Lắng nghe tiếng gọi của con tim
LẮNG NGHE TIẾNG GỌI CỦA CON TIM
Chúng ta đang ở trong giai đoạn cao điểm của Năm Phụng Vụ : cử hành Mầu Nhiệm khổ nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô. Cùng với thời tiết mùa hè nóng bức, oi ả, phụng vụ Lời Chúa đưa chúng ta ngày càng tới gần những gay cấn, xô xát,những đụng chạm nảy lửa giữa Chúa Giêsu và dân riêng của Ngài. Cuối cùng dân của Ngài cũng đưa Ngài lên cây thập giá như để thoả mãn cơn ghen tức của con người, như là một kết quả của tội lỗi và đúng hơn như là một biểu hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Tuần Thánh là tuần lễ quan trọng nhất trong năm phụng vụ, tuần lễ tưởng niệm các biến cố cuối cùng trong cuộc đời Chúa Giê su ở trần gian.
Đây không phải là tuần lễ buồn sầu, rầu rỉ, than van, khóc lóc mà là tuần lễ mời goi mọi người kitô hữu phải biết im lặng sâu xa trong tâm hồn để cảm nghiệm tình yêu Chúa chịu chết để cứu chuộc chúng ta, để lắng nghe tiếng Chúa, hiểu ý Chúa, kết hợp mật thiết với Chúa và sống đẹp lòng Ngài”. Đây là lời mời gọi yêu thương mà chỉ có những “con tim” có cùng chung “nhịp đập” với Chúa mới hiểu được phần nào tâm trạng của Chúa lúc này
Trang Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã bắt đầu nghĩ đến giờ của Ngài. Giờ mà Ngài phải bỏ thế gian đến cùng Chúa Cha (x. Ga 16,28) khi cô Maria, chị của Ladarô đem bình dầu thơm cam tùng hảo hạng, nguyên chất và quý giá tiến đến quỳ bên chân Chúa, đổ cả bình dầu lên chân Ngài, khiến cả nhà nực mùi thơm, rồi lấy tóc lau chân Ngài (Ga 12,1-8;Mt 26, 6-13; Mc 14,1-9)
Sau khi Chúa Giêsu cho Ladarô sống lại từ cõi chết và thời điểm là gần Lễ Vượt Qua, (trong lễ này, người Do Thái mừng kỷ niệm việc Thiên Chúa đưa dân Người ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập ).
Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên con đường lên Jérusalem. Giờ đã điểm. Giờ mà Con Thiên Chúa được giương cao trên Thập giá và Thiên Chúa tôn vinh Con của Ngài. (Pl 2,8-11 ). Giờ mà ánh sáng chiếu dọi và xua tan bóng tối. Giờ mà Ngài bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha (Ga 17,28 ).
Lần này Chúa Giêsu tự nguyện lên Jérusalem. Ngài không rút lui, không chạy trốn, không đi một cách bí mật, nhưng như con chiên hiền lành sẵn sàng cho người thợ xén lông, không kêu ca hay chống cự.
Có lẽ, Maria đã làm với một tấm lòng yêu mến, đáp trả lại tình yêu thương của Chúa “Tình yêu, đáp đền tình yêu”. Bởi gia đình cô thật diễm phúc được Chúa viếng thăm, em cô vừa được Ngài cho sống lại từ cõi chết (Ga 11,1-44) và chính cô được Chúa đưa ra khỏi cái quá khứ đen tối, đầy tội lỗi. Chứ Maria cũng không hiểu thấu tâm trạng Chúa lúc này, Ngài đang xao xuyến trong tâm hồn biết chừng nào?
Trước hành động của Maria, Giuđa người môn đệ cùng ở với Chúa. Hàng ngày đồng bàn với Ngài. Nhưng không đồng lòng với Ngài, không đón nhận lời yêu thương từ nơi Ngài. nên chẳng những ông không nhìn thấy nỗi lo lắng thẳm sâu trong lòng Chúa để đồng cảm, yêu thương. Trái lại, ông chỉ thấy tiếc xót bình dầu và trách cứ Maria đã phung phí (Ga 12,5). Tiền bạc đã làm ông mù quáng, đã dẫn ông đến chỗ phản bội Thầy sau này (Ga 12,4)
Thầy Giêsu bênh vực cho cô Maria khi nói lên ý nghĩa việc làm của cô. Hành vi chuẩn bị mai táng phải được đặt trên hành vi bố thí giúp người nghèo. Hơn nữa, “người nghèo thì lúc nào cũng có, còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” Chúa Giêsu ám chỉ cái chết sắp đến của mình.
Ngược lại tâm tình quảng đại của cô Maria, là thái độ cau có bực dọc của Giuđa. Bởi vì anh không cảm nhận được thế nào là tình yêu. Anh nhìn mọi chuyện dưới lăng kính thực dụng. Anh ở bên cạnh Thầy nhưng lòng anh xa vời vợi với những suy nghĩ của Thầy.
Thánh sử Gioan còn kể một chi tiết cụ thể về anh, là người giữ tiền của cả nhóm, nhưng lại thường ăn cắp để dùng riêng (c.6). Có thể đồng tiền đối với anh là quá lớn, lớn hơn cả tình Thầy Giêsu yêu mến anh. Có thể anh phản bội Thầy mình vì đồng tiền hay cũng có thể anh không cảm nhận thế nào là lòng mến mà Thầy dành cho anh.
Người Do Thái tuôn đến chỉ : nhìn tận mắt anh Ladarô, người đã chết mà nay đã sống lại và chỉ muốn giết anh mà thôi ( c 9-10 ). Chúng ta thấy dã tâm của con người nay đã lộ rõ ràng: Chỉ vì muốn lấy lại địa vị, danh vọng, tình yêu của người khác mà người Do Thái có những hành vi sát nhân ( c.11).
Khi miêu tả hành vi lên Jérusalem của Chúa Giêsu, Bốn tác giả Tin Mừng đều nói rõ mục đích của người Do Thái : Muốn giết Chúa Giê su vì ghen tỵ lòng ghen tỵ sẵn sàng triệt hạ người khác bằng bất cứ giá nào.
Con người ngày nay cũng vậy. Họ kiếm tiền bằng mọi cách, mọi thủ đoạn để đạt được “ ghế này, ghế nọ”. Họ sẵn sàng hy sinh thời gian, sức khoẻ và ngay cả người thân... để đạt được ý nguyện. Thật là ích kỷ và tàn nhẫn !. Họ mãi chạy theo một thần tượng, sẵn sàng làm nô lệ cho dục vọng, danh vọng... để cuối cùng tự nhắm mắt xuôi tay, họ để lại tất cả nói đúng hơn, họ không thể mang theo được gì.
Phần Chúa Giê su, Ngài đang nghĩ đến cái chết gần kề. và việc xức dầu của cô Maria là dấu chỉ việc ướp xác Ngài. Ngài liên tưởng đến cái chết vì yêu, yêu đến cùng, một tình yêu vâng lời tuyệt đối để đáp trả “lời mời gọi yêu thương” từ nơi Chúa Cha, và để thi hành trọn vẹn Thánh ý Cha hầu cứu chuộc nhân loại.
Chúng ta đang sống tâm tình nào đối với Thầy Chí Thánh Giêsu. Tâm tình quảng đại dâng hiến của Maria hay thái độ từ khước tình yêu của Giuđa. Cả hai nhân vật đều là những người nắm giữ đồng tiền. Một người đã biết cho đi tài sản vì lòng mến Chúa. Một người vì đồng tiền mà phản bội Chúa. Và kết cục cuộc đời Giuđa như thế nào chúng ta đã biết. Mong rằng mỗi tín hữu biết chọn lối sống khôn ngoan là dùng tiền bạc mà diễn rả tình yêu như cô Maria.
Hơn bao giờ hết, những ngày này Chúa cần các môn đệ lắng nghe tiếng nói yêu thương từ con tim của Ngài. Chúa cần sự cảm thông, yêu mến nơi mỗi tâm hồn chúng ta. Vậy là môn đệ Chúa, những người mang danh Kitô hữu, chúng ta cần có tâm tình, thái độ thế nào khi lắng nghe và thực hành lời Chúa trong tuần Thánh này?
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Thư Viện: