn cần lưu ý đến khả năng tài chính, nơi ăn chốn ở, những phương cách giáo dục... và tính toán xem nếu sinh thêm một đứa con, liệu mình có thể nuôi dưỡng và giáo dục nó được chu đáo hay không.

 

c. Vì lợi ích của xã hội và Hội Thánh: Xã hội phát triển là nhờ những phần tử khoẻ mạnh, siêng năng làm việc và có những đức tính cần thiết. Cũng vậy, Hội Thánh chỉ thực sự phát triển khi con cái của mình không những kiên vững về đức tin mà còn trưởng thành về nhân bản nữa. Do đó, sự lượng định về khả năng nuôi dạy và giáo dục con cái trở thành những phần tử hữu ích cho xã hội và Hội Thánh cũng là một tiêu chuẩn mà đôi bạn cần lưu ý khi quyết định về việc điều hòa sinh sản.

 

4. Những vấn  đề liên quan đến quyết định sinh sản có trách nhiệm: Một khía cạnh đặc biệt của trách nhiệm, đó là điều hòa sinh sản. Khi có lý do chính đáng, đôi vợ chồng có quyền kéo dài khoảng cách giữa những lần sinh con. Chính họ phải chứng thực rằng ước muốn đó không do ích kỷ, nhưng xứng hợp với lòng quảng đại chính đáng của bậc làm cha làm mẹ có trách nhiệm. Ngoài ra, họ phải xử sự theo những tiêu chuẩn khách quan của luân lý. Thiết tưởng cũng cần lưu ý đến những vấn đề sau:

 

a. Vấn đề ngừa thai: Nhiều gia đình tự thấy chỉ nên sinh con trong khả năng mình có thể nuôi dạy chúng nên người. Một khía cạnh đặc biệt của trách nhiệm đó là điều hòa truyền sinh. Trong việc kế hoạch hóa gia đình, người Công giáo không được phép sử dụng cách ngừa thai nhân tạo (hủy diệt trứng, tinh trùng; thắt hoặc cắt ống dẫn tinh hoặc buồng trứng…) mà chỉ được sử dụng cách ngừa thai tự nhiên (phương pháp Ogino-Knauss, phương pháp quan sát chất nhờn) khi có lý do chính đáng theo những tiêu chuẩn của Hội Thánh:

 

* Phương pháp Ogino-Knauss: Phương pháp này do hai bác sĩ Ogino người Nhật và Knauss người Áo cùng tìm ra vào các năm 1925-1930. Nó dựa trên chu kỳ kinh nguyệt để xác định ngày rụng trứng, thời gian hoạt động của trứng và tinh trùng.  Sau khi vào âm đạo, tinh trùng có thể sống khoảng 72 giờ. Còn trứng, sau khi rụng, có thể sống khoảng 24 giờ. Căn cứ vào những yếu tố trên, người ta có thể xác định được trong một chu kỳ kinh nguyệt khoảng thời gian nào là có thể thụ thai và khoảng thời gian nào là không thể thụ thai. Nếu chưa muốn có thai thì kiêng giao hợp trong khoảng thời gian có thể thụ thai.

 

* Phương pháp quan sát chất nhờn: Phương pháp này do cặp vợ chồng người Úc John và Evelyn Billings tìm ra, nên còn gọi là phương pháp Billings. Nơi người phụ nữ, việc tiết chất nhờn ở cổ tử cung và âm đạo thường theo một quy trình nhất định. Sau những ngày kinh nguyệt, âm đạo thường khô ráo. Trước khi trứng rụng vài ngày, chất nhờn bắt đầu tiết ra, lúc đầu ít, đục, dẻo; sau đó nhiều, trong, trơn ướt, nhớt, có thể kéo sợi được, giống như lòng trắng trứng gà; đây chính là ngày trứng rụng. Sau đó chất nhờn trở lại đục, dẻo và ít trong vài ngày, trước khi người phụ nữ lại cảm thấy khô ráo ở âm đạo cho đến kỳ kinh lần sau. Nếu chưa muốn có thai, vợ chồng cần kiêng giao hợp trong những ngày có chất nhờn ở âm đạo, nhất là trong ngày chất nhờn có nhiều.

