Mù dắt mù lăn cù xuống hố
MÙ DẮT MÙ LĂN CÙ XUỐNG HỐ
(CN VIII TN-C)
Sống trong cảnh mù loà là điều đáng sợ nhất. Thật là bất hạnh đối với một đứa trẻ ngay từ khi mở mắt chào đời đã phải sống trong tăm tối, phải chấp nhận một cuộc đời không thấy ánh sáng, không nhìn thấy vẻ đẹp của thiên nhiên, con người cũng như cỏ cây! Lúc lớn lên có thể nghe mọi chuyện, có thể sờ mó tất cả, nhưng không thể nào hình dung ra được hình dáng, màu sắc! Ở đời, khi nói về nỗi khổ thể lý của người bị mù lòa, người ta vẫn thường nói: “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”.
Đó là nói về mặt thể xác, ngoài ra, về tinh thần, con mắt còn được gọi là “cửa sổ của linh hồn” (con mắt không những biểu lộ tâm trạng mà còn nói lên khí chất, tài năng của mỗi người), là “ngọn đèn của thân thể” ("Đèn của thân thể là con mắt của anh. Khi mắt anh sáng, thì toàn thân anh cũng sáng. Nhưng khi mắt anh xấu, thì thân anh cũng tối. Vậy hãy coi chừng kẻo ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối. Nếu toàn thân anh sáng, không có phần nào tối tăm, thì nó sẽ sáng hoàn toàn, như khi đèn toả sáng chiếu soi anh." – Lc 11, 34-36). Quan niệm của người Do Thái đối với những kẻ tật nguyền bẩm sinh (đui mù, què quặt, nói chung là những khuyết tật từ trong lòng mẹ, khi sinh ra đã phải gánh chịu) đều là những kẻ có tội phải chịu những hình phạt khủng khiếp đó.
Bài Tin Mừng hôm nay (CN VII/TN-C – Lc 6, 39-45) trình thuật về dụ ngôn: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” Suy niệm Lời Chúa bất chợt nhớ đến một câu chuyện có thật xày ra: “MỘT TU SĨ KHIẾM THỊ VIỆT NAM ĐƯỢC PHONG CHỨC LINH MỤC” (Wikipedia):
Ngày Chúa nhật 14/10/2012 tại nhà thờ Thánh Hippolyte, quận 13, Paris (Pháp), thầy phó tế khiếm thị Dương thuộc Dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời (AA – Les Augustins de l’Assomption), đã được truyền chức linh mục. Không có vấn đề chiếu cố hay thương cảm đối với thầy. Câu hỏi cần phải trả lời là: “Thầy có đủ khả năng để trở thành một linh mục không?” Cũng như tất cả các vị bề trên Dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời, cha Jean-François Petit, người dạy học cho thầy Dương trong sáu năm, đã trả lời: có! Sự kiện này nói lên những huyền nhiệm diệu kỳ không ai hiểu thấu trong mầu nhiệm ơn gọi. Nhìn lại hành trình của tân chức đã đi là cả một câu chuyện dài thấm đẫm nỗi đau nhưng vượt lên trên là hy vọng, tin yêu và cậy trông.
Linh mục Dương, tên đầy đủ là Phê-rô Phạm Văn Dương, sinh ngày 6/6/1973, tại Rú Đất, hạt Bảo Nham, giáo phận Vinh, thuộc địa bàn xã Long Thành, Yên Thành, Nghệ An. Ngài là con thứ 3 trong gia đình làm nông nghiệp và có tới 10 anh chị em. Cuộc đời dâng hiến của ngài bắt đầu từ mốc gia nhập dòng Anh em Đức Mẹ Lên Trời (AA) kể từ năm 1998. Sau một thời gian học tập tại Việt Nam, năm 2002, thầy Dương qua Pháp. Thật không may mắn, đến năm 2004, khi đường tu còn dang dở, đau thương ập đến với người tu sĩ trẻ tuổi khi thầy bị một loại virus đặc biệt tấn công khiến đôi mắt trở nên mù hẳn.
Con đường ơn gọi tưởng chừng chấm dứt. Giữa lúc cuộc sống trở nên đau khổ tột cùng, thầy Phê-rô Dương vẫn một lòng tin tưởng vào thánh ý Chúa. Con người lạc quan, có cách nói chuyện vui vẻ, hay đùa, hay tếu ấy không bao giờ đầu hàng số phận. Thầy Phê-rô Dương đã có thể theo đuổi việc học nhờ một máy tính nhận dạng giọng nói và những bản văn Kinh Thánh hay Phụng vụ bằng chữ nổi. Và cuộc đời không phụ sự nỗ lực vươn lên và dấn thân miệt mài của vị tu sĩ mù. Ngài được bề trên truyền chức và chuẩn bị sứ mệnh phục vụ cộng đoàn tại Việt Nam. Đúng vậy, vị tu sĩ 33 tuổi này đã có đủ điều kiện để được thụ phong linh mục.
Ngày 5/2/2012, thầy Dương chịu chức phó tế và ngày 14/10/2012 lãnh tác vụ linh mục tại nhà thờ Thánh Hyppolyte (giáo xứ Thánh Hyppolyte cũng là nơi cha giúp việc trong thời gian còn tu học), do Đức cha Eric de Moulins-Beau-fort – Giám mục phụ tá giáo phận Paris – truyền chức. Sau khi chịu chức, tân linh mục Phê-rô Dương làm việc mục vụ tại giáo xứ Thánh Hippolyte và tháng 11/2012, cha trở về Việt Nam để làm phụ tá Giám Tập. Cha đã tìm đến Mái ấm Thiên Ân và mày mò học chữ nổi bằng tiếng Việt. Thánh lễ mở tay của cha Dương được cử hành tại nhà thờ Đa Minh Ba Chuông (TGP Saigon) vào chiều ngày 19/11/2012. Đó là một buổi lễ vô cùng đặc biệt, dành riêng cho các em khiếm thị trong một số mái ấm tại thành phố và tất cả các phần trong phụng vụ đều sử dụng chữ nổi.
Việc phong chức cho người khiếm thị vốn dĩ “xưa nay hiếm”. Tại Pensylvania có linh mục Bernad J. Ezaki bị khiếm thị. Canada cũng có một linh mục khiếm thị. Giáo luật dự trù như thế nào về những trường hợp khiếm thị hay khuyết tật? Giáo luật điều 930, triệt 1, quy định: “Linh mục đau yếu và già cả, nếu không thể đứng được, có thể ngồi khi cử hành Thánh Lễ, nhưng luôn phải giữ các luật phụng vụ; tuy nhiên không được ngồi làm lễ trước mặt dân chúng nếu không có phép của Bản Quyền sở tại (tức Đức Giám mục).” Còn triệt 2 quy định về các linh mục khiếm thị: “Linh Mục mù lòa hay bị tật bệnh nào khác, vẫn có thể cử hành hy tế Thánh Thể hợp pháp, khi dùng bất cứ bản văn Thánh Lễ nào đã được phê chuẩn, hoặc trong trường hợp cần thiết, được sự trợ giúp của một linh mục hay một phó tế hoặc một giáo dân đã được huấn luyện thích đáng.”
Dẫn chứng trên cho thấy Lời dạy của Đức Ki-tô trong bài Tin Mừng hôm nay hoàn toàn không phải chỉ vào trường hợp những người bị mù thể chất, mà thật sự ám chỉ vào những kẻ bị “mù tâm linh”. Đó chính là cách dùng dụ ngôn mà Đức Ki-tô rất hay dùng để giảng dạy. (Dụ ngôn: Nói ví, dùng cách so sánh, ví von để nói cho dễ hiểu). Có nhiều cách dùng dụ ngôn như “Ví dụ” (nói ví); “Ẩn dụ” (ví ngầm); “Tỉ dụ” (so sánh); “Ám tỉ” (so sánh ngầm). Quả thật với biện pháp ẩn dụ trong những dụ ngôn, Đức Giê-su đã làm cho những bài giảng của Người trở nên sinh động, gần gũi, thân tình, giúp cụ thể hoá những ý niệm trừu tượng, khiến người nghe dễ tiếp thu.
Tại sao Chúa không nói thẳng vào vấn đề, mà lại dùng dụ ngôn? Xin nghe chính Người hay kể dụ ngôn giải thích: “Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?" Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.” (Mt 13, 10-15).
Đức Giê-su hay dùng dụ ngôn để giảng dạy, bởi có những sự kiện, những công việc nếu chỉ dùng trí khôn của con người thì không thể hiểu được. Cũng giống như đám người Do Thái “họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu” (Mt 13, 13). Vì thế, Chúa mới dùng dụ ngôn để giúp họ sáng mắt, hiểu ra vấn đề mà Chúa muốn truyền dạy. Vâng, không chỉ những người sống cách đây 20 thế kỷ, mà ngay ở thế kỷ XXI này, cũng vẫn còn không ít những người không hiểu, thậm chí cố tình không hiểu Lời Chúa. Đó chính là những kẻ không thấy cái xà trong mắt của mình, mà chỉ hung hăng đòi lấy cọng rác trong con mắt của người anh em (Lc 6, 41-42).
Tóm lại, người tín hữu hãy nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, trước khi góp ý tu sửa lỗi lầm của người anh em. “Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã” nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình trước khi phê phán người khác. Có nhận ra mối tương quan đích thực với Thiên Chúa, con người mới thấy được tương quan của mình với tha nhân. Tắt một lời: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Trước tiên “Hãy sám hối” là nhận ra thân phận bất toàn của mình, ăn năn hối cải về những sai phạm mình đã mắc phải; để từ đó sống cảm thông, kiên nhẫn, bao dung và tha thứ đối với người khác. Sống như thế, cộng với một đức tin kiên định, con người mới đạt được cùng đích của mình là trở nên giống Thiên Chúa, được làm bạn (Ki-tô hữu) với chính Người Thầy đã dạy: “Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em.” (Lc 6, 42). Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: