Lời hứa kết hôn
LỜI HỨA KẾT HÔN
Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio” (số 12) khẳng định: “Sự hiệp thông yêu thương giữa Thiên Chúa và loài người, tức nội dung căn bản của mạc khải và của kinh nghiệm sống đức tin nơi dân Ít-ra-en, được diễn tả cách đầy ý nghĩa trong giao ước ngày cưới giữa người nam và người nữ. Chính vì thế mà những từ ngữ chính yếu trong mạc khải như “Thiên Chúa yêu thương dân Ngài”, đều được phát biểu dựa theo những từ ngữ sống động và cụ thể mà người nam và người nữ dùng để diễn tả tình yêu vợ chồng của họ. Dây liên kết tình yêu của họ trở thành hình ảnh và biểu tượng cho giao ước nối kết Thiên Chúa với dân Ngài.”
Đã gọi là Giao ước, tất nhiên phải có sự cam kết và lời hứa từ hai phía (“người nam” và “người nữ”) trong hôn nhân. Vì thế, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ấn định chủ đề mục vụ cho tháng 2/2018 là “Lời hứa Kết hôn”. Xin cùng tìm hiểu:
I. ĐỊNH CHẾ HÔN NHÂN:
Hiến chế về Mục vụ “Gaudium et Spes” (số 48) đã giải thích: “Thiên Chúa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Ðời sống chung này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội nữa. Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã hội, nên sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc sở thích của con người.”
Quả thật hôn nhân là một định chế có từ khi Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ và phán truyền: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.” (St 1, 28). Vì thế, hôn nhân đã được Kinh Thánh đề cập đến ngay từ những trang đầu (St 1, 27-28; 2, 18-25), cho đến những trang cuối, hình ảnh hôn nhân lại được Kinh Thánh nhắc đến (Kh 21, 2-9). Điều đó cho thấy, hôn nhân không phải chỉ là một định chế thuần tuý của con người, mà trước hết còn nằm trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Hôn nhân là một giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ, với ý thức tự do và trách nhiệm, để sống yêu thương và giúp đỡ nhau trong tình nghĩa vợ chồng; để sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ.
Nguồn gốc của hôn nhân chính là Thiên Chúa. Sách Sáng thế diễn tả một cách thật cụ thể về việc kết hiệp vợ chồng: “Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống. Thiên Chúa phán: “Đàn ông ở một mình không tốt, Ta hãy tạo dựng cho nó một trợ tá giống như nó”. Vậy Thiên Chúa khiến cho A-đam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Người lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ A-đam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến với con người. A-đam liền nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã dược rút từ đàn ông ra.” Bởi thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một một xương một thịt.” (St 2, 7.18.21-24).
Đối với người Công giáo, khi đôi bạn thực hiện hôn nhân và gia đình theo ý định của Thiên Chúa, thì hôn nhân chính là một hành trình dẫn đến Thiên Chúa, để vui hưởng hạnh phúc bên nhau và trong vòng tay Thiên Chúa. Nói cách cụ thể, mục đích của Thiên Chúa khi tạo dựng, là làm cho con người được yêu thương và hiệp nhất với Người trong hạnh phúc đời đời. Chính “Sự hiệp thông nhân vị này được củng cố, được thanh luyện, và hoàn thiện nhờ bí tích Hôn Phối đem lại sự hiệp thông trong Đức Ki-tô. Sự hiệp thông này càng thâm sâu hơn nhờ cùng chia sẻ một đức tin và cùng đón nhận Mình Thánh Chúa.” (Giáo lý HTCG, số 1644).
II. VÌ SAO CÓ LỜI HỨA KẾT HÔN?
Giáo luật (Điều 1055) cho biết: “Do giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống; tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái; Chúa Ki-tô đã nâng giao ước hôn nhân giữa hai người đã được Rửa Tội lên hàng bí tích. Vì thế, giữa hai người đã được Rửa Tội không thể có khế ước hôn nhân thành sự, nếu đồng thời không phải là bí tich.” Như vậy, hôn nhân là một Bí tích, đồng thời cũng là một Giao ước (Kết ước):
1- Hôn nhân là một Bí tích: Bí tích là dấu chỉ con người có liên quan đến Thiên Chúa, mà chính Chúa Giê-su là Ðấng làm chủ. Giáo lý HTCG (số 1131-1134) đã giải thích về Bí tích: “Các bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Chúa Ki-tô thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh. Qua các bí tích, Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống thần linh. Các nghi thức hữu hình dùng để cử hành bí tích, biểu thị và thực hiện ân sủng riêng của từng bí tích. Các bí tích sinh hiệu quả nơi những người lãnh nhận hội đủ điều kiện. Hội Thánh cử hành các bí tích với tư cách là cộng đoàn tư tế được phân nhiệm theo chức tư tế cộng đồng và chức tư tế của thừa tác viên có chức thánh… Đời sống bí tích phát sinh hiệu quả cho cá nhân cũng như cho Hội Thánh: vừa giúp các tín hữu sống cho Thiên Chúa trong Đức Ki-tô Giê-su; vừa giúp Hội Thánh tăng trưởng trong đức mến và trong sứ mạng làm chứng.”
Bí tích hôn nhân khác với các Bí tích khác. Điểm khác biệt ấy là đôi tân hôn trực tiếp trao ban Bí tích cho nhau, linh mục chủ tế chỉ chứng giám và chúc lành. Nói cách cụ thể, chính Chúa Giê-su là Ðấng trực tiếp ban tình yêu của Người làm cho đôi tân hôn sẽ trở nên một với nhau suốt đời “với Người và trong Người”. Sự nên một này rất thiêng liêng. Một hôn nhân bình thường (không Bí tích), hai người vẫn là vợ chồng thật sự suốt đời, nhưng dù có chung giường chung gối, ban cho nhau trọn vẹn thân xác mình, họ cũng vẫn cứ là hai, chưa nói đến sự đồng sàng dị mộng (chung giường khác mộng), hoặc khi gặp gian nan, vẫn rã rời tơi tả, không thể nên một như chim liền cánh, cây liền cành. Chỉ có trong Thánh Tâm Chúa Giê-su mới làm cho hôn nhân nên một với nhau, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng nhau, khăng khít với nhau suốt đời.
2- Hôn nhân là một Giao ước: Theo từ nguyên, Giao ước là “cam kết với nhau về những điều mỗi bên sẽ làm”. Vì thế, về mặt pháp lý tự nhiên thì hôn nhân phải có lời hứa, có chữ ký, và có người làm chứng. Còn đối với những tín hữu đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, thì cuộc sống của họ như thánh Phao-lô nói: "Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Ki-tô sống trong tôi." (Gl 2, 20). Hiển nhiên họ đã được ơn nên một với Chúa Giê-su, thì khi thề hứa yêu nhau, họ không thề hứa bằng trái tim hạn hẹp của họ mà bằng Trái tim Chúa Giê-su ở trong họ, nếu họ vững lòng tin cậy mến. Cũng vì mầu nhiệm này (mầu nhiệm ám chỉ về Ðức Hôn phu Ki-tô và Hiền thê Hội Thánh), mà lời thề hứa của đôi tân hôn sẽ tồn tại vĩnh viễn trong quyền năng Ðấng hằng hữu.
Vì Hôn nhân là một Bí tích, đồng thời cũng là một Giao ước; nên tất nhiên khi cử hành Hôn phối hai bên nam nữ phải có những lời thề hứa trao đổi với nhau thì hôn nhân mới thành sự. Do đó, câu: "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly" (Mt 19, 6) không còn là một lời răn đe, mà là một lời khuyến cáo đầy yêu thương: "Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Thầy sẽ bảo đảm cho anh em, dù qua khó khăn nào, tuổi tác nào, anh em vẫn được sống trong tình yêu của Thiên Chúa trong Trái Tim Thầy cho đến hết đời." (Ga 15, 9-12…).
Suy niệm kỹ Lời dạy của Đức Ki-tô như nêu trên, sẽ thấy rõ ràng đó là Lời của Đấng Bản quyền trong vai trò Hôn phu hứa với Hiền thê của mình (Giáo hội). Là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại, Đức Giê-su không những đã thi hành sứ vụ bằng những hành động cụ thể, bằng chính cả mạng sống của minh; mà còn hứa dành phần thưởng đích thực cho những môn đệ, và nói chung là những tín hữu đi theo Người. Vậy thì các đôi tân hôn trao đổi với nhau những lời thề hứa trước đại diện của Chúa và Giáo hội (vị linh mục chủ tế và cộng đồng dân Chúa) là điều tất nhiên, khỏi cần bàn cãi.
III. NHỮNG LỜI THỀ HỨA TRONG HÔN NHÂN:
Cũng vì Hôn nhân là một Bí tích (liên quan trực tiếp đến Thiên Chúa, cụ thể là Đức Giê-su, như hôn ước giữa Đức Ki-tô với Hội Thánh), đồng thời hôn nhân cũng là một Giao ước (có sự kết ước với nhau giữa 2 người nam nữ); nên trong khi tiến hành hôn nhân, đôi bạn sẽ thề hứa, cam kết với nhau những điều khoản do bản thân mình thực hiện. Nghi thức cử hành bí tich hôn phối được thực hiện sau bài giảng của chủ tế trong Thánh lễ Hôn phối. Khi đến phần thề hứa, chủ tế đọc: “Vậy bởi vì các con (anh chị) đã quyết định kết hôn với nhau, các con (anh chị) hãy cầm tay nhau và nói lên sự ưng thuận của các con (anh chị) trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh Người.”
Ðôi tân hôn bắt tay nhau hoặc cầm tay nhau, rồi tuyên hứa:
* Bên nam hứa: “Anh là X… xin nhận em T… làm vợ của anh và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày cho đến suốt đời anh.”
* Bên nữ hứa: “Em là T… xin nhận anh X… làm chồng của em và hứa giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày cho đến suốt đời em.”
Việc đôi tân hôn nam nữ “vừa là những người cử hành và vừa là những người lãnh nhận Bí tích Hôn Nhân” mang một ý nghĩa sâu xa và cao cả, vì thế lời hứa của họ dành cho nhau được coi như một lời tuyên thệ trước Thiên Chúa và Giáo hội (vị chủ tế Thánh lễ đại diện). Qua sự kiện ấy, cả hai người muốn nói lên rằng tình yêu và sự chung thủy mà họ dành cho nhau là một sự nhắc nhở và là một biểu tượng sống động cho tình yêu vô biên của Đức Giê-su, Đấng đã yêu thương nhân loại cho đến chết. Vì giao ước hôn nhân Công Giáo là một Bí tích thánh (“Sacramentum”), tức một thực tại do chính Thiên Chúa thiết lập, nên mang tính chất bền vững và bất khả tháo gỡ.
IV. THỰC HÀNH LỜI THỀ HỨA:
Điều kiện của tính chất không thể thu hồi được hay bất khả tháo gỡ của hôn nhân Công Giáo là họ phải được kết hôn trong Chúa, tức hôn nhân phải hợp pháp, được cả hai người hoàn toàn tự do đồng thuận, thành sự, được Giáo hội chứng giám và đại diện Chúa chúc phúc. Ở điểm này cần nhấn mạnh thêm rằng, sự chung thủy suốt đời không chỉ là một lý tưởng Ki-tô giáo, nhưng còn là một điều mơ ước và là mục đích thực sự của tất cả những đôi vợ chồng thương yêu nhau chân thành. Đây là điều mà các cuộc thăm dò dư luận nơi các tầng lớp trong đại chúng đã chứng minh một cách cụ thể. Đó chính là mục đích mà đôi tân hôn trao đổi với nhau qua lời thề hứa.
Nếu người nào đó nhìn thấy đôi vợ chồng Công giáo đầy lòng thương yêu và chung thủy với nhau, người ấy sẽ nghĩ ngay tới tình yêu vô biên và lòng trung thành tuyệt đối của Thiên Chúa. Lời thề hứa hôn nhân Công giáo khi cử hành hôn lễ “thương yêu và tôn trọng nhau mọi ngày cho đến suốt đời” không chỉ muốn nói đến thời gian sống của đôi vợ chồng trong cuộc sống đời này, nghĩa là hôn ước của họ chỉ chấm dứt khi một trong hai người qua đời. Lời hứa hôn nhân Công giáo ấy còn mang một chiều kích thâm sâu hơn: Hôn nhân Công giáo được xây dựng trên nền móng chắc chắn là Thiên Chúa Tình Yêu, nên luôn bền vững, hoàn toàn không có bất cứ nguyên nhân ngoại tại nào có thể xóa bỏ hay làm lung lay được, ngoại trừ sự chết. Cũng như sự chết, tình yêu tự bản chất là một thực tại mang tính cách dứt khoát và thực tiễn.
Vấn đề nói lên lời thề hứa trong Thánh lễ đối với các cặp tân hôn tưởng chừng như dễ dàng, nhưng thực sự là rất khó khăn. Kẻ viết bài này đã từng đi dạy giáo lý hôn nhân cho các bạn trẻ. Sau bài giảng là giờ thảo luận nhằm tìm ra những bài học của những người đi trước để rút đúc kinh nghiệm cho bản thân thực hành. Thường thì các bạn trẻ coi lời hứa trong Thánh lễ Hôn phối chỉ là những nghi thức bắt buộc phải nói lên mà thôi; ngoài ra, ít có bạn nào hiểu được đó là lời thề hứa (tuyên thệ + hứa hẹn), mà một khi đã là lời thề hứa thì vấn đề thực hành phải đặt lên hàng đầu. Thề mà không giữ lời thề, tức không thực hành, thì cũng kể như không. Chẳng khác gì “Đức tin mà không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17). Hơn thế nữa, cũng như pháp luật trên đời “nếu ai tuyên thệ trước tòa án mà không giữ là người có trọng tội trước pháp luật”, người Ki-tô hữu thề hứa trong hôn nhân mà không giữ và thực thi lời thề, là người mang trọng tội trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh.
Đôi tân hôn cần phải ý thức trách nhiệm trước Thiên Chúa và Hội Thánh cũng như xã hội “vợ với chồng là một” (“mình với ta tuy hai mà một” – tục ngữ VN). Đã là một thì họ luôn nghĩ về mình và quy chiếu về người phối ngẫu của mình, không bao giờ hình dung mình là một thực thể biệt lập. Họ luôn coi thành công của người này cũng là thành công của người kia, thất bại của người này cũng là thất bại của người kia. Cả hai đã hứa thuộc về nhau, thì không còn chỉ thuộc về cá nhân mình nữa. Họ cùng sống và chung sống với nhau, sống cho nhau. Họ cùng nghĩ và hành động thống nhất. Trách nhiệm chủ yếu của họ là duy trì và bảo vệ sự hợp nhất và thống nhất trong suy nghĩ, lời nói và việc làm như một đôi vợ chồng sống trong ơn nghĩa của Chúa, khăng khít như Hiền thê Giáo hội và Hôn phu Giê-su Ki-tô.
KẾT LUẬN:
Tóm lại, vì hôn nhân là một Giao ước, đồng thời cũng là một Bí tích, nên về mặt pháp lý tự nhiên thì phải có lời hứa, có chữ ký, và có người làm chứng. Còn về những kẻ tin đã chịu Bí tích Rửa tội, thì cuộc sống của họ như thánh Phao-lô nói: "Tôi sống nhưng không phải tôi, mà là chính Ðức Ki-tô sống trong tôi." (Gl 2, 20). Hiển nhiên họ đã được ơn nên một với Chúa Giê-su, thì khi thề hứa yêu nhau, họ không thề hứa bằng trái tim hạn hẹp của họ mà bằng Trái tim Chúa Giê-su ở trong họ. Chính lúc ấy Chúa Giê-su lấy tình yêu của Trái Tim Người bảo đảm cho lời giao ước của họ được bền vững suốt đời. Cho dù đời có lúc đổi thay, Trái Tim Chúa Giê-su lúc nào cũng trung tín (2Tm 2, 13). Người sẽ chữa lành họ trong mọi cơn sóng gió của gia đình, để hạnh phúc của họ luôn tươi vui ấm áp.
Chính vì mầu nhiệm hôn phối ám chỉ mầu nhiệm Ðức Hôn phu Giê-su Ki-tô với Hiền thê Giáo hội, mà lời thề hứa của đôi tân hôn không còn là một công thức suông, mà sẽ tồn tại vĩnh viễn trong quyền năng Ðấng hằng hữu. Để giúp các đôi tân hôn nắm vững vấn đề, ngõ hầu tiến hành lễ kết hôn trọn hảo, người dạy Giáo lý Hôn nhân (Giáo lý viên) phải thấm nhuần Mầu nhiệm Kết ước Hôn phối này trước đã, phải cầu nguyện liên lỉ, và phải chỉ dẫn cho các đôi nam nữ, rồi cùng với họ cầu nguyện suốt trong thời gian học giáo lý để được ơn chuẩn bị hôn nhân ở trong Chúa Giê-su. Ðến khi họ tiến hành ban Bí tích cho nhau, họ mới ý thức, sẵn sàng mở lòng ra để đón nhận tình yêu của nhau trong Tình yêu Thiên Chúa. Và khi họ tuyên đọc lời thề hứa và trao nhẫn cho nhau không phải nhân danh 2 người, mà là nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ước được như vậy.
Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích cao trọng thánh hóa tình nghĩa vợ chồng, để hôn nhân tượng trưng cho sự kết hợp nhiệm mầu giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh. Xin cho các tín hữu Chúa đây là anh (ông) X. và chị (bà) T., biết thực hiện trong cả đời sống ý nghĩa sâu xa của Bí tích Hôn nhân họ sắp cử hành. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ Thánh lễ Hôn Phối).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: