Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tam vị nhất thể

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

TAM VỊ NHẤT THỂ 

(Chúa Nhật VIII.TN-B – CHÚA BA NGÔI)

 

Khi nói về Thiên Chúa Ba Ngôi, trong đầu óc liền hiện lên các Kinh Cầu trong Kinh nguyện Ki-tô giáo, Kinh Cầu nào cũng có phần nhập đề cầu xin Ba Ngôi Thiên Chúa. Hồi còn nhỏ, thường hay đọc Kinh Cầu Chữ (Kinh Cầu bằng chữ Hán Việt), ở phần mở đầu được viết:

- “Tại thiên Thiên Chúa Phụ giả”:  在 天 天 主

(Đức Chúa Cha ngự trên trời là Đức Chúa Trời thật);

- “Thục thế Thiên Chúa Tử giả”:  贖 世 天 主

(Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Đức Chúa Trời thật);

- “Thánh Thần Thiên Chúa giả”: 天 主 者

(Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật);

- “Tam vị nhất thể Thiên Chúa giả”:   位 一 天 主 者

(Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời).

 

Phát xuất từ đó, kẻ viết bài này cảm hứng nên một bài thơ:

 

TAM VỊ NHẤT THỂ

I

“Tam vị nhất thể Thiên Chúa giả”,

Vốn từ nguyên thủy đến ngàn sau,

Cùng chung bản thể, cùng hằng hữu,

Mà rất cao siêu, rất nhiệm mầu.

Nguồn suối Tình Yêu không giới hạn,

Hồng ân Cứu Độ toả muôn màu,

Ba Ngôi trong Một – Lòng Thương Xót,

Giải thoát loài người khỏi khổ đau.

 

II

Nói đến Tinh Yêu là nói đến:

Vừa “cho” vừa “nhận” giữa đôi nơi,

Mỗi khi nhận lại từ ai đó,

Phải biết cho đi tới mọi người.

Vị kỷ (1) ươn hèn nên dẹp bỏ,

Vị tha (2) quảng đại sẽ lên ngôi,

“Nhận về” tất cả từ Thiên Chúa,

Sao chẳng “cho đi” với cuộc đời?

 

 

III

Dù “nhận” hay “cho” cũng vậy thôi,

Niềm tin hệ tại Chúa Ba Ngôi,

Xin đừng ích kỷ vì mình hết,

Mà hãy vị tha với mọi người.

Động lực Tình Yêu nên khắc cốt,

Mục tiêu Nước Chúa sẽ dành nơi,

Châm ngôn sống: “Thực hành Lời Chúa”

Loan báo Tin Vui Đức Chúa Trời.

 

IV

Tin Mừng loan báo khắp gần xa,

Để mở tấm màn bi mật ra,

 “Revelatio” là mạc khải,

Hồng ân cứu độ đổ chan hòa.

Cả ba Ngôi Vị là một Chúa,

Một Chúa – ngôi vị vẫn là ba,

Bền vững thiên thu thần học Thánh:

Tam vị nhất Thể – một Ngai Tòa.

 

V

Tất cả những gì thuộc Thiên Chúa

Tự nó không xa lý trí người,

Nhân loại kiếm tìm trong hiện tại,

Tất nhiên hiểu biết dễ dàng thôi

Sẽ không lẫn lộn hoặc sai sót,

Chắc chắn mà không sợ nửa vời, (3)

Quy ước nhập tâm: Tôn kính mãi,

Đức tin kiên định: CHÚA BA NGÔI.

 

Chia sẻ Lời Chúa Chúa Nhật VIII.TN-B (Lễ CHÚA BA NGÔI), liên tưởng đến những quy ước hoặc kình nghiệm trong cuộc đời về những con số 3: Hình tam giác có 3 cạnh và 3 góc, không gian 3 chiều. Con số 3 ở thuyết Tam tài (Thiên – Địa – Nhân), ở một gia đình hoàn chỉnh (cha – mẹ – con cái), ở một vật dụng vững chắc (cái kiềng bếp – “Dù ai nói ngả nói nghiêng, Lòng ta vẫn vững như kiềng 3 chân” – ca dao VN), ở một khía cạnh trừu tượng mà có thật trong tâm thức con người (ý thức – tiềm thức – vô thức), ở một lời giáo huấn về khiêm nhường (“Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư” – 3 người cùng đi với nhau, chắc chắn có một người là thầy của mình – Khổng Tử), về tinh thần đoàn kết (“Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” – ca dao VN)…

Đó là những tìm hiểu, học hỏi, phát kiến về nhân sinh, về thiên nhiên, dần dần được nhiều người công nhận và đưa vào những định đề, những công thức, những quy luật… lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và được gọi là nhân sinh quan (những nhận thức, quan điểm về đời sống con người) hoặc vũ trụ quan (những nhận thức, quan điểm về vũ trụ). Dựa vào những suy nghĩ của người xưa về thiên nhiên, về nhân sinh ấy, bắt gặp một con số 3 kỳ diệu (đó là Ba Ngôi Thiên Chúa) mà kẻ viết bài này đã được nghe giải thích, nghe phân tích nhiều lần, nhưng vẫn chưa thỏa mãn.

Tại sao vậy? Vì được giải thích thế này: “Chúa Cha chiêm ngưỡng chính mình thì có một hình ảnh, một ý nghĩ, một tâm tình, một lời về mình. Hình ảnh, ý nghĩ, hay kiến thức hoặc tâm tình ấy là Ngôi Hai hay Ngôi Lời. Thế rồi hai Ngôi chiêm ngưỡng và yêu nhau làm phát xuất ra một mối tinh hay một tình yêu. Tình yêu đó là chính Ngôi Ba: Chúa Thánh Thần”. Nghe giải thích, đầu óc rối tung lên, và càng thắc mắc không hiểu tại sao Thiên Chúa là Đấng vô hình mà lại tự “chiêm ngưỡng”, rồi còn “chiêm ngưỡng nhau”? Tại sao lại là Ba Ngôi mà không phải là Hai hay Bốn, Năm Ngôi? Hỏi lại thì được nghe: “Ba Ngôi Thiên Chúa là một Mầu nhiệm, mà đã gọi là mầu nhiệm thì anh chỉ có tin, không được thắc mắc”. Vâng, và đành tin mà không dám thắc mắc nữa!

Không dám thắc mắc nghĩa là không dám hỏi tiếp nữa, chớ thực sự trong lòng vẫn còn ấm ức lắm. Cũng nhờ cái sự “ấm ức” đó, nên lục lọi, tìm hiểu Kinh Thánh, sách vở, và cuối cùng đã tìm ra được chìa khóa để mở tấm màn bi mật (“revelatio – mạc khải”) ra. Quả thật “Chính nhờ Thiên Chúa mạc khải mà “tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa tự nó vốn không vượt quá khả năng lý trí con người, trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, đều có thể biết được cách dễ dàng, chắc chắn mà không lẫn lộn sai lầm.” (Hiến chế Tín Lý về  Mạc Khải “Dei Verbum”, số 6). Không vượt quá khả năng lý trí của con người, vậy thì con người có thể hiểu và lý giải được: Phần trên đã tìm hiểu và chứng minh con số 3 là con số nói lên được sự vững bền chắc chắn, mà loài người đã khám phá được và tin tưởng hoàn toàn vào định đề ấy, từ đó nói lên tính chất đặc biệt về con số 3 kỳ diệu: Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ít-ra-en là một trong các dân tộc Đông phương được Thiên Chúa tuyển chọn đầu tiên để mở ra con đường giải thoát loài người khỏi ách thống trị của tội lỗi. Để mạc khải chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri, ngôn sứ thuộc dân tộc ấy rao giảng cho dân chúng biết. Điều tất nhiên các ngôn sứ phải áp dụng là dùng nhân sinh quan và vũ trụ quan của người bản địa mà trình bày, giảng dạy cho dân hiểu được mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Dân tộc Ít-ra-en thường gọi Ông Trời mà họ kính mến nhất, thương yêu nhất là Abba – Cha – tức là Đấng sinh thành dưỡng dục mình. Vậy thì khi Thiên Chúa mạc khải cho sắc dân được tuyển chọn về Thiên Chúa, về Ông Trời, đương nhiên Người phải dùng chính cái lý lẽ mà sắc dân ấy (nói chung là cả loài người) đã công nhận: con số 3 = BA NGÔI. Thiên Chúa Ba Ngôi nhưng chỉ có một Thiên Chúa mà thôi – một định đề kiên định, bất biến, bất di bất dịch.

Gọi Thiên Chúa là Cha, mà Thiên Chúa có tới 3 Ngôi, tất nhiên tiếng Cha đó chỉ Ngôi Thứ Nhất (loài người coi thứ nhất là quan trọng nhất, trong gia đình thì người cha cũng là người quan trọng nhất). Có Cha phải có Con (vì loài người tin rằng Cha sinh ra Con), vậy Ngôi Thứ Hai chắc chắn là Ngôi Con. Với loài người, thì cha sinh ra con, đáng lẽ phải thương yêu gắn bó với nhau như một, nhưng xã hội lại không thiếu cảnh cha và con là 2 thái cực cách biệt nhau, đối kháng nhau, rất cần một sự liên kết thắt chặt hơn nữa tình cha con. Vả lại, mới chỉ có 2 Ngôi (Cha và Con) chưa bền vững, mà cần phải có một mối dây liên kết 2 Ngôi lại với nhau, mối dây liên kết ấy chỉ có thể là Tình Yêu mới bền chắc được. Và mối dây ấy chính là Ngôi Ba Thánh Thần.

Đó là Mầu nhiệm mà Thiên Chúa muốn cho con người hiểu và tin qua mạc khải vậy. Kẻ hèn này đã cố gắng dùng chính cách hiểu của loài người để diễn đạt mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mà bản thân mình – cùng với cả loài người – đã được Thiên Chúa mạc khải cho. Nhưng vẫn còn thấy mơ hồ quá. Sao vậy? Vì số 3 là con số loài người quy ước về đo, đếm, cân, đong. Mà muốn cân đong đo đếm phải có sự vật cụ thể. Vâng, quả thực là khó. Khó nhưng không phải là không biện giải phân minh bằng chứng liệu cụ thể được.

Trước hết, loài người – thông qua các thánh Tông đồ và dân tộc Ít-ra-en cách đây 2000 năm – đã được thực mục sở thị (trông thấy nhãn tiền), được gặp gỡ trò chuyện, ăn cùng mâm, ngồi chung chỗ với một trong Ba Ngôi là Ngôi Hai Thiên Chúa, một con người với bản tính người-rất-người, người 100% (“Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay con người, suy nghĩ bằng trí óc con người, hành động theo một ý chí con người, yêu mến bằng quả tim con người. Sinh làm con Đức Trinh nữ Ma-ri-a, Người đã thật sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta về mọi phương diện, ngoại trừ tội lỗi.” – Hiến chế về Mục vụ “Gaudium et Spes”, số 22, 2).

Chính Con Người ấy trong mọi sinh hoạt trên đời này đều luôn minh chứng cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều tồn tại trong Người: Khi chịu Phép Rửa tại sông Gio-đan (“và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.” – Luca 3, 22); khi dạy dỗ, trò chuyện, giao tiếp với các môn đệ, với mọi người (“Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." – Ga 20, 21-23); “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?" (Lc 11, 13; xin coi thêm: Ga 14, 9; Mt 28, 18-20)…

Nhiều, nhiều lắm những dẫn chứng rất sinh động và thật cụ thể để minh họa, do chính những con người “sống liền bên, ăn cùng mâm, ngồi chung chỗ, cùng trò chuyện, được dạy bảo” bởi chính Ngôi Hai Thiên Chúa – là các Thánh sử, các Thánh Tông đồ – đã ghi lại trong Thánh Kinh; nhưng vì sợ dài dòng, đành tạm ngưng trích dẫn ở đây. Rõ ràng là cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều cùng tồn tại trong Ngôi Hai, một con người như tất cả những con người hiện diện trên trái đất này, cách đây 2000 năm. Từ đó suy ra trong Ngôi Cha cũng có Ngôi Hai và Ngôi Ba, trong Ngôi Ba cũng tồn tại Ngôi Cha và Ngôi Con. Cả 3 Ngôi đều có ở trong nhau, tồn tại trong nhau, vì thế Ba Ngôi vẫn chỉ là một Thiên Chúa duy nhất.

Nói 3 Ngôi ở trong nhau như một thân thể duy nhất, là nói đến sự thông hiệp giữa Thiên Chúa Ba Ngôi, và từ cội nguồn mầu nhiệm đó, dòng suối hiệp thông tuôn tràn trên Giáo hội phổ quát như Tông huấn Ki-tô hữu Giáo dân “Christi Fideles Laici”, (số 18) xác định: “Sự thông hiệp này, chính là mầu nhiệm của Giáo hội như Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã dùng những lời của Thánh Cy-pri-a-nô để nhắc lại: "Giáo hội phố quát xuất hiện như một dân tộc được hợp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần". Mầu nhiệm Giáo hội hiệp thông này được nhắc nhở ở mỗi đầu Thánh Lễ khi vị chủ tế đón mời chúng ta bằng lời chào của Thánh Phao-lô Tông Đồ: ‘Nguyện xin ân sủng Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha và ơn Thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em’ (2Cr. 13, 13).”

Cũng chính mầu nhiệm hiệp thông từ Thiên Chúa Ba Ngôi tuôn tràn trên 3 Giáo hội: Giáo hội phổ quát + Giáo hội Thanh luyện + Giáo hội Khải hoàn. Và chính sự sống hiệp thông của Giáo hội đã trở nên như một dấu chỉ về Ba Ngôi Thiên Chúa cho thế giới, đồng thời là một hấp lực thu hút mọi người tới niềm tin vào Chúa Giê-su Ki-tô qua Lời Người: "Lạy Cha, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, xin cho họ trở thành một trong chúng ta để thế gian tin rằng Cha đã sai Con" (Ga 17, 21). Dấu chỉ ấy, sự thu hút ấy chính là công cuộc truyền giáo, là sứ vụ loan báo Tin Mừng, như lời khẳng định của Thánh GH Gio-an Phao-lô II: “Sự hiệp thông và việc truyền giáo gắn liền với nhau, xâm nhập và quấn quít nhau và đã trở nên như nguồn mạch, và là hoa trái của việc truyền giáo. Hiệp thông là truyền giáo, và truyền giáo có mục đích thể hiện sự hiệp thông. Chính một Chúa Thánh Thần kêu gọi và hiệp nhất Giáo Hội và sai Giáo Hội đi rao giảng Phúc âm “khắp trên mặt đất” (Cv 1, 8).” (Tông huấn “Christi Fideles Laici”, số 32).

Bài viết đã dài, nhưng vẫn còn muốn nói về: việc làm dấu Thánh giá (nhân danh Chúa Ba Ngôi). Hồi nhỏ, ngoại trừ việc làm dấu Thánh Giá khi đọc kinh, dâng lễ, còn được dạy trước khi ăn cơm phải làm dấu và đọc kinh Lạy Cha. Trong bài này chỉ xin nói về việc làm dấu, vì có sự lạ (không dám nói là “phép lạ”) đã xảy ra. Ban đầu nêu thắc mắc thì được giải thích: Đó là mời ăn, mời Chúa trước, sau mới đến ông bà, cha mẹ, anh chị em. Hợp lý quá! Vâng lời, thực hành một cách rất sốt sắng. Riết rồi thành thói quen, và nhiều lúc hành động trở nên vô thức. Mãi đến khi trưởng thành, xem những trận bóng đá của các nước phương Tây, thấy cầu thủ họ rất hay làm dấu Thánh giá (vào những lúc thay cầu thủ thì cả người vào sân lẫn người ra đều làm dấu, những tình huống “nóng” như đá phạt, té ngã, thủ môn bắt bóng – thậm chí cả lúc bắt hụt nữa… đều thấy làm dấu).

Lại thắc mắc (mời Chúa ăn cơm thì còn có lý, chẳng lẽ đây lại là mời Chúa đá bóng, kỳ quá!), thắc mắc nhưng chẳng biết hỏi ai (chẳng dám thì đúng hơn – vì đã hơn một lần bị khiển trách: “Thắc mắc gì mà cứ thắc mắc hoài, đi chỗ khác chơi!” Thậm chí còn cấm cản: “Chỉ có tin, không được thắc mắc”). Ấm ức và tìm hiểu. Một hôm dự một buổi trình luận án tốt nghiệp của một học sinh cũ học ngành y, nghe được câu tuyên thệ: “Nhân danh Hypocrate – ông tổ ngành y – tôi xin thề…”. Rồi một lần dự một phiên tòa, cũng được nghe “Nhân danh công lý, tôi xin tuyên thệ trước tòa…”. “À” lên một tiếng, đây rồi: “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, Amen”. Như vậy thì phải hiểu: Bản thân tôi, con người tôi chính là công trình kỳ diệu do Thiên Chúa tác tạo, nên khi thực hiện những hành động như ăn uống, làm việc, đọc kinh sớm tối, kể cả nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, để bảo tồn công trình ấy, tôi có bổn phận phải nhớ đến Người; nói khác hơn, nhân danh Thiên Chúa mà tôi thực hiện những hành vi ấy.

Về già, lại gặp một câu chuyện rất cảm động: Một học sinh cũ (nay cũng lên lão 70 rồi) kể rằng hồi nhỏ bố mất sớm, mẹ tần tảo nuôi con. Mẹ rất nghiêm khắc trong vấn đề “giữ Đạo”: bắt con bất cứ làm việc gì cũng phải làm dấu tạ ơn Chúa. Lớn lên, không may vướng phải xi ke ma túy. Không có tiền hút, sinh ra chôm chỉa. Chôm đồ nhà thì sợ người mẹ rất khó tính, vả lại cũng thương mẹ vất vả cực nhọc nuôi minh, đành rủ nhau đi chôm đồ của người khác. Một lần, khi cạy khóa lẻn vào một nhà, bỗng có một tiếng chuông đồng hồ buông khá lớn (01 giờ sáng), giật mình, kêu Tên cực trọng (Giê-su, lạy Chúa con!) và tay phải đưa lên làm dấu Thánh Giá. Chẳng hiểu đã bao nhiêu lần gặp tình huống này có làm dấu hay không hoặc làm một cách vô thức, thì không biết; riêng lần này thì tim đập rất mạnh và mơ hồ cảm thấy như có ai đó thầm thĩ bên tai: “Con nhân danh Cha mà làm việc này sao?” Bủn rủn cả chân tay, không dám làm nữa và quyết định cai ma túy cho kỳ được. May mà bệnh tình chưa nặng, lại có quyết tâm, nên cai được và tu tỉnh làm ăn. Bây giờ thì con cháu đề huề, gia đình rất ấm cúng.

Kết luận riêng cái phần nói thêm này (làm dấu Thánh Giá) về việc “Có nên làm dấu Thánh Giá trong mọi tình huống và làm một cách có ý thức, trân trọng như một lời tuyên thệ hay không?” Câu trả lời xin dành cho độc giả. Còn nếu cả bài viết này vẫn chưa làm vừa ý hải nội chư quân tử, thì xin qúy vị truy cập sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (các số từ 232-267) để thăng tiến hơn trên hành trình Đức Tin. Ước được như vậy.

Thực sự thì kẻ hèn này cũng chưa hài lòng lắm về những lý giải của mình, nhưng cũng đỡ được sự ấm ức vì “chỉ có tin, không được thắc mắc”! Ghi lại những cảm nghiệm này, mục đích không phải để lên lớp ai, mà thực sự chỉ là cách nhắc lại cho chính mình những điều cần ghi nhớ mà đến quãng tuổi này (8 “bó” rồi!), rất hay quên. Còn nếu có được sự đồng cảm từ những anh em đồng hành thân mến, thì đó quả là vạn hạnh. Xin cầu chúc tất cả được luôn luôn và mãi mãi sống trong ơn thông hiệp mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Giáo hội hiệp thông, như Lời cầu nguyện của chính Ngôi Hai Thiên Chúa – Ngôi Lời nhập thể: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Ga 17, 20-21). Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.

“Ôi! Thật huyền siêu một Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi một Chúa cực cao sâu nhiệm mầu. Trí tuệ phàm nhân thật không sao hiểu thấu. Đoàn con chân thành khấu đầu phủ phục kính tin. Sấp mình thờ lạy đội ơn Chúa Ba Ngôi. Uy linh toàn năng tạo tác nên đất trời. Cứu độ trần gian và canh tân thế giới. Đoàn con muôn đời ca ngợi Thiên Chúa Ba Ngôi.” (TCCĐ “THIÊN CHÚA BA NGÔI”).

JM. Lam Thy ĐVD.

----------------------------

Chú thích: (1 và 2) – Xc. Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu “Deus Caritas Est” (số 3-6):  * Tình yêu “vị kỷ” (vì mình) là “Tình ái” (“Eros”) – còn gọi là tinh yêu chiếm hữu, tình yêu “nhận về” (“amor concupiscentiæ”).

* Tình yêu “vị tha” (vì người) là “Tình bác ái” (“agape”) – còn gọi là tinh yêu “cho đi” (amor benevolentiæ).

(3) Tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa tự nó vốn không vượt quá khả năng lý trí con người, trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, đều có thể biết được cách dễ dàng, chắc chắn mà không lẫn lộn sai lầm.” (Hiến chế Tín Lý về  Mạc Khải “Dei Verbum”, số 6)