Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Năng lực siêu phàm của kinh Mân Côi

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

NĂNG LỰC SIÊU PHÀM CỦA KINH MÂN CÔI

 

Khi nhìn lại năm đầu tiên triều đại giáo hoàng của Đức Phan-xi-cô, Đức ông Alfred Xuereb, thư ký cũ của ngài, đã nói với Vatican Radio rằng: “Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô không phí một phút nào! Ngài làm việc không ngừng nghỉ, và khi thấy cần một khoảng dừng, ngài nhắm mắt lại và chẳng làm gì cả, mà chỉ ngồi đó và đọc kinh Mân Côi. Tôi nghĩ là ngài lần hạt ít nhất 3 chuỗi mỗi ngày. Ngài bảo với tôi rằng: ‘Việc này giúp tôi được nhẹ nhõm. Chuỗi Mân Côi là lời kinh luôn đi cùng tôi, và đó cũng là lời kinh của người thường và các vị thánh … đó là lời kinh từ trái tim tôi.’ Và rồi, sau khi đọc kinh xong, ngài lại lao vào công việc.”

 

Lời nhận xét như vậy cho thấy ĐGH Phan-xi-cô đã coi việc lần chuỗi Mân Côi như một thói quen cao đẹp. Thật vậy, nói về thói quen cao đẹp lần chuỗi Mân Côi thì không thể quên Đức Chân phước GH Phao-lô VI đã viết trong Thông điệp về việc cầu nguyện cho nền hoà bình trong suốt tháng 10 “Christi Matri” (số 1): “Có một thói quen cao đẹp của người tín hữu trong suốt tháng 10 là tháng dành để kết những tràng Chuỗi Mân Côi thành những vòng hoa thiêng liêng dâng lên Mẹ Chúa Ki-tô. Tiếp theo những bước chân của các vị tiền nhiệm, Tôi nồng nhiệt hưởng ứng điều này, và Tôi mời gọi tất cả con cái Giáo hội dành những việc sùng kính đặc biệt cho Đức Thánh Nữ trong năm này.”

 

Quả thực Kinh Mân Côi là một phương thế hữu hiệu nhất để xin ơn trên nuôi dưỡng tâm hồn. Vì thế, Đức Chân phước Phao-lô VI đánh giá cao giá trị của Kinh Mân Côi, ngài nói rằng Công đồng Va-ti-ca-nô II mong muốn tất cả con cái Giáo hội thường xuyên đọc Kinh Mân Côi. Với cương vị giảng viên Huynh Đoàn Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam, khi đi chia sẻ tại Huynh đoàn các cấp, kẻ viết bài này thường hay được các học viên thắc mắc: “Tại sao lại gọi cỗ tràng hạt là chuỗi Mân Côi, Mai Khôi, Môi Khôi hay Văn Côi? Tại sao không thống nhất một tên gọi cho dễ học, dễ nhớ?” Đây cũng chính là cái thắc mắc của ngu mỗ hồi còn trẻ (khi chưa được tiếp cận nhiều với Kinh Thánh và những huấn giáo của Giáo hội). Nay nhân lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, xin được cùng chia sẻ với anh em xa gần:

 

Tất cả những từ đó đều dùng để dịch chữ La-tinh “Rosarium” (hoa hồng). Vì trước đây, do Việt Nam bị ảnh hưởng Hán tự nên mới gọi kinh Rosarium là Mân Côi Kinh ( 玫 瑰 經 ) có nghĩa là Kinh Hoa Hồng. Từ Hán Việt “Mân” còn được phát âm là Mai, Môi, Văn; từ “Côi” còn một âm nữa là Khôi. Vì thế mới có nhiều từ (Mai Khôi, Môi Khôi, Mân Côi, Văn Côi) nhưng đều chung một nghĩa là “Kinh Hoa Hồng”. Còn vì sao lại gọi là Kinh Hoa Hồng (Rosarium), thì – theo “Từ Điển Bách khoa Công Giáo” (ấn bản Anh ngữ) – có một truyền thuyết kể lại chuyện một tu sĩ rất siêng năng đọc kinh Kính Mừng (Ave Maria) tôn kính Đức Mẹ, để từ đó “nhờ Mẹ Maria, đến với Chúa Giê-su – Ad Jesum per Mariam”. Có một lần Đức Mẹ hiện ra đang khi tu sĩ liên lỉ đọc kinh Kính Mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi của thầy tu ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình.

 

Điều đó cho thấy mỗi lời kinh Kính mừng là một bông hoa hồng, nhiều bông hoa hồng kết thành vòng, thành chuỗi và gọi đó là tràng chuỗi Mân Côi. Việt Nam quen gọi tràng chuỗi Mân Côi một cách ngắn gọn: cỗ Tràng Hạt. Để hiểu sâu hơn về “Tràng hạt”, xin mời nghe Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II hướng dẫn trong Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria “Rosarium Virginis Mariæ” (số 36).: “Tràng hạt là phương tiện truyền thống giúp đọc Kinh Mân Côi. Thói thường, tràng hạt được xem như một dụng cụ thuần tuý để đếm số Kinh Kính Mừng. Tuy nhiên, tràng hạt còn có tính cách biểu tượng, có thể đem lại một ý nghĩa sâu xa cho việc chiêm niệm. Ở đây, trước hết cần để ý rằng tràng hạt tập trung về tượng Chuộc Tội, và như thế Thánh Giá mở đầu và kết thúc chuỗi kinh nguyện liên tiếp nhau trong Kinh Mân Côi.

 

Cuộc đời và kinh nguyện của người tín hữu tập trung vào Đức Ki-tô. Mọi sự đều khởi đầu từ Đức Ki-tô. Mọi sự đều quy hướng về Người. Và mọi sự, qua Người, trong Chúa Thánh Thần, đạt tới Chúa Cha. Là một dụng cụ để đếm, cho biết kinh nguyện đang tiến tới chỗ nào, tràng hạt nêu lên cho thấy con đường liên tục của việc chiêm niệm và của sự hoàn thiện Ki-tô giáo. Chân phước Bartolo Longo đã coi tràng hạt như một “sợi dây xích” nối kết chúng ta với Thiên Chúa. Một sợi dây xích, đúng như thế, nhưng là sợi dây xích êm ái ngọt ngào, bởi vì thực ra mối dây nối kết chúng ta với Thiên Chúa là Cha là mối dây ngọt ngào. Một sợi dây xích “đầy tình nghĩa tử” giúp chúng ta hoà nhịp cùng Đức Maria, người “nữ tỳ của Đức Chúa” (Lc 1, 38), và nhất là, giúp chúng ta nên giống chính Đức Ki-tô, Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã trở thành “người tôi tớ” vì yêu mến chúng ta (Pl 2, 7).”

 

Sở dĩ Kinh Mân Côi được khai sinh và lưu truyền trong bề dày lịch sử Giáo hội, cũng bởi vì Đức Maria là Mẹ Lời Chúa, Mẹ Giáo hội, đồng thời Đức Mẹ còn là một cộng tác viên hàng đầu trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa. Vì thế, nên trong Tông huấn về Lòng Sùng Kính Đức Trinh Nữ Maria “Marialis Cultus” (số 42), Đức Chân phước GH Phao-lô VI đã nhắc nhở: “chúng tôi muốn tập trung vào việc canh tân của việc thực hành đạo đức đã từng được gọi là “tổng lược toàn thể Phúc Âm”, đó là Kinh Mân Côi. Về kinh nguyện này, các vị tiền nhiệm của chúng tôi đã hết sức chú trọng và chăm sóc. Trong nhiều dịp, các vị đã kêu gọi lần hạt thường xuyên, đã khuyến khích phổ biến kinh nguyện này, đã giải thích bản chất của nó, đã công nhận tính chất thuận hợp của nó trong việc nuôi dưỡng việc cầu nguyện chiêm niệm – việc cầu nguyện vừa ca ngợi vừa thỉnh nguyện – và đã nhắc lại tính chất hiệu nghiệm nội tại của nó trong việc cổ võ sống đời Kitô hữu và dấn thân làm việc tông đồ.”

 

Thánh GH Gio-an Phao-lô II còn khẳng định: “Kinh Mân Côi, một bản tóm tắt Tin Mừng: Kinh Mân Côi là một trong những con đường truyền thống của lời cầu nguyện Ki-tô giáo hướng đến việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Ki-tô. Đức Giáo hoàng Phao-lô VI mô tả điều đó bằng những lời sau đây: Vì là một lời kinh dựa theo Tin Mừng, tập trung vào mầu nhiệm Nhập thể cứu độ, kinh Mân Côi là lời kinh mang chiều kích Ki-tô một cách rõ nét.” (Tông thư “Rosarium Virginis Mariæ”, số 18). Ưu điểm nổi bật nhất của kinh Mân Côi là tính đại chúng: Trải dài theo lịch sử Giáo hội, từ các vị  Giáo hoàng đến hàng giáo sĩ, tu sĩ, từ những nhà bác học đến những nhân sĩ trí thức, cho đến tầng lớp bình dân ít học; ai ai cũng mộ mến suy niệm, nguyện ngắm Kinh Mân Côi. Đó là vì:

 

* Kinh Mân Côi là bản tóm lược vừa ngắn gọn, vừa súc tích, lại vừa bao quát được toàn bộ Thánh Kinh Tân Ước.

