Sứ điêp Mùa Chay
SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2018 (Tài liệu học tập)
Năm nào cũng vậy, cứ đến Mùa Chay là Đức Giáo hoàng lại ban hành sứ điệp để hướng dẫn Giáo hội sống đúng tinh thần Ki-tô giáo, nói cụ thể là sống đúng Giáo luật và Giáo lý Hội Thánh Công Giáo. Ví dụ: Sứ điệp Mùa Chay năm 2015 có chủ đề là: "Anh chị em hãy củng cố tâm hồn” (Gc 5, 8); năm 2016 có chủ đề: ”Ta muốn Lòng Thương xót chứ không muốn hy tế” (Mt 9, 13); năm 2017 có chủ đề: “Ki-tô hữu được kêu gọi hết lòng trở về cùng Thiên Chúa” (Ge 2, 12). Năm nay (2018), Đức Thánh Cha ban hành Sứ điệp Mùa Chay vào ngày 01/11/2017 với chủ đề: “Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi” (Mt 24, 12).
1- Hỏi: Mục đích Ðức Thánh Cha ban hành Sứ điệp Mùa Chay là gì?
Đáp: Theo “Những Quy luật tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên lịch – Normæ de Anno liturgico et Calendario” (số 27) định nghĩa Mùa Chay là: “Phụng Vụ Mùa Chay nhằm giúp các dự tòng và các tín hữu chuẩn bị cử hành Lễ Vượt Qua. Các dự tòng được chuẩn bị qua những giai đoạn khác nhau của việc nhập đạo, còn các tín hữu thì qua vịêc tưởng niệm bí tích Thánh Tẩy và việc sám hối.” Sách Giáo lý HTCG (số 540) thì giải thích: “Hằng năm, bằng 40 ngày Mùa Chay, Hội Thánh kết hiệp với mầu nhiệm Đức Giê-su trong hoang địa.”
Nói chung, đối với người Ki-tô hữu thì Mùa Chay là mùa nhắc nhớ 40 năm hành trình trong sa mạc của dân Do Thái tìm về Đất Hứa (Ds 33, 1-56), 40 ngày Chúa Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu Sa-tan cám dỗ (Mt 4, 1-11). Với Ki-tô hữu thì con số 40 ngày Mùa Chay là thời gian đi vào hoang địa tâm hồn, thinh lặng để chuẩn bị gặp gỡ Chúa Ki-tô. Đây là thời gian phụng vụ cao điểm thuận tiện thích hợp cho các Ki-tô hữu noi gương Đức Ki-tô dùng 40 ngày để ăn năn đền tội và dấn thân phục vụ anh chị em. Tắt một lời: Mùa Chay là thời gian Giáo hội mời gọi người tín hữu sám hối và canh tân con người của mình với hy vọng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô.
Nói theo Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô trong phần mở đầu Sứ điệp thì đó là thời gian “hoán cải”: “Trong việc chuẩn bị của chúng ta cho mùa Phục Sinh, Thiên Chúa trong sự quan phòng của Ngài, trao ban cho chúng ta mỗi năm một mùa Chay như là “dấu chỉ bên ngoài cuộc hoán cải của chúng ta”. Theo từ nguyên, “hoán cải” là thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, nhưng vì sao mà phải hoán cải? Chính là vì trong hiện tại, thế giới nói chung đang chìm ngập trong vũng lầy tội lỗi, con người bị tha hóa nên xói mòn nhân đức; nói cách khác, “Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi”. Và vì thế, Giáo hội kêu gọi con cái mình sống lại kinh nghiệm hành trình 40 năm trong sa mạc để tìm về Đất Hứa của người Do Thái và nhìn lại quá khứ luôn bằng cái nhìn mới mẻ, để có được một sự hoán cải đích thực trong “sám hối và canh tân”.
2- Hỏi: Sứ điệp gồm bao nhiêu điều khoản, tập trung vào những đề mục nào?
Đáp: Hiện tình thế giới hiện nay giống hệt như thời điểm cánh chung mà Thánh Kinh đã tiên liệu dựa theo Lời dạy của Đức Ki-tô ("Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết. Và bấy giờ sẽ là tận cùng." – Mt 24, 14). Vì thế, trọng tâm của Sứ điệp “xuất phát từ Lời của Chúa Giê-su trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu: “Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi” (Mt 24, 12).
Trước cuộc khổ nạn, Đức Ki-tô đã giảng trên núi Cây Dầu ở Giê-ru-sa-lem về thời cánh chung: “Trong lúc trả lời câu hỏi của các môn đệ, Chúa Giê-su tiên báo về cuộc khổ nạn lớn lao và mô tả tình cảnh ấy trong cộng đoàn tín hữu mà họ có lẽ dễ tìm thấy: Giữa muôn vàn thử thách lớn lao, các ngôn sứ giả sẽ lèo lái dân vào con đường sai lạc và tình yêu vốn là điều cốt lõi của Tin Mừng lại ngày càng trở nên lạnh nhạt trong lòng nhiều người.” (Sứ điệp MC 2018). Từ nền tảng đó, Đức Thánh Cha dàn trải thành nội dung sứ điệp bao gồm 4 tiết mục:
3- Hỏi: Tiết mục 1 là vấn đề gì?
Đáp: Đó là tiết mục ĐTC đề cập đến Lời dạy của Đức Ki-tô về thời cánh chung sẽ có nhiều “Những ngôn sứ giả”: "Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh em, vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính Ta đây là Đấng Ki-tô", và họ sẽ lừa gạt được nhiều người.” (Mt 24, 4-5). ĐTC giải thích rất rõ về vụ này:
“Họ có thể xuất hiện như những “người quyến rũ xảo quyệt”, họ lợi dụng cảm xúc con người để bắt kẻ khác làm nô lệ và rồi họ dẫn người ta đến nơi họ muốn. Đã biết bao con cái của Thiên Chúa bị mê hoặc bởi những thú vui chóng qua, lầm tưởng đó là hạnh phúc đích thực! Có biết bao người nam nữ rơi vào ước vọng giàu sang khiến họ lệ thuộc vào lợi lộc và những thú vui tầm thường! Có biết bao người trong đời sống tin rằng mình có đủ mọi thứ, và cuối cùng họ lại bị bó chặt trong nỗi cô đơn!
Ngôn sứ giả cũng có thể là những “kẻ bịp bợm”, họ đưa ra những giải pháp dễ dàng trước mắt để rồi đau khổ sớm minh chứng cho những điều ấy hoàn toàn là vô ích. Có biết bao người trẻ bị mê hoặc bởi thần dược của nghiện ngập, của những tương quan hời hợt, của những dễ dãi nhưng lợi ích lại không thực! Có bao người chìm đắm trong cuộc sống “ảo tưởng”, trong những tương quan dường như nhanh chóng và đơn giản, chỉ để chứng minh điều vô nghĩa! Những kẻ lừa đảo rao bán những thứ không có giá trị thực sự, họ cướp tất cả những gì quý giá nhất của con người là: phẩm giá, tự do và khả năng yêu thương. Họ nại vào sự kiêu căng, tin tưởng của ta ở vẻ bên ngoài, nhưng sau hết, họ chỉ khiến cho chúng ta nên khờ dại.
Chúng ta cũng không nên ngạc nhiên. Để lòng con người ra hoang mang, Ma Quỷ là “kẻ nói dối và là cha của kẻ dối trá” (Ga 8, 44), đã luôn cho thấy điều ác là tốt lành, sự giả dối hệt như sự thật. Đó là lý do tại sao mỗi người chúng ta được mời gọi để nhìn vào lòng mình để xem chúng ta có đang là con mồi của những dối trá nơi những ngôn sứ giả như thế không. Chúng ta phải học nhìn thật kỹ vào chiều sâu và nhận ra những gì để lại dấu ấn tốt đẹp và lâu dài trong tâm hồn ta, bởi vì điều ấy đến từ Thiên Chúa và thực sự vì lợi ích của chúng ta.”
Tuy rằng trong sứ điệp chỉ nói chung chung là những ngôn sứ giả, nhưng các sách Tin Mừng còn nói rõ đó là những “Ki-tô giả”. Giáo hội trong thời gian đầu cũng đã có những Ki-tô giả kiểu như phái Thệ phản hoặc như những bè rối mà chúng ta quen gọi là “Lạc giáo”. Cho đến hiện tại thì ngôn sứ giả đầy rẫy, chúng đội lốt những ngôn sứ, những thần nhân để lừa đảo, gài bẫy đối tượng (là cộng đồng dân Chúa, và nói chung là con người trần thế). Chính vì thế, người Ki-tô hữu cần phải hết sức cảnh giác để khỏi bị lừa.
4- Hỏi: Tiết mục 2 là vấn đề gì?
Đáp: Đó là tiết mục “Một tâm hồn băng giá”. Ngày xưa khi nói đến những người có tãm hồn băng giá là những người “lạnh lùng, vô cảm”. Trái tim của họ khô cứng, không hề rung động trước những tình huống vui buồn của tha nhân. Họ như bị co cụm vào trong một vỏ ốc, chỉ biết có mình, không quan tâm đến bất cứ việc gì hay bất cứ ai. Cũng chính vì nếu con người không tỉnh thức, rất dễ sa vào chước cám dỗ của ba thù khiến trở nên con người có tâm hồn băng giá, tình bác ái bị xói mòn. Từ vấn đề khép kín cửa lòng trước những đau khổ của anh em, đi đến chỗ “chối bỏ Thiên Chúa” cũng chẳng còn bao xa! Đức Thánh Cha đã miêu tả khá chi tiết về vấn đề này:
“Trong mô tả của mình về Hỏa Ngục, Dante Alighieri phác họa Satan ngồi trên ngai tòa băng giá, trong sự cô lập lạnh lùng và khó ưa. Chúng ta hỏi mình kỹ xem điều ấy xảy ra như thế nào mà lòng bác ái lại có thể nên băng giá trong chúng ta. Những dấu hiệu nào cho thấy tình yêu của chúng ta đang bắt đầu lạnh giá? Không có điều gì phá hủy lòng bác ái ghê gớm cho bằng lòng ham mê tiền bạc, “gốc rễ của mọi tội lỗi” (1Tm 6, 10). Việc chối bỏ Thiên Chúa và bình an của Ngài sớm theo sau; chúng ta ưa thích nỗi sầu khổ của ta hơn là tìm kiếm sự thoải mái trong Lời Chúa và các bí tích.
Chính thiên nhiên cũng trở nên một chứng tá thầm lặng cho sự nguội lạnh lòng bác ái này. Trái đất bị đầu độc bởi rác thải, nó bị vứt bỏ vì sự bất cẩn hoặc vì lợi ích cá nhân. Các vùng biển đang bị ô nhiễm, biển cũng nhận chìm vô số các nạn nhân bị đắm tàu do nạn di cư cưỡng bách. Những thiên đường theo kế hoạch của Thiên Chúa, được tạo ra để tán dương ngợi khen Ngài, lại bị gào thét bởi các động cơ đang đổ xuống như mưa những công cụ của chết chóc.
Tình yêu cũng có thể trở nên nguội lạnh trong cộng đoàn của chúng ta. Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, tôi đã tìm cách mô tả những dấu hiệu rõ nhất về những dấu hiệu thiếu vắng tình yêu này: ích kỷ và tinh thần lười biếng, bi quan vô ích, cám dỗ chỉ quan tâm đến mình, chiến tranh liên lỉ giữa chúng ta và tinh thần thế gian khiến chúng ta chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài, và do đó giảm đi lòng nhiệt thành truyền giáo của chúng ta.”
5- Hỏi: Tiết mục 3 là vấn đề gì?
Đáp: Sau khi trình bày chi tiết về “tâm hồn băng giá”, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi “Chúng ta nên làm gì?”, đó là chủ đề cho tiết mục thứ ba: “Có lẽ chúng ta thấy trong nội tâm của chúng ta những dấu chỉ mà tôi vừa mô tả. Nhưng Giáo hội là Mẹ và là Thầy luôn với phương thuốc đắng của sự thật, cung cấp cho chúng ta trong Mùa Chay này phương dược chữa lành bằng lời cầu nguyện, bố thí và ăn chay.”
a- Vấn đề “cầu nguyện”: Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 2590) đã định nghĩa: “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa hay cầu xin Người ban cho những ơn cần thiết (T. Gio-an Đa-mát-xa).” Cầu nguyện được ví như hơi thở của cuộc sống hay là dòng máu chuyển lưu trong cơ thể. Cầu nguyện là cách thế để hiện thực hoá tất cả chân lý đức tin đầy phong phú mà người Ki-tô hữu được lãnh nhận. Sống trong tâm tình cầu nguyện là sống mật thiết với Thiên Chúa và được lớn lên trong tương quan với Người. Vì thế, cầu nguyện không chỉ dừng lại ở nơi bản thân mình, nhưng còn trải rộng ra với mọi chiều kích, mọi mối tương quan của cuộc sống.
Cầu nguyện là sống “hết mình, hết sức” trong giao tiếp với Thiên Chúa và hoà giải với anh em. Nếu chỉ hiểu cầu nguyện là xin, thì hãy xin cho được “ơn nước mắt” (x. Sách Lễ Rô-ma) với anh em khó nghèo, tật bệnh, hoạn nạn; xin cho được “dũng khí, can đảm” trước ba thù; xin cho được “ơn giải thích” (1Cr 14, 13) trước nghịch cảnh; “ơn sáng suốt” khi bị cám dỗ. Tóm lại là hãy xin cho bản thân có được trọn vẹn điều răn quan trọng nhất trong “10 Điều Răn”, đó là điều răn YÊU THƯƠNG: “Mến Chúa, Yêu người”; bởi vì và trên tất cả, “cầu nguyện là ân huệ của Chúa Thánh Thần”. Căn cứ vào đó, ĐTC dạy: “Bằng cách dành nhiều thời gian hơn để cầu nguyện, chúng ta cho phép tâm hồn mình nhận ra những lời dối trá bí ẩn và những hình thức tự lừa dối chính mình, và sau đó tìm lại được niềm an ủi của Thiên Chúa ban tặng. Ngài là Cha chúng ta hằng muốn chúng ta sống tốt đẹp.”
b- Vấn đề “bố thí”: Bố thí giải thoát con người ra khỏi cái vỏ ốc ích kỷ, tham lam và đồng thời giúp nhìn nhận những người ở xung quanh mình là anh chị em (“tứ hải giai huynh đệ”: người trong bốn bể thật là anh em). Vấn đề “bố thí” trong tương quan với cộng đồng được thư Do Thái nhắc nhở: “Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như vậy.” (Dt 13: 16). Thánh Phao-lô cũng khuyên phải làm việc thiện: “Những người giầu có phải làm việc thiện và trở nên giầu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sống thật.” (1Tm 6, 17-19).
Trên nền tảng đó, ĐTC nhấn mạnh: “Những gì tôi sở hữu không bao giờ là của riêng tôi. Tôi rất mong muốn bố thí trở nên phong cách sống đích thực cho mỗi người chúng ta! Tôi mong chúng ta, những Ki-tô hữu, theo mẫu gương của các Tông Đồ và thấy việc chia sẻ của cải của chúng ta là một bằng chứng hữu hình về sự hiệp thông, nghĩa là chúng ta ở trong Giáo Hội! Vì lý do này, tôi nhắc lại lời mời gọi của Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Côrintô để lạc quyên cho cộng đoàn Giê-ru-sa-lem từ những lợi tức mà chính họ nhận được (xc. 2 Cr 8, 10). Điều này càng thích hợp trong Mùa Chay khi nhiều nhóm lạc quyên để trợ giúp các Giáo Hội và giúp những người có nhu cầu. Tuy vậy tôi cũng hy vọng rằng, ngay cả nơi những cuộc gặp gỡ hàng ngày của chúng ta với những người cầu xin sự trợ giúp của ta, chúng ta nên thấy những nhu cầu như thế xuất phát từ chính Thiên Chúa. Khi bố thí, chúng ta chia sẻ sự chăm sóc quan phòng của Chúa dành cho mỗi người con của Ngài.”
c- Vấn đề “ăn chay”: Các tín hữu ăn chay là để thờ phượng Thiên Chúa, làm đẹp lòng Thiên Chúa như một nghi thức tôn giáo, một việc đạo đức. Ăn chay để được Thiên Chúa nhậm lời khi cầu nguyện, đi kèm với cầu nguyện để khu trừ ma quỉ; để tỏ lòng ăn năn, sám hối và đi kèm với than khóc để bày tỏ sự buồn bã, hối hận, thương tiếc, lo sợ; đồng thời để đền vì tội lỗi đã phạm, cầu xin Thiên Chúa tha tội. Thánh Gio-an Tẩy Giả thì ăn chay bằng cách vào hoang địa mặc áo lông cừu, ăn châu chấu và mật ong rừng, để tự nguyện làm “Tiếng hô trong hoang địa” loan báo Tin Mừng (Lc 1, 57-80). Đức Giê-su Thiên Chúa thì ăn chay 40 đêm ngày trong sa mạc, chịu để Xa-tan cám dỗ, hầu chuẩn bị sứ mạng Chúa Cha đã trao phó: rao giảng và thực hiện Tin Mừng Cứu Độ (Lc 4, 1-13).
Thật không thể ngờ cách đây hơn 2500 năm, ngôn sứ Isaia đã có một quan niệm hoàn toàn mới về ăn chay: Ăn chay với mục đích đầy tính nhân đạo là thực hiện công bằng và bác ái. “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục.” (Is 58, 6-7).
ĐTC giải thích: “Ăn chay khiến xu hướng bạo lực của chúng ta yếu dần; nó giải phóng chúng ta và đó là cơ hội quan trọng để chúng ta thăng tiến. Một mặt ăn chay cho phép chúng ta trải nghiệm những gì mà người nghèo đói phải chịu đựng. Mặt khác nó thể hiện chính sự đói khát thiêng liêng của chúng ta, vì cuộc sống trong Thiên Chúa. Ăn chay thức tỉnh chúng ta. Nó làm cho chúng ta chú tâm hơn đến Thiên Chúa và người lân cận. Ăn chay làm sống lại khao khát của chúng ta để vâng lời Thiên Chúa, duy chỉ có Ngài mới có khả năng thỏa mãn cơn đói của chúng ta.
Tôi cũng muốn lời mời của tôi vượt ra ngoài ranh giới của Giáo hội Công giáo, và đến được với tất cả các bạn, những người nam nữ có thiện chí, những người mở lòng lắng nghe tiếng Chúa. Có lẽ giống như chính chúng tôi, các bạn đang hoang mang trước cái ác đang lây lan trên thế giới, bạn quan tâm đến sự băng giá vốn làm tê liệt những tâm hồn và hành động, và bạn cảm thấy mình yếu đuối trong cảm thức của chúng ta thuộc về thành viên của một gia đình nhân loại. Vậy xin bạn hãy hiệp thông cùng chúng tôi dâng lời cầu khẩn trước Thiên Chúa, trong việc ăn chay và trao ban bất cứ những gì bạn có thể cho anh chị em của chúng ta đang có nhu cầu!”
6- Hỏi: Tiết mục 4 là vấn đề gì?
Đáp: “Ngọn lửa Phục Sinh” là chủ đề của tiết mục 4: Nếu lúc nào đó ngọn lửa bác ái dường như lụi tàn trong tâm hồn, thì hãy cậy trông vào “Ngọn lửa Phục Sinh” hun đúc tâm hồn, soi sáng tâm trí, để biết được hành trình Mùa Chay cần phải làm gì. Thật vậy, trong Đêm Vọng Phục Sinh, người tín hữu sẽ tưởng niệm một lần nữa nghi thức rước ánh sáng của ngọn nến Phục Sinh. Khi “ngọn lửa Phục Sinh” được thắp lên, ánh sáng sẽ dần vượt qua bóng tối và thắp sáng cộng đoàn phụng vụ. Lời chủ tế: “Ánh sáng Chúa Ki-tô” nhắc nhở cộng đoàn sống lại kinh nghiệm của các môn đệ trên đường Emmau và nhất là trong ngày lễ Ngũ Tuần được ánh sáng của Đức Ki-tô Phục Sinh soi chiếu, mở lòng mở trí và đặc biệt được Người ban Lửa Mến là Chúa Thánh Thần nhằm tăng thêm sức mạnh và lòng can đảm, ngõ hầu giúp các môn đệ ngày càng hăng hái trong đức tin, đức cậy và đức mến.
7- Hỏi: Phần kết thúc Sứ điệp, ĐTC yêu cầu những gì?
Đáp: Lời hướng dẫn của ĐTC thật cụ thể: “Trên hết, tôi thôi thúc các thành phần của Giáo hội hãy đón lấy hành trình Mùa Chay với lòng nhiệt tình hăng hái, duy trì việc bố thí, ăn chay và cầu nguyện. Nếu lúc nào đó ngọn lửa bác ái dường như lụi tàn trong tâm hồn ta, hãy biết rằng điều ấy không bao giờ xảy ra trong thánh tâm Thiên Chúa! Ngài liên lỉ trao cho chúng ta cơ hội để bắt đầu làm mới lại tình yêu. Một trong những thời khắc của ân sủng như thế sẽ đến một lần nữa trong năm nay, sáng kiến “24 Giờ cho Chúa”, theo đó, mời gọi toàn thể cộng đoàn Giáo hội hãy cử hành bí tích Hòa Giải trong bối cảnh tôn thờ Thánh Thể. Trong năm 2018 này, được gợi hứng từ lời của Thánh Vịnh 130 câu 4, “Nơi Chúa có ơn tha thứ”, sự kiện này sẽ diễn ra từ Thứ Sáu, 9 Tháng 3 đến Thứ Bảy, 10 Tháng 3. Trong mỗi giáo phận, ít nhất có một nhà thờ mở cửa liên tục trong hai mươi bốn giờ nhằm tạo cơ hội cho cả việc chầu Thánh Thể lẫn bí tích Hoà Giải.”
