Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sao mai, tiếng ngân vang

Tác giả: 
Đặng Phúc Minh

 

 

SAO MAI,TIẾNG NGÂN VANG

CỦA MỘT NGÔI TRƯỜNG CÒN MÃI VỚI THỜI GIAN

 

Những lời chào hỏi ân cần khi gặp gỡ đó đây, hay lúc họp lớp hàng năm; những lá thư, những email, messenger với nội dung thăm hỏi, chúc mừng; những thông tin về gia đình, về cuộc sống…đơn sơ,nhưng chân thật của những cô cậu học sinh trước năm 1975, mà nay đã trở thành ông, thành bà,đã có cháu nội, cháu ngoại, có khi đang đảm trách những trách nhiêm quan trọng trong xã hội, cũng như trong Giáo Hội, từ nhiều nơi đến với tôi.Đó quả là niềm vui,nguồn hạnh phúc lớn lao cho tôi, một thầy giáo đã nghỉ hưu, đang ở tại một miền quê Việt Nam!

 

Tuất Nguyễn là một trong những người học sinh tạo cho tôi nhiều ấn tượng. Em là một cô học trò trường Sao Mai năm xưa,nơi miền Cái Sắn, vào những năm 1966,1967,1968, đang định cư tại Úc, thường gởi thư về thăm tôi.Không những thế, Tuất Nguyễn còn gởi cho tôi những video phong cảnh,kỳ quan thiên nhiên,hay nhân tạo thật hùng vĩ,tuyệt đẹp đó đây trên thế giới;có khi là những ý tưởng, những bài thơ, bài hát đầy nghệ thuật và tính nhân văn cao đẹp của con người…

 

Anh Quỳnh Tín, một học sinh Sao Mai niên khóa 1962-1963-1964, hiện là anh Trưởng của Phong trào Cursillo ngành Việt Nam tại Hoa Kỳ.Anh Quỳnh Tín là người bạn thân thiết với tôi hiện nay. Chúng tôi trao đổi với nhau hàng ngày,về những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động của Phong trào Cursillo tại Việt Nam và Hoa Kỳ, hầu rút ra được kinh nghiêm, góp một phần nhỏ vào việc phát triển Phong trào tại Việt Nam hôm nay đi đúng hướng, đúng mục đích,như Phong trào đã đề ra…

 

Hồi tưởng về ngôi trường Sao Mai năm xưa, tôi được an vui, cùng cảm kích và trân quí biết bao, khi tình thầy trò, tình bạn hữu vẫn bền chặt trong sáng, dù thời gian đã trôi qua hơn nửa thế kỷ, quảng thời gian đủ để bao công trình vật chất của con người, sẽ trở nên rêu phong cỏ mọc, và phai tàn mục nát theo năm tháng thời gian, nếu không được chăm sóc chu đáo.

 

Hồi tưởng về trường Sao Mai năm xưa, bao kỷ niệm êm đềm,tươi vui ngày đó đang ùa về trong trí óc tôi. Tôi như bừng sống lại một thời tới trường, với nhiệm vụ giảng dạy môn Toán Hình Học,cùng những bài toán về quĩ tích thật khó và khô khan. Làm cách nào cho học sinh dễ hiểu, với một lớp cả năm, sáu chục học sinh, là điều băn khoăn luôn đặt ra với tôilúc đó. Thật vui, khi từ một giờ toán khô khan, khó khăn đã trở nên hứng thú, hấp dẫn với học sinh, trong giờ học toán của tôi. Đôi lần, cha Hiệu Trưởng cũng như Ban Giám Học đi ngang qua lớp, các vị đều mỉm cười gật đầu, vì lớp học thật chăm chú lắng nghe, đôi khi cả lớp vỡ òa lên cười thoải mái...

 

Một chút nhỏ thành công trong việc giảng dạy thuở ban đầu, cũng là một chút nhỏ kinh nghiệm giúp tôi tin yêu, vững bước vào đời cho tận đến hôm nay đã ở tuổi U 80.

 

Xin cám ơn mái trường Sao Mai, cám ơn cha cố Hiệu Trưởng(bằng lời cầu nguyện cho Ngài), cám ơn Ban Giám Học, các bạn đồng nghiệp, và cám ơn các cô cậu học sinh năm xưa, nhờ đó, tôi đã có môi trường làm việc thắm đẵm tình bằng hữu, tình thầy trò, mà tình đó còn đọng lại mãi đến hôm nay. Tôi tin nó bền vững mãi mãi…

 

Hồi tưởng về trường Sao Mai năm xưa, tôi cảm thấy thú vị và hạnh phúc. Vì tôi đã được làm việc trong một ngôi trường đang đeo đuổi một triết lý giáo dục là: Nhân bản, khoa học và dân tộc.Ý tưởng khai phóng cũng được khuyến khích thực hiện. Một triết lý giáo dục như thế sẽ không hề lỗi thời với mọi thời đại tiến bộ, khi thời đại đó, biết lấy con người làm gốc, biết coi trọng những giá trị tinh thần, cùng luôn biết ơn cội nguồn tạo dựng…

 

Với ý hướngcoi trọng giáo dục hầu giúp con người tiến bộ, Đức cha cố Micae Nguyễn Khác Ngữ đã có chủ trương: “Nơi các xứ đạo thì trường học được ưu tiên xây dựng trước, tiếp đến mới xây nhà thờ”. Các ngôi trường ở miền Cái Sắn được xây dựng, phản ảnh đúng ước nguyện của cố Đức cha Micae, vị Giám mục tiên khởi của giáo phận Long Xuyên, Người có cái tâm, và cái tầm vượt trội, xuyên qua hàng thế kỷ.

 

Phần thầy cô giáo chúng tôi, dưới mái trường tư thục Sao Mai thời đó, dù giảng dạy lãnh lương theo giờ, nhưng nhiều người đã tự nguyện dạy không lương nhiều giờ,nhiều ngày để giúp các em không bị hổng kiến thức. Riêng tôi, đã có những giờ dạy miễn phí hầu giúp các em yếu về toán, có thể theo kịp bạn bè cùng lớp, và vững vàng khi lên các lớp trên.Và một điều lạ, là khi giảng dạy, không ai nghĩ đến tiền bạc, đồng lương, mà chỉ nghĩ bằng cách nào giúp tất cả học sinh mau hiểu bài mà thôi.

 

Hồi tưởng về trường Sao Mai, tôi thấy không nhữngtrường đã truyền đạt đến các thế hệ học sinh thời đó những kiến thức khoa học căn bản vững vàng, trường còn chú tâm xây dựng về mặt đạo đức, để hình thành nên những con người toàn diện. Điều đó rất phù họp với mười hai giá trị sống mà Unesco đã nêu ra hiện nay là: Hòa bình, tôn trọng, hợp tác, trách nhiệm, trung thực, khiêm tốn,giản dị, khoan dung, đoàn kết, tình yêu thương, tự do, và hạnh phúc.

 

Chính nhờ thế, mà bao thế hệ học sinh năm xưa, đã thành người hữu dụng cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội và cho Giáo Hội khắp mọi nơi trên thế giới.Họ chính là người nối tiếp, làm vẻ vang ngôi trường mang tên Sao Mai năm xưa. Đây cũng là điểm nổi bật của người dân miền Cái Sắn thuộc các hạt Vĩnh Thạnh, vĩnh An, Tân Hiệp, Tân Thạnh thuộc giáo phận Long Xuyên hiện nay, khi họ biết coi trong sự học toàn diên.

 

Tôi tin tưởng rằng, Sao Mai, tiếng ngân vang của môt ngôi trường còn vang vọng mãi với thời gian, dù tuổi đời của trường chỉ có 15 năm (1960-1975), chính là nhờ những thế hệ hôm nay, biết lo cho đời sau. Thế hệ hôm nay, đã tạo được ngày họp mặt truyền thống, ngày 18 tháng 10 hàng năm, cũng là ngày giỗ cha Hiệu Trưởng Nguyễn Đức Do. Trong ngày đó, cưu học sinh Sao Mai còn trao tặng những học bổng Khuyến Học,Khuyến Tài cho học sinh. Một công việc thật đẹp và mang nhiều ý nghĩa!

 

Cần Thơ ngày 05 tháng 08 năm 2018

 

  Đặng Phúc Minh