 

* Kinh Mân Côi dễ học, dễ đọc, dễ hiểu, thậm chí còn dễ chiêm ngắm, suy niệm.     

       

* Kinh Mân Côi là một phương thức cầu nguyện hữu hiệu nhất để nói chuyện + tâm sự + cầu xin + van nài với Chúa, với Mẹ (Kinh Lạy Cha do chính Thầy Chí Thánh Giê-su dậy tín hữu cầu nguyện: vế trước là lời tung hô chúc tụng Thiên Chúa Cha, vế sau là lời cầu xin của tín hữu. Kính Kính Mừng cũng có 2 vế: vế trước là lời Thiên Sứ Gap-ri-en chào mừng, chúc tụng Đức Mẹ đầy ân sủng, vế sau là lời tín hữu cầu xin với Mẹ. Còn kinh Sáng Danh chính là vinh tụng ca Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh).

 

* Không những thế, Kinh Mân Côi còn là một vũ khí thật sắc bén vừa để tự vệ (khi bị ba thù cám dỗ, hoặc khi muốn kiềm chế dục vọng), vừa tấn công (khi muốn đẩy lui địch thù, tiêu diệt tội lỗi). Tóm lại, Kinh Mân Côi là vũ khí rất lợi hại để chống lại “thù trong, giặc ngoài” (hoán cải bản thân, cảm hoá tha nhân và còn giúp ích nhiều cho các linh hồn nơi Luyện ngục nữa).

 

Chính vì những ưu điểm đó, nên Kinh Mân Côi được các Đức Giáo hoàng cổ võ nhiệt tình. Xin đơn cử: Có thể nói văn kiện quan trọng nhất của Toà Thánh về Kinh Mân Côi là bulla “Consueverunt Romani Pontifices” (ngày 17/9/1569) do Thánh GH Pi-ô V ban hành, trong đó ngài kể lại nguồn gốc, mô tả bản chất và mục tiêu của việc đọc kinh Mân Côi. Từ đó, việc đọc kinh Mân Côi phổ biến rộng rãi trong toàn thể Giáo hội, nhất là từ khi Đức Pi-ô V nhìn nhận sự chiến thắng của đạo quân Công giáo chống lại sự tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Lê-pa-nô (5/10/1571). Đức Grê-gô-ri-ô XIII đã thiết lập lễ Mân Côi (bulla Monet Apostolus – 01/4/1573) và cho phép cử hành vào Chúa nhật đầu tháng 10. Ngày 13/10/1716, Đức Clê-men-tê XI nới rộng lễ này ra toàn Hội Thánh. (xc. “Tìm hiểu Dòng Đa Minh” – tác giả: Lm Giu-se Phan Tấn Thành). 

 

Ngoài ra, Thánh Gio-an Phao-lô II đã viết trong Tông thư “Rosarium Virginis Mariæ” (số 2): “Nhiều vị tiền nhiệm của tôi đã gán một tầm quan trọng lớn lao cho lời kinh này. Đáng đặc biệt ghi nhớ là Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII ngày 1/9/1883 đã ban hành Thông điệp “Supremi Apostolatus Officio”, một văn kiện rất có giá trị, khởi đầu của nhiều lời phát biểu của ngài về lời kinh này; trong Thông điệp này, ngài xem Kinh Mân Côi như một vũ khí thiêng liêng hữu hiệu chống lại sự dữ đang phương hại đến xã hội. Trong số các Giáo hoàng mới đây, từ Công đồng Va-ti-ca-nô II, nổi danh trong việc cổ võ Kinh Mân Côi, tôi muốn nhắc đến Thánh GH Gio-an XXIII và nhất là Đức Chân phước Giáo hoàng Phao-lô VI, trong Tông huấn “Marialis Cultus”, đã nhấn mạnh – theo tinh thần của Công đồng Va-ti-ca-nô II – tính chất Tin Mừng của Kinh Mân Côi và chiều hướng quy Ki-tô.”

 

Riêng về Thánh Gio-an Phao-lô II, có thể nói ngài là Giáo hoàng của Kinh Mân Côi. Trong suốt triều đại Giáo hoàng của ngài, hầu như ngài được gắn liền với Kinh Mân Côi. Ngài là vị Giáo hoàng thường lần hạt chung với Giáo dân. Điểm nổi bật nhất về lòng sùng kính Kinh Mân Côi là Thánh Giáo hoàng đã ban hành Tông thư Kinh Rất Thánh Mân Côi “Rosarium Virginis Mariæ” để tôn vinh Đức Mẹ, bổ sung vào tràng chuỗi Mân Côi truyền thống thêm Năm Mầu nhiệm Sáng, nâng tổng số lên 20 mầu nhiệm, bao quát toàn bộ Kinh Thánh. Tất cả cuộc đời thánh thiện của Thánh Giáo hoàng đã gói gọn trong khẩu hiệu của ngài là “Totus Tuus” (trích từ câu nói của thánh Louis Grignon de Monfort: “Totus Tuus ego sum et omnia mea Tua sunt” – Con là tất cả của Mẹ và mọi sự của con đều là của Mẹ).

 

Ngài đã dâng nước Nga cho Đức Mẹ. Và đáp lại, Đức Mẹ đã thực hiện những lời hứa và những bí mật Fatima trong cuộc đời của ngài. Việc nước Nga được ơn trở lại dưới triều Giáo hoàng của ngài là bằng chứng rõ rệt nhất về lời hứa Fatima: “Trái Tim Mẹ Sẽ Thắng”. Tuy vậy Đức Thánh Giáo hoàng cũng phải chịu đau khổ như những thử thách Chúa trao, để làm chứng nhân sống động nhất cho Đức Mẹ Fatima: Thị kiến chị Lucia thấy người áo trắng bị ám sát đã ứng nghiệm trong đời ngài. Ngài bị bắn đúng ngày 13-5-1981. Tay thiện xạ Ali Agca đứng sát ngài và nhắm bắn trúng chỗ hiểm. Nhưng ngài thoát chết trong gang tấc. Ngài biết Đức Mẹ đã cứu ngài, nên ngài đến hành hương Fatima tạ ơn Đức Mẹ và đặt đầu viên đạn lên triều thiên Đức Mẹ để tôn vinh quyền phép của Đức Mẹ. Vết thương đã biến cuộc đời ngài thành cuộc đền tạ Trái Tim Mẹ không ngưng nghỉ.

 

Bài giảng của Thánh Gio-an Phao-lô II tại Fatima ngày 13/5/1982 là một bằng chứng hùng hồn nhất cho những biện giải ở trên: “Cha tới đây hôm nay bởi vì chính ngày này năm trước (1981), tại Quảng Trường Thánh Phê-rô, việc mưu sát cha đã xảy ra trùng hợp kỳ diệu với ngày kỷ niệm lần thứ nhất Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, ngày 13 tháng 5 năm 1917. Dường như cha nhìn thấy sự trùng hợp ngày tháng này là lời kêu gọi đặc biệt phải đến đây. Và vì vậy hôm nay cha có mặt tại đây. Cha tới để tạ ơn Chúa quan phòng tại chính nơi mà dường như Mẹ Thiên Chúa đã chọn cách riêng. Cha lặp lại lời đấng tiên tri: “Hồng ân Thiên Chúa không khi nào cạn, lòng thương xót của Chúa không bao giờ vơi – Misericordiæ Domini, quia non sumus con-sumpti – xc Ai ca 3, 22”. (Bài giảng nêu trên, số 4)

 

Nói về các Đức Giáo Hoàng, hàng Giáo sĩ, Tu sĩ mộ mến Kinh Mân Côi thì không có gì lạ; nhưng nói đến những nhà bác học, những nhân sĩ trí thức mộ mến Kinh Mân Côi mới là chuyện lạ – lạ mà có thật 100%. Xin đơn cử một truyện kể về nhà bác học Yersin rất siêng năng lần chuỗi Mân Côi: Có một chàng sinh viên Pháp mới đậu đại học, vì nhà xa trường nên thường đi học bằng xe lửa. Lần đầu tiên đến trường bằng xe lửa, chàng sinh viên ngồi chung toa với một ông già. Ngồi bên cạnh ông già cứ thấy ông cầm một xâu chuỗi, dùng ngón cái và ngón trỏ vê từng hạt chuỗi, miệng thì lẩm bẩm nói những gì nghe không rõ; cứ mỗi lần ngưng lẩm bẩm để lấy hơi, thì lại thấy ngón trỏ và ngón cái vê tiếp một hột chuỗi khác. Chàng sinh viên muốn bắt chuyện để quên đường dài, nhưng ông già hầu như không để ý đến bất cứ ai hay vật gì quanh mình, mắt ông lim dim, miệng thì cứ lẩm bẩm, lẩm bẩm như người nói mê. Chàng sinh viên ngán ngẩm cho ông già là một người có “cái đầu bệnh hoạn – mal la tête” nếu không muốn nói là “điên cái đầu – fou la tête”. Khi đến trường, vào lớp, chàng sinh viên giật mình thấy ông già gặp ở trên xe lửa, đang đứng trên bục giảng. Thì ra ngài là một giáo sư. Hú vía! Về sau hỏi ra mới biết tên Thầy là Alexandre Yersin (nhà bác học), và khi ngồi trên xe lửa, Thầy lần chuỗi đọc kinh Mân Côi.

 

 Kinh Mân Côi quả thực là một vũ khí thật sắc bén, thật lợi hại, vừa để tự vệ (khi bị ba thù cám dỗ, hoặc khi muốn kiềm chế dục vọng), vừa để tấn công (khi muốn đẩy lui địch thù, tiêu diệt tội lỗi). Bằng chứng nổi bật là “Đức GH Pi-ô V xác nhận sự chiến thắng của đạo quân Công giáo chống lại sự tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Lê-pa-nô (5/10/1571) là nhờ vũ khí “Kinh Mân Côi”. Kinh Mân Côi được ban cho Giáo hội qua thánh Đa Minh vào năm 1214, ngài đã được Đức Trinh Nữ dạy lấy Kinh Mân Côi làm phương tiện cải hoá những người theo phái Albigense và các người tội lỗi khác. Hoặc như việc Thánh Gio-an Phao-lô II thoát chết trong gang tấc, khi bị hung thủ là tay thiện xạ Ali Agca ám sát ngày 13/5/1981.

 

Tóm lại, Kinh Mân Côi là vũ khí rất lợi hại để chống lại “ba thù”, đó là: 1- Chống lại Dục vọng của bản thân.  2- Chống lại Hấp lực của thế gian.  3- Chống lại Cạm bẫy của Satan. Nói cách cụ thể, Kinh Mân Côi là vũ khí sắc bén chống lại sự dữ, hoán cải  bản thân, cảm hoá tha nhân và còn giúp ích nhiều cho các linh hồn nữa. Chỉ nói riêng ở Việt Nam, truyền thống dân tộc rất sùng kính Đức Mẹ, nên ngoài thánh địa La Vang, còn rất nhiều thánh đường (cả chính toà lẫn giáo xứ) mang tước hiệu Đức Maria, rất nhiều những đoàn hội, dòng tu, quá nhiều những nữ Ki-tô hữu nhận Mẹ làm bổn mạng... Như vậy, thì không còn lý do gì để người giáo dân xao lãng việc cầu nguyện và phổ biến kinh Mân Côi. Hãy khắc ghi trong tâm khảm lời dạy của Thánh Gio-an Phao-lô II: “Giáo hội luôn luôn tin tưởng vào hiệu năng của lời cầu nguyện này, khi giao phó cho Kinh Mân Côi, đọc chung trong cộng đoàn và thường xuyên thực hành, những vấn nạn nan giải nhất.” (Tông thư “Rosarium Virginis Mariæ”, số 39)

 

Điều cuối cùng xin thưa: Chính vì tính đại chúng của Kinh Mân Côi, nên khi đọc chúng ta rất dễ bị sa vào quán tính (đọc mà chẳng biết mình đang đọc gì, đang làm gì, miệng thì đọc mà tâm trí thì bay bổng tận đâu đâu …). Vâng, xin hãy sẵn sàng cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi với tất cả tâm tình của một người con hiếu thảo đang giãi bày hết cả tâm tư và ước nguyện ra với Chúa, với Mẹ; nhiên hậu mới rao giảng Lời (được tóm tắt trong 20 mầu nhiệm của Kinh Mân Côi) cho tha nhân. Khi nào đọc, chỉ đọc vừa sức để tránh mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ, và tuyệt đối phải cố gắng tập trung suy niệm theo từng lời kinh. Nếu thấy tâm hồn trống rỗng, đọc như cái máy, thì lập tức ngưng ngay, làm vài động tác thư giãn, nằm nghỉ, chờ khi nào tỉnh táo sẽ đọc tiếp. Mong vậy thay!

 

Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin cho chúng con biết thật Ðức Ki-tô con Chúa đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, và nhờ lời Thánh Mẫu Maria chuyển cầu, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Đức Mẹ Mân Côi).

 

JM. Lam Thy ĐVD.