Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thiên Chúa thi ân

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

THIÊN CHÚA THI ÂN                              

(CN XII-B – SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ)

 

Nói đến Thánh Gio-an Tẩy giả, thường có nhiều thắc mắc: Tại sao lại gọi là Gio-an thay vì đặt tên theo người cha là Da-ca-ri-a? Biệt hiệu “Tiền hô” và “Tẩy Giả” là gì? Trước hết, theo Kinh Thánh thì Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: "Không, phải đặt tên cháu là Gio-an." (Lc 1, 59-60). Vấn đề đặt tên cho Gio-an cũng như về sau này Đức Maria đặt tên cho Đức Giê-su đều theo thánh ý của Thiên Chúa thông qua sứ thần: Về con của ông Da-ca-ri-a thì sứ thần bảo phải đặt tên là “Gio-an” (“Nhưng sứ thần bảo ông: "Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an.” – Lc 1, 13); Gio-an có nghĩa là “Thiên Chúa thi ân”. Còn về Con Thiên Chúa thì sứ thần cũng nói với Đức Maria: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.” (Lc 1, 31), Giê-su có nghĩa “Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ”.

 

Nói đến từ “Tiền hô” trong thánh hiệu của thánh Gio-an, liền liên tưởng đến môn học lịch sử trước đây có truyền thuyết: Mỗi khi có vua đi kinh lý, thăm thú dân tình, thường có quân lính, thị vệ “tiền hô hậu ủng” (trước hô lên, sau ủng hộ). Tốp lính đi trước dẹp đường phải cầm loa vừa đi vừa hô thật lớn tiếng (“tiền hô”): “Thánh thượng giá lâm”. Dân chúng nghe thấy vậy, tránh rạt sang 2 bên bờ cỏ ven đường, nằm sấp xuống, miệng ngậm cọng rác (hoặc cọng rơm) ngụ ý “cắn cỏ ngậm vành” tỏ vẻ nhớ ơn trời bể của ông vua. Tốp lính đi phía sau ứng tiếng (“hậu ủng”) đáp lại: “Vạn tuế! Vạn vạn tuế!” Sở dĩ Thánh Gio-an được Giáo hội gọi là “Tiền hô”, ngụ ý là người đi trước hô lớn tiếng báo cho mọi người biết là Đấng Cứu Độ đã tới.

 

Tên gọi và sự xuất hiện của Thánh Gio-an Tiền Hô đã được báo trước (khoảng 500 năm) từ ngôn sứ I-sai-a (“Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” – Mc 1, 2-3). Như vậy, Tiền Hô có nghĩa là nói trước, báo trước (tiền: phía trước ; hô: nói lớn tiếng) cho cộng đồng biết một vấn đề hay sự kiện sẽ xảy ra (báo cho biết Đức Vua Giê-su sắp giá lâm – giáng trần). Còn vì sao lại gọi là Thánh Gio-an Tẩy Giả? Tẩy Giả là người làm cho (người khác) sạch sẽ (Tẩy: làm sạch; Giả: người). Thánh Gio-an Tẩy Giả được Thiên Chúa sai đến để giục lòng con người biết ăn năn hối cải, dọn sạch tâm hồn mà đón nhận Lời Hằng Sống (“Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.” – Mt 3, 3).

 

Đối với con người, nếu muốn làm sạch thân thể hoặc một vật dụng nào đó, thì phải dùng nước – nước là nguyên liệu chính – để rửa sạch mọi vết nhơ. Từ thực tế đó, Thiên Chúa dùng “Nước” làm biểu tượng Ngôi Ba Thiên Chúa (Giáo lý HTCG, số 694), vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới tẩy rửa tâm hồn con người cho nên thiện hảo được mà thôi (“Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa.” – Mt 3, 11). Như vậy, Thánh Gio-an Tẩy Giả – cũng gọi là Gio-an Tiền Hô – được Thiên Chúa sai xuống trần với sứ vụ là “hô” lên, là “rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Mc 1, 4). Và khi mọi người nghe, rồi hưởng ứng tiếng “hô” của ngài, thì chính ngài sẽ thực hiện sứ vụ “tẩy” sạch tâm hồn của họ (“Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan” – Mc 1, 4-5), để xứng đáng tiếp đón Đấng Cứu Độ.

 

Bài Tin Mừng hôm nay (Lc 1, 57-66.80) trình thuật về ngày sinh của Thánh Gio-an Tẩy Giả. Đến thời điểm đã định, Thiên Chúa sai sứ thần – qua một thị kiến trong Đền Thờ – truyền tin cho ông Da-ca-ri-a biết là vợ ông (bà Ê-li-za-bet) sẽ thụ thai và “sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa.” (Lc 1, 13-15). Sứ thần hiện ra với ông Da-ca-ri-a cũng chính là sứ thần hiện ra truyền tin cho Đức Mẹ thụ thai Chúa Giê-su, đó là sứ thần Gap-ri-en. Điều này chứng tỏ vị thế của Thánh Gio-an Tiền Hô rất cao trọng, bởi chính ngài là “một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.” (Ga 1, 6-8).

 

Trong bài Tin Mừng có một chi tiết rất đáng lưu ý, đó là khi nghe bà Ê-li-da-bet sinh con, láng giềng và thân thích tới chúc mừng và làm hiệu hỏi ông Da-ca-ri-a xem ông định đặt tên cho trẻ là gì, thì "Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gio-an." Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê." (Lc 1, 63-65). Đọc lên phía trước đoạn trình thuật này, sẽ thấy khi sứ thần truyền tin cho Da-ca-ri-a biết vợ ông sẽ thụ thai và sinh cho ông một con trai “Được đầy Thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.” (Lc 1, 17). Nghe sứ thần loan báo, ông Da-ca-ri-a đã không tin và nói với sứ thần: "Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi." Ngay lập tức ông được sứ thần đáp: “Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi. Là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi.” (Lc 1, 19-20). Và thế là ông bị câm, câm vì không tin và chỉ đến khi các điều sứ thần truyền tin thực sự xảy ra, ông mới tin và nói được trở lại như xưa.

 

Còn nhân vật Gio-an Tẩy Giả thì sao? Tuy Thánh nhân không phải là một môn đệ được tuyển chọn của Chúa Giê-su, ngài chỉ là người được sai đi dọn đường mở lối cho Chúa mà thôi. Không phải là môn đệ mà lại tin vào Đấng Cứu Thế hơn cả các môn đệ chính tông (Tông đồ). Xem thế thì đủ biết đức tin của Thánh Gio-an Tẩy Giả vững chắc như thế nào. Nhiều người cho rằng không thể so sánh các Tông đồ với Thánh Gio-an Tẩy Giả vì các môn đệ của Chúa Giê-su chịu nhiều thử thách hơn Thánh Gio-an. Nếu chỉ nhìn trên bình diện sự kiện, thì có thể nói như vậy, nhưng nếu nhìn sâu vào chiều kích siêu linh, sẽ thấy Thánh Gio-an Tẩy Giả đã vì lòng tin mà ngay từ thủa nhỏ đã vào trong hoang địa “mặc áo lông cừu, ăn châu chấu và mật ong rừng” để đối diện với những thử thách, cầu nguyện cùng Thiên Chúa thêm sức cho mà thi hành sứ vụ cao trọng đã được trao phó. Cuối cùng, cũng vì “ông đến để làm chứng về ánh sáng”, làm chứng về Sự Thật, mà Thánh nhân đã bị hung thần Hê-rô-đê trảm quyết (Mc 6, 21-29).

 

Thánh Gio-an Tẩy Giả được hạ sinh trước Đấng Cứu Thế 6 tháng. Như vậy là thánh nhân cùng tuổi với Đức Ki-tô. Đối với thế nhân, những người cùng tuổi, và lại là anh em trong họ với nhau, ít có ai chịu lép vế ai trong sinh hoạt đời thường, đừng nói là có một lòng khiêm hạ đến độ “tôi không đáng cởi dép cho Người” (Cv 13, 25). Tuy nhiên, Thánh Gio-an Tẩy Giả đã là người có lòng khiêm nhường như thế, vì chính thánh nhân cũng là một sứ giả của Thiên Chúa như Sứ giả Giê-su (“Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước Con, người sẽ dọn đường cho con đến.” – Mt 33, 10). Cùng đuợc sai đi thi hành sứ vụ, nhưng sứ vụ khác nhau: Chúa Giê-su được sai xuống trần để cứu chuộc nhân loại, còn Thánh Gio-an được sai đi dọn đường mở lối cho Đức Ki-tô. Bản thân 2 sứ giả cũng có khác: Đấng Cứu Thế là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, còn Người Dọn Đường chỉ là một người trần thế được chọn làm ngôn sứ – một nhân chứng sống cho Tin Mừng Cứu độ.

 

Tóm lại, hiểu được thực chất món quà kỳ diệu “Thiên Chúa thi ân” là Thánh Gio-an Tẩy Giả, người Ki-tô hữu không nhất thiết phải làm được những chuyện vĩ đại như ngài, nhưng vẫn có thể học theo gương ngài trong vai trò Tiền Hô và Tẩy Giả. Với tư cách Tiền Hô (tiên tri, ngôn sứ), chúng ta có thể sống chứng nhân giữa đời (làm chứng cho chân lý, cho tình yêu), cũng bởi vì “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp Loan báo Tin Mừng “Evangelii Nuntiandi”, số 41). Với tư cách là Tẩy Giả, chúng ta hãy mạnh dạn nhìn thẳng vào lòng mình, lấp cho đầy những thung lũng tị hiềm, bạt cho thấp mọi núi đồi kiêu căng, uốn cho ngay khúc quanh co hiểm ác, san cho phẳng những lồi lõm bất minh; đồng thời góp một chút công sức để cùng với Giáo hội làm sạch môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi những thứ rác rưởi ích kỷ, bụi bẩn vụ lợi, hưởng thụ sa đọa, ghen ghét hận thù, dối trá lọc lừa. Chỉ có như vậy mới xứng đáng với danh hiệu Ki-tô hữu, mang trọng trách “tư tế + ngôn sứ + vương giả” của Đức Vua Giê-su, Đấng Cứu độ trần gian. Ước được như vậy.

 

Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin rộng ban cho con cái Chúa được biết theo lời thánh Gio-an Tiền Hô kêu mời để tiến bước trên con đường cứu độ và chắc chắn gặp được Vị Cứu Tinh thánh nhân đã tiên báo, là Ðức Giê-su Ki-tô, Con Chúa, Chúa chúng con, Ðấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Gio-an Tẩy Giả).

 

JM. Lam Thy ĐVD.