Chia sẻ lương thực
CHIA SẺ LƯƠNG THỰC
(CN XVIII TN-B)
Khi suy niệm Lời Chúa trong Thánh lễ Chúa nhật XVIII.TN-B (Xh 16, 2-4.12-15; Ep 4, 17.20-24; Ga 6, 24-35), kẻ viết bài này lại nhớ đến Mẹ Thánh Tê-rê-sa Calcutta. Đọc trong “Bí quyết sống của Mẹ Tê-rê-sa thành Calcutta” (Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai - Radio Veritas Asia, Philippines), thấy tác giả viết ở Mục III:
“Nhìn thấy sự nghèo cùng của anh chị em: Người nghèo hôm nay cần cơm bánh, nhưng còn cần những thức ăn tinh thần khác nữa. Cái đói của thân xác không cồn cào bằng cái đói tinh thần. Con người đói công bằng và hạnh phúc, đói yêu thương và kính trọng. Con người khát niềm vui và bình an, cảm thông và sự thật. Trong nơi sâu thẳm, con người đói khát Ai đó để mình yêu mến tôn thờ. Đức Giê-su mời ta hãy tin vào Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến ("Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến." – Ga 6, 29). Hãy đến với Chúa Giê-su để bắt đầu được nếm thử tấm bánh của Ngài, vì chính Ngài là Tình yêu, Sự thật và Bình an.
Thiên Chúa đã đồng hóa mình với kẻ đói khát, đau yếu, trần truồng, không nhà cửa; không phải chỉ đói khát cơm bánh, nhưng còn đói tình thương, sự chăm sóc, đói được tôn trọng; trần truồng không những vì không có áo mặc, nhưng còn vì không có sự cảm thông, mà không mấy ai dành cho kẻ mình không quen biết; không nhà cửa, không những vì không có căn nhà che mưa che nắng, nhưng còn vì cảm thấy mình như không có nhà vì không có người nào đến tìm thăm.
Vì thế tôi khẩn xin mỗi người, giàu cũng như nghèo, trẻ cũng như già, hãy dùng đôi tay để phục vụ Chúa Ki-tô trong người nghèo, và dùng con tim mà yêu mến Chúa nơi họ. Những người nghèo có thể là những kẻ xa hay gần bên cạnh ta; nghèo vật chất hay nghèo tinh thần; đói khát tình thương và tình bạn hữu; dốt nát không biết đến sự phong phú của tình thương Thiên Chúa đối với họ; không nhà cửa, bởi vì họ cần có tổ ấm được làm nên do bởi tình yêu thương trong tâm hồn; và bởi vì tình yêu thương bắt đầu trong gia đình, có lẽ Chúa Ki-tô bị đói, trần truồng, đau yếu hay không nhà nơi chính tâm hồn các bạn, nơi nhà các bạn, nơi những kẻ gần gũi các bạn, tại đất nước bạn sinh sống, trên khắp thế giới.”
Đọc lời kêu gọi của mẹ thánh Tê-rê-sa Calcutta (-nt-) thấy mẹ đã thấm nhiễm Lời dạy của Đức Ki-tô trong bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước (CN.XVII/TN-B – Ga 6, 1-15), kể cả bài Tin Mừng hôm nay (CN.XVIII/TN-B – Ga 6, 24-35). Quả thật đám đông dân chúng đã chứng kiến Chúa Giê-su làm phép lạ “Năm chiếc bánh và hai con cá” và sau khi được ăn bánh no nê ở Ti-bê-ri-a, họ liền xuống thuyền đi theo Người tới Ca-phac-na-um. Bài Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Gio-an trình thuật về sự kiện đó:
Khi thấy đám đông, Đức Giê-su đã nói thẳng lý do khiến họ đi theo Người: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.” (Ga 6, 26). Nhận xét này có vẻ gay gắt vì thực ra đám đông khi được ăn ở Ti-bê-ri-a, họ đã thoả mãn nhu cầu vật chất (được ăn no); nhưng đồng thời họ cũng thấy Thầy trò Chúa Giê-su chỉ có hơn chục người, không thấy mang theo những vật dụng cồng kềnh nặng nề (tức là không có dự trữ lương thực dài ngày), vậy thì làm cách nào để có đủ bánh ăn cho hơn 5000 người không kể đàn bà và trẻ con? Đó chính là dấu lạ khiến họ tò mò, và như vậy họ đi theo Chúa vì được ăn no (nhu cầu thể chất), đồng thời cũng vì muốn được tìm hiểu dấu lạ mà họ đã được chứng kiến (nhu cầu tinh thần).
Nhưng sở dĩ Đức Ki-tô có nhận xét gay gắt như vậy là có dụng ý đánh trúng vào tim đen con người chỉ lo tìm kiếm của cải trần thế (nhu cầu vật chất), để từ đó Người hướng tâm trí họ tìm đến với của cải Nước Trời (nhu cầu tâm linh); như Người thường răn dạy các môn đệ: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt 4, 4). Mà có lẽ cũng vì quá chú trọng đến nhu cầu thể chất, nên khi nghe Đức Ki-tô nói về bánh trường sinh, thì họ thắc mắc lìền: "Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.” (Ga 6, 30-31). Họ đã nhắc đến thời gian 40 năm tìm về Đất Hứa, dân It-ra-en đã được Đức Chúa – thông qua lời cầu xin của ngôn sứ Mô-sê – ban Man-na và chim cút làm lương thực (Xh 16, 11-15).
Đó là bánh và thịt thật sự từ trời rơi xuống, thực sự là vật chất (“Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê. Thật vậy, buổi chiều, chim cút bay đến rợp cả trại. Và buổi sáng thì có lớp sương phủ quanh trại. Rồi khi sương tan đi thì trên mặt hoang địa, có một thứ gì nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất.” – Xh 16, 12-14), mà “Nhà Ít-ra-en đặt tên cho vật ấy là man-na. Nó giống như hạt ngò, màu trắng và mùi vị tựa bánh tráng tẩm mật ong.” (Xh 16, 31). Chính Đức Ki-tô cũng xác nhận: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Tuy vậy, đến khi họ hỏi: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy”, thì Đức Giê-su lại bảo họ: ”Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ.” (Ga 6, 32-35).
Xin được ăn mãi thứ bánh man-na thì Đức Ki-tô lại bảo chính Người là bánh – mà còn là “bánh trường sinh” nữa – thì làm sao mà tin cho được! Thực thế, tiếp theo phép lạ hoá bánh ra nhiều lần thứ nhất (Ga 6, 1-15) là phép lạ Đức Ki-tô đi trên mặt Biển Hồ (Ga 6, 16-21). Sau đó là bài giảng tại hội đường Ca-phác-na-um (Ga 6, 22-66), thêm một lần nữa Đức Giê-su nói chính Người là bánh trường sinh. Không những Đức Ki-tô không để cho những kẻ tin vào Người phải đói, mà còn không để họ phải khát nữa ("Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời." – Ga 4, 14).
Một cách cụ thể, Bánh Trường Sinh là Thịt Đức Ki-tô thì thứ Nước mà Người nói đó chính là Máu Người vậy (“Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho kẻ ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy.” – Ga 6, 54-55). Lần này thì không chỉ làm cho đám người Do Thái sôi nổi tranh luận với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được”; mà còn khiến nhiều môn đệ của Người thốt lên: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi” (Ga 6, 60). Các môn đệ ở liền bên với Thầy không rời nửa bước, vậy mà còn cho Lời Thầy là chướng tai, thì nói chi đến đám người Do Thái. Chính vì thế mà Đức Ki-tô nói: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.” (Ga 6, 26).
Hiểu một cách nôm na thì đó là Chúa muốn nói đám người này chỉ chú ý đến của ăn bảo dưỡng thể xác, không biết đến của ăn tâm linh nuôi dưỡng tinh thần. Nhưng cho đến khi Người khẳng định chính Người là bánh trường sinh, mà đám người Do Thái (kể cả các môn đệ) vẫn không hiểu và cho là chướng tai, thì mới thấy Lời nói trên (Ga 6, 26) còn hàm chứa một “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời): Đám người Do Thái chỉ hiểu Thánh Kinh theo nghĩa đen, nghĩa chiểu tự, nên mới như vậy. Nếu biết rằng Đức Ki-tô luôn dùng dụ ngôn (nói ví) để cụ thể hoá những ý niệm trừu tượng, thì họ sẽ hiểu ra ngay là Đức Ki-tô đã dùng cách nói ẩn dụ (ví ngầm) khi Người nói ”Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ” (Ga 6, 35). Muốn hiểu, thì phải nghe bằng nội tâm, phải hiểu theo nghĩa ẩn dụ, nghĩa thiêng liêng. như trong Tông huấn LỜI CHÚA (II, 46) đã viết: “Thánh Au-gus-ti-nô từng nói: “Người giảng dạy lời Chúa ở bên ngoài mà không nghe lời ấy trong nội tâm chắc chắn là người vô bổ (barren)”.
Như vậy là đã rõ, Đức Giê-su khuyên người ta không nên tìm thứ "lương thực mau hư nát" là những thứ chỉ đem lại những hạnh phúc nhất thời, chóng qua, mà hãy tìm loại "lương thực trường tồn đem lại hạnh phúc vĩnh cửu". "Lương thực trường tồn" ấy chính là những gì nuôi dưỡng đời sống tâm linh, làm cho sự sống ấy phát triển bền vững. Khi đời sống tâm linh phát triển, con người sẽ mãi mãi hạnh phúc, và không gì trong cuộc đời có thể lấy đi hạnh phúc đó, khiến họ đau khổ. Khi Đức Ki-tô nói “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” thì không phải là Người bảo phải trực tiếp ăn thịt và uống máu Người, mà là hãy tin vào mầu nhiệm cứu độ: Vì tôi lỗi loài người, Người sẽ chịu chết treo trên thập giá và khi đã sinh thì, Trái Tim cực thánh còn bị đâm thâu chảy đến cạn kiệt dòng máu yêu thương. Và nhờ thế mà những kẻ tin vào Người sẽ được sống muôn đời trên cõi sống vĩnh hằng, chẳng bao giờ còn đói khát nữa. Như vậy thì chẳng phải là đã được ăn Thịt và uống Máu Người đó sao?
Khi đã nghe Lời Chúa bằng nội tâm, thì sẽ hiểu được ngụ ý của Lời trong dụ ngôn, và khi đã hiểu rõ Chúa muốn dạy "bánh trường sinh Giê-su” chính thực là của ăn tâm linh thì lại phải biết cách “ăn”. Ăn thức ăn nào là nhận chất bổ dưỡng, tăng cường sinh lực từ thức ăn ấy. Ăn cái thứ "lương thực mau hư nát" thì cũng chỉ để bảo dưỡng cái “thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống” (Kn 9, 15) mà thôi. Đức Giê-su là năng lực thần tính siêu nhiên, nên “ăn” Người là đón nhận vào mình năng lực thần linh hầu bảo dưỡng và tăng trưởng đời sống tâm linh. Đương nhiên “ăn” Đức Giê-su không phải là “ăn” bằng miệng, bằng thể xác, mà bằng ý thức nội tâm, “ăn” bằng tâm linh vậy. Cũng đã có vấn nạn: “Vậy tại sao Giáo hội vẫn yêu cầu tín hữu năng rước lễ và các tín hữu ngày nào cũng “ăn” bánh trường sinh Giê-su, nhưng vẫn phải chết?”
Mấu chốt vấn đề chính ở điểm này: Việc rước lễ (ăn bánh miến đã truyền phép, có Chúa Giê-su ngự ở trong) được cử hành qua việc “ăn” bằng miệng tấm bánh (vật chất), chủ ý là để Ki-tô hữu nhìn thấy và tin vào hành động thánh thiện “rước Chúa vào lòng”. Nếu ai đó rước lễ theo thói quen, chẳng có ý niệm gì, hoặc tâm hồn đầy tì vết tội lỗi mà vẫn cả gan rước lễ, thì cũng kể như không. Chúa luôn “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”, ngoại trừ trường hợp con người khoá chặt cửa lòng, xua đuổi Chúa đi mà thôi. Vậy thì việc Giáo hội kêu gọi, khuyến khích tín hữu siêng năng rước lễ cũng chỉ là để khuyến khích mọi người luôn củng cố niềm tin, chuẩn bị sẵn sàng diện kiến Thánh Nhan vào ngày cánh chung. Còn vấn đề tại sao thường xuyên “ăn” bánh hằng sống Giê-su mà vẫn phải chết, thì – như đã phân tích ở trên – phải hiểu theo khía cạnh tâm linh. Bánh hằng sống Giê-su là bánh nuôi dưỡng đời sống siêu nhiên và nếu ai thực sự khao khát và luôn dọn sạch tâm hồn để “rước Chúa vào lòng” thì thể xác người ấy vẫn chết (cũng như xưa ngưới Do Thái được ăn man-na từ trời xuống vẫn phải chết), nhưng linh hồn sẽ được hưởng sự sống vĩnh cửu trên quê Trời.
Tóm lại, nhờ mạc khải, con người biết được Thiên Chúa là ai và Người mong muốn người tín hữu làm gì để đáp trả. Con đường duy nhất để đáp trả là đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa (“Nếu mạc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người, thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa.” – Thánh Au-gus-ti-nô). Mà nói đến đức tin thì đừng quên “đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 17). Nói cách cụ thể là “hãy dùng đôi tay để phục vụ Chúa Ki-tô trong người nghèo, và dùng con tim mà yêu mến Chúa nơi họ” (Thánh Tê-rê-sa Calcutta). Ước được như vậy.
Lạy Chúa Ki-tô! Xưa Chúa đã phán “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống." (Ga 6, 51). Chính Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, là thần lương bảo dưỡng hữu hiệu cho tâm linh chúng con. Xin Chúa ban Thánh Linh dạy chúng con biết cách “ăn” Bánh Hằng Sống là chính Thịt và Máu Chúa, để chúng con được sống trường sinh và hạnh phúc, thứ hạnh phúc đích thực và không bao giờ hư mất trên quê Trời vĩnh cửu. Đó là hạnh phúc đời đời của chúng con. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: