Quy luật của đồng hành: Sự tiệm tiến theo thời gian
QUY LUẬT CỦA ĐỒNG HÀNH:
SỰ TIỆM TIẾN THEO THỜI GIAN
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ấn định chủ đề Mục vụ tháng 2/2019 là: QUY LUẬT CỦA ĐỒNG HÀNH: SỰ TIỆM TIẾN THEO THỜI GIAN. Theo từ nguyên (Wikipedia), “Quy luật” là quan hệ không đổi, được biểu thị dưới dạng công thức khái quát, giữa nhiều hiện tượng hoặc nhóm hiện tượng (Vd: Quy luật phát triển xã hội; Quy luật lịch sử; Quy luật kinh tế; Quy luật di truyền…). “Tiệm tiến” (động từ): tiến triển dần dần, tuần tự phát triển (Vd: vận động tiệm tiến từ thấp đến cao; sự hiểu biết phát triển tiệm tiến từ nông đến sâu; nền kinh tế phát triển một cách tiệm tiến).
Như vậy, QUY LUẬT CỦA ĐỒNG HÀNH: SỰ TIỆM TIẾN THEO THỜI GIAN mang ý nghĩa: “Mối liên hệ bản chất ổn định và phổ biến của ĐỒNG HÀNH sẽ phát triển dần dần theo thời gian”. Đơn giản chỉ có vậy, nhưng vì sao đây lại là chủ đề học tập cho một tháng phụng vụ? Thắc mắc, truy cập trên web mới thấy không chỉ đơn giản có vậy. Xin cùng tìm hiểu:
I. Khái niệm về Luật Tiệm Tiến:
1- Tính tiệm tiến: “Dục tốc bất đạt” là câu tục ngữ ý nói muốn làm gấp thì không thành công. Câu tục ngữ này xuất phát từ lời dạy của Đức Khổng Tử trong sách Luận Ngữ: “Vô dục tốc, vô kiến tiểu lợi: Dục tốc tắc bất đạt, kiến tiểu lợi tắc đại sự bất thành.” (Chớ muốn mau, chớ thấy lợi nhỏ: Muốn mau thì không đạt, thấy lợi nhỏ thì việc lớn không thành). Ý nói mọi việc đều phải cẩn thận, bình tĩnh làm đúng bài bản, có trình tự. Trong thực tế, các chính sách xã hội có các tác động phức tạp và không thể đánh giá hết được các tác động và ích lợi của chúng, nên phần lớn các chính sách được xây dựng theo phương thức tiệm tiến: làm từ từ để ngày càng tốt hơn.
Như vậy, có thể thấy tính tiệm tiến có mâu thuẫn với tính khoa hoc, nhưng đây là thực tế hoạt động và xét cho cùng, nhìn nhận tính thực tế của các điều “phi” khoa học cũng chính là khoa học. Nói cách khác, tính khách quan của khoa học chính là phải tính đến các điều kiện chủ quan – các dữ kiện thực tế về trình độ phát triển của con người, xã hội với các môi trường, tâm lý, thói quen cụ thể. Vì thế, trong xã hội có lời khuyên: “tuần tự nhi tiến” (tiến hành từ từ theo đúng một trình tự nhất định) và “luật tiệm tiến” xuất phát từ đó.
2- Luật Tiệm Tiến:
a- Luật Tiệm Tiến trong luân lý: Theo nghĩa thông thường, luân lý là những qui tắc ứng xử, những tập tục, những giá trị phổ quát được công nhận trong một xã hội hoặc một nền văn hóa để giúp cho người ta biết phân biệt đúng sai. Lâu ngày, những qui tắc này trở thành một thứ luật lệ bất thành văn. Những hành vi đi ngược lại với luân lý bị coi là “đồi phong bại tục” (phong tục hủ bại), trong khi những hành vi không đếm xỉa đến luân lý thì bị coi là “phi luân lý” (không có luân lý).
