Chuyện một ngày và chuyện một đời
CHUYỆN MỘT NGÀY VÀ CHUYỆN MỘT ĐỜI
Có thể nói, vấn đề quan trọng mà gia đình Ki-tô giáo ngày hôm nay phải đối diện là vấn đề có hay không một nền tảng hôn nhân. Đó chính là vấn đề cần thấu triệt ý nghĩa và tầm quan trọng của “chuyện một ngày và chuyện một đời” trong hôn nhân như quan niệm người xưa thường nhắc nhở: “đám cưới là chuyện một ngày, hôn nhân là chuyện một đời”, “vợ chồng là chuyện trăm năm”. Có lẽ vì thế mà Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã ấn định chủ đề mục vụ cho năm 2018 là: “ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC GIA ĐÌNH TRẺ”. Đồng thời, HĐGMVN quyết định: “Để giúp các gia đình trẻ sống ơn gọi và sứ vụ hôn nhân mà họ đã thưa trong lời ưng thuận ngày kết ước, các mục tử cần giúp, bằng nhiều cách khác nhau, các đôi bạn và gia đình ý thức lại và sống, cụ thể là, các đề tài sau đây, lần lượt qua từng tháng trong năm 2018:
1. Chuyện một ngày và chuyện một đời (tháng 1/2018).
2. Lời hứa kết hôn (tháng 2).
3. Khi hôn nhân thất bại (tháng 3).
4. Một hôn nhân hạnh phúc (tháng 4).
5. Nguyên nhân sâu xa của một cuộc hôn nhân thất bại (tháng 5).
6. Hôn nhân thực sự là gì? (tháng 6).
7. “Anh nhận Em làm vợ …” (tháng 7).
8. Tự do chứ không bị ép buộc (tháng 8).
9. Trước mặt Chúa (tháng 9).
10. “Để Yêu thương và tôn trọng Em…” (tháng 10).
11. Sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban (tháng 11).
12. Hứa sẽ giữ lòng chung thủy đến suốt đời (tháng 12).
Như vậy chủ đề cần học tập cho tháng 1/2018 là: “Chuyện một ngày và chuyện một đời”. Xin cùng tìm hiểu:
I. CHUYỆN MỘT NGÀY:
A. Hồi tưởng dĩ vãng:
1- Tiếng sét ái tình: Người xưa thường nói “Tiếng sét ái tình” để chỉ trường hợp một người nam bất ngờ gặp một người nữ, thấy trái tim mình bị rung động bởi nhan sắc của nàng. Chàng hướng cái nhìn cuốn hút về nàng và tim cách làm quen. Trước hành động của người nam, thì người nữ cũng rung động như bị “tiếng sét ái tình” và nàng vui vẻ đáp lại sự làm quen của chàng bằng một nụ cười e thẹn. Kể từ đó, người nam chủ động hẹn gặp người nữ để tâm sự. Người nữ cũng bị thu hút bởi người nam và nàng biểu lộ thái độ khiến chàng cảm thấy được tiếp đón bước vào cuộc đời của nàng. Tiếp theo là chàng và nàng sẽ thường hẹn hò đi với nhau đến một nơi ưa thích nào đó.
Sau một thời gian tìm hiểu nhau, họ sẽ cảm thấy hoặc quyết định tiến đến kết hôn với nhau, hoặc không thực sự là người dành cho nhau. Họ sẽ nói chia tay hoặc tiếp tục chỉ là bạn bè nếu như họ thấy không thich hợp làm bạn đời của nhau. Tuy nhiên, nếu đây là dịp hai người cùng cảm thấy đã tìm được “một nửa của đời mình”, thì họ sẽ lên kế hoạch chuẩn bị từng bước cho lễ cưới. Bước tiếp theo đó chính là về chia sẻ với bố mẹ đôi bên để xin được tiến hành lễ đính hôn.
2- Đính hôn: Khi quyết định kết hôn đôi bạn phải suy nghĩ mình đã sẵn sàng để chung sống với nhau suốt đời chưa? Nếu thấy đã thực sự sẵn sàng về điều kiện sức khỏe thể lý, tâm lý, xã hội, điều kiện tài chánh, điều kiện về tình cảm, tâm linh, thì tiến tới lễ đính hôn. Lễ đính hôn là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của xã hội loài người. Đây là giai đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân: cô gái trở thành "vợ sắp cưới" của chàng trai, và chàng trai sau khi mang lễ vật đến nhà gái là đã chính thức xin được nhận làm rể của nhà gái. Lễ đính hôn giữ một vai trò rất quan trọng, đó là sự thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ. Trong lễ này, nhà trai đem lễ vật đến nhà gái, nhà gái nhận lễ (nghĩa là công nhận sự gả con gái của mình), cô gái và chàng trai xem như chính thức đã có nơi có chốn, cả 2 bắt đầu tập gọi song thân của người yêu mình là bố mẹ và xưng con.