 

Trong thực tế, để tăng cường hiệu quả, người ta thường phối hợp cả hai phương pháp nêu trên (xc. Wikipedia tiếng Việt trên internet).

 

b. Vấn đề phá thai:  Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã xác định phá thai là một tội ác. Giáo huấn ấy bất biến, không hề thay đổi. Trực tiếp phá thai là vi phạm nghiêm trọng luật luân lý. Theo Giáo luật, Hội Thánh ra vạ tuyệt thông cho kẻ phạm tội này. Làm như thế Hội Thánh không có ý giới hạn lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng muốn nhấn mạnh tính cách nghiêm trọng của tội ác đã phạm, sự thiệt hại không thể sửa chữa được đã gây ra cho đứa trẻ vô tội bị giết chết, cho cha mẹ của em và cho toàn xã hội (Giáo lý HTCG, số  2272).

 

c. Những đôi vợ chồng vô sinh: Đôi vợ chồng nào, sau khi đã tận dụng mọi trợ giúp chính đáng của y khoa, vẫn phải chịu nỗi đau khổ vô sinh, được mời gọi liên kết với Thập Giá Chúa Ki-tô là nguồn mạch mọi ơn ích thiêng liêng. Họ có thể sống quảng đại bằng cách nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi, hoặc tham gia những công tác phục vụ tha nhân. Tuy nhiên, những kỹ thuật phá vỡ liên hệ phụ mẫu qua sự can thiệp của một người thứ ba (cho tinh dịch hoặc trứng, cho mượn tử cung) là những hành vi phải bị loại bỏ. Những kỹ thuật như thụ tinh nhân tạo và thụ thai nhân tạo khác nguồn, vi phạm quyền của đứa trẻ phải được sinh ra do cha mẹ đã chính thức kết hôn và quyền được biết cha mẹ là ai. Về mặt luân lý, những kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và thụ thai nhân tạo vẫn không thể được chấp nhận, vì tách rời hành vi tính dục với việc truyền sinh.

 

Kết luận:

 

Tóm lại, “tự bản tính, hôn nhân phải hướng về lợi ích tinh thần và thể xác của đôi bạn và bổn phận sinh dưỡng và giáo dục con cái.” (Giáo luật, số 1055). Hội Thánh đã dạy sinh sản phải có trách nhiệm, nghĩa là khi sinh con, cha mẹ phải lo lắng chăm sóc, dưỡng dục để chúng sống xứng đáng phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa. Do đó, đôi bạn cần suy xét thận trọng về sức khỏe, kinh tế, giáo dục... để có quyết định đúng đắn về việc điều hòa sinh sản. Muốn được vậy, đôi bạn phải có những yếu tố: + Lương tâm ngay thẳng, chân chính; + Tinh thần trách nhiệm cao; + Tuân giữ giáo huấn của Hội Thánh về việc điều hòa sinh sản.

 

Là bậc làm cha mẹ, người Ki-tô hữu hãy học hỏi theo giáo huấn của Giáo hội để cho lương tâm của mình được hướng dẫn theo đường ngay nẻo chính. Nhất là hãy thường xuyên cầu nguyện với Chúa, và siêng năng lãnh các bí tích để nhờ đó học biết yêu thương bằng tình yêu chân thành và quảng đại theo gương Chúa Ki-tô là Đấng hằng luôn đầy lòng thương xót đối với mọi người chúng ta. Ước được như vậy.

 

Ôi! Lạy Mẹ Maria, bình minh của thế giới mới, Mẹ của mỗi người chúng con, chúng con xin phó thác cho Mẹ vấn đề sự sống. Xin cho chúng con được ơn đón nhận Tin Mừng sự sống như một hồng ân luôn mới mẻ, cho chúng con niềm vui cử hành hồng ân ấy với lòng biết ơn trong suốt cuộc đời chúng con. Đồng thời, xin Mẹ cầu bầu cùng Đức Ki-tô Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ ban cho chúng con lòng can đảm làm chứng cho Tin Mừng sự sống cách bền bỉ và tích cực, để cùng với tất cả mọi người thiện chí, xây dựng nền văn minh chân lý và tình yêu, ngõ hầu chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa hằng yêu thương sự sống đến muôn đời. Amen

 

JM. Lam Thy ĐVD.