Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Rượu mới bình mới

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

RƯỢU MỚI BÌNH MỚI (CN II TN-C)

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay có liên quan đến lễ Hiển linh và lễ Đức Giê-su chịu Phép rửa, vì trong cả ba lễ này, Đức Giê-su đều tỏ vinh quang của Người ra dưới nhiều khía cạnh khác nhau: Chúa Nhật lễ Hiển linh, Đức Giê-su tỏ mình ra cho dân ngoại qua ba Đạo sĩ nơi ngôi sao lạ, để loan báo ơn cứu độ phổ quát cho muôn dân; Chúa Nhật lễ Đức Giê-su chịu Phép rửa, Thiên Chúa Cha giới thiệu Người là Con Yêu Dấu và được Chúa Thánh Thần tấn phong, đây là một cuộc mạc khải về thiên tính và sứ vụ của Đức Giê-su; Chúa Nhật hôm nay (CN II/TN), Đức Giê-su tỏ vinh quang của Người cho mọi người dự tiệc cưới qua dấu lạ đầu tiên, đó là “phép lạ biến nước lã thành rượu ngon”.

 

Câu mở đầu bài Tin Mừng hôm nay (“Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê” – Ga 2, 1) khiến người đọc nảy sinh thắc mắc không hiểu tại sao thánh sử Gio-an lại viết như vậy. Nếu theo trình tự sách Tin Mừng theo thánh Gio-an thì Chương I, sau “I- LỜI TỰA”, tác giả bắt đầu trình thuật về “II- SỨ VỤ CỦA ĐÚC GIÊ-SU: 1. LOAN BÁO NHIỆM CỤC MỚI” với mục “A. Tuần lễ khai mac”, phần mở đầu là “Lời chứng của ông Gio-an”, tiếp theo là phần trình thuật Đức Giê-su thu nhận “Các môn đệ đầu tiên”. Cuối phần này, kể chuyện ông Na-tha-na-en tới gặp Đức Giê-su và tuyên xưng “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua It-ra-en!” và đã được Người hứa: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các Thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống nơi Con Người.” (Ga 1, 49-51). Sang đến Chương II, thì mở đầu bằng “Tiệc cưới Ca-na”. Tiệc cưới này xảy ra vào ngày thứ ba tính từ khi Đức Giê-su gặp ông Na-tha-na-en.

 

Như vậy là đã rõ, tại sao tác giả Gio-an lại viết “Ngày thứ ba”. Tuy nhiên, ở đây, cần  phải hiểu sâu hơn về cụm từ “Ngày thứ ba”: Trong tất cả các sách Tin Mừng, cụm từ ấy luôn luôn dành để loan báo việc Chúa Giê-su sống lại vào ngày thứ ba sau khi tử nạn. Điều đó cho thấy thánh Gio-an có chủ ý muốn kể câu chuyện tiệc cưới Cana trong ánh sáng và bầu khí Phục Sinh. Thật là ý nghĩa khi mở đầu cho sứ vụ cao trọng “Cứu độ nhân loại” là việc Chúa tỏ mình ra trong một tiệc cưới, và tiệc cưới ấy lại xảy ra vào ngày thứ ba là ngày tiên báo Người hoàn tất sứ vụ bằng mầu nhiệm Phục Sinh vinh hiển. Rõ ràng thánh sử Gio-an muốn đặt câu chuyện tiệc cưới vào trong bối cảnh Tin Mừng Phục Sinh, sâu xa hơn nữa là bối cảnh “tiệc cưới cánh chung” (ngày tận thế).

 

Thật vậy, mở đầu cho sứ vụ của Đức Giê-su là phép lạ ở một tiệc cưới, cũng như mở đầu cho sự sống nhân loại là tiệc cưới Nguyên tổ (“Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra." Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” – St 2, 23-24). Và khi hoàn tất sứ vụ cứu độ nhân loại là tiệc cưới Phục Sinh, thì khi chấm dứt lịch sử loài người là tiệc cưới cánh chung (xc. “Dụ ngôn tiệc cưới” – Mt 22, 1-14; Lc 14, 15-24). Như vậy cũng có thể nói tất cả các dữ kiện về tiệc cưới đều nhằm nói lên một cuộc hôn nhân giữa Thiên Chúa và oài người từ khởi nguyên (Alpha) cho đến tận cùng (Omega).

 

Vì thế, người ta không ngạc nhiên khi thấy Đức Giê-su khởi đầu sứ vụ của Người nơi một tiệc cưới. Ở tiệc cưới ấy, người ta thiếu rượu. Quả thật là trong mọi tịêc cưới của loài người vẫn cứ luôn luôn và mãi mãi thiếu rượu, nên đã khỉến không biết bao nhiêu cuộc hôn nhân trở thành trò mua bán, thứ lừa đảo, rồi “tuần trăng mật” biến thành “tuần vỡ mật”, “trăm năm hạnh phúc” trở thành “ngàn năm ôm hận”, đĩa bay, bát bay ì xèo, thậm chí hôn phu và hôn thê lâm cảnh “Anh đi đường anh, tôi đường tôi, Tình nghĩa đôi ta có thế thôi!” (Thế Lữ)… Thứ rượu thiếu ấy không phải và không thể là những thứ Whisky, XO, Seven Crown, Half and Half, Baileys, Royal Salutte, hay Hồng Tửu, Bách Nhật Tửu v.v… và v.v…, mà là thứ “Bác Ái Tửu” Thiên Chúa đã ban tặng ngay từ cuộc hôn nhân đầu tiên của loài người. Chỉ tiếc một điều, con người đã không nhận ra, mà đi kiếm đủ thứ rượu tạp nham để rồi thì “không say không về” đến độ say khướt chìm đắm trong vũng lầy tội lỗi.

 

Như vậy phép lạ biến nước thành rượu ở tiệc cưới Cana mang một ý nghĩa vô cùng thâm thuý và rất quan trọng. Một cách cụ thể là Đức Giê-su Thiên Chúa – vị hôn phu mẫu mực và tuyệt đối trung thành của nhân loại – hiểu rất rõ tình trạng “thiếu rượu” trong hôn nhân giữa loài người với nhau và với Thiên Chúa, nên Người muốn canh tân thành “rượu mới bình mới’ (Lc 5, 37) cho đúng với tinh thần Giao Ước Mới. Nói cách khác, Người muốn mở một kỷ nguyên mới, lập một trang sử mới cho chế độ hôn nhân Ki-tô Giáo bằng một Bí tích nhiệm mầu là thứ rượu mà Người khẳng định trong bữa Tiệc ly: “Đây là chén Máu Thầy, Máu Giao Ước mới, Giao Ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 27-28). Đó mới thực sự là Rượu Tình Yêu – Bác Ái Tửu – dành cho cuộc hôn nhân vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và loài người. Và vì thế, nên phải coi tiệc cưới Cana là lễ hôn phối đầu tiên trong Đạo Mới đã được chính Đức Giê-su Thiên Chúa làm phép cuới trước sự chứng kiến của Mẹ Maria, các Tông đồ và đông đảo dân chúng. Và kể từ nay, hôn nhân phải “một vợ một chồng, bất khả phân ly, tràn đầy ân sủng, muôn đời hạnh phúc” trong Thiên Chúa Tình Yêu. 

 

Ngoài ra, như thánh Gio-an ghi nhận: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Ga-li-lê để bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.” (Ga 2, 11), phép lạ Chúa Giê-su làm tại tiệc cưới Cana được coi là phép lạ dành riêng cho các môn đệ và đám đông dân chúng đến dự tịêc. Tại sao vậy? Vì các môn đệ mới được thu nhận rất cần được củng cố niềm tin vào Người Thầy Chí Thánh của mình. Còn đối với dân chúng, mới chỉ biết ông Giê-su Na-da-ret là con bác thợ mộc Giu-se và bà Maria hiền lành, nên lại càng cần phải cho họ hiểu “Người là ai?” Đó phải chăng là một trong 4 lần tỏ mình của Chúa Giê-su. Ba lần kia là: 1- Người tỏ mình cho các mục đồng, những con người nghèo khó; 2- Người tỏ mình cho 3 đạo sĩ đại diện cho dân ngoại; 3- Người chịu phép rửa trên sông Gio-đan. Và lần thứ tư là tại tịêc cưới Cana được sắp xếp vào tuần Phụng vụ thứ hai của mùa Thường Niên như để định hướng cho cuộc đời của người tín hữu Ki-tô.

 

Cuối cùng, còn phải lưu ý một điều là ở tịêc cưới Cana, thì sự hiện diện của Đức Maria thật vô cùng ý nghĩa, bởi chính Mẹ là nhịp cầu nối liền giữa Thiên Chúa với loài người. Thiên Chúa luôn mong muốn đến với con người, nhưng con người hầu như không muốn đến với Thiên Chúa (bằng sự “tai điếc mắt ngơ, thờ ơ lãnh cảm”). Nhịp cầu nối thánh thiện nhất chính là Mẹ Maria: Mẹ đã “xin vâng” cưu mang Đấng Cứu Độ đem đến cho nhân loại an binh và hoà giải, đồng thời trong suốt cuộc đời trần thế, Mẹ luôn cầu bầu cùng Thiên Chúa giảm cơn thịnh nộ, thương ban cho con cái “Rượu Tình Yêu” như Lời Người đã hứa. Chỉ cần một câu ngắn gọn "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo" (Ga 2, 5) đã đủ nói lên tất cả tấm lòng thương yêu của Mẹ đối với con cái, đồng thời biểu hiện rõ ràng tâm tình của Mẹ đối với Thiên Chúa mà Mẹ cũng rất muốn truyền lại cho con cái trần gian, đó là hai tiếng “xin vâng”.

 

Vai trò người Mẹ trong tiệc cưới lại càng sáng tỏ hơn dưới chân thập tự: Mẹ được trao quyền làm Mẹ Giáo hội, mà Giáo hội đã được coi là hiền thê của Đức Giê-su (Hs 2, 21; Is 54, 5-8; Is 62, 5; Ep 5, 21-33; 2Cr 11, 2); vậy thì có khác gì đây cũng là một tiệc cưới giữa hôn phu là Người Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ, với hiền thê là Giáo hội lữ hành, mà Mẹ đang đại diện Thiên Chúa Cha đứng làm chủ hôn? Mẫu tính thiêng liêng của một người Mẹ, làm chúng ta tin tưởng tuyệt đối rằng, Mẹ Maria vẫn luôn theo dõi từng bước đi của Giáo hội, của từng Ki-tô hữu. Mẹ sẽ âm thầm cầu bầu, che chở cho chính chúng ta trước những phong ba thử thách vượt quá sức chịu đựng của con người. Những lúc mà chúng ta “hết rượu” như chú rể, cô dâu trong tiệc cưới Cana năm xưa, thì Mẹ lại ẩn mình dưới nhiều hình thức khác nhau để giúp con mình được Trưởng Tử Giê-su thương đoái. Lúc đó, bình rượu mỗi người không chỉ được đầy mà còn là “rượu ngon”, bởi chính đó là “Đệ nhất Bác Ái Tửu: Rượu Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô.”

 

Từ tiệc cưới Cana, người Ki-tô hữu cần rút ra được bài học là chính trong Hội Thánh và nơi Thánh Thể mà chúng ta thấy kết tinh kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Ở đây rõ ràng có tiệc cưới Con Chiên. Rượu sẽ hóa thành Máu và Máu sẽ ban Thánh Thần cho những ai lãnh nhận để một Thần Khí Thiên Chúa sinh hoạt nơi mọi phần tử trong Giáo hội. Tham dự thánh lễ Chúa nhật II/TN-C (được tham dự “Tiệc cưới Cana”), chúng ta phải kết hiệp với Thánh Linh; rồi phải sống như mình thực sự là một chi thể trong một thân thể duy nhất. Phải đem hết khả năng thi hành nhiệm vụ riêng để phục vụ cộng đoàn. Lúc ấy Hội Thánh mới tỏ ra thực là một thân thể, có Đầu là Đức Giê-su và Thần Khí là hệ tuần hoàn nuôi dưỡng toàn thân, minh chứng Thiên Chúa luôn kết hiệp với dân Người, thể hiện mọi lời tiên tri về hôn nhân. Người Ki-tô hữu muốn được vậy, hãy chạy đến cùng Mẹ. Chỉ có Mẹ và nhờ Mẹ, chúng ta mới sống một cuộc sống hôn nhân không bao giờ sợ thiếu rượu và chứa chan hạnh phúc đến muôn đời.

 

Ôi! Lạy Mẹ Maria, cuộc sống hôn nhân trong gia đình của chúng con cũng đã không ít lần hết rượu ở quá khứ và Mẹ đã âm thầm giúp đỡ để chúng con vượt qua. Trong tương lai chắc chúng con cũng sẽ còn phải đối đầu trong nhiều lần hết rượu khác nữa. Cúi xin Mẹ cho chúng con biết tín thác vào Mẹ và hiểu rằng Mẹ vẫn luôn sẵn sàng tiếp thêm rượu cho chúng con vào những lúc cuộc sống hôn nhân gia đình của chúng con bế tắc vì thiếu rượu Giao Ước Mới. Ôi! “Lạy Nữ Vương Gia Đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ, chúng con biết cậy trông ai. Đời chúng con gian nan khổ sở lắm. Gia đình chúng con long đong tối ngày. Nhưng có Mẹ ở bên chúng con, chúng con sẽ quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đầy. Mong ngày sau sung sướng cùng Mẹ trên Thiên Đàng. Amen.” (Kinh “Nữ Vương Gia Đình”).

 

JM. Lam Thy ĐVD.