Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cha và xe hơi

Tác giả: 
Lm Hương Quất

 

 

CHA VÀ XE HƠI ?

 

1. Mỗi lần về Hố Nai thăm Cha cố (Cha nghĩa phụ), thăm nhà quê, tầm trưa đói bụng tớ hay ghé quán ăn Gia đình của đôi vợ chồng trẻ… Tớ kết quán này, đơn giản quán có bàn ngồi cao ráo, thông thoáng, sạch sẽ, vệ sinh.

 

Anh chủ quán hỏi chú ăn cơm nào… rồi quay ra làm. Tớ mang dế lướt facebook, chờ…

 

Anh chủ đến, có vẻ rụt rè, hỏi:

 

- Cho con hỏi, nếu không phải bỏ qua. Trông chú giống cha lắm, không biết có phải không?

 

- Thấy ngố ngố, khờ khở chứ gì ? Tớ hài hước.

 

- Dạ không, qua cách ăn mặc, làm Dấu trước và sau khi ăn… vợ chồng con nghi nghi!

 

Tớ trả lời đúng rồi và tiếp trả lời mấy câu hỏi liền ngay: Cha đang ở giáo xứ nào? Hạt nào ?…

 

- Sao lại nghi nghi ?

 

- Con thấy cha bình dân quá, lại chạy xe máy, xin lỗi cha hơi cũ. Các cha thường di xe hơi, có người chở…

 

- Ở ngoài quê Bắc con đấy à, mấy cha trẻ mới làm Linh mục vài tháng là có xe hơi đi ngay. Cô vợ trẻ tham dự câu chuyện.

 

- Chắc chỉ một số ít cha thôi ai lại cào bằng chung chung ‘mấy cha trẻ mới làm Linh mục…’. Đại khái giống như cây rừng, một cây đổ làm chấn động cả khu rừng, dễ làm ta chú ý trong khi đó hàng trăm, hàng triệu cây nảy mầm, âm thầm phát triển thì không thấy…

 

- Con không dám nói là tất cả, nhưng nhiều cha trẻ mới làm Linh mục đã thấy đi xe hơi.

 

- Tôi không biết bên quê cô thế nào, tôi chỉ căn cứ lớp tôi ở đây, chịu chức gần 20 Linh mục đã hơn 6 năm những cha có xe hơi đếm chưa hết một bàn tay. Xét cho cùng, các ngài cũng nên có vì mục vụ, đi xa…

 

Vả lại, đi xe hơi bây giờ cũng phổ biến, có gì lạ và ghê gớm đâu. Có xe hơi đi cũng tốt, nhất là cho sự an toàn…

 

Tớ giơ cánh tay gẫy hai khúc bể, mổ nẹp năm trước, còn vết sẹo mới như con lươn chạy dài… khoe.

 

- Nếu mà tôi đi xe hơi đâu có cảnh quẹt té xe- tai nạn như thế này. Thực ra tôi chưa bao giờ coi đây là tai nạn mà là Hồng ân Chúa ban có nhiều vấn đề cho tôi suy tư- ngẫm nghĩ. Chẳng hạn…

 

Tớ cố tình bỏ lửng để nhử vợ chồng trẻ hỏi tiếp… nhưng họ không dám hỏi.

 

- Chẳng hạn… Có việc cần đi xa, đừng tiếc tiền kêu chiếc xe hơi đi cho sướng....

 

- Cha nói vậy chứ đâu phải vậy !

 

Tớ quay qua cô vợ trẻ, bất ngờ đổi đề tài:

 

- Cô thất hứa với tôi mấy lần đấy ?

 

- Ơ… con có hứa với cha cái gì đâu ?

 

- Đúng, với cha thì không hứa, nhưng với ‘chú’ thì có đấy. Chỗ tường trống xứng đáng kia, Cô hứa treo ảnh Đạo mấy lần mà chưa thấy. Nhà mình có Đạo, không ngại tỏ cho biết mình có Đạo cũng là cách sống Đạo, tuyên xưng Đức tin, ít ở mức tối thiểu.

 

2. Xe hơi bây giờ quá phổ biến, Đức cha đặc biệt quan tâm đến sức khỏe- an toàn cho quý cha, nếu có nói cũng chỉ ‘khuyến cáo’ đừng mua xe sang qúa, mắc quá, (cỡ hàng tỉ, nhiều tỉ) không cần thiết.

 

Mà nghĩ một số người cũng ngộ thật.

 

Khi thấy cha đi xe máy thì xót xa bảo sao cha không mua chiếc xe hơi mà đi, xe vừa vừa, bình thường chạy tốt cũng đâu phải quá mắc… Còn khi thấy cha có xe hơi, nhất là cha trẻ lại có vẻ khó chịu, biết đâu sau lưng lại nói: giảng khó nghèo thì hay nhưng khó mà sống nghèo được. Sống nghèo thì sao có xe hơi.. !

 

(Hình như có sự ngộ nhận. Chúa Giêsu kêu gọi sống nghèo không phải kiểu khố rách áo ôm. Chúa cảnh cáo người giầu ‘vào Nước Trời khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim’ không phải coi tiền bạc- giàu có là xấu (xấu, tốt là do ta dùng tiền, nếu ta làm chủ tiền thì quá tốt, nếu ta làm đầy tớ tiền thì rất nguy!) Ở đây Chúa cảnh cáo cần sống Tỉnh thức- cảnh giác nhất là trước sự quyến rũ hấp lực của tiền bạc dễ khiến ta làm nô lệ, coi tiền bạc như thần thánh rồi làm ta xao lãng- mất can đảm khi cần sống cho việc quan trọng và thiết yếu hơn…

 

(Đặt trong bối cảnh câu nói trên của Chúa Giêsu. Chàng thanh niên giầu có khao khát sống đời trọn hảo đến xin Thầy Giêsu chỉ dạy. Thầy Giêsu đã chỉ, cách dứt khoát: mang hết của cải chia sẻ cho người nghèo sẽ được kho tang Trên Trời rồi đến làm môn đệ Thầy… Chàng thanh niên đã bỏ cuộc, vì lòng còn nặng nề với tiền của !)

 

 Cái gốc của sống nghèo là ở tinh thần. Sống nghèo theo Tin Mừng là sống thanh thoát với của cải vật chất trần thế, làm chủ tiền của, không bám víu- lệ thuộc quá đáng vào chúng; biết khiêm tốn cậy dựa vào Chúa; biết chia sẻ Bác ái…

 

Dưới lăng kính này, có những người ngồi trên đống tiền họ vẫn ‘sống nghèo’ tốt, rất tốt (vd: nhiều Thánh thuộc hàng vua chúa, quý tộc, gia đình đại gia…); có người nghèo vật chất, đi xin ăn khắp nơi vẫn thuộc hàng ‘kẻ giàu’ vì kiêu căng tự phụ coi mình như ‘đỉnh cao trí tuệ’, vì hám tiền nên ăn cướp, tham nhũng, bất chấp thủ đoạn... gây bao khốn nạn cho người khác. Những người lắm tiền kiểu ‘duy vật’ này (chỉ biết có vật chất, coi vật chất quyết định tất cả, coi tiền quan trọng hơn tình người, công lý …) thì rơi đúng vào trường hợp Chúa Giêsu cảnh cáo: ‘Người giàu có vào Nước Trời khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim’ hay ‘được lời lãi cả thế gian mà mất phần linh hồn thì được ích gì’

 

3. Nói đi cũng phải nói lại…

 

Việc Linh mục mua xe hơi, cũng không loại trừ có người thích đời sống dễ dãi, hưởng thụ, vẫn có những yếu đuối (con người mà!)…

 

Và để có xe hơi theo kiểu vội quá ‘mới làm Linh mục’ nếu do nhà khá giả, anh chị em giúp đỡ đã là điều không nên, chứ có được vì quen đại gia thì càng và thật khó nghĩ, khó xem…

 

Nghĩa là cũng có trường hợp mua xe khi nhu cầu chưa thực cần thiết.

 

Tớ tin, Linh mục vốn được đạo tạo rất kỹ về lương tri- lương tâm ngay thẳng, lại luôn tiếp xúc Lời Chúa soi dẫn- sẽ biết rõ khi nào ‘thực cần thiết’…

 

Một câu chuyện hơi buồn:

 

Trong dịp họp Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn nhân kỷ niệm biến cố trọng đại của Đại Chủng Viên, quy tụ Anh Em Linh mục thuộc bảy Giáo phận từng tu học ở đây. Tớ gặp một Linh mục trẻ, mới chịu chức một vài năm, đang làm cha phó, chỗ thân quen ngài ‘khoe’ mới tậu được xe.

 

Tớ không quan tâm đến việc ngài ‘tậu xe’ bởi như đã nói việc có xe hơi ngày này là điều hết sức bình thường, chẳng có gì lạ, với lại anh em ngài cũng khá giả, với lại xe hơi ngài tậu cũng bình thường, ‘mua lại’ giá khoảng 400 triệu Hồ tệ gì đấy… (bây giờ có ‘mua lại’ giá chừng trên dưới 100 triệu !)

 

Song cái đáng buồn ở chỗ ‘lý do’ tậu xe, theo ngài: Hay đi Sài Gòn dự lễ này, lễ nọ, cứ phải thuê xe… Cầm tiền nhiều chẳng biết làm gì, lại nguy cơ lạm pháp, mất giá.

 

Tớ buồn ở câu: ‘Cầm tiền nhiều chẳng biết làm gì…’

 

Ô hay, bao nhiều nhu cầu thiết thực Giáo phận ngài đang cần chung tay; Ngay ở trong xứ đạo, nếu biết nhìn ngang- nhìn xuống khối cái cần làm; đấy là chưa kể nhiều hoạt động từ thiện của đoàn thể, của các cha cần chia sẻ (như quán cơm yêu thương; nhà trẻ mồ côi, cưu mang chị em cơ nhỡ…)

 

Thực ra, ‘cái buồn’ như trên tớ gặp rất ít, trong khi đó tớ được gặp, được sống với nhiều Linh mục, cha cố đáng nêu gương sống, liên quan đến xe hơi.

 

Ở đây xin kể hai cha xứ dư sức mua xe hơi xịn nhưng vì thấy nhu cầu chưa thực cần thiết, nên không mua.

 

Ở cha xứ thứ nhất, ngài bảo lâu lâu mới đi xa, thôi thì kêu xe ngoài đi- như cách tạo thêm việc làm cho người ta, tiền bạc sòng phẳng.

 

Ở vị cha xứ thứ hai, vẫn trung thành đến giờ với chiếc cup 81 mặc dù con cháu Việt kiều cứ bảo ‘cha bác- cha chú’ mua xe đi chúng con giúp…, nhưng ngài chân tình: Giáo xứ nhiều việc cần làm, cho bao nhiêu thì cứ gởi về, còn việc mua xe cứ từ từ…   

 

4. Quay trở về quán cơm

 

Tớ ra tính tiền, cô vợ trẻ không lấy, bảo chẳng đáng gì, cho vợ chồng con mời cha  (cũng ngại thật !)

 

‘Đáp lễ’ tớ gởi tặng Vợ chồng trẻ chủ quán quyển ‘vụn vặt suy tư…’, và quảng cáo:

 

- Có một ‘vụn vặt’ nhân vật chính là vợ chồng cô đấy, nhất là cô

 

- Con á… Con mà được cha viết truyện… ?

 

- Đây này, vụn vặt ‘Chồng và khách’[1]… Bữa đó thấy cô khó chịu với chồng, cằn nhằn cái gì đó.

 

- Ôi, chúng còn lục đục, cằn nhằn hoài…

 

- Thế thì không tốt đâu, nhất là không tốt cho cô… Bớt đi là vừa !

 

Tại sao không tốt cho cô và cho tất cả các chị em không? Đơn giản, chị em được gọi là phái đẹp, có sứ vụ góp phần làm cho đời sống tươi đẹp… Thật là phản cảm và trái với sứ vụ làm đẹp nếu hay la mắng, cằn nhằn chồng con. Cô thấy đúng không ?

 

Cô chủ cười hiền thay câu trả lời. 

 

Lm. Đaminh Hương Quất  

 

[1] x. http://conggiao.info/chong-va-khach-d-40988