Tấm lòng bà góa
TẤM LÒNG BÀ GÓA (CN XXXII/TN-B)
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cao 2 bà goá: Một bà trong bài Sách Thánh (Bài đọc 1 – 1V 17, 10-16), một bà trong bài Tin Mừng (Mc 12, 38-44). Câu chuyện bà goá xứ Sa-rép-ta giúp đỡ ngôn sứ Ê-li-a có nhiều điểm rất đáng suy gẫm: Khi nghe ngôn sứ Ê-li-a xin nước, bà đã mau mắn lấy nước cho ngài, nhưng khi ngài xin bánh, thì bà nói: "Có ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa hằng sống của ông, tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết." (1V 17, 12). Bà đã sống trong cảnh lầm than cùng cực, chỉ còn một chút dầu, một chút bột để làm bánh cho 2 mẹ con ăn bữa cuối cùng rồi chờ chết. Cứ tưởng bà trả lời như vậy, thì bà sẽ không nhường chút bột và dầu ấy cho ngôn sứ, nhưng thật lạ lùng, bà lại sẵn sàng nhịn ăn mà nhường chút lương thực cuối cùng ấy cho “người của Đức Chúa” là ngôn sứ Ê-li-a.
Tới bài Tin Mừng (Mc 12, 38-44), Thánh sử Mac-cô trình thuật việc Đức Giê-su lên án các kinh sư giả hình chỉ thích phô trương bộ vó bên ngoài, huênh hoang nơi lỗ miệng, còn trong lòng thì rỗng tuếch (Mc 12, 38-40). Tiếp liền theo đó là câu chuyện một bà goá nghèo bỏ vào thùng tiền quyên góp cho nhà thờ 2 đồng tiền kẽm là tất cả tài sản của bà. Có một điều rất thú vị là khi nhìn vào đám người kinh sư Pha-ri-sêu “ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc” lại là những người “nuốt hết tài sản của các bà goá”. Thế đấy!
Để có được bộ vó bảnh choẹ, đám người chỉ thích ăn trên ngồi trước “nói mà không làm” lại đi bóc lột tận xương tuỷ các bà goá. Trong khi đó thì một bà goá nghèo đã “rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” Chỉ trong một đoạn văn ngắn, Thánh Mac-cô trình thuật Lời dạy của Đức Giê-su nêu bật hai hình ảnh trái ngược: Một bên là hình ảnh đám kinh sư chỉ chú trọng phô trương hình thức sang trọng oai vệ bề ngoài, chỉ thích “ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy” nhưng “họ nói mà không làm” (Mt 23, 2-3), vì thực chất họ chỉ là thứ “thùng rỗng kêu to”. Còn một bên là thái độ đạo đức đích thực nơi người góa phụ. Bà đã bỏ nhiều hơn ai hết, vì mọi người lấy tiền của dư thừa bỏ vào, còn bà thì lấy tất cả của độ thân mà dâng cúng.
Chuyện bà goà chân thành giản dị dùng hết số tiền mình có dâng cúng vào đền thờ hoặc như bà goá Sa-rep-ta dùng ngay bữa ăn cuối cùng của 2 mẹ con để đãi “người của Đức Chúa”, còn mình thì sẵn sàng nhịn đói chờ chết, khác xa – nếu không muốn nói là đối nghịch hẳn – với hạng người xúng xính trong bộ vó sặc sỡ, lòe loẹt. Chẳng cần đi sâu vào nhận xét hành động bộc lộ nội tâm, cứ nhìn cái vẻ bề ngoài đơn sơ chất phác của các bà goá, so với cái vỏ hào nhoáng kênh kiệu của đám kinh sư, cũng đã thấy được bản chất của giai cấp mà họ là đại diện. Mấu chốt vấn đề chính là ở sự chân thành và lòng tin tưởng hay nói cách khác là tình yêu. Chỉ vì tình yêu mà hai bà goá sẵn sàng dâng hiến đến đồng tiền, nắm bột cuối cùng của đời mình. Cũng vì thiếu tình yêu nên đám kinh sư “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23, 4), sẵn sàng “nuốt hết tài sản của các bà goá” (Mc 12, 40).
Nói đến Tình yêu là nói đến “cho” và “nhận”. “Cho” và “nhận” là 2 khái niệm tương phản về mặt ý nghĩa, hành động, nhưng lại đồng nhất về mục đích: Tình Yêu – Tình yêu nhận về (eros) và Tình yêu cho đi (agape). Tình yêu nhận về là tình yêu chiếm hữu (amor concupiscentiæ), vị kỷ (vì mình), thường giới hạn ở giới tính (tình yêu nam nữ); Tình yêu cho đi là tình yêu vị tha (vì người – amor benevolentiæ), là tình yêu mở rộng đến không còn giới hạn (bác ái), và như thế chính là đích điểm tột cùng của tình yêu: Thiên Chúa Tình Yêu (“Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối và là nguồn mạch của mọi loài; nhưng mặt khác, chủ tể tác tạo hoàn vũ này – Logos, Đấng thượng trí – lại đồng thời là một người biết yêu với tất cả đam mê của một tình yêu thật sự. Eros vì thế đã nên tột cùng cao quý, nhưng đồng thời thuần khiết đến độ nên một với agape.” – Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, số 1).
Thiên Chúa luôn “cho đi” một cách nhưng không, Người không hề đòi sự đáp trả; nhưng với con nguời thì có khác: cho đi nhưng cũng muốn nhận về nhiều hơn. Cứ nhìn xem cảnh cứu trợ nạn nhân thiên tai (bão lụt, động đất…), nạn nhân chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật…, cũng thấy không ít cảnh “cho” mà vẫn muốn “nhận” về hoặc một lời tri ân, hoặc một tấm bằng khen, một sự nổi tiếng, thậm chí có nhiều khi còn “cho tay mặt, bắt tay trái”, hoặc của cho là của bá tính nhưng lại nhận là của mình (“mượn đầu heo nấu cháo”) rồi thì xà xẻo, đục khoét, rút ruột… đủ kiểu. Rất thích “cho” nhưng là cho những của dư thừa, hoặc “mượn đầu heo nấu cháo”, cốt để khoe sự giàu sang, tính tình hào phóng, thương người. Song song với kiểu cho như vậy thì lại muốn “nhận” về đủ thứ lợi lộc, như vậy thì chẳng phải là “cho tay mặt bắt tay trái” đó sao? Nếu chẳng vậy thì Đức Ki-tô đã không dạy: “Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo” (Mt 6, 3-4). Như vậy, cho hay nhận chỉ là những hành vi được thực hiện bởi một động lực nhắm đến một mục đích nào đó. Hành vi ấy có thể xuất phát từ động lực nội tâm với mục đích thực thi Lời Chúa (“Tốt hơn hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giớ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” – Lc 11,41), nhưng cũng có thể xuất phát từ một động lực ngoại tại (ham chuộng hư danh, tham vọng quyền thế…), hoặc nhắm đến một mục đích khác (tranh bá đồ vương về chính trị, tranh quyền đoạt lợi về kinh tế…).
Suy cho cùng, thì con người chỉ là một thụ tạo đi từ “không” đến “không” (từ tro bụi lại trở về với bụi tro). Sự hiện diện của con người trên trái đất chính là nhờ vào Tình Yêu Thiên Chúa ban tặng. Vì thế, con người cần phải ý thức đến ngay chính thân xác mình cũng chỉ là món quà Tình Yêu do Thiên Chúa ban tặng. Thân xác ấy có tồn tại trên thế gian này nhiều lắm cũng chỉ là “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười” (Cao Bá Quát) mà thôi. Cái thân xác ấy chỉ là phù du, vậy thì những danh vọng tạo được hoặc những của cải vật chất do chính thân xác ấy làm ra, thì cũng chỉ là những hư danh, những ảo ảnh, những thứ phù phiếm chóng qua mà thôi. Nhận chân được vấn đề, con người sẽ thấy được là mình đã “nhận về” từ Thiên Chúa tất cả (từ con người đến cuộc sống trần thế của mình) và mình phải có bổn phận đáp trả. Thiên Chúa không đòi hỏi sự đáp trả, vậy thì con người đáp trả bằng cách nào đây? Đó chính là “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10, 8).
Chính 2 bà goá trong các bài đọc hôm nay đã làm như vậy. Và như thế, 2 bà tuy không đọc vanh vách Thánh Kinh, nói thao thao Lề luật như các kinh sư luật sĩ Pha-ri-sêu, nhưng đã sống Lời Chúa một cách sinh động hơn ai hết. Nói đến sống Lời Chúa thì không gì bằng đến với hiện thân Lời Chúa mặc xác phàm: Ngôi Lời nhập thể. Bài Đọc II (Dt 9, 24-28) trong Thánh lễ hôm nay đã nói rất rõ: Ngôi Lời Giê-su Ki-tô đã “lấy máu mình lập Giao Ước mới” (“Bởi vậy, Người là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa.” – Dt 9, 15). Vì lòng thương yêu, Người đã đến trần gian lần thứ nhất thực hiện Giao Ước Mới bằng cách lấy chính Máu Thịt mình làm của Lễ Hy Sinh để cứu chuộc nhân loại, và “Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người” (Dt 9, 28).
Thánh Phao-lô đã rất chí lý khi đem chính bản thân đặt vào những giả thiết về tất cả mọi hành vi của con người – đặc biệt là hành động “cho” (bố thí) – khi thực hiện mà thiếu tình yêu thì cũng chẳng ích lợi gì (“Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẵng ích gì cho tôi.” – 1Cr 13, 3). Cuối cùng, Thánh nhân khẳng định: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1Cr 13, 13). Để được nên như người bạn trung thành tuyệt đối của Đức Ki-tô (Ki-tô hữu), thì mọi Ki-tô hữu hãy nhìn lại mình xem khi bố thí mình có “cho tay phải biết việc tay trái làm”, có “cho tay mặt bắt tay trái”, có thích “nhận về” hơn là “cho đi” hay không? Đồng thời cầu xin Chúa ban cho một đức tin vững mạnh, một lòng mến chân thành, để sống và hành động trong mọi việc, ở mọi nơi, trong mọi lúc, với tất cả tấm lòng “mến Chúa yêu người”, chớ không phải để được đề cao, để được ghi tên, khắc tuổi trên bảng vàng, bia đá cho người đời ca tụng.
Lời khuyên cuối cùng và thiết thực nhất dành cho kẻ viết bài này, xin được chia sẻ với anh em xa gần, đó là: “Đừng xoè tay ra nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi” (Hc 4, 31), mà “hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch” (Lc 11, 41). Ấy cũng bởi vì chính Ngôi Lời đã dạy: “cho thì có phúc hơn là nhận" (Cv 20, 35) và Người đã thực hiện bằng Hy tế Thập giá trên đồi Can-vê. Ước được như vậy.
Ôi! Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin đẩy xa những gì cản bước tiến chúng con, trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng con được hoàn toàn tự do thực hiện ý Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: