Thần dược đức tin
THẦN DƯỢC ĐỨC TIN (CN XIII.TN-B)
Thuyết định mệnh thường quan niệm tất cả những gì con người được hưởng cũng như phải gánh chịu đều do ông Trời định đoạt. Một phần lớn người Ki-tô hữu cũng có quan niệm: “Chúa phạt, Chúa bắt tội, Chúa làm mưa bão, sấm sét, Chúa làm lụt lội, hạn hán, Chúa gây ra bịnh tật để trừng phạt kẻ tội lỗi…”. Quan niệm đó chẳng khác quan điểm của người Do Thái từ thời Cựu Ước, họ cho rằng bệnh hoạn là do tội lỗi gây ra, bệnh càng nặng càng chứng tỏ là người có tội nặng (Ví dụ: Người mắc bệnh phong hủi là người bị Chúa phạt, Chúa nguyền rủa bởi vì họ quá tội lỗi. “Người có bệnh phong phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế! ô uế!” Bao lâu còn mắc bệnh, người ấy sẽ còn là ô uế. Người ấy phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại.” – Lv 13, 45-46).
Bệnh tật là điều bình thường của kiếp nhân sinh. Con người bị bệnh tật là do định luật tự nhiên (sinh – lão – bệnh – tử). Ai cũng có bệnh, không bệnh nặng thì bệnh nhẹ, chẳng ai thoát khỏi cái vòng kim cô ấy. Không phải có tội là bị bệnh, có người bị bệnh nhưng không có tội (Ga 9, 2-3), nhưng cũng không thiếu những trường hợp khoẻ như voi mà tội lỗi đầy mình. Tội lỗi cũng như bệnh tật, chẳng ai là không có tội. Ấy cũng bởi vì “Lầm lỗi là bản tính của con người” (“errare humanum est” – châm ngôn La ngữ). Quan niệm người có bệnh là người tội lỗi bị Thiên Chúa trừng phạt là một quan điểm quá thiển cận. Khi dựng nên con người, Thiên Chúa ban cho họ được tự do tuyệt đối, và vì thế nên khi nghe lời cám dỗ của ma quỷ, nguyên tổ mới phạm tội. Nguyên tổ tự ý vi phạm điều răn của Chúa nên tự bản thân gánh chịu, Thiên Chúa không hề bắt nguyên tổ ăn trái cấm để rồi sau đó lại trừng phạt.
Quả thật khi con người phạm tội hoặc chết, Thiên Chúa cũng chẳng vui gì. Bài đọc 1 hôm nay (CN XIII/TN-B) là một ví dụ: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu. Quả vậy, đức công chính thì trường sinh bất tử… Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết.” (Kn 1, 13-15; 2, 23-24).
Thêm một điểm chủ yếu chứng minh Thiên Chúa không hề trừng phạt con người tội lỗi: Khi con người vì tội kiêu ngạo đã chống lại các giới răn của Chúa, đã đi vào con đường tội lỗi, bị tội lỗi thống trị; thì Thiên Chúa đã sai chính Con Một xuống thế làm người để cứu chuộc. Người đã giáng sinh trong hoàn cảnh khó nghèo, sống đời sống khó nghèo để chia sẻ những đau khổ của con người. Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su đã luôn chú ý giúp đỡ những người bé mọn, khiêm tốn, tin tưởng cầu xin Chúa khi gặp những hoàn cảnh khổ đau: hoạn nạn, khó nghèo, bệnh tật (Đức Giê-su nói: “người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." – Mc 2, 17).
Các môn đệ hỏi Đức Giê-su: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?" Đức Giê-su trả lời: "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” – Ga 9, 2-3). Nếu chỉ đọc thoáng qua câu trả lời của Đức Ki-tô, sẽ cho rằng "công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” chính là bệnh mù của anh ta (bị Thiên Chúa phạt). Như vậy thì chẳng hóa ra Thiên Chúa đã định cho anh ta phải mù hay sao? Tuy nhiên, nếu suy nghĩ cho chín chắn sẽ thấy câu "công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” chính là phép lạ Đức Giê-su Thiên Chúa chữa cho anh ta khỏi bệnh. Khi anh ta khỏi bệnh chính là lúc công trình Thiên Chúa được tỏ hiện.
Bài Tin Mừng hôm nay (CN.XIII – Mc 4, 21-43) trình thuật việc “Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: "Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống." (Mc 5, 22-23). Chúa Giê-su đã thương an ủi và chữa lành con của ông ta, đồng thời Người cũng chữa lành người phụ nữ bị bệnh băng huyết 12 năm, đã “tán gia bại sản” vì tìm thầy chạy thuốc mà bệnh ngày càng nặng thêm; bà vừa phải chịu nỗi đau thể xác vì bệnh hoạn, lại vừa phải chịu nỗi đau tinh thần vì mọi người coi bà như kẻ dơ bẩn, có tội nên bị trừng phạt, và ai cũng muốn xa lánh. Trong cả 2 trường hợp, Đức Ki-tô đã nhấn mạnh đến liều thuốc chữa bệnh tuyệt vời có ngay ở nơi người bệnh, chớ không phải nơi người thầy thuốc. Với người phụ nữ bị bệnh băng huyết thì "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh." (Mc 5, 34); còn với con gái ông trưởng hội đường thì: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi." (Mc 5, 36).
Nói đến đức tin là nói đến vấn đề cốt tủy của tôn giáo nói chung và cách riêng của Ki-tô giáo. Ở đây xin không đề cập đến những tình huống tin mù quáng hay tin a dua, a tòng, hoặc mê tín dị đoan. Chỉ xin nói đến những trường hợp tin vì được chứng kiến tận mắt (“thực mục sở thị”), hoặc do học hỏi tìm hiểu những chứng liệu, những dấu chỉ có giá trị lịch sử. Với niềm tin tôn giáo (tức là tin vào thần linh) thì làm thế nào để có thể trông thấy nhãn tiền? Đây là trường hợp rất hi hữu đã xảy ra với các ngôn sứ trong Cựu Ước. Chỉ bước sang Tân Ước, các Thánh Tông đồ mới được chứng kiến tận mắt Thiên Chúa mặc xác phàm. Tuy được “thực mục sở thị” nhưng cũng còn không ít trường hợp bán tín bán nghi, khi thì tuyên xưng niềm tin rằng Thầy mình là Thiên Chúa, khi thì lại tưởng Thầy là ma. Tin rằng Thầy là Thiên Chúa, nhưng vì thấy nhãn tiền Thầy đã chết treo khổ nhục trên thập giá, được chính tay mình liệm xác và táng trong hang đá, nên không tin Thầy đã sống lại khi chưa được “xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20, 24-25). Được thực mục sở thị mà còn vậy, huống hồ là chỉ được biết qua dấu chỉ, chứng liệu. Khó thật!
Khó, nhưng không bao giờ vượt quá sức của con người, bởi “những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua công trình của Người.” (Rm 1, 20). Thiên Chúa luôn luôn muốn đến với con người bằng mọi cách để an ủi, để cứu vớt. Người luôn luôn “dùng sự bất toàn của con người để công bố Lời Toàn Năng, dùng miệng lưỡi nhơ uế của con người để nói Lời Chí Thánh”. Vâng, và để thực sự hiểu được chân lý, con người không thể chỉ ỷ vào sức mình, mà còn cần – rất cần – cậy dựa vào Chúa Thánh Thần ("Dân Thiên Chúa, nhờ đức tin mà tin rằng mình được Thánh Thần Thiên Chúa là Ðấng bao phủ mặt đất hướng dẫn, cố gắng nhận định đâu là những dấu chỉ thực về sự hiện diện hoặc ý định của Thiên Chúa trong mọi biến cố, mọi yêu sách và ước vọng mà họ dự phần với những người đương thời." – Hiến chế về Mục vụ “Gaudium et Spes”, số 11).
Trong cuộc sống hằng ngày, mối quan hệ của con người với con người cũng được dệt bằng sự tin tưởng lẫn nhau; nếu không, cuộc sống sẽ rất nặng nề vì ngờ vực và đố ky. Xa hơn nữa, trong tình bạn và trong cuộc sống gia đình, người ta còn đến với nhau bằng niềm tin sâu xa hơn, niềm tin bao hàm cả tình yêu và lòng trung thực, niềm tin khiến con người cởi mở cõi lòng cho nhau và nâng đỡ nhau trong mọi thăng trầm của cuộc sống. Như thế, niềm tin đã là một yếu tố căn bản và cần thiết cho cuộc sống con người. Đông Phương học đã xác định niềm tin có một vị thế đặc biệt trong cuộc sống cá vị của con nguời đối với cộng đồng, đối với quốc gia (人 無 信 不 立 "Nhân vô tín bất lập": người không có niềm tin (lòng tin) thì không đứng được ở đời – Khổng Tử; 信 為 國 之 寶 "Tín vì quốc chi bảo": trung tín là báu vật của quốc gia – Tấn Văn Công).
Quả nhiên, trong xã hội, những người luôn sống trorng ngờ vực, đố kỵ, thì không thể hoà nhập với cộng đồng, họ sống co cụm trong một ốc đảo ích kỷ, nhỏ nhen. Nếu một quốc gia, từ các cấp chính quyền đến mọi tầng lớp nhân dân đều sống với nhau bằng sự trung thực và tin tưởng lẫn nhau thì chắc chắn quốc gia đó sẽ là Bồng lai tiên cảnh, là Thiên đường tại thế. Đối với tôn giáo cũng vậy, không một tôn giáo nào không được xây dựng trên nền tảng đức tin. Với Ki-tô Giáo thì “đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa" (Thánh Au-gus-ti-nô). "Với tình thương chan chứa, Thiên Chúa vô hình đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu. Ngài đối thoại với họ để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài." (Hiến chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa “Dei Verbum”, số.2).
Chính là “nhờ đức tin, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám. Nhờ đức tin, ông A-ben đã dâng lên Thiên Chúa một hy lễ cao quý hơn hy lễ của ông Ca-in. Nhờ đức tin, ông Kha-nốc được đem đi nơi khác để khỏi chết. Nhờ đức tin, ông Nô-ê được Thiên Chúa báo cho biết những gì người ta chưa thấy. Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Áp-ra-ham đã sẵn sàng hiến tế I-xa-ác, con một của mình. Nhờ đức tin, các ông I-xa-ac, Gia cóp, Giu-se, Mô-sê, Ghít-ôn, Ba-rắc, Sam-sôn, Gíp-tác, Đa-vít, Sa-mu-en và các ngôn sứ; kể cả cô kỹ nữ Ra-kháp và các phụ nữ khác, cũng như dân Do Thái khi vượt qua Biển Đỏ.” (Dt 11, 1-40). Quả thật nhờ đức tin mà tất cả đều được Thiên Chúa ban ân sủng tuỳ theo từng trường hợp của mỗi người. Bước sang Tân Ước và trải dài theo lịch sử Giáo hội cho đến hiện nay, thì không bút mực nào có thể liệt kê cho hết được những chứng liệu về một đức tin vững mạnh, trung kiên của mọi phần tử trong Hội Thánh Chúa.
Vì đức tin là sự đáp trả của con người đối với Thiên Chúa, nên nói đến đức tin là nói đến sự vâng phục, mà chính Tổ phụ Ap-ra-ham và Mẹ Maria là những mẫu gương tuyệt hảo. Vì tin, tổ phụ Ap-ra-ham đã vâng lời "ra đi mà không biết mình đi đâu" (Dt 11, 8), ngài cũng vâng lời và sẵn sàng sát tế con một của mình làm hy lễ. Vì tin, Mẹ Maria đã thưa với sứ thần: "Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói" (Lc.1,38) và trong suốt cuộc hành trình đồng công cứu chuộc với Đấng Cứu Độ, Mẹ luôn luôn “xin vâng” trong mọi tình huống. Rõ ràng đức tin sẽ giúp con người vui sống, phấn khởi và hạnh phúc. Không có đức tin thì không có niềm hy vọng, mà con người sống không hy vọng thì sẽ đau khổ, thất vọng ê chề ("Ðức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy" – Dt 11,1).
Tâm lý thông thường của con người vẫn quan niệm sự quyết định cho một người bệnh khỏi hay không là ở thầy thuốc, thầy thuốc càng giỏi thì bệnh càng chóng khỏi, nhất là khi thầy thuốc đó lại là một thần nhân, một vĩ nhân. Vì thế, nên mới “có bệnh thì vái tứ phương” và không thiếu những trường hợp “tiền mất tật mang” khi gặp phải lang băm, thầy rờ, thầy vuốt… Ấy là chưa kể còn biết bao trường hợp núp dưới bóng thần linh, dựa vào hơi ma mị quỷ quái, các ông thầy, bà mụ tung ra những chiêu thức lừa đảo khiến bệnh nhân tán gia bại sản mà bệnh vẫn hoàn bệnh. Trở lại với bài Tin Mừng, rõ ràng là Đức Ki-tô đã dạy một bài học ngược lại với tâm lý chung của con người: Được chữa khỏi hay không là ở chính bệnh nhân tin hay không tin. Người Thầy Thuốc Chí Thánh không thể chữa được căn bệnh trầm kha của con người (do bị tội lỗi thống trị) nếu con người bất hợp tác vì không tin. Quả thật "Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài." (Thánh Au-gus-ti-nô).
Xem thế thì đủ biết: Bệnh nhân chỉ có thể được chữa khỏi nếu thực lòng tin vào thầy thuốc. Tuy nhiên, sẽ nảy ra một vấn nạn: Nhưng nếu thầy thuốc là những lang băm, thầy rờ, thầy vuốt, hoặc những ông đồng bà cốt lừa mị, thì sao? Mấu chốt vấn đề chính ở điểm này. Tin vào thầy thuốc nhưng thầy thuốc ấy phải là Thầy Thuốc chí nhân chí lành đã khẳng định: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần (Lc 5, 31); Thầy Thuốc chinh là Đấng Ban Sự Sống, là Thần Chân Lý, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu. Đồng thời, "Niềm tin vào Thiên Chúa phải là sự gắn bó toàn diện và tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh và không một tạo vật nào có thể đòi hỏi nơi ta niềm tin như thế. Với người Ki-tô hữu, niềm tin vào Thiên Chúa không thể tách ra khỏi niềm tin vào Ðấng được Ngài sai đến là Ðức Giê-su Ki-tô. Chỉ một mình Người biết Thiên Chúa và có thể chỉ cho ta thấy Thiên Chúa đích thực "Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết." (Ga 1, 18).
Vì thế, tin là tin vào Thiên Chúa được tỏ hiện trong Ðức Giê-su Ki-tô. Niềm tin ấy, chúng ta không thể có nếu không được chia sẻ Thánh Thần của Ðức Giê-su vì "Không ai có thể nói rằng: Ðức Giê-su là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí" (1 Cr 12, 3). Người là Ðấng "thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa ... Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa.” (1 Cr 2, 10-11). Vấn đề có thể quy kết: Con ông trưởng hội đồng, người phụ nữ bị bệnh băng huyết đã được chữa lành vì đã có được một thần dược đặc trị: ĐỨC TIN. Vậy thì tại sao người Ki-tô hữu lại không thể thông qua lời cầu nguyện để có thể sống một cuộc sống trên nền tảng đức tin như lời dạy của thánh Giu-đa: "Hãy xây dựng đời mình trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em, hãy cầu nguyện nhờ Thánh Thần." (Gđ 1, 20).
Vâng, bệnh thì cần thuốc, bệnh nặng thì cần thuốc hay, đến như bệnh trầm kha thì phải có thần dược đặc trị. Với thần dược đặc trị Đức Tin, người tín hữu sẽ được chữa khỏi mọi bệnh tật, có thể vượt qua mọi sóng gió, thậm chí có thể chiến thắng mọi kẻ thù hung ác. Và để có thể có được thần dược đó, hãy học sống theo gương Tổ phụ Ap-ra-ham và nhất là Đức Mẹ ("Tổ phụ Ap-ra-ham và Mẹ Maria là những mẫu mực của đức tin. Vì tin, tổ phụ Ap-ra-ham đã vâng lời "ra đi mà không biết mình đi đâu" (Dt 11, 8). Vì tin, Mẹ Maria đã thưa với sứ thần: "Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói" (Lc 1, 38), vì "Ðối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được" (Lc 1, 37). Tổ phụ Ap-ra-ham và Mẹ Maria đã vì tin tưởng mà trao phó trọn vẹn cuộc đời cho Thiên Chúa và trở thành những người cộng tác tích cực vào chương trình của Thiên Chúa.
Ôi! Lạy Chúa! Con vẫn biết là nếu con có một đức tin vững mạnh thì con sẽ được chữa lành mọi bệnh tật; nhưng để có một “thần dược đặc trị” như thế, con không thể dựa vào sức mình, mà phải biết cậy dựa vào Chúa Thánh Thần. Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa đừng bỏ rơi con, vì “CHÚA là thành che chở người bị áp bức, là thành che chở trong những lúc ngặt nghèo. Người nhận biết Thánh Danh, sẽ một niềm tin cậy, vì lạy Chúa, Chúa chẳng bỏ rơi những ai kiếm tìm Ngài. Đàn ca lên mừng CHÚA, Đấng ngự giữa Si-on, tường thuật cho muôn nước những kỳ công của Người.” (Tv 9, 10-12). Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ được lành mạnh. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: