Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ngôn sứ hay tiên tri?

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

NGÔN SỨ HAY TIÊN TRI?                         

 

  (CN XXIX/TN-B – CN TRUYỀN GIÁO)

 

Nói tới truyền giáo là nói tới những người được sai đi loan báo Tin Mừng: Ngôn sứ. Những người được sai đi gọi là “sứ giả”, Tin Mừng là Lời Chúa mà “lời” là “ngôn ngữ”; tổng hợp lại (“sứ giả” + “ngôn ngữ”) thành một từ ghép: “ngôn sứ”. Ngôn sứ mang ý nghĩa: Người được sai đi loan báo Lời Chúa (Tin Mừng). Trong khi đó, Lời Chúa là Lời dạy cho biết chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa bao gồm những sự việc đã xảy ra (quá khứ), đang xảy ra (hiện tại), đồng thời cả những sự kiện sẽ xảy ra (tương lai). Nói cụ thể thì “ngôn sứ” chính là người phát ngôn (phát ngôn nhân, phát ngôn viên) của Thiên Chúa.

 

Trước đây thường gọi những ngôn sứ” là “tiên tri”. Về mặt ngôn ngữ, tiên tri chỉ có nghĩa là “biết trước”, vậy khi nói “tiên tri Isaia” thì chỉ có nghĩa: một người có tên là Isaia là người biết trước những sự việc sẽ xảy ra. Như vậy thì chưa đúng với vai trò và sứ vụ của Isaia, vì thế lại cần phải hiểu ngầm (ngụ ý) ông Isaia là người loan báo Lời Chúa. Do đó, theo thiển ý của kẻ viết bài này, dùng từ “ngôn sứ” để dịch chữ “Prophet” (có gốc từ chữ Hi-lạp “Aprophetes”) là chính xác hơn.

 

Ca dao Việt Nam có câu "Khôn ngoan đối đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau", ngụ ý khuyên răn anh em trong nhà có cùng một huyết thống, cùng một cha mẹ sinh ra, phải thương yêu đùm bọc nhau, đừng nên tranh giành hơn kém rồi sinh ra cảnh "nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn". Lời khuyên răn ấy không chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, mà còn mở rộng ra cả nước. Sự tích bà Âu Cơ đẻ 100 trứng nở ra 100 con, 50 con ở với mẹ trên núi, 50 con theo cha (Lạc Long Quân) xuống biển, cho thấy quan điểm toàn thể dân tộc Việt Nam đều chung một gốc là "con Rồng, cháu Tiên". Vì thế, nên phải biết "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng". Tuy vậy, nhưng vẫn xảy ra không ít cảnh “huynh đệ tương tàn”, “gà nhà bôi mặt đá nhau” (tiếm ngôi, cướp ngôi nhau, triều đình này hạ bệ triều đình kia, loạn 12 sứ quân, Trịnh Nguyễn phân tranh, cõng rắn cắn gà nhà v.v… và v.v…).

 

Xã hội loài người không chỉ có cảnh anh em tàn sát lẫn nhau, mà còn hơn thế nữa, xảy ra cảnh “phụ tử tương tàn” nữa kia. Ngay từ thời Cựu Ước đã có chuyện "tranh bá đồ vương" giữa cha con với nhau xảy ra ngay trong hoàng cung một triều đại danh tiếng: Đó là vua Đa-vít và hoàng tử Ap-sa-lôm. Trong những người con của vua Đa-vit, thì Ap-sa-lôm là một người đẹp trai, tài giỏi, được vua cha yêu mến, nhưng chính Ap-sa-lôm đã muốn tranh giành địa vị của cha, rồi tự phong mình làm vua ở Khép-rôn. Cuộc khởi loạn này đã làm cho vua Đa-vít và cả triều đình phải chạy trốn khỏi thành Giê-ru-sa-lem, và Ap-sa-lôm đã tiến chiếm kinh thành; nhưng sau này đã bị đại tướng của vua Đa-vit là Giô-áp đánh bại và bị giết chết tại khu rừng gần Ep-ra-im. Cuộc chiến tranh "phụ tử tương tàn" này đã khiến cho 20 ngàn quân lính bị thiệt mạng! (xc. 2Sm, Chương15 – 18).

 

Quả thực từ cái tham vọng của người này nảy sinh ra cái ghen tức của người khác, đã làm cho loài người xung đột, gây hấn với nhau, để rồi thì khủng bố, chiến tranh bùng nổ khắp mọi nơi. Ôi chao! Tham vọng "tranh danh đoạt lợi, tranh bá đồ vương" vẫn là vấn đề muôn thủa của con người. Và cái "miếng đỉnh chung", cái "miếng giữa làng hơn sàng xó bếp" luôn luôn và mãi mãi là cái hấp lực khó lòng từ chối, dứt bỏ. Ngay đến các Tông đồ ở cận kề với Người Thầy luôn dạy dỗ môn đệ phải sống bác ái và khiêm nhường, vậy mà cũng có hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an muốn được "một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." (Bài Tin Mừng CN.XXIX/TN-B – Mc 10, 35-45).

 

Tin tưởng khi Thầy mình được vinh quang sẽ làm Vua, mà lại xin được ngồi bên tả và bên hữu Người, thì chẳng phải đó là muốn được ngồi "cỗ nhất", được hưởng “miếng đinh chung” bảnh nhất là ”Tả hữu Thừa tướng” đó sao? Không phải chỉ có 2 môn đệ này thôi đâu, mà các môn đệ khác cũng tỏ ra tức tối ("Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an." – Mc 10, 41). Tức tối tức là ghen tị, là mong muốn mình phải được coi trọng hơn, và "chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh" xảy ra cũng là điều tất nhiên ("Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau." – Gc 4, 1-3).

 

Đức Giê-su quá hiểu tâm lý của con người ai cũng muốn mình có địa vị và được kính nể hơn người khác, ai cũng muốn làm ông chủ để được kẻ hầu người hạ và nếu có ai đó được hơn mình thì ngay lập tức ganh tị, thù hằn nhau. Vì thế, khi thấy Gio-an và Gia-cô-bê xin được ngồi “cỗ nhất”, Đức Ki-tô nói thẳng: "Các anh không biết các anh xin gì!", rồi đặt câu hỏi: "Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?" (Mc 10, 38). Cứ tưởng chén của Đức Giê-su sắp uống là chén rượu mừng vinh thăng và phép rửa Người sắp chịu cũng kiểu như phép rửa mà thánh Gio-an Tẩy Giả thực hiện trên sông Gio-đan, nên các Tông đồ mau mắn trả lời: "Thưa được". Thực ra, ở vào trường hợp đó, ít ai có thể ngờ được Đức Giê-su nói chén Người sắp uống là chén đắng, là chén "ĐỨC CHÚA đã muốn Người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu Người hiến thân làm lễ vật đền tội, Người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ Người, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu. Nhờ nỗi thống khổ của mình, Người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, Người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. " (Is 53, 10-11).

 

Đó chính là chén "Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại." (Mc 10, 33-34). Đồng thời cũng là chén mà Tông đồ Phê-rô cầu xin Chúa Cha cho Thầy khỏi phải uống để rồi được Thầy gọi là “Xa-tan!” (Mc 8, 31-33). Ngay cả đến chính người Thầy đã nói về chén đắng ấy, với bản tình loài người cũng kinh sợ mà thốt lên cùng Chúa Cha: "Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con.” Tuy nhiên, ngay lập tức, bản tính Thiên Chúa đã trỗi dậy, và Người nói tiếp: “Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn." (Mc 14, 36). Thật không thể ngờ chén đắng ấy lại cũng chính là phép rửa thanh tẩy tội lỗi loài người để được sống lại từ cõi chết như Đức Giê-su đã sống lại. Chỉ đến khi biến cố Thương Khó và Phục Sinh xảy ra, mọi người mới hiểu được hết ý nghĩa sâu xa Lời Thầy Chí Thánh nói về Chén Đắng và Phép Rửa mà Người phải chịu để đền vì tội lỗi nhân loại.

 

Trước đây, vì chưa hiểu được ý nghĩa thâm thúy của Lời Chúa, nên các Tông đồ mới mạnh miệng nói là mình uống được chén mà Thầy sắp uống, nhưng tới lúc Thầy bắt đầu uống thì "Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (Mt 26,56). Chỉ đến khi các môn đệ được chịu phép rửa "trong Thánh Thần và lửa" (Mt 3, 11) trong ngày Lễ Ngũ Tuần, thì các ngài mới thật sự dũng cảm uống chén đắng ấy, và hiên ngang chịu phép rửa như Thầy mình đã tiên liệu: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu" (Mc 10, 39). Chính nhờ vậy mà Giáo hội và nói chung là toàn thể nhân loại được vui hưởng vinh quang Phục Sinh cho đến muôn ngàn đời.

 

Trải dài theo lịch sử Giáo hội, biết bao nhiêu thế hệ, biết bao nhiêu Ki-tô hữu đã uống chén đắng ấy. Chỉ riêng Giáo hội Việt Nam trong quá trình 5 thế kỷ truyền giáo, đã có tới 130.000 Ki-tô hữu anh dũng uống chén đắng. Chén đắng trong quá khứ do những thế lực thù địch hữu hình đưa tới cho sứ vụ truyền giáo, nó lại càng đắng hơn trong hiện tại và tương lai, vì thế lực thù địch ngày nay đã trở nên vô hình vô ảnh. Cũng vẫn những mũi giáo, lưỡi gươm, viên đạn xuyên phá khủng khiếp ấy, nhưng ngày nay tất cả chúng đều được bọc đường, một lớp đường hào nhoáng ngọt lịm. Chỉ đến khi chúng lọt vào thân thể và công phá mãnh liệt, lúc đó mới “à” lên một tiếng muộn màng!

 

Cho nên, công cuộc truyền giáo hiện nay đòi hỏi người Ki-tô hữu phải có một động lực dấn thân trong vai trò Ngôn sứ, đó chính là: “Động lực của việc dấn thân loan báo Tin Mừng của họ là do xác tín rằng những người Ki-tô hữu không được run sợ trước thế gian, mà đúng hơn phải mạnh dạn chia sẻ kho tàng chân lý đã được giao phó cho mình. Cũng vậy, người Ki-tô hữu ngày nay, đang khi cởi mở với các thực tại hiện thời và tán đồng tất cả những gì tốt lành trong xã hội, phải có can đảm mời gọi mọi người nam và nữ hoán cải tận căn, cuộc hoán cải gắn liền với việc gặp gỡ Đức Ki-tô và khởi đầu một cuộc sống mới trong ân sủng.” (Diễn văn của ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI trong “Cuộc gặp gỡ đại kết” tại Tòa TGM Praha - CH Séc - ngày 27/9/2009).

 

Trong Sứ điệp Truyền Giáo 2017 (số 6), Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô viết: “Việc truyền giáo của Hội Thánh được sinh động bởi một linh đạo của việc liên tục lên đường. Chúng ta được thách thức “ra khỏi vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng” (Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng “Evangelii Gaudium”, số 20). Sứ mạng của Hội Thánh thúc đẩy chúng ta liên tục lữ hành qua các sa mạc khác nhau của cuộc đời, qua các trải nghiệm khác nhau của sự đói khát sự thật và công lý. Việc truyền giáo khơi dậy một cảm giác bị đoạ đày triền miên, làm chúng ta ý thức rằng, trong cơn khát cái vô hạn, chúng ta là những kẻ lưu đày đang tiến về quê nhà cuối cùng của mình, đang đứng lơ lửng giữa cái “đã có” và cái “chưa có” của Nước Trời.”

 

Muốn cho công cuộc Truyền giáo đạt hiệu quả thì phải cần có thật nhiều những ngôn sứ, đúng như lời dạy của ĐGH Phan-xi-cô: “Hội Thánh cần có các ngôn sứ. Tôi nói cách mạnh mẽ hơn rằng: Hội Thánh cần tất cả chúng ta làm ngôn sứ. Ở đây, ngôn sứ không có nghĩa là nhà bình luận, nhà phê bình, không phải thế. Ngôn sứ có nghĩa khác thế. Một nhà phê bình thì luôn nhận xét theo kiểu: “Không, điều này không tốt, điều kia không hiệu quả, điều nọ không phù hợp… điều ấy phải như thế này mới đúng…”. Người như thế thì không phải là ngôn sứ. Vị ngôn sứ là người biết cầu nguyện, biết nhìn lên Thiên Chúa, biết nhìn tới người dân, biết cảm thấy đau khổ khi dân lầm lỗi, biết khóc thương dân chúng, có khả năng thương khóc trước những tội lỗi của dân chúng, và cũng biết cách nói sự thật cho dân biết. Nguyện xin cho Giáo hội luôn có sự hiện diện phục vụ của các ngôn sứ, để dân Chúa tiếp tục tiến bước.” (xc. “Đức Giáo hoàng nói về NGÔN SỨ” – nguồn: Đài Vatican).

 

Tóm lại, mọi Ki-tô hữu cần – rất cần – nhìn lại quá khứ, nhìn lại mình để thấy được hiện tại những kẻ thù địch là vô hình vô ảnh, với những chiêu thức vô cùng tinh vi xảo quyệt nhằm ngăn chặn, chống phá công cuộc truyền giáo của Giáo hội, “những viên đạn bọc đường” luôn luôn là tột cùng nguy hiểm. Nhìn lại mình để “không được run sợ trước thế gian, mà đúng hơn phải mạnh dạn chia sẻ kho tàng chân lý đã được giao phó cho mình” (ibid). Nhìn lại mình để tôi luyện đức tin, trui rèn ý chí, không chùn bước trước mọi thử thách, sẵn sàng “tham gia vào sứ mạng của Chúa Ki-tô”, sẵn sàng nhận lãnh chức vụ “ngôn sứ” lên đường thi hành sứ vụ truyền giáo mà Thiên Chúa và Giáo hội đã trao phó. Hãy sống xứng đáng với vai trò “ngôn sứ” như ĐGH Phan-xi-cô mong muốn trong lời dẫn trên. Ước được như vậy.

 

Ôi! Lạy Chúa! Cánh đồng truyền giáo hiện nay trên thế giới cũng như tại quê hương chúng con quả là lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít” (Mt 9, 37). Cúi xin Chúa ban Thánh Thần Chân Lý cho chúng con, để chúng con đủ can đảm bước ra khỏi “cái tôi vị kỷ”, “cái tôi chỉ ham tranh danh đoạt lợi”, để chúng con có đủ dũng khí đối diện với mọi thử thách, luôn sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, ngõ hầu trở nên những “thợ gặt” đúng như lòng Chúa mong đợi. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.