Về tôn giáo thì Công giáo tin có một nền luân lý khách quan. Nền luân lý này bao gồm luật tự nhiên (natural laws) và luật trường cửu (eternal laws). Vũ trụ được Thiên Chúa tạo thành và tồn tại trong một nền trật tự vững vàng, vì vậy, để tồn tại, vạn vật phải sống theo một trật tự thích hợp. Vạn vật mang sẵn bộ luật tự nhiên để tiến hoá, chẳng hạn khi đói thì biết ăn, khi gặp hiểm thì biết tự bảo vệ. Công giáo xác tín luật trường cửu thể hiện qua Mười Điều Răn có giá trị vượt thời gian và không gian, là nền tảng của trật tự sống, đó là một “hành vi luân lý”. Hành vi luân lý không phải là một hành vi nhằm thích hợp với hoàn cảnh, nhưng là một hành vi làm sáng danh Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi một hành vi luân lý đích thực phải biểu lộ được phẩm chất luân lý khách quan trong sự hiệp thông với Giáo hội.
Thánh Kinh cho biết con người không sáng tạo ra luật trường cửu. Luật trường cửu là chân lý. Chân lý hiển nhiên và khách quan, luôn luôn đi trước tri thức con người, vượt khỏi giới hạn không gian và thời gian. Như vậy, lề luật luân lý là cách thức giáo huấn, là phương pháp sư phạm Thiên Chúa sử dụng để hướng dẫn con người tránh xa điều ác, ngõ hầu được tham dự vào đời sống vĩnh cửu của Thiên Chúa hứa ban. Vì thế, lề luật luân lý là những mệnh lệnh vừa có tính cách dịu dàng trong lời hứa, vừa có tính cách nghiêm khắc theo lệnh truyền. Lề luật luân lý được phát triển theo trình tự tiệm tiến với nhiều hình thức khác nhau như luật tự nhiên, luật mạc khải. Lề luật luân lý giúp con người tiến tới hoàn thiện, cùng đích của lề luật luân lý là chính Chúa Ki-tô: "Bởi vì cùng đích của lề luật là Chúa Ki-tô để mọi tín hữu được ơn công chính hóa" (Rm 10, 4).
b- Luật Tiệm Tiến trong tôn giáo: Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự, lương tâm đảm bảo cho luân lý tính, ân sủng là năng động tính để cuối cùng đạt đến “luật tình yêu”. Sự viên mãn của luân lý Ki-tô giáo không phải là vâng phục lề luật cách mù quáng, nhưng là đời sống ân sủng, đời sống làm vinh danh Thiên Chúa, hiệp thông và chia sẻ với tha nhân. Luân lý là một nghệ thuật sống, sống trọn vẹn giây phút hiện tại, không tiếc nuối quá khứ, không than trách dĩ vãng, không mơ mộng tương lai. Thiên Chúa vẫn đang hướng dẫn cuộc đời mỗi người để giúp họ đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Ân sủng Thiên Chúa triển nở trong đời sống mỗi người làm cho mọi hành vi luân lý có giá trị siêu nhiên. Ân sủng chính là tình yêu Thiên Chúa. Ân sủng là lời mời gọi từ trên cao nhập thể vào cuộc đời và biến đổi cuộc đời, để cuối cùng, con người tìm gặp được Thiên Chúa; đó là ý nghĩa và cùng đích của luân lý Ki-tô giáo: Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu Thiên Chúa ban cho loài người cũng theo một trình tự nhất định; đó chính là “luật tiệm tiến”.
II. Sự mạc khải tiệm tiến của chân lý:
1- Tìm kiếm Chúa – tìm kiếm chân lý: Những người dấn thân theo Chúa, làm chứng nhân cho Hồng ân Cứu Độ, rao giảng Tin Mừng cho tha nhân, luôn ước ao khao khát được tuân phục thánh ý Chúa để làm tròn bổn phận, sứ mạng mà Chúa trao phó cho mình, thì đó vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vui. Như vậy, nếu muốn rao giảng về Thiên Chúa cho người khác, dạy dỗ Lời Chân Lý cho họ, thì trước hết người tín hữu phải thực sự nhận biết Chúa, thực sự được ánh sáng chân lý soi rọi. Chúa Giê-su đã khẳng định: "Chính Thầy là đường, là sự thật (chân lý) và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” (Ga 1, 1).
Loan báo Tin Mừng cho người khác là một công việc, nghĩa cử hết sức cao đẹp vì nó gắn liền với trách nhiệm, sứ vụ của mọi Ki-tô hữu thuộc mọi bậc sống trong Giáo hội. Mục đích nhắm tới không gì khác hơn là mưu cầu ơn cứu độ cho tha nhân. Như vậy, nếu muốn cứu người khác, trước hết bản thân mình phải được cứu trước – đây là một luận điểm khá quan trọng vì trong Kinh Thánh, Chúa Giê-su đã nhiều lần nghiêm giọng trách mắng những người nhận mình là thầy dạy lời chân lý nhưng là những người lầm lạc, u mê, mù tối, không hiểu biết ý Chúa (“Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” – Lc 6, 39), hay ở một chỗ khác, Chúa cảnh cáo những kinh sư lầm lạc: "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.” (Mt 23, 15).
Đức Ki-tô còn nhấn mạnh: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn.” (Mt 18, 6). Chúa Giê-su chính là Đấng soi rọi chân lý cho những người dấn thân theo Chúa vì Người chính là Chân Lý. Vì vậy, yêu mến Chúa, yêu mến Lời Người, thực hành tuân giữ vâng phục giới răn sự dạy dỗ của Người, là tiêu chí đặt lên hàng đầu cho những người muốn nhận được “sự mạc khải tiệm tiến của chân lý” theo thời gian. Sự mạc khải tiệm tiến của chân lý là một điều rất quan trọng vì nó khiến người tín hữu trưởng thành trong Chúa, đạt tầm vóc cho bản thân như Chúa mong muốn.
2- Tìm ra giải pháp Mục vụ nhờ luật tiệm tiến: Kinh Thánh cho biết khi thực sự nhận được ơn tái sinh đến từ Thiên Chúa, thì người tín hữu cũng như những em bé về tâm linh và thức ăn đầu tiên để duy trì sự sống linh hồn đó chính là Lời Chúa. Lời Chúa vừa là sữa, vừa là bánh tâm linh cho linh hồn người dấn thân theo Chúa. Tuy nhiên để tâm linh lớn lên trong Chúa, không chỉ dừng lại ở việc chỉ uống sữa mà thôi. Cũng như đứa trẻ mới sinh ban đầu là bú sữa mẹ, rồi theo thời gian em ăn cháo, tiếp theo là ăn cơm mớm, sau đó mới có thể tập tành ăn đồ ăn đặc dành cho người trưởng thành.
Như vậy, theo thời gian, những người sau khi được tái sinh sẽ ăn thức ăn tâm linh từ sơ đẳng đến cao cấp, để có thể trở nên những bậc trưởng thành nhân bản trong Chúa. Thức ăn ấy chính là Lời Chúa. Chúa Giê-su là Đấng soi rọi chân lý cho những người dấn thân theo Chúa vì Người chính là Chân Lý. Vì vậy, yêu mến Chúa, yêu mến Lời Người, thực hành, tuân giữ, vâng phục giới răn và sự dạy dỗ của Người, là tiêu chí đặt lên hàng đầu cho những người muốn nhận được sự mạc khải tiệm tiến của chân lý theo thời gian. Sự mạc khải tiệm tiến của chân lý là một điều rất quan trọng vì nó giúp người Ki-tô hữu trưởng thành trong Chúa, đạt tầm vóc cho bản thân như Chúa mong muốn.
Khi rao giảng Lời Chúa cũng phải hết sức cẩn trọng vì Kinh Thánh là Lời của Đấng Chí Thánh và không thể rao giảng tùy tiện theo ý riêng. “Sự tiệm tiến của chân lý” là sự mạc khải chân lý của Chúa dành cho những người yêu mến Người theo một trình tự tăng dần theo thời gian. Luật tiệm tiến có thể giúp giảm đi mặc cảm tội lỗi nơi người Ki-tô hữu bất chấp những cố gắng của mình, nhưng không đạt tới chỗ sống tất cả những đòi hỏi luân lý. Luật tiệm tiến cũng có thể giúp người Ki-tô hữu phân biệt lý tưởng đạt tới và thiện ích mà người ấy chân thành mong mỏi thực hiện được. Đó là luật mang lại một nền tảng cho một sự hiểu biết mục vụ tốt hơn. Nói cụ thể, luật tiệm tiến chỉ thực sự có thể được áp dụng trong khuôn khổ của việc đồng hành mục vụ.
III. Quy luật của đồng hành: Sự tiệm tiến theo thời gian:
Quy luật là mối liên hệ bản chất, tất nhiên, phổ biến và lặp lại giữa các sự vật, hiện tượng, giữa các yếu tố cấu thành, các thuộc tính của sự vật, hiện tượng. Theo từ nguyên, "Khái niệm quy luật là một trong những giai đoạn của sự nhận thức của con người về tính thống nhất và về liên hệ, về sự phụ thuộc lẫn nhau và tính chỉnh thể của qúa trình tiến bộ thế giới." Những quy luật phổ biến là những quy luật có tính cách cùng khắp trong tất cả hiện tượng, trong tất cả mọi vật, không có vật nào lọt ra ngoài quy luật ấy. Ví dụ: chết là quy luật phổ biến (sinh - lão - bệnh - tử) vì ai ai cũng phải chết cả.
Trong thư gửi tín hữu Do Thái, thánh Phao-lô đã nhắc nhở: “Quả thật, với thời gian, đáng lẽ anh em đã phải là những bậc thầy, thế mà anh em lại cần phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa: thay vì thức ăn đặc, anh em lại phải cần dùng sữa. Thật vậy, phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn là trẻ con. Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ.” (Dt 5, 12-14). Có thể đúc kết vấn đề: Sữa hay đồ ăn đặc tâm linh, tất cả đều là Lời Chúa, là Kinh Thánh, là sự tỏ bày chân lý theo những lớp, những tầng ý nghĩa khác nhau, từ nông đến sâu, từ sơ đẳng đến hoàn thiện. Đó chính là “Quy luật của đồng hành: sự tiệm tiến theo thời gian”.
Kết luận:
Tóm lại, học hỏi lời dạy dỗ luôn đi kèm với thực hành của Chúa Giê-su, người Ki-tô hữu cần ý thức rằng dù ở hoàn cảnh hay địa vị nào, không những ta cầu nguyện để được Chúa đồng hành, đồng thời ta cũng cần đến sự trợ giúp đồng hành của anh chị em. Và dù ở vị trí nào, ta cũng luôn có khả năng trợ giúp và đồng hành với anh chị em mình, trong mọi hoàn cảnh và địa vị của họ. Đồng hành không phải là công việc “một sớm một chiều” đã hoàn thành, mà nó đòi hỏi phải có thời gian, phải có trình tự. Xin đừng bao giờ mong muốn “làm nhanh cho chóng xong công việc”, vì như thế thì điều tất yếu sẽ là “Dục tốc bất đạt”.
Người Ki-tô hữu cần phải ý thức vấn đề và triệt để thi hành sứ vụ theo đúng quy luật “tuần tự nhi tiến” (tiến triển từ từ) như lời dạy của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Tông huấn “Amoris Lætitia” (số 325 – phần kết luận): “Không có gia đình nào là một thực tại hoàn hảo và được kết thành một lần cho tất cả, nhưng đòi một sự tiến triển từ từ khả năng yêu thương của mình (...). Tất cả chúng ta được kêu gọi luôn cố gắng đi xa hơn chính mình, những giới hạn của mình và mỗi gia đình phải sống trong sự khích lệ liên tục như thế. Các gia đình chúng ta hãy tiến bước, chúng ta hãy tiếp tục bước đi! (...). Chúng ta đừng đánh mất hy vọng vì những giới hạn của mình, nhưng cũng đừng từ bỏ không tìm kiếm tình yêu và sự hiệp thông sung mãn đã được Thiên Chúa hứa cho chúng ta.” Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: