Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hứa sẽ giữ lòng chung thủy đến suốt đời

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

HỨA SẼ GIỮ LÒNG

CHUNG THỦY ĐẾN SUỐT ĐỜI

 

“Anh (em) nhận em làm vợ (chồng), và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng nhu lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em)”. Đó là lời Thề húa của đôi phối ngẫu trong lễ cưới. Điều đó cho thấy chung thủy là một bảo đảm của hạnh phúc, của tính bền vững trong hôn nhân.

 

Sách Giáo lý HTCG (số 1646) đã giải thích: “Tự bản chất, tình yêu hôn nhân đòi hỏi hai vợ chồng phải chung thủy. Đây là hệ quả của việc hai vợ chồng tự hiến cho nhau. Tình yêu đòi hỏỉ phải dứt khoát, không được tạm bợ. "Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau, cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi họ kết hợp với nhau bất khả phân ly" (x. GS 48,1).”

 

Vì thế, Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã chọn làm chủ đề mục vụ cho tháng 12/2018: HỨA SẼ GIỮ LÒNG CHUNG THỦY ĐẾN SUỐT ĐỜI. Xin cùng tìm hiểu:

 

I. CHUNG THỦY LÀ GÌ?

 

Theo từ nguyên, “chung thủy” có nghĩa: chỗ cuối cùng (chung) và chỗ bắt đầu (thủy), ý chỉ lòng dạ không đổi, trước sau như nhất. Còn đọc là “thủy chung”, vd: “thủy chung như nhất” (trước sau như một, cho dù trong hoàn cảnh nào cũng không thay lòng đổi dạ). Nhờ lòng sắt son chung thủy, con người tìm kiếm tình yêu đích thực và trường cửu; điều này nói lên sự trung tín của tình yêu, bởi vì tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa.  

 

Không có “lòng chung thủy” gắn bó mật thiết với nhau như chất keo, tình yêu đó sẽ rã rời tan tác như cách hoa tàn sau mùa hội, để lại bao đau thương tan tác nơi gia đình con cái, xóm làng, xã hội… Có “lòng chung thủy” thì tình yêu mãi bền chặt dù phải xa nhau bao năm tháng. Lòng chung thủy như dòng suối mát, như nhựa sống nuôi dưỡng tình yêu bền chặt, và sinh hoa trái tươi tốt tạo được hạnh phúc nơi gia đình, thôn xóm, quê hương…

 

Để giữ được lòng chung thủy trong hôn nhân, người ta không được ngoại tình, không được ly dị, và chỉ dành tình yêu, tình cảm, nghị lực và con người của mình cho một người mình yêu, mà người đó là vợ (chồng) của mình. Ngoại tình – dù là trong tư tưởng hay hành động – đều được coi là không chung thủy, không trung thành, và không thành thật với nhau.

 

II. LÀM SAO ĐỂ GIỮ ĐƯỢC LÒNG CHUNG THỦY

 

1- “Mình với ta tuy hai mà một”:

 

Trong tình yêu hôn nhân, vợ chồng sống với nhau “mình với ta tuy hai mà một”. “Một” ở đây muốn nói lên sự kết hợp mật thiết đến độ không chỉ dừng ở việc ý hợp tâm đầu, mà còn đón nhận và trao ban cho nhau trọn vẹn, trở thành một xương một thịt suốt đời. Trao ban trọn cả con người, đón nhận nhau trọn cả cuộc sống, để trở thành một xương một thịt suốt đời và từ đó làm nảy sinh những sự sống mới. Đây chính là đặc tính của tình yêu vợ chồng. Đặc tính ấy bao gồm:

 

a. Tình yêu kết hợp nên một: Tình yêu vợ chồng trước hết hướng đến việc kết hợp nên một: “Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể” (St 2, 24; Mt 19, 5; Mc 10, 8). Trước khi lấy nhau, họ là hai thế giới khác biệt với tính tình và những khát vọng, những niềm vui, nỗi buồn riêng tư. Giờ đây, khi đã lấy nhau, hai thế giới đó được hoà trộn vào nhau, thành một xương một thịt và một tâm hồn, chia sẻ một vận mệnh và một cuộc sống. Sự kết hợp đó sâu xa đến nỗi chỉ cái chết mới có thể chia lìa. Chính vì vậy, tình yêu hôn nhân đòi hỏi sự “đơn nhất và bất khả phân ly”.

 

b. Tình yêu trao hiến trọn vẹn: Nhờ khả năng tính dục, người nam và người nữ hiến thân cho nhau qua những hành vi ân ái dành riêng cho vợ chồng. Tính dục không chỉ là hành vi sinh lý, mà còn liên can đến những điều thâm sâu nhất của nhân vị. Những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quý và chính đáng. Chúng biểu hiện và khích lệ sự hiến thân cho nhau, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn.

 

Sự trao hiến trọn vẹn toàn thể con người dẫn đôi bạn đến sự kết hợp mật thiết với nhau thành một trái tim, một tâm hồn, một cuộc sống. Nhờ sự kết hợp nên một và trao hiến trọn vẹn của vợ chồng, hai mục đích của hôn nhân được thực hiện, đó là “lợi ích của chính đôi vợ chồng và lưu truyền sự sống”. Từ đây không còn là hai nhưng là một. Người chồng sẽ xa cha mẹ để gắn bó với vợ. Nói cụ thể – với niềm tin Ki-tô Giáo –  hôn nhân không chỉ là một khế ước và có giá trị trên phương diện luật pháp; nó còn là một bí tích mang ý nghĩa tâm linh. Do đó, mà sự gắn bó của nó theo cái nhìn của tôn giáo thì không ai có khả năng tháo bỏ (“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” – Mc 10, 9)

 

c. Tình yêu chung thủy:  Tình yêu hôn nhân đòi hỏi hai vợ chồng phải dứt khoát, không được tạm bợ, nghĩa là phải luôn chung thuỷ với nhau, bởi vì do giao ước hôn nhân, họ không còn là hai, nhưng đã trở thành một thân thể duy nhất. Thiên Chúa đã yêu thương loài người bằng một tình yêu vĩnh viễn không lay chuyển. Tình yêu vợ chồng được tham dự vào Tình yêu Thiên Chúa và được tình yêu này hướng dẫn và nâng đỡ. Nhờ chung thủy với nhau, vợ chồng trở thành chứng nhân cho tình yêu trung tín của Thiên Chúa.

 

Tiếc thay, lời thề thủy chung này ngày nay bị coi thường trong xã hội khi con số những cặp vợ chồng tan vỡ vì ly dị không phải là ít. Đó là một con số lớn trong đó đã tạo nên không biết bao nhiêu tai họa cho gia đình, cho việc giáo dục con cái, và cho nền tảng xã hội cũng như tôn giáo.  Nhưng không chỉ khi hai vợ chồng đem nhau ra tòa ly dị, lúc đó lời thề thủy chung mới bị coi thường, bị chà đạp. Chính trong đời sống hôn nhân với những mối tình vụng trộm, với những giao du tình cảm bất chính ngoài hôn nhân, và với những tư tưởng phản bội nhau đã trở thành một vết nhơ cho tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Trong thực tế, biết bao những hành động vụng trộm, yêu thầm, nhớ vụng đã để lại những đau khổ cho người chồng hay người vợ chung thủy.

 

d. Tình yêu mở ngỏ cho sự sống: Truyền sinh vừa là một ân huệ, vừa là một mục tiêu căn bản của hôn nhân, vì tự bản chất, tình yêu vợ chồng hướng tới việc sinh sản con cái. Con cái là hoa quả của tình yêu vợ chồng, hiện diện ngay trong việc vợ chồng hiến thân cho nhau, chứ không phải là một cái gì được thêm vào từ bên ngoài. Vì thế, mọi hành vi ân ái phải mở ngỏ cho việc truyền sinh. Hội Thánh đã nhắc đi nhắc lại điều này nhiều lần: hành vi ân ái luôn mang hai giá trị bất khả phân ly: kết hợp và truyền sinh. Đây là điều chính Thiên Chúa đã muốn và con người không được phá bỏ.

 

Vì được mời gọi thông truyền sự sống, đôi vợ chồng tham dự vào quyền năng sáng tạo và tình phụ tử của Thiên Chúa. Trong khi thi hành bổn phận truyền sinh và giáo dục, đôi vợ chồng biết rằng mình cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa và trở thành như những người diễn đạt tình yêu của Người. Do đó, họ sẽ chu toàn bổn phận trong tinh thần trách nhiệm của một con người (xã hội) và một Ki-tô hữu (tôn giáo). Một khía cạnh đặc biệt của trách nhiệm, đó là điều hòa sinh sản.

 

Khi có lý do chính đáng, đôi vợ chồng có quyền kéo dài khoảng cách giữa những lần sinh con. Chính họ phải chứng thực rằng ước muốn đó không do ích kỷ, nhưng xứng hợp với lòng quảng đại chính đáng của bậc làm cha làm mẹ có trách nhiệm. Ngoài ra, họ phải xử sự theo những tiêu chuẩn khách quan của luân lý. Xét về những điều kiện thể lý, xã hội, kinh tế, tâm lý, tình phụ tử có trách nhiệm được rèn luyện hoặc do quyết định đã suy nghĩ và quảng đại để làm cho gia đình thêm đông, hoặc do quyết định tránh sinh thêm tạm thời hay vô hạn vì những lý do hệ trọng mà vẫn tôn trọng luật luân lý.

 

Thông điệp “Sự sống con người – Humanæ Vitæ” (số 15-16) có viết: “Giáo hội không cho là bất hợp pháp những phương tiện y khoa, cần thiết cho được chữa bệnh phần xác, dù do đó, có thể đoán trước là sẽ ngăn trở việc sinh sản, miễn là sự ngăn trở đó không được trực tiếp ước mong, bất cứ với những lý do nào… Vậy nếu, để cắt quãng giữa các thế hệ kế tiếp, đã có những lý do chính đáng, hoặc bởi nội cảnh vật lý hay tâm lý của đôi bạn, hoặc bởi ngoại cảnh mà ra, thì Giáo hội dạy rằng: lúc đó được căn cứ vào những tiết vận tự nhiên đã in vào cơ năng sinh sản, mà chỉ giao hợp trong thời gian không kết đậu, và như vậy điều chỉnh việc sinh sản, mà không xúc phạm đến luân lý.”

 

2- “Ta với mình tuy một mà hai”:

 

Tuy tình yêu hôn nhân đòi hỏi đôi phối ngẫu “Mình với ta tuy hai mà một”, nhưng thực tế trong cuộc sống vẫn là “Ta với mình tuy một mà hai”: Hai cá thể, hai tính tình, hai tâm tư… Mà cũng vì thế nên đòi hỏi cả chồng và vợ phải biết trân trọng và duy tu lòng chung thủy. Để bảo dưỡng lòng chung thủy, hai vợ chồng đều có nhiệm vụ:

 

a. Trách nhiệm của người chồng: Đối với vợ, người chồng phải thực sự tôn trọng phẩm giá của người vợ, phải thực sự trở nên người bạn đời. Hơn thế nữa, người chồng còn được mời gọi trở nên người bạn đạo bằng cách yêu thương vợ mình một cách tế nhị và mạnh mẽ như Đức Ki-tô đã yêu thương Hội Thánh. Tình yêu đối với người vợ đã trở thành mẹ và tình yêu đối với con cái là con đường tự nhiên đưa người chồng đến chỗ hiểu biết và thể hiện tư cách làm chồng và làm cha của mình. Chỗ đứng và vai trò của người cha trong gia đình có một tầm quan trọng không ai có thể thay thế được. Nếu người cha thường xuyên vắng mặt sẽ gây ra những sự thiếu quân bình về tâm lý và tinh thần, cũng như nhiều khó khăn đáng kể khác trong những tương quan gia đình. Ngoài ra nếu người chồng và người cha tuy có hiện diện trong gia đình nhưng lại mang tính cách áp bức và độc đoán, thì cũng xảy ra như vậy.

 

Khi biểu lộ và sống tình cha của Thiên Chúa, người chồng được mời gọi đứng ra bảo đảm sự phát triển thống nhất của mọi thành phần trong gia đình. Để chu toàn sứ mạng này, người chồng cần phải quảng đại lãnh lấy trách nhiệm đối với sự sống đang được người vợ cưu mang, và cố gắng giáo dục con cái cùng với vợ mình; công việc ấy sẽ không bao giờ làm chia rẽ gia đình, nhưng làm cho gia đình được vững mạnh trong sự hiệp nhất và ổn định, trở nên một chứng tá về đời sống Ki-tô hữu trưởng thành, để con cái có được kinh nghiệm sống động về Đức Ki-tô và về Hội Thánh một cách hữu hiệu hơn.

 

b. Trách nhiệm của người vợ: Trong gia đình, người nữ cũng được mời gọi sống sự tự hiến của mình trong vai trò là vợ và là mẹ. Trước hết cần khẳng định rằng người vợ bình đẳng với người chồng về phẩm giá cũng như về trách nhiệm. Sự bình đẳng này được thể hiện một cách đặc biệt trong sự hy sinh cho con cái. Một sự trao hiến như thế chỉ có trong hôn nhân và gia đình. Điều con người cảm nghiệm, cũng là điều được mạc khải đầy đủ trong Lời Chúa. Thật vậy, lịch sử cứu độ cho thấy phẩm giá của người phụ nữ luôn luôn được đề cao.

 

Tuy nhiên, cho đến nay không thể phủ nhận rằng có nhiều người muốn thu hẹp phạm vi của người phụ nữ vào vai trò làm vợ và làm mẹ, không để cho họ bước ra ngoài xã hội, nắm giữ những trọng trách, vốn thường được coi như chỉ dành cho nam giới. Cần phải hiểu sự bình đẳng về phẩm giá và trách nhiệm giữa người nam và người nữ cho phép người nữ dấn thân vào các vai trò xã hội. Đàng khác, cũng cần phải nhìn nhận rằng vai trò làm mẹ và làm nội trợ của người phụ nữ có giá trị không thua kém so với những vai trò ngoài xã hội và những nghề nghiệp khác.

 

Cần vượt qua não trạng cho rằng danh dự của phụ nữ là do việc làm ngoài xã hội hơn là do hoạt động trong gia đình. Nhưng để đạt được điều ấy, nam giới cần biết quý chuộng và thật sự yêu thương người phụ nữ với tất cả sự tôn trọng phẩm giá cá nhân của họ, và xã hội cần phải tạo ra và phát triển những điều kiện thích hợp cho công việc tại gia đình. Tại Cana, bữa tiệc cưới được nửa chừng thì hết rượu. Tình huống ấy có thể đe doạ hạnh phúc tương lai của đôi tân hôn. May thay, Đức Ki-tô có mặt ở đó và theo lời yêu cầu của Mẹ Maria, Người đã can thiệp để biến nước thành rượu, thật nhiều và thật ngon (Ga 2, 1-12). Câu chuyện thật an ủi: Tình yêu vợ chồng đầy hoan lạc nhưng cũng kèm theo biết bao thử thách, với phận người yếu đuối tình yêu giới hạn ấy thật mong manh. Thế nhưng ngay cả khi nó đã cạn, đã thành nhạt như nước lã, Đức Ki-tô vẫn có thể biến nước lã ấy thành rượu ngon một cách hết sức dồi dào.

 

Thật vậy, như xưa Thiên Chúa đã đến gặp gỡ Dân Người bằng một giao ước yêu thương và trung thành, thì nay Đấng Cứu Thế, Hôn Phu của Hội Thánh, cũng đến với đôi vợ chồng qua bí tích Hôn phối. Người còn ở lại với họ để họ mãi mãi trung thành yêu thương nhau bằng sự tự hiến cho nhau, như Ngài đã yêu thương Hội Thánh và nộp mình vì Hội Thánh. Trong đời sống hôn nhân và gia đình, đôi vợ chồng Công giáo được mời gọi noi gương Đức Hôn Phu Giê-su Kitô và Hiền Thê Giáo Hội để biết sống yêu thương và tôn trọng nhau, sẵn sàng tha thứ cho nhau, cũng như sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của nhau và của con cái.

 

KÊT LUẬN:

 

Tóm lại, “Lý do sâu xa nhất đòi hỏi hai vợ chồng phải chung thủy, căn cứ trên sự trung tín của Thiên Chúa với giao ước của Người, sự trung tín của Đức Ki-tô với Hội Thánh. Nhờ bí tích Hôn Phối, hai vợ chồng được ban ơn để diễn tả và làm chứng cho sự trung tín ấy. Do bí tích, tính bất khả phân ly của hôn nhân tiếp nhận một ý nghĩa mới và sâu xa hơn.” (Giáo lý HTCG số 1647). Vượt trên mọi thực tại căn bản khác, cũng vì gia đình là cung thánh của sự sống, nên hôn nhân là môi trường trong đó con người có thể sống cho chính mình bằng cách tự hiến vô vị lợi. Một con người chào đời (Ga 6, 21) là một dấu chỉ vượt qua. Như thế, Bí tích Hôn Phối là một phần thuộc thực tại cứu độ bao la của Thiên Chúa dành cho loài người qua sự tử nạn và phục sinh của Ðức Ki-tô, Con yêu dấu của Người.

 

Ý thức vấn đề, người Ki-tô hữu cần thiết phải sống trọn vẹn ân sủng Bi tích Hôn phối. Để hoàn tất sứ vụ, các gia đình Ki-tô giáo cần ý thức về sự tự hiến phải được bảo đảm và đổi mới không ngừng. Nói cách cụ thể, không chỉ một mà cả hai người phối ngẫu phải sống trung thực suốt đời với lời thề hứa mà mình đã tuyên đọc trong thánh lễ Hôn phối. Và nhất là đừng quên học hỏi và cầu nguyện sống sao cho xứng đáng là bản sao trung thực nhất mẫu gương Gia đình Thánh Na-da-ret. Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.