Rõ ràng Mùa Chay khẩn thiết kêu gọi người tín hữu hoán cải. Như vậy thì “hoán cải” chính là “canh tân và sám hối”, là “xé lòng chớ không xé áo”, nhằm mục đích “đổi mới” tận gốc rễ con người của mình, ngõ hầu đón mừng Chúa Phục Sinh trong hiện tại cũng như trong ngày Chúa quang lâm lần thứ hai. Tóm lại, ngày nay Giáo hội Công Giáo chỉ buộc các tín hữu ăn chay mỗi năm 2 lần mà thôi. Điều ấy thật hữu lý vì ăn chay phải mang tính tự nguyện chớ không thể ép buộc. Hãy tin chắc rằng Chúa muốn người tín hữu ăn chay nhiều hơn, thậm chí ăn chay trong suốt cả lộ trình trần thế; ăn chay bằng cách ăn năn sám hối vì tội lỗi đã mắc phạm, đồng thời thực hành đúng Lời Chúa dạy: “Gặp anh em đói thì cho ăn, khát thì cho uống, anh em là khách lạ thì tiếp rước tử tế, anh em trần truồng thì cho mặc, đau yếu thì tới viếng thăm, bị tù đày thì hỏi han chia sẻ.” (Mt 25, 35-37).
Kết luận:
Tóm lại, Đức Thánh Cha đã hướng dẫn kỹ càng người Ki-tô hữu cần phải sống tinh thần mùa Chay của Hội Thánh một cách nghiêm túc, đó là: “Thiên Chúa trong sự quan phòng của Ngài, trao ban cho chúng ta mỗi năm một mùa Chay như là “dấu chỉ bên ngoài cuộc hoán cải của chúng ta” (Sứ điệp Mùa Chay 2018). Vì thế muốn gặp gỡ Đức Ki-tô để có thể biến đổi, hoán cải cuộc đời mình, thì tiên vàn phải dẹp bỏ cái tôi – tức là phải “từ bỏ chính mình” (Mt 16, 24; Mc 8, 34; Lc 9, 23) – hơn thế nữa còn sẵn sàng “vác thập giá mình” mà theo Chúa; đồng thời “ra khỏi chính mình” mà đến với anh em khó nghèo, bệnh tật, cô đơn (“Gặp anh em đói thì cho ăn, khát thì cho uống, anh em là khách lạ thì tiếp rước tử tế, anh em trần truồng thì cho mặc, đau yếu thì tới viếng thăm, bị tù đày thì hỏi han chia sẻ.” – Mt 25, 35-37).
Muốn đạt ước vọng, xin đừng để thời gian Mùa Chay thuận lợi cho việc hoán cải này trôi qua cách vô ích! Hãy chạy đến với Đức Maria – Người Nữ đầu tiên, đứng trước sự lớn lao của lòng thương xót của Thiên Chúa mà Mẹ đã lãnh nhận cách nhưng không, đã nhìn nhận sự hèn mọn của mình (Lc 1, 48) khi nhìn nhận mình là Nữ Tỳ khiêm tốn của Chúa (Lc 1, 38). Cúi xin Mẹ che chở và cầu bầu cùng Đức Ki-tô Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ “chiếu giãi ánh sáng của Người để phá tan bóng tối đang bao phủ lòng trí chúng ta”, và có thể cho chúng ta sống lại kinh nghiệm của các môn đệ trên đường Emmau. Bằng cách lắng nghe Lời Chúa và nhận lãnh của ăn từ bàn tiệc Thánh Thể, xin cho tâm hồn chúng ta ngày càng hăng hái trong đức tin, đức cậy và đức mến.” (Sứ điệp MC 2018). Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.