Với Ki-tô giáo thì “đính hôn” là thời gian chuẩn bị hôn phối, mà “Chuẩn bị hôn nhân là điều rất quan trọng để lời cam kết của đôi hôn phối trở thành một hành vi tự do và có trách nhiệm, cũng như hôn ước có được nền tảng tự nhiên và siêu nhiên, vững chắc và lâu dài.” (Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1632); “Trong thời gian thử thách này, họ học biết tôn trọng lẫn nhau, tập chung thủy và hy vọng được đón nhận nhau như quà tặng của Thiên Chúa. Họ sẽ dành những hành động biểu lộ tình yêu vợ chồng cho nhau sau ngày thành hôn.” (Giáo lý HTCG, số 2350). Trong bài giáo lý về “Hôn nhân gia đình” (giảng ngày 27/5/2016 tại quảng trường thánh Phê-rô), ĐTC Phan-xi-cô đã giải thích rõ ràng về vấn đề này: Đính hôn là thời gian của tăng trưởng; Đính hôn là thời gian của trách nhiệm; Đính hôn là thời gian của ân sủng.
B. Chuyện một ngày – quyết định kết hôn:
Đối với một đôi bạn Ki-tô hữu đính hôn, họ vốn biết và hiểu hôn nhân là thiêng thánh, thì họ sẽ muốn đám cưới của họ được cử hành trang trọng trong nhà thờ bởi một linh mục. Ngày đám cưới đánh dấu thời gian đính hôn và tìm hiểu nhau chấm dứt, mộng ước sống chung của hôm qua nay đã thành tựu. Những người thân trong gia đình và bạn bè chúc mừng đôi tân hôn “trăm năm hạnh phúc”. Sau đám cưới, đôi tân hôn sống tuần trăng mật, khởi đầu cho câu chuyện hôn nhân trải dài trong suốt cuộc đời. Theo truyền thống văn hoá Việt Nam, lời cầu chúc “trăm năm hạnh phúc” mang ý nghĩa một gia đình hạnh phúc “trên thuận dưới hoà, vợ chồng yêu thương nhau, con cái hiếu thảo”.
Tuy nhiên, đối với Ki-tô giáo, một gia đình hạnh phúc còn phải là một gia đình có Chúa Giê-su ở cùng, bởi vì Người chính là tình yêu nối kết tất cả gia đình (“Ơn Đức Giê-su Ki-tô ban khi cử hành bí tích Hôn phối theo sát đôi bạn trong suốt cả đời sống. Người “còn ở lại với họ để hai vợ chồng cũng mãi mãi trung thành yêu thương nhau bằng sự tự hiến cho nhau như Người đã yêu thương Hội Thánh và đã nộp mình vì Hội Thánh. Khi chu toàn sứ mạng hôn nhân và gia đình của họ với sức mạnh của bí tích này, họ được đổ tràn tinh thần của Đức Ki-tô, nhờ đó tất cả đời sống của họ thấm nhuần đức tin, đức cậy, đức mến và càng ngày họ càng tiến tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hoá lẫn nhau; và bởi đó, họ cùng nhau góp phần tôn vinh Thiên Chúa.” – Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio”, số 56).
II. CHUYỆN MỘT ĐỜI:
1- Hôn nhân biến chuyển: Hôn nhân biến chuyển khi chúng ta nhận ra chương trình của Thiên Chúa trong những thời khắc thường nhật (“Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình yêu.” – 1Ga 4, 7-8).
Nhờ bí tích hôn phối, đôi bạn có cơ hội thảo luận với nhau những điều họ mong chờ từ người bạn đời đến cuộc sống chung; từ đó họ hiểu thế nào về tình yêu, về lời cam kết và trách nhiệm xây dựng một gia đình. Tuy đã có sự tìm hiểu cặn kẽ về hôn nhân theo Giáo luật Hội Thánh và đồng ý kết hôn; nhưng cũng thật cần thiết giúp đôi bạn tìm hiểu trước những vấn đề và khó khăn có thể xảy ra trong đời sống hôn nhân và gia đình.
2- Những khó khăn thách đố: Qua nghi lễ kết hôn, hai người nhận lãnh quyền và nghĩa vụ đánh dấu khởi đầu cuộc sống gia đình. Họ trở thành là vợ, là chồng của nhau. Rồi vợ mang thai sinh con trở thành mẹ, đồng thời chồng trở thành bố. Cả hai rồi sẽ thành ông, thành bà khi con cái họ lớn khôn lập gia đình và có con. Họ cùng nhau đối diện với những khó khăn của cuộc sống và tìm cách vượt qua các trở ngại dọc theo thời gian. Lễ cưới đã kết thúc và nhường chỗ cho những khởi đầu mới sống yêu thương cho đến mãn đời. Đôi bạn cần có dự phóng chung cho một cuộc sống hôn nhân - gia đình, vì từ nay họ không còn là người độc thân nữa. Họ phải chọn nơi chốn cho tổ ấm, cùng quyết định có bao nhiêu con, đồng thời xem xét ngân khoản thu nhập để lo liệu xây dựng, chăm sóc gia đình.
Tuy đã có sự tìm hiểu cặn kẽ về hôn nhân theo Giáo luật Hội Thánh và đồng ý kết hôn; nhưng cũng thật cần thiết giúp đôi bạn tìm hiểu trước những vấn đề và khó khăn có thể xảy ra trong đời sống hôn nhân và gia đình. Tông huấn Niềm vui Yêu thương “Amoris Lætitia” (số 33) đã giải thích: “Giá trị cao đẹp của Bí tích hôn nhân Ki-tô giáo đang đối diện với bao thách đố của thời đại ngày hôm nay, những thách đố nhằm gạt bỏ giá trị cao đẹp của hôn nhân và nhất là loại bỏ đặc tính bí tích ra khỏi cấu trúc hôn nhân, để rồi hôn nhân đơn thuần chỉ là một cuộc “ăn ở” của hai người thích nhau. Những thách đố đó nảy sinh từ một ý thức hệ văn hóa bị chi phối bởi cuộc cách mạng tình dục trong thế kỷ qua, và nhất là bị ảnh hưởng bởi một lối sống thực dụng hưởng thụ. Ngoài ra, những thách đố này còn phát sinh từ những sự thay đổi sâu xa về xã hội, cuộc khủng hoảng lớn về kinh tế, nhất là cuộc khủng hoảng lớn về cuộc sống gia đình.” Có thể kể ra những thách đố:
1- Thách đố về trách nhiệm của Gia đình: Bị chi phối bởi chủ nghĩa đề cao tự do cá nhân, các thành viên trong gia đình đánh mất dần sự gắn bó với nhau. Những giây phút gặp gỡ chung trong gia đình càng ngày càng hiếm hoi.
2- Thách đố về sự sống: Bị hạn chế bởi sinh đẻ kế hoạch hóa. Ngoài ra do bị ảnh hưởng trào lưu sống hưởng thụ, người ta ngại sinh con. Con cái trở nên một chướng ngại cho đời sống riêng tư của vợ chồng. Bởi đó các cặp vợ chồng đã không ngần ngại dùng mọi biện pháp hạn chế sinh nở như ngừa thai, hay phá thai với đủ mọi thứ lý do: không đủ khả năng để chăm lo con cái, kinh tế chưa cho phép v.v... Hoặc lấy lý do về việc khủng hoảng dân số trên địa cầu để đề ra hoặc khuyến khích kế hoạch hoá việc sinh nở.
3- Thách đố về vai trò giáo dục của cha mẹ: Ngày nay, vì vấn đề sinh kế, cả chồng lẫn vợ đều phải đi làm suốt ngày suốt tuần, thậm chí còn đi làm xa ít có dịp họp mặt chung trong gia đình. Ngoài ra, quan điểm duy thế tục đang thịnh hành trong xã hội ngày nay thường coi nhẹ vai trò người mẹ, không coi nó như một ơn gọi bản thân, nó thường bị đánh giá thấp. Điều này khiến cho việc ly thân, ly dị trở nên như một trào lưu khiến cho nền tảng hôn nhân bị phá vỡ, gia đình tan nát, con cái khổ sở.
Cộng đồng Ki-tô hữu cần nhìn nhận lợi ích lớn lao chính họ nhận được từ việc giúp đỡ các cặp đính hôn trong yêu thương, ngõ hầu giúp giới trẻ khám phá ra phẩm giá cao đẹp của hôn nhân. Họ nên được giúp đỡ để nhận thức rõ sự quyến rũ của một kết hợp hoàn toàn, một sự kết hợp nhằm nâng cao và hoàn thiện chiều kích xã hội của nhân sinh. Ngoài ra, cũng nên nhiệt thành giúp đỡ các bạn trẻ hiểu được những trở ngại, thách đố trong hôn nhân, cần phải vượt qua. Đừng quên rằng “những người được chuẩn bị tốt nhất cho đời sống hôn nhân là những người đã học được từ chính cha mẹ của họ thế nào là hôn nhân Ki-tô giáo.” (Tông huấn “Amoris lætitia”, số 208). Để có thể thực hiện được điều đó, mỗi người Ki-tô hữu khi chọn đời sống gia đình phải tìm lại ý nghĩa đích thực của Bí tích Hôn nhân, và phải cử hành Bí tích nầy với một thái độ bừng sáng đức tin.
III - CHUYỆN CẢ ĐỜI - VĨNH HÔN: Hôn nhân biến đổi khi chúng ta sẵn sàng yêu thương bền bỉ không vì người bạn đời của mình thay đổi mà vì ta đang tiến triển trong mối quan hệ với Thiên Chúa (“Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.” – 1Ga 4, 11-12).
Khi yêu thương nhau, đôi bạn sẽ thấy hôn nhân được thành lập bởi một “kết ước” hay một “giao ước” giữa một người nam và một người nữ. Sự kết ước này phải được thực hiện bởi sự "ưng thuận" của đôi bạn với ý chí tự do. Giáo luật xác định đó là một kết ước giữa hai người khác phái, chứ không thể giữa hai người đồng phái. Sự kết ước này là vĩnh viễn, bất khả thu hồi, là hình ảnh hay Bí tích của Giao Ước tình yêu giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh (x. Ep 5, 25-26).
Đôi bạn kết hôn là để thực hiện cuộc sống chung mà họ sẽ hiệp thông thân mật với nhau trọn cả cuộc sống trong một gia đình. Vì thế, “Các gia đình hãy quảng đại san sẻ cho nhau những của cải thiêng liêng. Như thế, mỗi gia đình Ki-tô hữu xuất phát từ hôn nhân, một hôn nhân như là hình ảnh và nói lên sự tham dự giao ước yêu thương giữa Chúa Ki-tô và Giáo Hội, nên sẽ biểu hiện trước mặt mọi người sự hiện diện sống động của Ðấng Cứu Thế trong thế giới và bản chất đích thực của Giáo Hội qua tình yêu, qua niềm quảng đại chấp nhận sinh sản con cái, qua sự hiệp nhất và trung tín của hai vợ chồng cũng như qua sự hợp tác thân ái của mọi thành phần trong gia đình.” (Hiến chế về Mục vụ “Gaudium et Spes”, số 48).
KẾT LUẬN:
Tóm lại, người bạn trẻ Ki-tô hữu ngày hôm nay hãy để cho Thiên Chúa sống trong bạn, để tình yêu của Người trở nên hữu hình trong thế giới. Có thể vợ chồng bạn tuy có gặp nhiều thuận lợi trong cuộc sống lứa đôi; nhưng phải chân nhận một điều là cũng không thiếu những trở ngại thách đố trong hôn nhân. Nhưng hôn nhân của bạn sẽ biến chuyển tốt hơn khi có chọn lựa trong ánh sáng quan hệ gắn bó với Chúa Ki-tô, một quan hệ lớn lao hơn rất nhiều so với hôn nhân của bạn. Người bạn đời khi ấy sẽ nhận ra bạn đang thay đổi và cũng sẽ thay đổi theo. Ngoài ra, cộng đồng Ki-tô hữu cần nhìn nhận lợi ích lớn lao chính họ nhận được từ việc giúp đỡ các cặp đính hôn trong yêu thương, ngõ hầu “giúp giới trẻ khám phá ra phẩm giá cao đẹp của hôn nhân. Họ nên được giúp đỡ để nhận thức rõ sự quyến rũ của một kết hợp hoàn toàn, một sự kết hợp nhằm nâng cao và hoàn thiện chiều kích xã hội của nhân sinh.” (Tông huấn “Amoris Lætitia”, số 205).
Đừng quên rằng những người được chuẩn bị tốt nhất cho đời sống hôn nhân là những người đã học được từ chính cha mẹ của họ thế nào là hôn nhân Ki-tô giáo. Để có thể thực hiện được điều đó, mỗi Ki-tô hữu khi chọn đời sống gia đình phải tìm lại ý nghĩa đích thực của Bí tích Hôn nhân, và phải cử hành Bí tích nầy với một thái độ bừng sáng đức tin. Muốn đạt ước nguyện, hãy chạy đến với Mẹ Maria để được chiêm ngưỡng tấm gương chói lọi: Thánh Gia Thất, như Thư Chung 2016 của HĐGMVN kêu mời: “Chúng ta hãy “đem Mẹ về nhà” (Ga 19, 27) và yêu mến Mẹ với trọn tình con thảo. Noi gương Mẹ, hãy vững tin vào Chúa mọi nơi mọi lúc vì “không có gì mà Chúa không làm được” (Lc 1, 37). Cùng với Mẹ, hãy tích cực góp phần thực hiện điều mà Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô gọi là “cuộc cách mạng của tình yêu và sự dịu dàng” ngay trong gia đình mình, trong cộng đoàn Hội Thánh và giữa lòng xã hội hôm nay. Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Tổng Hơp: