Nghỉ ngơi bồi dưỡng
NGHỈ NGƠI BỒI DƯỠNG (CN XVI TN-B)
Bài Tin Mừng tuần trước (CN XV/TN-B – Mc 6, 7-13) trinh thuật Đức Giê-su Ki-tô sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Sau một thời gian, các môn đệ trở về “kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.” Bài Tin Mừng hôm nay (CN XVI/TN-B – Mc 6, 7-13) trình thuật tiếp việc “thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng”. Tuy nhiên, đám đông “hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.” Đó là lý do khiến Thầy “chạnh lòng thương” và lại “bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”.
Không gì hạnh phúc bằng những thành quả gặt hái được sau chuyến “được sai đi” của các Tông đồ; đó là được người ta đón nhận và đi theo các ngài rất đông, đông đến độ không còn thì giờ để các ngài ăn uống (Mc 6, 31). Chính vì thế, các môn đệ đã rất phấn khởi thuật lại những kết quả tốt đẹp đó cho Thầy nghe. Đức Ki-tô hiểu tường tận những thành quả của các môn đệ, nhưng Người lưu tâm đến Lời Người đã hứa từ trước khi sai các môn đệ đi rao giảng. Đó là "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng." (Mt 11, 28-30).
Sau một chuyến công tác vất vả nhưng đạt hiệu quả cao, thì vấn đề nghỉ ngơi bồi dưỡng chính là phần thưởng phù hợp nhất. Sự nghỉ ngơi không chỉ đơn thuần mang tính cách bồi dưỡng sức khoẻ thể chất, mà chính là bồi dưỡng về mặt tâm linh. Thật thế, được nghỉ ngơi là một dịp tìm lại khoảng lặng của tâm hồn để từ đó rút ra được những bài học bổ ích: rút ưu khuyết điểm để có thế phát huy những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, bổ sung những điều còn thiếu sót. Quả thực “CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.” (Tv 23, số 1-3).
Khi cho các môn đệ "hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút", Đức Ki-tô đã “bổ sức” cho các ngài để các ngài tiếp tục công việc trên hành trinh loan báo Tin Mừng. Như vậy, vấn đề nghỉ ngơi ở đây không phải là hưởng thụ mà chính là dịp tìm lại cái tâm an bình (“tĩnh tâm”). Nói cách khác, đây là dịp tìm lại sự bình an – bình an cho tâm hồn, bình an trong cuộc sống và nhất là bình an trong sứ vụ. Thực thế, điều chính yếu cần quan tâm trong sứ vụ mục tử của Chúa Ki-tô được Thánh Phao-lô lưu ý không phải là vấn đề cơm bánh, mà là sự bình an (“Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta… Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.” – Ep 2, 14-18; “Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” – Rm 14, 17).
Với các môn đệ thì như vậy, nhưng với bản thân thì Chúa có nghỉ ngơi được không? Vừa mới tới nơi chỉ định cho các môn đệ nghỉ ngơi, thì “Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.” (Mc 6, 34). Đức Ki-tô khi thấy đám đông – mà đám đông này là thành quả của một quá trình rao giảng của cả Thầy lẫn trò – thì Người “chạnh lòng thương” vì thấy họ “như bầy chiên không người chăn dắt”. Sở dĩ vậy, vì chính Người là vị Mục Tử Nhân Lành (“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” – Ga 10, 14-15). Là Chúa Chiên, nên cùng lúc Đức Ki-tô đã quan tâm tới tất cả đàn chiên (đám đông người đi theo, kể cả các Tông đồ).
Sự nhạy cảm trước nhu cầu cần thiết của đàn chiên, bộc lộ một tình thương bao la nơi Chúa Chiên. Tình thương ấy đòi buộc Người phải làm cho họ một cái gì, mà cái gì đó phải chăng chính là sự nghỉ ngơi bồi dưỡng? Các Tông đồ được “nghỉ ngơi đôi chút” và đám đông được “dạy dỗ nhiều điều”, đó chính là sự bồi dưỡng về mặt tâm linh. Nói cách khác thì đó là Đức Ki-tô đã cụ thể hoá việc “sống Lời Chúa” cho mọi người. Tuy nhiên, việc làm trên của Đức Giê-su mới chỉ thể hiện được vế 2 của Lời Người từng dạy dỗ “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4, 4); còn vế 1 “vấn đề cơm bánh” bồi dưỡng thể xác thì sao?
Mấu chốt vấn đề chính ở điểm này: Đức Giê-su đã dùng cách nói “Không những…, mà còn…” để nêu bật nhu cầu sống của loài người về cả hai mặt: Thể chất và tâm linh, cả 2 đan quyện vào nhau, bổ túc cho nhau. Người ta sống trên đời không chỉ bằng cơm bánh không thôi, vì như thế sẽ chẳng khác chi loài thực vật vô tri vô giác. Nhưng Chúa cũng không yêu cầu sống hoàn toàn bằng Lời Chúa, vì dù sao con người sống trên trần gian này vốn chỉ là một thụ tạo, có nhu cầu về thể chất thì cũng có nhu cầu về tinh thần. Vì vậy, ngay sau khi ban lương thực tinh thần cho các Tông đồ và đám đông, thì Đức Ki-tô đã lưu ý tới nhu cầu cần bồi dưỡng thể chất cho mọi người. Và chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá, Người đã bồi dưỡng cho đám đông tới 5000 người không kể đàn bà và trẻ con (tất nhiên trong đó có các Tông đồ) được no nê thoải mái, mà vụn bánh còn dư tới 12 thúng đầy (Mc 6, 37-44).
Trong xã hội loài người hiện nay, những người thiếu cơm ăn áo mặc, lầm than, cực khổ về thể xác vẫn là con số quá đông; nhưng đến như những người thiếu lương thực tinh thần cũng không phải là ít. Tuy rằng cũng đã có thật nhiều những cá nhân, đoàn thể biết “chạnh lòng thương” những người xấu số ấy, nhưng xem ra cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Ấy mới chi là những nạn nhân của thiên nhiên, chưa nói tới những nạn nhân của chính con người với con người. Quả thật đời là bể khổ, đời là bể trầm luân, mà trong đó con người triền miên ngụp lặn với biết bao sóng gió bão bùng. Chính vì thế, nên vẫn cần – rất cần – có những mục tử kế vị Mục Tử Nhân Lành Giê-su Ki-tô, có một trái tim thật nhạy bén “chạnh lòng thương” những “bầy chiên không người chăn dắt” (cả chiên nội và chiên ngoại – cả ràn chiên được tuyển chọn và những ràn chiên khác).
Trong xã hội hiện nay có rất nhiều mục tử, nhiều nơi thậm chí dư thừa, nhưng mục tử tốt biết "chạnh lòng thương" và biết hy sinh cho đàn chiên thì vẫn luôn luôn thiếu. Đàn chiên đau khổ rất cần những mục tử biết "chạnh lòng thương". Nói như vậy, không có nghĩa là chỉ có những mục tử mới có trách nhiệm, mà cả những con chiên chính hiệu (“chiên nội”, nhãn hiệu trình toà – marque déposée – đàng hoàng) cũng phải có bổn phận cộng tác với các mục tử trong sứ vụ cao trọng này; bởi đến như Thiên Chúa cũng rất cần sự cộng tác của con người mới thực hiện được công trình cứu độ ("Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài" – Thánh Au-gus-ti-nô).
Tóm lại, trách nhiệm bồi dưỡng đàn chiên của Chúa về cả 2 mặt thể xác và tâm linh là trách nhiệm chung của Hội Thánh Chúa bao gồm cả tư tế thừa tác (linh mục) và tư tế cộng đồng (giáo dân). Ấy cũng bởi vì “Thánh Au-gus-ti-nô viết: ‘Cũng như chúng ta tất cả được gọi là Kitô-hữu (Christiani) vì đã được xức dầu (Chrisma) một cách thiêng liêng, do đó tất cả được gọi là linh mục, bởi vì chúng ta là thành phần thân thể của Linh Mục Duy Nhất’ (De Civitate Dei - XX, 10)." (Tông huấn Ki-tô hữu Giáo dân “Christi Fideles Laici”, số 14). Nói cụ thể, người Ki-tô hữu không chỉ rao giảng Tin Mừng bằng cách đem lương thực tinh thần (Lời Chúa) đến cho mọi người, ở mọi nơi, trong mọi lúc; mà còn có nhiệm vụ đem lương thực vật chất (cơm áo, gạo tiền) đế cho những người nghèo đói, tật bệnh… Ước được như vậy.
Ôi! Lạy Chúa! Xin Chúa ban Thần Khí soi sáng cho chúng con, để chúng con hiểu rằng khi Chúa thương gọi con làm Ki-tô hữu, Chúa đã cho con được tham dự vào chức vụ mục tử của Ngài (tư tế cộng đồng). Cùng với sự hiểu biết ấy, con sẽ nhận ra trách nhiệm của chính bản thân con là phải cộng tác – đồng trách nhiệm – với các vị mục tử Chúa đã chọn trong Bí tích Truyền Chức (tư tế thừa tác), "Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu…" ("Kinh hoà bình" – TCCĐ).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: