Tôn kính bằng đầu môi chót lưỡi
TÔN KÍNH BẰNG ĐẦU MÔI CHÓT LƯỠI (CN XXII/TN-B)
Do Thái giáo có những luật lệ rất khắt khe: không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước; không được ăn thịt heo, thịt thú chết ngạt; không được đụng vào xác chết, chạm vào người phong cùi; không được ngồi chung bàn với dân ngoại, không được vào nhà những người bị coi là tội lỗi v.v... Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Đối với người Pha-ri-sêu, ai đụng vào, sờ vào hay ăn những đồ cấm kỵ là trở nên ô uế. Nếu chỉ nhìn trên bình diện đời sống trần tục thì nói chung những luật lệ đó là tốt đẹp; ngoại trừ tục “không được đụng vào xác chết, chạm vào người phong cùi; không được ngồi chung bàn với dân ngoại, không được vào nhà những người bị coi là tội lỗi” nằm trong vấn đề giao tiếp, đối xử trong cộng đồng, thì không thể chấp nhận được.
Bài Tin Mừng hôm nay (CN XXII/TN-B – Mc 7, 1-8a.14-15.21-23) trình thuật một nhóm người Pha-ri-sêu và một số kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến. Họ thấy vài môn đệ của Đức Giê-su dùng bữa mà chưa rửa tay; họ liền hỏi Người: "Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?" Vấn đề đặt ra ở đây là động cơ thúc đẩy bọn người Pha-ri-sêu căn vặn Đức Ki-tô. Họ không nói đến vấn đề vệ sinh ăn uống, mà là muốn đặt vấn đề giới luật để gài bẫy đối tượng mà họ đố kỵ, ganh ghét. Hiểu quá rõ về tâm lý đó, nên Đức Ki-tô đã nói thẳng: "Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: ‘Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân’. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm." (Mc 7, 6-8).
Đức Giê-su còn nhấn mạnh: "Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế." (Mc 7, 15), Để ý một chút sẽ thấy Đức Ki-tô dùng tiếng ô uế (Từ nguyên: Ô: vẩn, đục; Uế: bẩn thỉu – Ô uế: nhơ nhớp, dơ bẩn – Vd: Cuộc đời ô uế của gái mại dâm) là có ý nói đến cả cuộc sống của con người chớ không chỉ là việc ăn uống (Nếu thức ăn do bàn tay không sạch sẽ đưa vào trong cơ thể sẽ khiến cho cơ thể đau yếu, bệnh tật, chớ không phải làm cho con người ra ô uế). Người còn giải thích rõ hơn: "Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế." (Mc 7, 20-23). Rõ ràng Đức Ki-tô đã cho họ thấy rằng động lực thúc đẩy con người trở thành ô uế là từ nội tâm tư tưởng.
Rửa tay trước khi ăn là ăn cơm bánh để nuôi dưỡng thể xác. Nhưng điều Chúa muốn nói đến ở đây là ăn của ăn thiêng liêng, mà với của ăn tâm linh thì điều tất yếu là phải rửa sạch mọi vết nhơ của cõi lòng. Điều đáng tiếc là những người đặt nặng những hình thức bên ngoài, thì lại thường coi nhẹ cái cốt lõi bên trong lề luật. Đức Giê-su đã lên án điều ấy: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và sự thành thật. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.” (Mt 23, 23-24). Đức Giê-su đã phê bình đám kinh sư chỉ câu nệ vào Lề Luật nơi những điều phụ thuộc, còn điều quan trọng thì không màng tới. Người nhấn mạnh: “Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ”. Rõ ràng là Người không những chỉ nhắc nhở phải lưu tâm tới điều trọng yếu trong Lề Luật, mà còn nhắc nhở không được bỏ qua những điều thứ yếu.
Một cách cụ thể thì việc giữ luật không câu nệ theo hình thức bên ngoài, hoặc những tiểu tiết, những điều phụ thuộc, mà hệ tại một cái gì đó sâu xa hơn nhiều, là cái quan trọng nhất trong luật, là cốt tủy của lề luật. Cái đó chính là tuân giữ tinh thần chủ yếu của lề luật bằng cả tấm lòng. Nói cách khác, đó là “Đạo Tại Tâm” vậy. Khi nói “Đạo Tại Tâm”, thường thì cần phải phân biệt nghĩa chiểu tự và nghĩa thiêng liêng: Theo nghĩa chiểu tự thì “Đạo” chỉ có nghĩa là con đường, nhưng theo nghĩa thiêng liêng thì Đạo mang màu sắc tôn giáo. Gộp chung cả 2 nghĩa thì Đạo chính là đường đi nước bước của một tôn giáo. Vậy “Đạo Tại Tâm” là muốn nói đến tinh thần, đường hướng của một tôn giáo cốt ở trong lòng, ở nội tâm, chớ không chỉ ở hình thức bên ngoài (“Nhưng người Do Thái chính hiệu là người Do Thái tận đáy lòng, phép cắt bì chính hiệu là phép cắt bì trong tâm hồn, theo tinh thần của Lề Luật chứ không phải theo chữ viết của Lề Luật. Người như thế được Thiên Chúa chứ không phải người phàm khen ngợi.” – Rm 2, 29). Nếu quá câu nệ vào hình thức bên ngoài mà trong lòng trống rỗng, không thành thật, thì đó chỉ là thứ “giả hình”, là “made in Pha-ri-sêu” mà thôi.
Nói như vậy cũng không có nghĩa là “Đạo Tại Tâm” chỉ giữ đạo ở trong lòng mà không cần giữ các lề luật bên ngoài. Thực ra những lề luật của Ki-tô giáo đều là những quy tắc giúp tín hữu tuân giữ các giới luật của Thiên Chúa, mà giới luật của Thiên Chúa chỉ quy về một điều răn quan trong nhất là Tình Yêu: “Mến Chúa yêu người” (muốn mến Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” thì phải biết “yêu anh em như yêu chính mình”, đổi lại, chỉ những ai thực sự yêu người như yêu chính mình mới là thực lòng mến Chúa). Do đó, “Đạo Tại Tâm” phải là “sống đạo và thực hành các giới răn của Chúa” với tất cả tấm lòng, chứ không phải chỉ để phô trương bề ngoài. Sống đạo thực sự là yêu mến và tuân giữ các giới răn của Chúa, và thực thi lòng yêu mến đó bằng cách yêu thương giúp đỡ mọi người, nhất là những người sống trong hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Sống đạo thực sự là phải tuân giữ và thực hành “những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và sự thành thật”, đồng thời “Các điều này (chủ yếu) vẫn cứ phải làm, mà các điều kia (phụ thuộc) thì không được bỏ” (ibid).
Tóm lại, Lời Chúa hôm nay muốn nhắc nhở mọi tín hữu hãy tuân giữ các giới răn của Chúa và đem ra thực hành Lời Chúa như lời khuyên của Thánh Gia-cô-bê Tông đồ khưyên các tín hữu hãy sống đạo bằng cách thực hành, đó là xa tránh tội lỗi và thực hành đức bác ái (“Anh em hãy tẩy trừ mọi điều ô uế, gian ác… Anh em hãy mau mắn lãnh nhận Lời Chúa và đem ra thực hành, chứ đừng nghe suông… Hãy giữ lòng mình khỏi mọi ô uế ở đời này… Hãy thăm viếng cô nhi, quả phụ trong cơn quẫn bách…” – Gc 1, 17 -18.21-22.27). Chúa Giê-su chỉ phê phán bọn kinh sư Pha-ri-sêu giả hình (“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” – Mc 7, 6); Người không hề bác bỏ Lề Luật (“Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” – Mt 5, 18).
Ôi! Lạy Chúa! Nhìn lại mình, con thấy cách này cách khác con cũng chẳng hơn gì đám người Pha-ri-sêu chỉ câu nệ vào truyền thống, vào hình thức, mà quên đi cái cốt tuỷ bên trong là giới răn của Chúa. Quả thật, không ít lần con đã ”gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm" (Mc 7, 8). Ôi! Lạy Chúa! “Xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin chỉ cho con nước bước của Ngài, xin hướng dẫn con trong Chân Lý, xin dạy bảo con những điều cao quý, vì Chúa là Đấng cứu độ con, là Đấng ngày đêm con cậy trông.” (“Xin chỉ cho con” – Hùng Lân – TCCĐ). Cúi xin Chúa đồng hành với con trong mọi tình huống để giúp con luôn chú trọng đến “những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và sự thành thật” mà đem ra thực hành trong suốt đời con. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: